R.K. PRUTHI
Tín ngưỡng Phệ-đà và Đạo Phật
Hệ thống giáo dục đạo Bà-la-môn, như đã nêu ra trong chương trước, trở thành một trong những phần tích hợp của đời sống dân tộc. Nền giáo dục Ấn Độ chứa đựng những yếu tính của nền giáo dục Bà-la-môn ngay cả sau khi đạo Phật ra đời và lan tỏa. Đạo Phật, như là một thực tế, không được xem như một đạo nào đó khác với Ấn Độ giáo. Một vài nguyên lý và giáo lý chủ đạo của Ấn Độ giáo được duy trì trong Phật giáo nguyên thủy. Uy lực của đạo Phật có thể được quy vào những yếu kém và những vết nhơ làm suy yếu Ấn Độ giáo. Do vậy đạo Phật về mặt bản chất, có thể được xem như sản phẩm tình huống trong bối cảnh Ấn Độ giáo bị ảnh hưởng bởi tính phù hoa thiển cận; tinh thần của nó bị biến mất nhanh chóng, chỉ còn tồn tại những khía cạnh hình thức. Việc giết súc vật để cúng tế quá mức đã lan tràn nhân danh nghi thức hiến tế (Yajña). Đời sống ẩn sĩ bị đồng nhất và hạn cuộc chỉ trong việc ở trong rừng và sống xa gia đình, những hạnh khắc nghiệt, gắt gao và những việc hành xác vô nghĩa đã được phát minh nhân danh ý nghĩa khổ hạnh (tapas)
Đức Phật xem tất cả những việc này là vô ích và không có hiệu quả. Do vậy, ngài chú tâm định hình nguyên lý, thông qua nghiên cứu mang tính phân tích những vấn đề nền tảng của đời sống, những mô thức tôn giáo theo thể thức mới lạ trong thời của ngài. Đức Phật thấy rõ cuộc đời đầy dẫy khổ đau, thế nên mục đích của đời sống con người là đạt đến giải thoát (niết-bàn; nirvāṇa) bằng cách viễn li thế gian. Trong tất cả, giáo lý về Ngã (Ātman), Khổ, Giải thoát hay Giải thoát đối với nghiệp, và Luân hồi (Metempsychosis) là chung cho cả đức tin tôn giáo. Trong cách này, như là hệ quả của sự pha trộn của đạo Phật và Ấn Độ giáo, một dòng tư tưởng tôn giáo của Ấn Độ đã xuất hiện. Đạo Phật đã cung ứng câu trả lời theo cách riêng của mình cho vấn đề mang tính triết học tồn tại trước đó. ‘Làm sao để đạt được Giải thoát?’ là một trong nhiều ý nghĩa do Đức Phật đã gợi ra, Niết-bàn cũng được xem như là một trong những gợi ý đó. Như vậy đúng là đạo Phật được xem là một trong những sự đa dạng của Ấn Độ giáo. Bất luận những khác biệt dù nhỏ nhoi tồn tại giữa hai tôn giáo, đều dựa trên những quan niệm chân xác của Đức Phật liên quan đến tín ngưỡng. Chẳng hạn, ngài dạy rằng nếu lễ hiến tế liên quan đến sự thảm sát sinh vật cũng như phung phí tiền bạc quá mức, thì điều ấy phải buộc dừng lại và cấm chế. Lại nữa, nếu Phệ-đà không tuyên bố về sự hiện hữu của tính cách thần thánh, thì hãy để cho các bộ kinh ấy được xem chẳng khác gì hơn là các sách khác. Ngoài ra, ngài còn dạy rằng không có gì ngớ ngẩn bằng khi dành toàn bộ thời gian tuổi trẻ để học vẹt mọi điều, và nếu các thần linh nam nữ của Ấn Độ giáo chẳng gì khác hơn là những danh xưng và biểu tượng, thì hãy để cho chúng ta tìm kiếm những gì thực tế và không ảo tưởng.
Thêm vào những điểm này, ngài ngăn cấm lối tu tập ép xác với tên gọi là khổ hạnh (tapas), ngài chỉ dạy sống viễn ly gia đình, xa lìa đam mê lạc thú thế gian.
Thế nên chúng ta thấy rằng trong mức độ rộng lớn, đạo Phật đã chắc lọc được cảm hứng từ đạo Bà-la-môn. Có một hiệp ước nội tại chính yếu mặc dù vẫn có một số điểm bất hòa xung quanh của cả hai tín điều. Đức Phật vẫn tôn trọng và kính mến các đạo sĩ Bà-la-môn, vì trước đó ngài đã nhận được sự dạy dỗ từ các vị Bà-la-môn. Trong Kinh Quảng Diệu khẳng định phần lớn những người Bà-la-môn hay sát-đế-lỵ (kṣatriya) có thể là Phật tử mà không phải là người thuộc tầng lớp chiên-đồ-la (caṇḍāla) hay thủ-đà-la (Śūdra). Dù đạo Phật không công nhận sự phân biệt giai cấp, nhưng khác với những người được gọi là tầng lớp thấp, chỉ có hai giai cấp này mới có được niềm mong ước hiếu kỳ muốn học hỏi và tương xứng với tầm cỡ năng lực hiểu biết của hàng Bà-la-môn, họ mới có thể được nhận vào hội đoàn Phật giáo, hay gọi là Tăng-già (Saṃgha). Đức Phật phản đối với ý niệm người Bà-la-môn được công nhận ngay từ dòng dõi sinh ra. Ngài tổ chức Tăng đoàn gồm những người xuất gia, sống hạnh thanh tịnh và đơn giản, những người đã rời bỏ cuộc sống gia đình từ lúc còn trẻ, hướng đến giải thoát (niết-bàn; nirvāṇa), bằng kiến thức đạt được thông qua giáo dục và đời sống ẩn cư đơn giản. Hệ thống giáo dục này có thể so sánh giống như các hệ thống giáo dục qua các thời kỳ khác nhau (asramas) mà trong hệ thống giáo dục Bà-la-môn gọi là phạm kỳ (brahmacarya, vanaprastha hay sanyasa), chỉ có giai đoạn sống trong gia đình (gia trụ; grahastha) là đạo Phật ngăn cấm. Tất cả những yếu tố này quá đủ để chứng tỏ giáo dục đạo Phật có hình thức sửa đổi từ giáo dục Ấn Độ giáo.
Đạo Phật hình thành vào khoảng từ năm 600 TCN. Trung tâm giáo dục chính của đạo Phật là tu viện (vihara). Như trong thực tế, lịch sử của hệ thống giáo dục Phật giáo chính là lịch sử Tăng đoàn Phật giáo (Buddhist Fraternity). Toàn bộ kế hoạch giáo dục đều được kiểm tra và giám sát do các tăng sĩ, nội dung gồm cả giáo dục tôn giáo và giáo dục thế tục. Giống như hệ thống giáo dục Phệ-đà, lễ khai tâm đã hình thành nên một phần chính yếu trong nền giáo dục Phật giáo.
Lễ xuất gia (Pabbajja): là bước chuẩn bị ban đầu cho việc học tập. Với lứa tuổi còn trẻ, cậu bé sau khi được dự lễ Pabbajja sẽ được sống trong tu viện như là một sa-di (sramaṇa). Trước khi được nhận vào tu viện, chú phải phát nguyện Tam quy y; quy y Phật, quy y Pháp, và quy y Tăng. Sự phân biệt giai cấp vốn dĩ không can thiệp vào việc tiếp nhận người quy y. Chính Đức Phật dạy rằng như các dòng sông hoà làm một khi chảy vào đại dương, cũng vậy, các giai cấp khác nhau sẽ trở thành một khi đã xuất gia sống trong Tăng đoàn. Đứa trẻ phải trải qua lễ xuất gia (Pabbajja) lúc 8 tuổi, thành sa-di, có thể thực hành quy định của tu viện, các sa-di sinh hoạt dưới sự hướng dẫn của vị thầy cũng đã xuất gia. Sa-di được nghiêm cấm hẳn không phạm các giới căn bản, không nói dối, không ăn thịt và dùng các chất kích thích, không ham mê âm nhạc và khiêu vũ. Tuy nhiên, nên nhớ rằng chú sẽ không đủ tiêu chuẩn để được gia nhập Tăng đoàn nếu không có sự đồng thuận của cha mẹ. Những người bị các thứ bệnh truyền nhiễm như bệnh phong (leprosy), bệnh ghẻ ngứa, lao phổi (consumption)… sẽ không được nhận xuất gia vào tăng đoàn. Lại nữa, cấm chế nghiêm khắc áp dụng việc thu nhận người xuất gia vào tăng đoàn đối với những nô lệ, những tội phạm và nhân viên nhà nước, đặc biệt là binh sĩ.
Lễ thọ giới Cụ túc (Upasampada): Lễ thọ giới Cụ túc là lễ thứ hai và sau cùng trong hệ thống giáo dục Phật giáo. Người được truyền thọ lễ này phải qua 20 tuổi. Sau lễ này, vị tăng được xem như là thành viên chính thức của Tăng đoàn, khác hẳn với hệ thống giáo dục Phệ-đà là các tập sinh được phép về sắp đặt sinh hoạt gia đình mình sau lễ tốt nghiệp gọi là Snataka. Lễ thọ Cụ túc giới trong đạo Phật biến chú sa-di (Śramaṇa) thành một vị Tăng hoàn chỉnh, không còn những liên hệ ràng buộc với gia đình hay thế gian. Lễ xuất gia có tính chất nhất thời, còn Lễ thọ Cụ túc giới (Upasampada) phải thực hành gắn bó trọn đời đối với vị tăng. Đúng thật là hệ thống giáo dục Bà-la-môn đã viện dẫn mẫu thức Phạm hạnh trọn đời (Neshthikas), nhưng điều đó rất ít và còn thưa thớt. Đạo Phật, khác hẳn, ấn định như là vấn đề giới luật cho đời sống Phạm hạnh trọn đời cho Tăng sĩ. Khi nữ giới cũng được thu nhận vào giáo đoàn, luật này cũng được áp dụng cho Ni giới.
Ngay trong lễ xuất gia (pabbajja), chú sa-di phải đến trước người hướng dẫn của mình chắp tay và thưa rằng: ‘Con xin thỉnh Thầy làm người dạy dỗ cho con’ và như thế mối quan hệ một chiều được thiết lập. Nhưng trái lại, lễ thọ giới Cụ túc được diễn ra trước các vị Tăng có trách nhiệm với phương thức thể hiện hoàn toàn mang tính dân chủ, được tiến hành với sự đồng ý của đa số. Các sa-di được đắp y ca-sa như các thầy tỷ-khưu, với bình bát trên tay và y quàng qua vai, đảnh lễ các vị tỷ-khưu khác ngồi trong tư thế kiết già. Theo cách nầy, họ chọn vị Thầy của mình (Upajjhay; Upādhyāya) và đến đó, lễ truyền giới Cụ túc kết thúc. Mặt khác, nếu vị tăng nào muốn ra khỏi giáo đoàn, thủ tục cũng rất dễ dàng và đơn giản. Bất kỳ vị tăng nào trong hoàn cảnh nào đó vi phạm lời phát nguyện và rơi vào nạn nhân của những cám dỗ phàm trần, thì phải bị trục xuất ra khỏi giáo đoàn. Vị ấy phải tuyên bố về sự yếu kém của mình trước sự chứng kiến của ít nhất một vị Tăng.
Mối quan hệ Thầy-trò: Sự thành kính trong mối liên hệ Thầy-trò trong hệ thống giáo dục Phật giáo cũng giống như trong hệ thống giáo dục thời kỳ Phệ-đà. Môn đệ cũng được gọi bằng một tên khác, đó là Saddhiviharika. Môn sinh nhận được kiến thức bằng cách phụng sự Hoà thượng (Upadhyaya) của mình. Saddhiviharika phải dậy sớm và đi ngủ muộn hơn Thầy mình. Sáng sớm, đệ tử phải mang nước, thuốc đánh răng cho Thầy mình, dọn chỗ ngồi và mang cháo sữa đến cho Thầy. Trong Mahavāgga, chúng ta thấy có những mô tả chi tiết về mối liên hệ giữa đệ tử với Thầy: ‘Này! các Tỷ-khưu, các Saddhiviharika phải phụng sự thật tốt đối với Thầy (Upādhyāya: Hoà thượng) của mình; phải thức dậy sớm, rửa sạch giày dép cho Thầy, đắp thượng y (Uttarasaṅga) lên vai cho Thầy, lấy nước súc miệng cho Thầy, đem nước cho Thầy rửa mặt và tay rồi dọn chỗ ngồi cho Thầy; rồi đem cháo sữa cho Thầy dùng. Sau đó, chú quét dọn phòng sạch sẽ rồi đi khất thực cùng với Thầy .v.v…’ Thêm vào những việc này, chú phải giữ một khoảng cách khi đi theo Thầy, nhận thực phẩm khi khất thực với Thầy, rửa chân và giặt y cho Thầy, cùng chăm sóc Thầy khi bệnh, là những nhiệm vụ chính yếu của Saddhiviharika.
Lại nữa, chúng ta thấy trách nhiệm và bổn phận của Hoà thượng (Upādhyāya) đối với môn đệ của mình như sau: Thầy phải đối xử với môn đệ như con của mình. Trước mắt, Thầy cung cấp y ca-sa và bình bát cho đệ tử. Khi đệ tử bị bệnh, Thầy chăm sóc đệ tử như khi đệ tử chăm sóc Thầy khi bệnh. Đó là nghĩa vụ thiêng liêng nhất của Thầy để trao truyền tri thức và giáo dục tinh thần đến một tầng bậc cao hơn cho môn đệ của mình.
Chúng ta nhận ra rằng, mối liên hệ Thầy trò vô cùng chân thành và hài hòa. Điều đó phù hợp với truyền thống Ấn Độ cổ đại. Thầy đặt ra lý tưởng trước môn đệ mình bằng phương thức sống đơn giản, thanh tịnh và ít ham muốn. Các bậc Đại sư ở tu viện Nālanda chỉ nhận sự phục vụ tối đa ba lần khi các môn sinh muốn làm việc đó. Thầy xem đó là đặc ân của mình trong ý nghĩa đón nhận việc phụng sự từ môn sinh. Nếu đệ tử nào lơ là không kính trọng Thầy mình, anh ta bị xem là thiếu tư cách và hệ quả sẽ bị trục xuất khỏi Tăng đoàn. Thầy cũng sẽ đem hết lý tưởng nghiên cứu sâu rộng, chí khí đức hạnh siêu tuyệt, những gì mình có và năng lực tâm linh trước môn đệ mình để khuyến khích lòng kính trọng cao độ vốn có nơi môn sinh. Điều đó hoàn toàn hiển nhiên từ trong tác phẩm của ngài Huyền Trang, trong những tu viện như Na-lan-đà (Nālanda), có những học giả rất uyên thâm thường thể hiện những mẫu mực sống động trước học trò của mình.
Trụ xứ của môn sinh: Không có những Gurukulas trong hệ thống giáo dục Phật giáo như trong thời kỳ giáo dục Phệ-đà, các môn sinh sống trong Tu viện gọi là sa-di hay là những vị tỷ-khưu đã thọ giới Cụ túc. Từng tu viện giống như những chuỗi mắt xích dài của toàn thể Phật giáo. Tất cả tu viện được tổ chức lại với nhau để hình thành Tăng đoàn, có nghĩa là các tông phái được cấu thành từ sự hợp nhất với một số trung tâm giáo dục hay tu viện. Sa-di và các Hoà thượng sẽ sống cùng nhau trong các tu viện này. Không thiếu thốn tiện nghi trong những tu viện ấy. Di tích cổ xưa của Tu viện Na-lan-đà cho biết tu viện có thể chứa đến hàng ngàn người.
Trong giai đoạn đầu của sự lan tỏa và truyền bá đạo Phật, tăng sĩ sống trong rừng, trong hang động hay ở dưới gốc cây; nhưng rồi họ được Đức Phật cho phép vào sống trong những tu viện. Việc cho phép này là có căn cứ do những trường hợp đặc biệt, tránh trời nóng thiêu đốt, mưa tuyết, mưa đá, hay mưa rào. Có những kỳ an cư rơi vào mùa mưa (rain-retreats) do những thí chủ giàu có dâng cúng những trụ xứ trong mùa mưa này. Tu viện Phật giáo có kiến trúc nguy nga, thẩm mỹ, cân đối và tiện nghi. Có thể kể đến một tu viện do vua Tần-bà-sa-la (Bimbisāra) ra lệnh xây cất. Nhiều nhà chiêm bái Trung Hoa đã cung cấp cho chúng ta những mô tả chi tiết và hình ảnh về các Tịnh xá này. Một trong những Tịnh xá nổi tiếng trong thời kỳ đó là Tịnh xá Kỳ hoàn (Jetavana Vihara) do thương gia cự phách tên Cấp Cô Độc (Anāthapindada) xây dựng. Có nhiều phòng và sảnh đường riêng biệt được trang bị và thiết kế hoàn chỉnh dành cho nhiều mục đích khác nhau; nhà bếp, phòng tắm, phòng ngủ, phòng học, giảng đường để thảo luận và nhà khách v.v… Ngoài ra còn có những Tịnh xá quan trọng và nổi tiếng như Yashtivana, Trúc Lâm (Venuvana), và Tịnh xá Sitavana ở thành Vương Xá (Rajagriha).
Những Tịnh xá Phật giáo, những trung tâm giáo dục này thường không chỉ dành cho nghiên cứu tôn giáo mà còn là những trung tâm đào tạo ngành thủ công mỹ nghệ; giáo dục kỹ thuật về những ngành thủ công mỹ nghệ như hội họa, điêu khắc, kiến trúc, v.v… cũng được truyền bá từ những Tịnh xá này.
Lại nữa, có những môn sinh vì không thể sống với thầy mình trong những Tịnh xá này mà phải ở tại nhà riêng của mình rồi đến Tịnh xá để học. Trong truyện Bản sinh (Jātaka) có đề cập câu chuyện về Junha, một hoàng tử xứ Ba-la-nại (Benaras). Những trường đại học lớn đã cung ứng tiện nghi ăn ở cho những môn sinh ngoại trú.
Ẩm thực: Các tăng sĩ Phật giáo thường ăn uống rất đơn giản. Các sa-di thường đi vào trong làng cùng với Thầy mình khất thực và sinh hoạt ở bất cứ nơi nào có thể thực hiện được điều này; việc khất thực nhiều thực phẩm hơn nhu cầu là bị cấm đoán. Thỉnh thoảng các môn sinh và quý Thầy được thỉnh đến nhà cư sĩ để được cúng dường; thực phẩm thường gồm có trái cây, sữa, cháo sữa, sữa đông và đường thô, đường mía, v.v…
Chương trình giảng dạy
Nền giáo dục Phật giáo chủ yếu là về mặt tinh thần, hoàn toàn thấm đẫm nội dung tôn giáo, vì lý tưởng chính là đạt được niết-bàn hay giải thoát. Tăng sĩ Phật giáo chỉ học các kinh điển tôn giáo; cuộc đời của họ ngập tràn trong tín ngưỡng; chủ đề chính mà họ nghiên cứu là Kinh (Suttanta) Luật (Vinaya) và Luận (Dhamma). Tuy nhiên, điều ấy không đưa ta đến suy luận rằng sự nghiên cứu tôn giáo đó chiếm ưu thế trong toàn xã hội và hoàn toàn thiếu sót nền giáo dục thực tiễn và giáo dục kỹ thuật.
Thực ra, lịch sử Ấn Độ, vào triều đại Khổng Tước (Maurya) và Gupta được xem như là thời hoàng kim khi Ấn Độ được đánh giá là phát triển ở tầm mức cao về văn hóa, triết học, nghệ thuật, thương mại, nông nghiệp và phương pháp quân sự. Từ quan điểm kinh tế, Ấn Độ được xem là thịnh vượng và giàu có. Điều này bác bỏ một thực tế là không có những nền giáo dục khoa học và mỹ nghệ thực dụng vào thời đó; vì hiển nhiên nếu không có những ngành khoa học này, tất cả những phát triển vật chất của quốc gia này sẽ bất khả thi. Chủ đề chính của nền giáo dục Phật giáo, như chúng ta sẽ thấy sau này là: se sợi dệt vải, in trên vải, may mặc, kế toán (Lekham, Ganana), vẽ và đồ họa; y dược (Dạ-nhu Phệ-đà; Āyurvedic), phẫu thuật (Salya), đúc tiền, v.v…
Giáo dục được phân loại thành hai phần chính: (i) Căn bản và (ii) Giáo dục nâng cao. Giáo dục căn bản nhắm vào giảng dạy các môn đọc, viết, và toán pháp. Giáo dục nâng cao bao gồm giảng dạy các môn tôn giáo, triết học, y học, khoa học quân sự, v.v… Sự khác biệt giai cấp không có giá trị gì trong cách chọn các môn học. Các tăng sinh đi từng đoàn đến Taxila để được tiếp nhận nền giáo dục sâu và rộng. Kinh điển Phệ-đà cũng được nghiên cứu để có được kiến thức tôn giáo. Tuy nhiên, A-thát-bà Phệ-đà (Atharva veda) không có trong chương trình học, mãi cho đến thời kỳ truyện Bản sanh (Jataka) ra đời. Sự thịnh hành phương pháp học vẹt kinh Phệ-đà cũng lan tràn trong thời kỳ này; chính các vị Bồ-tát cũng đã thu thập kiến thức từ kinh Phệ-đà.
Chúng ta không tìm thấy được mô tả nào về các môn khoa học và thủ công mỹ nghệ trong truyện Bản sanh (Jataka), nhưng trong kinh Na-tiên Tỷ-khưu (Milinda Panñā) đã đề cập đến 19 môn nghệ thuật (sippas; shilpas) vốn đã tạo nên một phần chính yếu của chương trình giảng dạy. Chúng ta thấy đề cập đến các môn mỹ thuật như sau được giảng dạy trong các học viện khác nhau ở Taxila: Tri thức về loài Voi (Hathi-sutta), ma thuật (magic charms), chú thuật (spells), thần chú để nghe hiểu tiếng kêu của các sinh vật, nghệ thuật bắn cung (Issatthasippa), nghệ thuật dự đoán (Arts of Prognostication), nghệ thuật dụ rắn (Sarpa-Vidya), y dược, v.v… Tăng sinh có thể chuyên môn hóa một trong bất kỳ các môn học vừa nên trên. Lý thuyết cũng như phương diện thực hành giáo dục trong những môn nghệ thuật này đều được chú trọng ngang nhau. Sự sắp xếp để thực tập môn phẫu thuật là khía cạnh thông dụng của các trường chuyên nghiệp này. Chứng cứ là trong truyện về việc học tập của lương y Kỳ-bà (Jivaka) là ông đã được truyền thụ phương pháp huấn luyện thực hành trong môn phẫu thuật. Điều này giải thích hiệu lực trong tuyên bố khoa học đã rất có ích cho ông trong khi tiến hành hai cuộc giải phẫu rất thành công từ hai trường hợp hết hy vọng, ngay sau thời gian mãn hạn nghề y của một sinh viên y khoa. Du lịch và đi ra nước ngoài được xem như có giá trị như sự học tập thực tiễn. Bên cạnh những điều này, nghiên cứu về tự nhiên, luật học và khoa học quân sự đã hình thành nên những phần chính yếu trong chương trình giảng dạy. Taxila là trung tâm giáo dục của những môn nghệ thuật này.
Theo dẫn chứng trong kinh Di-lan-đà vấn (Milindapañha), nền giáo dục Bà-la-môn cũng tồn tại trong thời kỳ đạo Phật lưu hành như là sự thực hiển nhiên, cả hai hệ thống giáo dục này bổ sung cho nhau.
Các môn học của nền giáo dục Phệ-đà như bốn bộ Phệ-đà, Itihasa, Purana, Thi ca (Poetry), Từ nguyên học (Etymology), Văn pháp học (Vyakarana (Grammar), Thiên văn học (Jyotisha; Astronomy), Vedangas, Nghệ thuật dự đoán (Arts of Prognostication). Du-già (Yoga) Số luận, Khoa học chiêm đoán (Sakuna-Vidyā), Chính lý luận (Nyāya), Thắng luận (Vaiśeṣika), Âm nhạc, Khoa y dược, và Chú thuật đều được dạy trong những trường đại học khác nhau trong thời kỳ đạo Phật lưu hành. Pháp Hiển (Fa-Hien), một nhà chiêm bái Trung Hoa đã ghi nhận rằng hệ thống giáo dục Bà-la-môn rất thịnh hành vào thế kỷ thứ V stl. Văn hệ Luật tạng là bộ môn nghiên cứu chính của Tăng sĩ Phật giáo. Kiến thức về Phạn ngữ (tiếng Sanskrit) không thể thiếu cho nền giáo dục nâng cao. Chính ngài Pháp Hiển cũng đã có được kiến thức về tiếng Sanskrit bằng cách lưu trú ở thành Hoa thị (Pāṭaliputra) trong ba năm. Bên cạnh điều này, tiếng Pāli và các ngôn ngữ địa phương khác cũng được thông dụng. Hầu như các tác phẩm kinh điển quan trọng của đạo Phật đều viết bằng tiếng Pāli. Vào thế kỷ thứ VII stl. Ngài Huyền Trang cũng xác nhận sự phổ biến của nền giáo dục Bà-la-môn, nghiên cứu bốn bộ kinh Phệ-đà là điều bắt buộc. Mô tả về chương trình giảng dạy của giáo dục Phật giáo, Huyền Trang đã quan sát rằng việc giáo dục được truyền bá từ các vị Hòa thượng và A-xà-lê (Acārya) trong các tu viện. Giáo dục chủ yếu gồm kiến thức cơ bản về viết, đọc, toán pháp và các nguyên lý Phật học, kiến thức về văn pháp là chính yếu. Các sa-di chủ yếu được giảng dạy kiến thức về các mẫu tự, nguyên âm, luật Saṃdhi hay nguyên tắc ghép từ, luật Saṃasa hay các mệnh đề văn phạm khác.
Theo cách này, chúng ta thấy nền giáo dục cơ bản là kết hợp hài hòa của hai phương diện giáo dục tinh thần và giáo dục thực tiễn.
Về nền giáo dục nâng cao, ngài Huyền Trang đã trích dẫn những mẫu mực của Tu viện đại học Nālanda, nơi mà triết học Phật giáo, Văn học Luật tạng, Du-già (Yoga) và các môn học tâm linh khác được giảng dạy. Tu viện Đại học Siêu Giới (Vikramaśīla) nổi tiếng giảng dạy môn Luận lý học (Logic; Tarkasastra) và Chính lý luận (Jurisprudence; Nyāya-Śāstra). Vào thế kỷ thứ VII stl. nhà chiêm bái Trung Hoa khác là Nghĩa Tịnh cũng lưu tâm đến chương trình giảng dạy và các môn học. Nghĩa Tịnh cũng đề cập đến việc nghiên cứu Tam tạng (Tripiṭaka) cũng như nghiên cứu kinh Phệ-đà của các tăng sĩ Phật giáo.