GINA CERMINARA
Trích: Những Bí Ẩn Của Cuộc Đời; Nguyễn Hữu Kiệt biên dịch; Nhà xuất bản Tôn Giáo
Một trong những điều buồn thảm nhất của con người là sinh ra một đứa con tàn tật. Về phương diện vật chất, điều này là một gánh nặng về sự phí tổn tiền bạc và công lao săn sóc cho đứa trẻ. Về phương diện kinh tế, đó là một cái gánh nặng của xã hội phải nuôi dưỡng một phế nhân có thụ hưởng mà không sản xuất. Về phương diện tâm linh, điều ấy gây cho con người một sự hoài nghi về lòng nhân từ của Thượng Đế, và một sự băn khoăn lo ngại cho hạnh phúc của đứa trẻ.
Đối với những cha mẹ đau khổ đó, định luật Luân Hồi có thể đem đến cho họ lòng can đảm và đức tin. Trước hết, theo định luật ấy thì tất cả mọi sự tai ương, tật ách, đau khổ của con người đều là do quả báo gây nên. Trong những tập hồ sơ của Cayce có vài trường hợp những đứa trẻ bị tật nguyền từ khi mới sinh ra, nhưng lại được coi như không phải vì lý do quả báo. Nhưng nói chung thì những phế tật đều là dấu hiệu rõ ràng của sự vi phạm hoặc lỗi lầm trong quá khứ. Kế đó, sự liên hệ giữa cha mẹ và đứa con bị phế tật cũng là do quả báo sinh ra. Những cuộc soi kiếp cho những đứa trẻ bị chứng sưng đầu, câm điếc, chương óc và những tật ách khác, đều luôn luôn nói rằng: “Đó là quả báo, vừa là của cha mẹ, vừa là của đứa trẻ”.
Một trong những thí dụ xác đáng về loại quả báo này là trường hợp của một cô gái nhỏ người Do Thái mới mười hai tuổi, bị chứng động kinh từ thuở sơ sinh. Chứng bịnh này không những là phiền phức khi cô bị lên cơn, mà còn là một trở ngại rất lớn cho sự phát triển cá tính của cô. Theo cuộc soi kiếp thì người cha, người mẹ và cô gái, ba người đã từng xum họp với nhau trong kiếp trước trong một gia đình ở Bắc Mỹ hồi thời kỳ khởi nghĩa giành độc lập. Trong kiếp đó, cha mẹ cô gái nhận thấy rằng theo chế độ cũ của người Anh có lợi về tiền bạc vật chất hơn là theo phe khởi nghĩa giành độc lập.
Trong kiếp đó, nên họ hoạt động để cung cấp tài liệu tin tức cho chế độ Hoàng Gia. Cô gái là một thiếu nữ đẹp và thông minh, nhưng điều này lại là những yếu tố cần thiết có thể giúp ích cho những mưu toan của cha mẹ cô. Thay vì giữ cô trong nhà, cha mẹ cô lại khuyến khích cô dùng những lợi khí sắc bén và quyến rũ kia vào những mục đích chính trị có lợi cho gia đình. Mặc dầu cuộc soi kiếp không nói cho biết kết quả tấm tuồng ám muội kia, nhưng nó đã vạch rõ những hậu quả của hành động ấy trong kiếp hiện tại. Xem xét những hậu quả này, chúng ta mới thấy rằng luật Nhân Quả hành động một cách mầu nhiệm và đúng đắn vô cùng, không hề suy chuyển. Cuộc soi kiếp cho cô gái bắt đầu như sau:
“Những người cha mẹ của linh hồn này nên so sánh những kinh nghiệm đã qua của họ bằng một cuộc soi kiếp cho chính họ, để nhìn thấy những bổn phận và triển vọng của họ đối với linh hồn này.
Bất cứ người nào nhìn thấy sự đau khổ hiện tại của linh hồn này đều phải nhận thức sự kiện “Nhân nào quả nấy”, và không ai có thể kiêu ngạo Chúa Trời, vì ai gieo giống nào sẽ gặp giống nấy.
Sự bành trướng bản ngã và phóng đãng trụy lạc của linh hồn này trong kiếp trước đã in dấu vết trong cơ thể của cô trong lúc hiện tại, vì ai gieo gió ắt sẽ gặp bão. Những người làm cha mẹ phải chịu trách nhiệm một phần lớn về cuộc đời ô trược đó, nhằm mục đích thực hiện những lợi lộc vật chất. Bởi đó, chính họ phải chịu gánh lấy hậu quả trong kiếp này”.
Nói tóm lại, người con gái ấy bị chứng động kinh trầm trọng trong lúc hiện tại là để trả quả báo về sự chơi bời dâm đãng trong kiếp trước. Thật là một điều công bình mà thấy cha mẹ cô có trách nhiệm phải nuôi dưỡng săn sóc một người con mà sự sa đọa phần lớn là do sự lỗi lầm của họ gây ra.
Một trường hợp lý thú khác là của một thiếu nữ ở New York, bị mù mắt từ khi lọt lòng mẹ. Nhìn qua các tấm ảnh của cô ta thì cũng khá đẹp. Người mẹ yêu cầu ông Cayce khám bịnh cho cô ấy, nhưng vì không có một cuộc soi kiếp nên không rõ tật ách mù lòa này nguyên nhân từ đâu. Dầu sao, người mẹ cô yêu cầu một cuộc soi kiếp cho chính bà ấy, và nhờ đó người ta mới thấy rõ mối liên hệ về nhân quả giữa hai mẹ con bà ấy. Trong một kiếp trước, người mẹ đã từng làm một giáo sự dạy học. Cuộc soi kiếp nói: “Linh hồn này đã lợi dụng một cơ hội để làm tiền và gieo sự rối rắm vào cuộc đời của một người đàn bà khác. Kiếp này hai vợ chồng y phải trả quả báo, vì thuở xưa hai người hành động theo những mục đích ích kỷ mà không kể đến luật Trời”.
Người ta chỉ có thể phỏng đoán về tánh chất thật sự của tấn bi kịch này, trong đó hình như người cha cũng đóng một vai trò. Tất cả những gì xảy ra, ấy là một vị giáo chức đã khai thác một người đàn bà nọ vì lợi riêng, làm cho người kia buồn rầu và đau khổ. Chính người đàn bà bị khai thác đó, trong một kiếp trước cũng có một nghiệp ác cần phải trả, mà quả báo là tật mù mắt. Trong kiếp này cô bèn đầu thai vào làm con gái của vị giáo chức kia, nhờ đó mẹ cô đã có cơ hội để trả quả báo cũ.
Trường hợp thứ ba là một trường hợp rất lý thú về tật khật khùng của người con vì tội lỗi của một người mẹ. Trong một kiếp trước ở Palestine, người đàn bà kia đã chế nhạo những kẻ tàn tật, bởi đó cô gây ra những nghiệp ác làm cho cô sinh ra một đứa con thiếu trí khôn và khật khùng trong kiếp này.
Trong một trường hợp khác, đương sự là một thiếu nữ bị chứng to đầu vì trong óc có nước, một chứng bịnh rất kỳ lạ và ít có. Người mẹ đã chết vài ngày sau khi sinh sản, và người cha đã gởi đứa con trong một nhà từ thiện Công giáo. Khi đứa con lên bốn tuổi, người cha đến xin ông Cayce soi kiếp cho nó. Cuộc soi kiếp nói: “Em này rất thông minh, hiểu biết mọi chuyện, biết gọi tên từng người và có thể theo dõi cuộc nói chuyện lý thú. Em ấy không thể đi đứng gì được, vì đầu em quá nặng và lớn quá, và em phải chú ý giữ gìn luôn luôn cho đầu khỏi nghiêng”.
Vì không có một cuộc soi kiếp nào cho em gái này nên người ta không biết rõ lý do của căn bịnh ấy. Tuy thế ông Cayce đã soi kiếp cho người cha, vì người này muốn biết sự liên hệ giữa ông với đứa con gái trong kiếp trước là như thế nào. Câu trả lời rất vắn tắt và khô khan: “Trong kiếp trước ông có phương tiện giúp đỡ kẻ khác, nhưng ông làm ngơ không chịu giúp ai cả! Vậy ông nên tập lấy tánh biết thương người trong kiếp này”. Cuộc soi kiếp không có nói đầy đủ chi tiết để cho ta biết rõ tánh ích kỷ của ông là như thế nào.
Chỉ nghe nói rằng kiếp trước, ông là một người lái buôn ở Fort Dearborn, và “Thâu thập được rất nhiều của cải vật chất, nhưng lại rất kém cỏi về phương diện tâm linh”. Xét về trường hợp kể trên, người ta thấy rằng nếu chúng ta thản nhiên và làm ngơ trước sự đau khổ của kẻ khác, chính chúng ta sẽ bị định mệnh đem đến cho ta những đau khổ đó. Một người kia có thể không quá độc ác để tích cực gây thương tổn cho kẻ khác, nhưng ông có thể không chịu làm lành cũng như ông không làm ác. Một thái độ thản nhiên bất động như thế trước sự đau khổ của nhân loại có lẽ không phải là một tội ác lớn để gây nên một nghiệp quả tàn tật vào xác thân. Nhưng dầu sao người ta cũng phải học bài học thiện chí và thông cảm. Bằng cách này hay cách khác, người ta phải chú trọng đến những sự lầm than khốn khổ của người đời; nói tóm lại, người ta phải có lòng nhân từ và biết thương xót kẻ khác.
Và vì lẽ người ta không bị quả báo tật nguyền vào chính bản thân mình, thì còn có phương tiện nào tốt lành hơn là lãnh lấy cái kinh nghiệm đau thương của người cha sinh ra một đứa con tàn phế? Do sự đau khổ nhìn thấy đứa con bị phế tật, mà người ta mới có dịp thông cảm sự đau khổ của những người làm cha mẹ Ở vào một trường hợp tương tự, và mới hiểu rõ ý nghĩa thế nào là sự đau khổ của người thế gian.
Những trường hợp vừa kể trên chỉ cho chúng ta thấy rằng giữa cha mẹ và con cái có những nhân duyên và nghiệp quả ràng buộc lẫn nhau. Ngoài ra cũng có những sợi dây duyên nghiệp giữa những anh em trong một gia đình. Trong những hồ sơ Cayce, có một trường hợp lạ lùng về sự thù nghịch giữa hai chị em nhà kia đã dẫn chứng cho điều nầy. Kể từ khi họ còn thơ ấu, giữa hai chị em nói trên đã có sự ganh ghét, đố kỵ và thù hằn lẫn nhau. Giữa hai chị em, luôn luôn xảy ra những xung đột cãi vã, thường khi chỉ vì những duyên cớ nhỏ nhặt không đâu. Sự thù nghịch đó không có xảy ra giữa những người anh em khác trong gia đình.
Xét theo quan điểm tâm lý của Freud, thì sự thù nghịch giữa hai chị em nhà này có thể truy nguyên ra bởi sự tranh giành tình thương của người cha. Nhưng theo sự quan sát bằng Thần Nhãn của ông Cayce thì giữa hai người có một sự ghen tuông sâu xa về tình: Trong một kiếp trước, người chị có chồng và giữa hai chị em đã xảy ra một sự hiểu lầm về sự giao thiệp giữa người em vợ với người anh rể.
Để cho những nhân vật của tấn bi kịch này hiển hiện rõ ràng, chúng ta hãy gọi tên cô em là Loan, gọi tên cô chị là Thúy, và Bình là chồng của Loan. Trong cuộc soi kiếp cho cô em (Loan), cô này hỏi về những mối liên hệ trong kiếp trước giữa cô với người chồng và người chị của cô ta thế nào, thì cô nghe thuật lại câu chuyện dưới đây: Ba người đã từng gặp nhau trong kiếp trước, trong kiếp đó, Bình là chồng của Thúy tức là chị của Loan bây giờ. Một khi kia Bình đau nặng, và vì một lý do nào đó không rõ, lúc ấy Bình lại ở cách xa với vợ ỵ. Loan làm nghề nữ y tá, và nhờ sự săn sóc của cô nên Bình chóng khỏi bịnh và phục hồi lại sức khỏe. Sự săn sóc của Loan đối với Bình chẳng qua chỉ là bổn phận của một cô điều dưỡng, nhưng sự chăm nom tận tụy của cô đã tạo nên giữa hai người một sự thông cảm, nó làm cho người chị là Thúy phải lấy làm cay đắng khi cô khám phá ra câu chuyện. Sự ghen tuông vô căn cứ ấy không bao lâu đã trở nên lòng thù hận, và sự căm hờn uất hận đã ảnh hưởng sâu xa trong tâm hồn của người đàn bà khó tính ấy đến nỗi sau nhiều thế kỷ, nó vẫn còn biểu lộ nơi tánh của cô trong kiếp này.
Dưới đây là một trường hợp thứ hai về nghiệp quả ràng buộc giữa một người anh trai và một người em gái, hai anh em cùng sinh tại Anh quốc. Trong cuộc Thế Chiến Thứ Hai, họ được giao cho một người đàn bà Mỹ săn sóc, người này hồi đó làm giám đốc của một trường học ở tiểu bang New England. Người anh lên mười tuổn, còn cô em mới năm tuổi. Bà mẹ nuôi của hai em biết rõ tâm lý trẻ con bởi sự học về phần lý thuyết và cũng do sự thực nghiệm của một đời làm nghề dạy học. Bà ấy bắt đầu nhận thấy sự thù nghịch rõ rệt giữa hai anh em. Trong hai người thì người anh có vẻ “Ăn hiếp” và dữ nhất. Bà ấy yêu cầu ông Cayce soi kiếp cho cả hai đứa. Cuộc soi kiếp tiết lộ cho biết một sự kiện rất lý thú: Hai đứa trẻ trong kiếp trước là những người thuộc hai bộ lạc đối lập ở xứ Ecosse, hai bộ lạc này đã từng chia rẽ và thù nghịch nhau vì một sự tranh chấp từ lâu đời và đã từng đánh với nhau những trận giao phong ác liệt. Sự thù nghịch ấy tồn tại qua nhiều thế kỷ, và biểu lộ trong kiếp này qua sự thù hằn giữ hai đứa trẻ nhỏ!
Hai thí dụ trên đây cũng đủ chứng minh cho thuyết Luân Hồi quả báo và đem lại sự giải đáp cho bài toán bí hiểm về sự thù nghịch vô căn cứ giữa những anh em trong một nhà, làm cho họ bị dày vò khổ sở mà không hiểu lý do vì đâu. Mọi gia đình đều có lý do xung đột căn cứ trên những đụng chạm nhất thời. Tuy nhiên những sự đụng chạm nhất thời đó có thể truy nguyên từ nhiều thế kỷ trước.
Việc tìm ra nguyên nhân ở một kiếp trước về sự thù nghịch giữa hai người, không đủ để làm tiêu tan sự thù nghịch ấy. Nếu hai người ấy không muốn kéo dài sự thù nghịch kia từ kiếp này sang kiếp khác, thì trong kiếp này họ phải cố gắng nhẫn nại thay thế sự căm thù ấy bằng tình thương, và thay đổi sự đố kỵ chia rẽ kia trở thành một lòng ưu ái và thiện cảm. Lời khuyên trên đây không những áp dụng cho những anh em trong một nhà mà thôi, nó còn áp dụng cho mọi giao tế ngoài xã hội, cùng mọi sợi dây liên hệ ràng buộc chúng ta với tất cả mọi người trần gian.
Xét cho cùng, những sự thay đổi ngôi thường xuyên của chúng ta trong gia đình trải qua nhiều kiếp luân hồi sinh tử, chỉ rằng thật ra chúng ta không phải là những người của một gia đình riêng biệt nào cả. Chúng ta là những phần tử của đại gia đình nhân loại, và trong sự sinh hoạt hằng ngày chúng ta phải luôn luôn sống một cách có ý thức với điều Chân Lý tối trọng đó.