LÊ KHANH
Trích: Những quy tắc để con có cuộc sống hạnh phúc, Lê Khanh biên soạn, NXB Lao động, 2009
Một trong những thái độ sống bị phê phán nhiều nhất đó là sự quên ơn.
Tại sao? Đó là do chính lòng tự cao trong mỗi con người, nhất là khi mình có một năng lực nào đó thì sẽ có tư tưởng là tôi có khả năng làm mọi thứ và như vậy, tôi không cần đến sự giúp đỡ của ai, và không cần phải hàm ơn ai!
Với con cái trong nhà, nếu không được nhắc nhở chúng có thể có suy nghĩ như việc mua sắm trang bị tiện nghi vật chất của bố mẹ dành cho mình là điều hiển nhiên, và không cần cảm ơn! Để rồi, khi bước ra ngoài xã hội, trẻ lại nhìn mọi tác động đến mình như một sự tình cờ! Tình cờ gặp được một người chỉ giúp mình đường đi, tình cờ ngồi cạnh một người bạn giỏi toán và được hướng dẫn giải bài tập ngon lành, như thế đâu cần phải cám ơn ai!
Cuối cùng, “đỉnh cao” của sự vô ơn chính là những đòi hỏi bất tận của những đứa “con cưng” – có cái áo đẹp thì phải có đôi giày hợp mốt, có cái máy tính lại đòi cái điện thoại di động… và sau đó biến thành sự đòi hỏi của cá nhân với cộng đồng xung quanh.
“Đừng đòi hỏi xã hội đã làm gì cho mình, mà hãy tự hỏi mình đã đóng góp gì cho xã hội”. Câu nói nổi tiếng của tổng thống Mỹ John F. Kennedy đã cho thấy con người phải sống với sự biết ơn và độ lượng mới có thể giúp cho xã hội phát triển.
Những người vô ơn giống như kẻ sống trên hoang đảo. Đó là một người cô đơn, một người tự xây bức tường thành cao và kiên cố quanh mình, vô cảm trước bất cứ mối tương quan nào. Ngoài ra, họ cũng lạ lẫm với chính mình, vì họ đã từ chối người khác.
Còn người biết ơn là người mở rộng vòng tay. Lòng biết ơn là nhịp cầu để người đến với người. Lòng biết ơn làm nảy sinh bầu không khí yêu thương, một tinh thần chung với nhiều cảm thông và sẵn sàng chia sẻ trong gia đình.
Một gia đình có văn hóa là một gia đình mà mọi người biết sử dụng lời cảm ơn và xin lỗi. Xã hội văn minh là nơi mà bất cứ ai cũng có thể xin lỗi nhau từ những chuyện nhỏ nhặt và cảm ơn nhau từ những điều hết sức bình thường trong các mối quan hệ ứng xử.
Vì thế, ngay từ khi còn nhỏ, chúng ta hãy dạy trẻ nói tiếng cảm ơn và xin lỗi. Cách dạy hiệu quả nhất, đó là chính chúng ta hãy biết nói lời cảm ơn và xin lỗi với trẻ về những gì mà trẻ đã làm cho mình và những sai lầm hay thiếu sót mà ta đã gây ra cho trẻ.