MỘT NHÂN VẬT ĐIỂN HÌNH VỚI TRÍ THÔNG MINH TỘT BẬC

TONY BUZAN

Trích: Sức Mạnh Của Trí Tuê Tâm Linh - The Power Of Spiritual Intelligence; Dịch: Khai Tâm First News; Nhà Xuất Bản Tổng Hợp Tp. Hồ Chí Minh

Leonardo da Vinci được xem là một hình mẫu tuyệt vời về trí thông minh toàn diện; nói cách khác, ông là người có khả năng vận dụng và thể hiện tất cả các loại hình trí thông minh của mình rõ nét nhất. Leonardo tài năng đến mức ông được xem là một trong những thiên tài vĩ đại nhất mọi thời đại. Ông gần như hoàn toàn tự học, và là một điển hình cho thấy con người có thể đạt được điều mình muốn bằng quyết tâm phát triển và hoàn thiện trí thông minh sẵn có.

Trái với nhiều giả định, Leonardo không xuất thân từ một gia đình giàu có và cũng không được học hành gì nhiều. Khi còn nhỏ, ông được một họa sĩ nhận vào học việc, nơi ông đã học được các kỹ năng vẽ tranh và tô màu.

Leonardo cho rằng điều biến ông trở thành… cái gọi là thiên tài đó là ông hiểu cách vận hành của não bộ và biết vận dụng khả năng của trí não. Leonardo rất tự hào về việc tự mày mò học hỏi của mình, và từng tuyên bố rằng ông chính là một “đệ tử của kinh nghiệm”.

Bây giờ, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về các loại hình trí thông minh và xem cách Leonardo nuôi dưỡng chúng như thế nào.

Leonardo có sức sáng tạo đáng kinh ngạc. Ông tạo ra các tác phẩm nghệ thuật hội họa, điêu khắc bất hủ và vô số những ý tưởng độc đáo khác. Ngoài tài năng hội họa, Leonardo còn là một nhạc công xuất chúng. Nếu bạn đưa cho ông một nhạc cụ bằng dây bất kỳ, thậm chỉ là loại nhạc cụ mà ông chưa từng biết đến, ông có thể nhanh chóng “làm quen” với nó và chơi những bản nhạc theo cách hết sức độc đáo.

Leonardo là người rất tự tin. Ông yêu thương, quan tâm và chăm sóc bản thân như là người yêu, người bạn thân thiết nhất của mình. Ông cũng rất khéo trong giao tiếp xã hội. Ông là vị khách được đón chào nhiều nhất ở tất cả các buổi tiệc, các hội nhóm ở Florence nhờ vào biệt tài chọc cười, có thể làm mọi người mê mẩn “bay” theo câu chuyện kể và ngẩn ngơ trước khả năng sáng tác, chơi nhạc một cách ngẫu hứng của ông.

Tình yêu thiên nhiên của Leonardo cũng được mọi người biết đến. Ông xem thiên nhiên như là sự hiển lộ của Đấng Tạo hóa và đối xử tốt với động vật một cách khác thường. Có giai thoại kể rằng lần nọ khi đi ngang chợ, nhìn thấy một cái lồng đang nhốt chim (chúng thường được mua về để hót hoặc để làm thịt), ông liền mua rồi sau đó thả chúng ra ngay. Ông ngắm nhìn đường bay của chúng một cách say mê khi chúng lao vút vào không gian tự do vừa tìm thấy.

Leonardo hoàn toàn không chấp nhận ý kiến cho rằng “đầu óc ngu si, tứ chi phát triển” và ngược lại. Ông nổi tiếng là người mạnh nhất thành Florence, với thân hình dẻo dai, tràn trề sức sống và trông cực kỳ hấp dẫn. Sử gia Vasari mô tả rằng trông Leonardo rất đĩnh đạc, những chuyển động của ông rất uy nghi, còn tướng mạo thì đẹp đến nỗi mọi người đều phải đứng lại thành hàng dài trên phố chỉ để nhìn ông bước ngang qua, trên đường đi đến buổi diễn thuyết của ông.

Đặc biệt là Leonardo đã phát triển trí thông minh giác quan (rất quan trọng đối với người nghệ sĩ) và vận dụng nó để khích lệ những người xung quanh nâng cao khả năng cảm thụ. Ông đã hoàn thiện năng lực quan sát của mình đến mức độ phi thường. Có tài liệu ghi lại rằng ông là người đầu tiên nhìn thấy các mặt trăng của sao Mộc bằng mắt thường của mình. Và trong số chép tay về đường bay của chim, ông đã ghi nhận những chi tiết mà thời đó không ai chấp nhận và mãi cho đến 350 năm sau, ngành nhiếp ảnh ra đời mới chứng minh được rằng ông đã đúng!

Đối với Leonardo, các con số là một phần tự nhiên trong trật tự hài hòa của Vũ trụ. Ông dùng con số như là một loại công cụ tư duy cơ bản để đo lường và tính toán trong mọi lĩnh vực hoạt động của mình – nghệ thuật, thiết kế, kỹ thuật và sáng chế. Với trí tuệ phong phú nhiều ý tưởng, Leonardo đã nghĩ ra những thiết kế mới cho các cống dẫn nước, cửa và đập ngăn nước cho sông, tàu ngầm, máy bay và hàng trăm ý tưởng về cơ khí mà trước đây chưa ai nghĩ tới,

Do đã nghiên cứu rất nhiều lĩnh vực nên vốn từ vựng của Leonardo lớn gấp nhiều lần so với người bình thường. Nhờ vào trí tưởng tượng phong phú, ông có thể kết hợp cả hai yếu tố đó (ngôn ngữ và trí tưởng tượng) để cho ra đời những tuyệt phẩm âm nhạc và hội họa. Nhiều đoạn văn của ông chẳng khác nào những bức chân dung, dù chúng không phải được vẽ bằng sơn dầu mà là bằng ngôn từ.

Leonardo sẽ là hình mẫu lý tưởng cho bạn khi đọc cuốn sách này. Hãy nhớ rằng cũng giống như bao người ông từng là một cậu bé, thích thú khám phá và làm chủ trí thông minh của mình.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. BẢY LOẠI HÌNH THÔNG MINH
  2. TRÍ THÔNG MINH CỦA CẢM XÚC
  3. TRÍ THÔNG MINH VÀ KỸ NĂNG TƯ DUY

Bài viết khác của tác giả

  1. THƯƠNG LƯỢNG, NGHỆ THUẬT ĐẮC NHÂN TÂM – SỨC MẠNH CỦA TRÍ TUỆ XÃ HỘI
  2. THƯƠNG LƯỢNG – NGHỆ THUẬT ĐẮC NHÂN TÂM
  3. PHONG THÁI XÃ HỘI

Bài viết mới

  1. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ
  2. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  3. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH