THỰC TẬP CÁI NHÌN DUYÊN KHỞI ĐỂ BIẾT YÊU THƯƠNG CUỘC ĐỜI

SƯU TẦM

Thông Bảo; nguồn Văn hóa Phật Giáo số 366

Từ xưa đến nay, nhiều người cho rằng, Đạo Phật chuyên nói về những điều cao siêu huyền bí, rất khó để một con người bình thường thực hành theo. Hoặc muốn thực hành theo thì ta phải lánh xa việc đời, bỏ hết tất cả vào chốn thâm sâu cùng cốc để có thể yên tĩnh tu hành. Đây chính là một quan điểm sai lầm. Cuộc sống ngày càng hiện đại, nếu con người hay cả những người tu hành không nắm bắt kịp những thay đổi thì sự thiệt thòi sẽ đến với chính họ. Sự tu hành chân chính không đồng nghĩa phải xa lánh thế gian, điều quan trọng là khi ta tiếp xúc với nó, ta nhìn nhận nó như thế nào.

Nhân loại đang chứng kiến nhiều cuộc chiến tranh tương tàn giữa các dân tộc, những hành vi tội ác vô đạo, những hành động hủy hoại môi trường, … Có thể thấy sự thăng tiến về phương diện vật chất và tinh thần của nhân loại chưa tương xứng với nhau. Do vì nguyên nhân nào đó họ đánh mất lòng tin hay vì niềm tin sai lạc nên mất phương hướng trong cuộc sống, dẫn họ đến khuynh hướng phản kháng mạnh mẽ mỗi khi ai đó đụng chạm vào. Cũng có thể, vì khát khao muốn chiếm lấy mọi thứ nhưng không thể đạt được khiến con người sống trong tâm trạng chán nản và để nó vùi lấp mình vào hố sâu của tuyệt vọng, không còn khả năng tiếp xúc với sự mầu nhiệm trong đời sống hiện tại. Có những người mang một niềm thất vọng sâu kín, cảm thấy mình không có giá trị nào trong cuộc đời. Họ không muốn đối diện với mọi người và chính bản thân. Vì thế họ tìm sự quên lãng, vùi lấp đời mình trong những thú vui vô bổ.

Để giải quyết những khủng hoảng đó, con người cần sớm nhận thức tính nghiêm trọng và phải tỉnh táo, soi vào đó bằng cái nhìn của duyên khởi, tạo nên một đôi mắt có tình thương và hiểu biết. Để phần nào giúp ta có cách nhìn tích cực hơn về cuộc sống và làm giảm đi những khổ đau mà nhân loại đang gánh chịu, khiến thế giới ngày một thân thiện, gần gũi, con người thương quý nhau như anh em một nhà.

DUYÊN KHỞI

Duyên khởi là giáo lý nền tảng của Đạo Phật chỉ cho nguyên lý sinh khởi và đoạn diệt do nhân duyên của các pháp hữu vi hay các hiện tượng khổ đau. Tất cả các pháp hữu vi đều do duyên sinh. Sự có mặt của một pháp cũng là sự có mặt của toàn bộ nhân duyên sinh ra nó và ngược lại sự hoại diệt của một pháp cũng là sự hoại diệt nhân duyên sinh ra nó. Các pháp không có thật sinh hay thật diệt. Có thể nói ngắn gọn như câu kinh sau: “Cái này sanh thì cái kia sanh, cái này diệt thì cái kia diệt”. Vì vậy, nhìn cuộc đời bằng đôi mắt duyên khởi để cái thấy không chỉ là cái thấy đơn thuần. Đôi mắt ấy còn đưa đến nhận thức hoàn chỉnh, hành động phù hợp với chân lý của cuộc đời, có khả năng hiểu biết rõ ràng về tính chất khổ đau của bản thân mình và thế giới xung quanh. Được dẫn dắt bởi cái nhìn duyên khởi chính là bước khởi đầu giúp con người từng bước thực nghiệm hạnh phúc an lạc trong đời sống.

Làm thế nào để có một cái nhìn duyên khởi? Theo tác giả, trước hết chúng ta nên học và chuyên tâm thực tập, theo tiến trình lắng nghe học hỏi, suy tư và thực hành (Văn – Tư – Tu). Hạt giống ở trong mỗi người đã có, ta cần trưởng dưỡng hạt giống thiện căn ấy. Sự học hỏi, thực tập một cách tinh tấn liên tục sẽ hiệu quả hơn nếu có thêm người thầy giỏi hướng đạo, người bạn tốt đồng tu. Đây cũng là con đường bắt đầu thực hành công hạnh Bồ tát giúp đời.

Bên cạnh đó, mỗi ngày chúng ta cần có một khoảng lặng, vì sự yên tĩnh luôn là yếu tố cần thiết để giúp cho ta sáng suốt quán xét mọi việc. Xem xét lại cái nhìn của mình như vậy đã đúng hoàn toàn hay chưa, hay đó chỉ là cái nhìn từ một phía. Càng có cái nhìn thấu hiểu chừng nào càng đưa đến hành động đúng chừng đó. Trong một ngày, nếu biết thực tập cái nhìn duyên khởi với tất cả mọi việc mà ta đối mặt, sẽ thấy mình có sẵn rất nhiều điều kiện của hạnh phúc ngay trong hiện tại.

MỌI SỰ TRÊN ĐỜI ĐỀU DO NHÂN DUYÊN, HỢP TAN VÔ THƯỜNG

Tất cả mọi sự vật hay hiện tượng, từ vật lý đến tâm lý, không một pháp nào sinh ra hay diệt đi mà thoát ra ngoài quy luật duyên sinh. Thấy được mọi sự trên đời đều do nhân duyên là cái nhìn trí tuệ đầu tiên mà con người cần phải nỗ lực đạt được. Đời sống hay thế giới này tạo thành là do một chuỗi tương quan liên hệ, trong đó sự sinh khởi và hoại diệt của các yếu tố tùy thuộc một số yếu tố khác làm điều kiện cho chúng. Nhờ vào duyên mà người ta được gặp nhau, trở thành bạn bè, đồng nghiệp, tri kỷ. Tất cả chúng ta có mặt với nhau ở đây không phải tự nhiên, mà do nhân duyên với nhau nhiều đời nên mới gặp. Có người mình chưa bao giờ biết, nhưng vừa gặp thì thấy thân quen. Có người vừa mới gặp đã thấy không hợp. Hay tại sao ta không được sinh vào nhà cao sang quyền quý kia mà lại sinh vào nơi nghèo khổ này… chắc chắn đây là những câu hỏi mà con người thường đặt ra. Khi soi rọi bằng cái nhìn duyên sinh, ta liền hiểu rằng con người do tạo các nhân duyên thiện ác khác nhau nên phải thọ quả như vậy.

Nhận thức được nguyên lý duyên khởi, ta biết được sự hiện hữu của chúng ta trên đời này là hoàn toàn do nhân duyên, do nghiệp lực dẫn dắt, không phải do thần linh hay thượng đế nào tạo ra. Cuộc sống hiện tại của mình cũng là do nhân duyên, do hành động có chủ ý của mình tạo ra, chẳng phải do ai đó sắp đặt hay an bài cả. Từ góc nhìn duyên khởi, nó đã trả con người về với vai trò làm chủ vận mệnh của mình. Nhưng con người, ai cũng sợ khổ đau, lại luôn luôn khởi tâm với những việc bất thiện, rồi tạo những nghiệp mới, để rồi khổ đau này chưa dứt, khổ đau khác lại đến. Và vì sự che mờ của vô minh mà ta không nhận ra được mọi sự trên đời do duyên mà thành, đưa đến sự đổ lỗi hay trông chờ vào tha lực nào khác can thiệp vào đời sống của mình.

Với cái nhìn từ duyên khởi, ta hiểu được nguồn gốc tất cả mọi sự việc xảy ra với bản thân. Từ đó hướng đến xoay chuyển khổ thành vui, bệnh tật thành khỏe mạnh, giận dữ thành hiền lành, ích kỷ thành rộng lượng… hướng con người đến một đời sống cao thượng, sống không vì lợi ích cho riêng mình.

Phàm cái gì do duyên sinh thì cái đó cũng vô thường. Thế giới này không có gì tồn tại mãi mãi, luôn trôi chảy không ngừng thay đổi. Đời người phong sương phiêu bạt, hơn thua với những lợi danh, nhưng chẳng bao giờ nhận ra sự vật giây phút này với sự vật giây phút sau chẳng giống nhau. Cái này sinh ra thì trong khoảng thời gian nào đó cũng sẽ mất đi. Từ người thân, món đồ mà ta yêu quý, hay cả đến ngọn núi cao kia, …rồi cũng sẽ thay đổi theo nguyên lý thành trụ – hoại không. Người hiểu được duyên sinh vô thường là người rất quý trọng những gì mình đã và đang có, không ngừng phát hiện thêm ý nghĩa của nó để làm cho cuộc sống được an vui và ý nghĩa hơn.

TỪ CÁI NHÌN DUYÊN KHỞI ĐẾN LÀM ĐẸP CHO ĐỜI

Cuộc sống vốn vô thường, vô ngã. Nhưng chính vì mê đắm các dục vọng, tiền, tài, danh, lợi mà con người tạo ra cái nhìn sai lầm, gây nên thành kiến, ngộ nhận, khiến cho tâm hồn ngày càng nặng nề. Ta tự gây đau khổ cho chính mình và còn liên lụy đến những người xung quanh.

Theo cách nhìn của duyên khởi thì cái này có mặt cái kia cũng có mặt. Có thấp có cao, có xấu có đẹp, có trong có ngoài… Mọi phân biệt đối đãi đều nương vào nhau mà có mặt. Cả hai mặt của thực tại đều tương sinh, tương duyên, tương khởi, không thể loại bỏ bên này mà giữ lại bên kia được. Khi đã nhìn được mọi sự trên đời đều do duyên sinh, chúng ta không còn rơi vào lối sống mê lầm, tránh được bao định kiến phân biệt chủng tộc, màu da, đẳng cấp. Tất cả những năng lực cuồng nhiệt trong ảo tưởng không còn quay cuồng nữa, trái lại tâm trí ta sẽ trở nên sáng suốt và có trách nhiệm hơn đối với đời sống của mình. Thấy được rằng niềm vui chúng ta có hôm nay có liên hệ với tất cả những gì đã và đang xảy ra ở trong ta và tất cả mọi người xung quanh. Mặt khác, khi ta thấy được bất cứ cái gì sinh ra cũng đều có sự diệt đi, từ đó ta từ bỏ chấp niệm về “của tôi” hay “tôi”. Hiểu được như vậy, tâm ta không còn bị ràng buộc vào bất cứ điều gì, đó là sự an tịnh không cần cầu nguyện hay ban ơn của bất cứ ai. Giống như ánh mặt trời soi chiếu lên thì màn đêm biến mất.

Ta nên thường xuyên cảnh giác và ngăn chặn những hành động bất thiện qua thân, lời hay ý, hãy tỉnh thức đối với mọi ý nghĩ, lời nói và hành vi. Như trong cuộc sống có những người thường cáu gắt, mắng chửi mình, nhưng nhờ có thực tập cách nhìn duyên khởi, ta không còn giận dữ nữa mà thay vào đó là thái độ bình hòa trước những hành vi đó. Nhờ có sự nhìn nhận này mà chúng ta tự thay đổi thói quen hành động của chính mình, biến đau khổ thành con thuyền thanh lương đưa đến bến bờ an tịnh. Dần dần mọi thói xấu sẽ chuyển hóa thành những thói quen tốt. Nhưng quan trọng phải nhìn sâu bằng trí tuệ chứ không phải chỉ nói suông là đủ. Nếu không có cái nhìn đúng đắn sẽ dẫn đến phán xét sai lầm, hành động nông nỗi.

Nhận thức về duyên khởi cũng giúp ta hiểu được mối quan hệ xã hội là một hợp thể hỗ tương; giữa con người với con người, giữa gia đình với xã hội, luôn tiềm tàng một mối liên hệ gắn kết không thể tách rời. Từ những chị lao công, anh công nhân nhà máy đến giáo viên, bác sĩ, … Tất cả mọi người đều quan trọng trong xã hội này. Ta sẽ nhận thấy mỗi hành vi của mình khởi phát đều ảnh hưởng đến người khác và môi trường xung quanh. Giống như một hành động tiêu cực một cá nhân có thể kéo theo sự trì trệ toàn cục. Tất cả tạo thành một vòng khép kín, trong cái này bao hàm cái kia, cái kia lại chứa đựng cái này, hoặc cái này tồn tại không thể thiếu cái kia và ngược lại. Nhờ có cái nhìn như vậy, mỗi khi hành động, nói năng ta đều suy nghĩ thấu suốt. Ta luôn chủ động thực hiện các việc làm theo chiều hướng tốt đẹp bằng cách “sáng cho người thêm niềm vui, chiều giúp người bớt khổ”. Với sức mạnh của sự quán chiếu như vậy, mỗi hành động ta làm đều trở thành suối nguồn thanh lương nuôi dưỡng đóa sen thiện mỹ trong lòng ngày một tăng trưởng để có thể sống thong dong tự tại giữa cuộc đời.

Có thể thấy, sự tồn tại của một cá nhân trên cuộc đời là một phép nhiệm mầu. Nếu toàn xã hội đều có cái nhìn này thì môi trường sống trở nên tốt đẹp, làm bất cứ việc gì cũng đem đến lợi mình lợi người, có lòng từ ái đối với muôn loài chúng sinh, không còn cảnh chiến tranh tàn khốc bởi bom đạn, … Con người sống hoạn nạn có nhau, không còn thờ ơ khi thấy một cảnh đời bất hạnh.

Nếu hằng ngày không thực tập cái nhìn duyên khởi thì khi hoạn nạn xảy đến, chúng ta sẽ không nhìn thấu suốt vấn đề và tiếp tục vùng vẫy trong hoạn nạn, hao tổn năng lượng. Thực tế không có sự lựa chọn nào khác, chúng ta chỉ có cách đón nhận nó bằng cái nhìn của duyên khởi mới có thể khiến ta và mọi người đều thấu hiểu nhau hơn. Thông qua con đường này, không chỉ chính mình mà toàn xã hội đều được an bình. Khi tập nhìn bằng ánh mắt thấu hiểu thì mới có thể tự giải thoát khỏi nghiệp lực và khổ đau, để đạt được hạnh phúc chân thật.

Tu tập giúp nhìn nhận được bản chất của cuộc sống, từ đó mới có thể thoát mọi ràng buộc, khổ đau. Chúng ta cần phải sống với thực tại, cho nên nếu chỉ hy vọng vào việc thoát khổ đau mà không thực tập xóa bỏ thì sau cùng cũng chỉ khiến ta rơi vào cảnh đau khổ hơn mà thôi.

Thế giới đương thời đang có những bước chuyển mình tích cực lẫn tiêu cực trong mọi lĩnh vực. Thực hành nhìn cuộc đời bằng cách nhìn duyên khởi dễ dàng vượt qua chướng ngại thiết lập một thế giới an bình. Cách nhìn về duyên khởi còn soi sáng ý nghĩa tu tập giải thoát đối với mỗi con người, giúp họ chứng nghiệm sâu sắc về sự thật vô thường, khổ đau và vô ngã của hết thảy mọi hiện hữu. Đồng thời việc ấy còn có công năng dứt trừ mọi tham ái và chấp thủ, đưa đến đoạn tận khổ đau. Từ cái nhìn đúng đắn và tích cực này, mỗi người thêm yêu mến cuộc sống và càng phấn đấu nỗ lực để góp phần cho sự phát triển chung của xã hội. Đó chính là giá trị thiết thực của sự thực tập cái nhìn duyên khởi để biết yêu thương cuộc đời.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. SỐNG TÙY DUYÊN THUẬN PHÁP
  2. NHÂN DUYÊN QUÁ KHỨ CỦA BỒ TÁT ĐỊA TẠNG
  3. MỘT NHẮC NHỞ VỀ “DUYÊN KHỞI” NOBEL Y SINH HỌC 2017

Bài viết khác của tác giả

  1. SỨC MẠNH CỦA NHÂN LÀNH – SỨC MẠNH CỦA THIỆN PHÁP – SỨC MẠNH CỦA BỐ THÍ
  2. CON CHỒN CỦA HÒA THƯỢNG HƯ VÂN
  3. 5 CÁCH NUÔI DƯỠNG TÌNH YÊU THIÊN NHIÊN Ở CON TRẺ

Bài viết mới

  1. SỰ KHIÊM TỐN THUYẾT PHỤC
  2. TU TẬP THIỀN BẰNG CÁCH QUÁN TÂM TRONG TĨNH LẶNG
  3. TRAO MỘT LỜI KHEN