PHÁT KHỞI TÂM BỒ ĐỀ

JIGME RINPOCHE

Trích: Sống Hài Hòa Với Cảm Xúc; Tác giả: Jigme Rinpoche; Dịch: Hoàng Lan

HIỂU HOÀN CẢNH CỦA CHÚNG SINH ĐỂ TỪ ĐÓ PHÁT KHỞI TÂM BỒ ĐỀ

Chúng ta có thể hỏi tại sao chúng ta phải yêu thương và từ bi đối với tất cả chúng sinh. Câu trả lời nằm ở việc hiểu biết sâu sắc những điều kiện/hoàn cảnh của chúng sinh là giống nhau, không có ngoại lệ. Điều này có nghĩa là hiểu những điều kiện mà chúng ta đều trải nghiệm. Một ví dụ là cách các cảm xúc của chúng ta đóng vai trò trong cách chúng ta suy nghĩ, nói năng và hành xử. Tâm Bồ Đề sẽ khởi phát trong mỗi chúng ta một cách tự nhiên khi chúng ta thật sự nhận ra rằng chúng ta đang chịu ảnh hưởng bởi những cảm xúc của mình. Sự thiếu vắng của nhận biết này ngăn cản chúng ta kết nối với Tâm Bồ Đề cho dù là chúng ta không muốn như thế. Những gì mà Đức Phật đã thấy khá là khác so với hiểu biết của chúng ta bây giờ. Khi Đức Phật dạy về các điều kiện và vấn đề của chúng sinh, Người không chịu đau khổ vì những hoàn cảnh khó khăn mà chúng ta đang đối diện vào lúc này hay lúc khác. Thay vào đó, Người nhìn thấy các điều kiện có tính chất toàn cầu, áp dụng cho từng chúng sinh trong đời sống này. Một trong những điều kiện đó là việc chúng ta không có khả năng nhìn nhận sự vật/hiện tượng một cách rõ ràng. Con người thường cố gắng sống chân thành. Chúng ta đều hết sức nỗ lực, nhưng mà chúng ta thường tạo ra nhiều khó khăn, đau khổ bởi vì chúng ta không thể nhìn rõ, hiểu rõ. Chúng ta không biết phải làm gì. Các vị Phật và các vị Bồ Tát nhìn thấy rõ hoàn cảnh mà chúng ta đang ở trong đó. Các Ngài nhìn thấy chúng ta bị nhấn chìm sâu trong những khó khăn của mình, không thể có tự do. Một cách thật tự nhiên, các Ngài cảm thấy yêu thương và từ bi với chúng ta, và do đó, các Ngài giảng giải chi tiết về Phật Pháp một cách không mệt mỏi vì lợi ích của chúng ta.

Bất hạnh thay, không ai có thể chỉ cho chúng ta phải nhìn, phải hiểu như thế nào. Chúng ta phải tự làm điều đó. Do đó, áp dụng Phật Pháp như là một hướng dẫn, chúng ta dành thời gian để phân tích và kiểm chứng những điều kiện, hoàn cảnh của chúng ta và của mọi người xung quanh. Ví dụ như: trên bề mặt, tất cả mọi người đều có vẻ dễ thương, chân thật, tử tế và luôn muốn giúp đỡ người khác. Nhưng, theo một cách nào đó, do thiếu hiểu biết, mỗi cá nhân thường gây hại nhiều hơn là làm tốt. Một số người có nhiều ý tưởng, triển khai rất nhiều hoạt động, và dự án dưới cái tên “giúp đỡ”.

Nhưng những động cơ tự giúp đỡ của họ ngay lập tức tạo ra những hoàn cảnh có hại và đảm bảo rằng nhiều khổ đau hơn sẽ tới. Ví dụ như: một người có hiểu biết về hệ thống tòa án có thể tìm nhiều cách để lợi dụng nó theo cách có lợi nhất cho anh ta. Anh ta sử dụng luật để gây thiệt hại những người thiếu hiểu biết về các chi tiết phức tạp của pháp luật. Anh ta khiến họ gặp rắc rối với pháp luật nhằm đạt được mục tiêu của mình. Tính xấu của anh ta là rất nghiêm trọng, lôi kéo nhiều người cùng theo với mình, tạo nên những ảnh hưởng xấu về lâu, về dài. Theo cách này, anh ta là một kẻ phạm tội “nặng hơn”. Anh ta hoàn toàn không hề biết rằng anh ta là người tạo ra nhiều khổ đau. Anh ta chỉ nghĩ rằng anh ta cùng phía với Pháp luật. Và do đó, như Đức Phật đã nói, chúng sinh sống trong sinh tử luân hồi cứ kéo dài mãi vòng khổ đau mà không hề hay biết.

Để phát triển Tâm Bồ Đề, chúng ta cần hiểu một cách rõ ràng hơn điều kiện của chúng sinh. Nhằm bắt đầu hiểu rõ hơn, chúng ta cần biết tới một số chướng ngại có thể che chắn và làm sai lệch cái thấy của chúng ta. Chúng ta có thể xem chúng như là những vách ngăn trong cái thấy của chúng ta.

CHƯỚNG NGẠI CỦA ĐÁNH GIÁ

Chúng ta có thể cảm nhận được tình yêu thương. Chúng ta có thể cảm nhận được lòng từ bi. Nhưng tình yêu thương và lòng từ bi của chúng ta khác với Tâm Bồ Đề mà các vị Phật và Bồ Tát dành cho chúng ta. Sự khác biệt nằm ở việc sự phân biệt/đánh giá có hiện diện hay không. Sự phân biệt không có mặt trong những chúng sinh đã giác ngộ trong khi đánh giá thường chiếm cứ đầu óc chúng ta. Tình yêu thương và lòng từ bi của chúng ta khởi lên từ tâm phân biệt. Khi chúng ta yêu, đó là cảm xúc. Nó kết nối với tham ái, do đó, không hoàn toàn chân thành. Kiểu tình yêu này mang lại khổ đau. Chúng ta cảm thấy là chúng ta có thể yêu nhưng thật ra thì đó chỉ là một cái mặt nạ mà chúng ta đã đeo vào.

Do đó, chúng ta phải cố gắng để hiểu rõ ràng, sau đó chúng ta sẽ nhận ra được là mình đã tạo thêm những khổ đau cho chính mình theo cách nào. Điều này có nghĩa là gì? Nó có nghĩa là Tâm Bồ Đề thực sự, chúng ta yêu thương như thế nào, chúng ta giúp đỡ như thế nào, tùy thuộc vào những gì đang diễn ra trong chúng ta. Tâm Bồ Đề kết nối trực tiếp với quan điểm và thái độ của chúng ta. Do đó, chúng ta phải hiểu rất rõ về nó.

Nếu chúng ta thấy khó nắm bắt ý nghĩa của Tâm Bồ Đề thì cũng là chuyện bình thường thôi. Thói quen liên tục đánh giá của chúng ta giới hạn cái thấy của chúng ta và thu hẹp nó xuống thành sự phân biệt. “Cái này là đúng. Cái này thì tốt và tôi thích nó”. Khi đó, chúng ta bị bao bọc trong cách suy nghĩ phân biệt này, chúng ta không thể hiểu được tình yêu thương và lòng từ bi. Dù là khả năng phân biệt có phản ánh một phần tính sáng của tâm, tuy nhiên, việc liên tục đánh giá tạo nên nhiều ưu phiền hơn là sáng tỏ. Thay vì cứ luôn nhìn thấy sự khác biệt, hãy xem tất cả chúng sinh là bình đẳng một cách căn bản nhất: ai ai cũng chịu chi phối của cùng một hoàn cảnh. Khi đó, chúng ta trở nên cân bằng hơn và cái thấy của chúng ta sáng tỏ hơn. Từ đó, chúng ta có thể biết cái gì là cần thiết, cái gì là quan trọng và nên làm gì.

Kết quả của việc hiểu biết rõ ràng hơn là nhiều tự do hơn, tự do khỏi những khổ đau, tự do khỏi những gì không sáng tỏ. Hành động đánh giá ngăn không cho chúng ta nhìn nhận rõ ràng. Do đó mà chúng ta không nhìn thấy được thực tại. Chúng ta xa lạ với thực tại, nên chúng ta chối bỏ nó. Điều này có nghĩa là một lần nữa, chúng ta lại bị sập bẫy của chính mình. Đây là một vòng tròn liên tục. Chúng ta lại tiếp tục không hạnh phúc và chúng ta chịu khổ đau vì những mơ hồ và rối rắm. Đó là lý do tại sao việc nhìn nhận rõ ràng là vô cùng quan trọng. Chúng ta phải kiềm chế khuynh hướng nhảy tới những kết luận hoặc lại bị những thói quen cũ lôi kéo. Thay vào đó, hãy hỏi và thăm dò sâu hơn để nắm được vấn đề.

Chúng ta phải liên tục cố gắng để hiểu được ý nghĩa thực thụ. Thiếu những hiểu biết đúng đắn, mọi tiến bộ sẽ bị chặn ngang. Điều này là lý do tại sao chúng ta cứ luôn luôn bị vướng lại. Bởi vì chúng ta chưa nắm rõ được ý nghĩa thực sự. Ví dụ như, Đức Phật giảng về Tứ Diệu Đế. Khi chúng ta mới nghe điều này lần đầu, chúng ta có thể không nghĩ rằng cuộc đời lại nhiều khổ đau đến thế.

Chúng ta có thể cảm thấy có một số khổ đau. Từ đó, chúng ta bắt đầu nhìn nhận cẩn thận hơn. Chúng ta chú tâm hơn vào những trải nghiệm mà chúng ta gặt hái được cũng như là những trải nghiệm của người khác. Từ đó, từ từ chúng ta sẽ nhận ra những gì Đức Phật đã nói là rất thật. Chúng ta thật sự trải nghiệm và nhận biết được các điều kiện của khổ đau. Chúng ta hoàn toàn bị thuyết phục. Và chúng ta sẽ đi tìm những giải pháp và lối thoát.

Đây có nghĩa là khám phá ý nghĩa thực thụ bởi chính chúng ta, từng bước một.

CHƯỚNG NGẠI CỦA TÍNH NÔNG CẠN CỦA CÁI THẤY

Một khó khăn nữa là cái thấy của chúng ta rất nông cạn. Chúng ta không thể nhìn xa vào tương lai. Điều này là lý do tại sao chúng ta không thể hiểu ý nghĩa thực thụ của Nghiệp Quả7. Chúng ta cũng không kiên nhẫn và không bao giờ thỏa mãn. Những tính cách không được mong muốn lắm có thể là những thói quen của chúng ta và chúng ta có thể cảm thấy chúng thật là tự nhiên. Nhưng chính những thói quen này đã ngăn chúng ta khỏi những hiểu biết thực thụ. Chúng ta không cảm thấy muốn thử nhìn nhận một cách khác đi. Khi chúng ta không thể hiểu, chúng ta bỏ cuộc ngay lập tức. Mỗi khi thấy có khổ đau, chúng ta cố gắng tránh xa nhất có thể. Chúng ta cố gắng chạy trốn nếu chúng ta có thể. Một cách tạm thời, việc làm ngơ hoặc đè nén những vấn đề có thể có vẻ như giúp chúng ta được giải thoát tạm thời. Thật đáng tiếc là, đây chính là lý do tại sao, những vấn đề vẫn ở với chúng ta cho tới tận hôm nay.

Cũng như là chúng ta không muốn phải khổ đau, nhưng chúng ta lại không thật sự quan tâm để hiểu nó, và từ đó, thoát khỏi nó. Vậy thì tại sao chúng ta lại không quan tâm? Bởi vì chúng ta không thể nhìn thấy được những hậu quả của những hành động của chúng ta. Tầm nhìn của chúng ta quá “ngắn”. Do đó, những nỗ lực cũng vì thế mà “ngắn” theo. Khi cần nỗ lực, chúng ta luôn cảm thấy quá lâu. Nhưng nếu chúng ta có thể mở mang cái thấy của mình, chúng ta sẽ hiểu rằng cái tưởng chừng như rất lâu ấy, thật ra chỉ là một khoảng ngắn ngủi trong dòng chảy của thời gian. Chúng là tương đối. Chúng ta hỏi tại sao chúng ta phải nỗ lực. Không có khả năng nhìn xa vào tương lai, chúng ta cam chịu cảm xúc “để mà làm gì chứ?!”, nhưng đồng thời, chúng ta không thể chịu đựng được khổ đau.

Một mặt khác, chỉ để có chút hạnh phúc ngắn ngủi, chúng ta sẵn sàng nỗ lực hết sức có thể. Bất kể là sẽ mất bao lâu, chúng ta vẫn làm, và trong khoảng thời gian đó, chúng ta chịu đựng đủ các loại đau khổ và áp lực. Chúng ta sẵn sàng vì chúng ta mong muốn hạnh phúc tạm thời. Đương nhiên, với những nỗ lực to lớn, chúng ta thường đạt được cái vẻ bên ngoài của hạnh phúc mà chúng ta săn lùng ấy. Tuy nhiên, nó rất ngắn ngủi và không tồn tại lâu. Ví dụ như: để làm một đĩa bánh bao Tây Tạng mất ba tiếng, nhưng để ăn nó thì chỉ mất mười phút và sau đó, tích được một ít chất béo vào người. Điều này tương tự trong mọi việc và mọi dự án mà con người đang làm. Trong khi làm bánh bao, có những mong đợi, ước ao, nhưng toàn bộ tiến trình khì không có cảm xúc tiêu cực nào. Nhưng trong kinh doanh và những hình thức công việc khác, con người thường làm việc cực khổ với nhiều áp lực, khổ đau và những ảnh hưởng của các cảm xúc phiền não khác. Kết quả cuối cùng thì luôn ngăn ngủi. Khi đạt được một mục tiêu, con người lại tiếp tục hướng tới một mục tiêu khác! Và những kết quả ngắn ngủi lại tiếp tục biểu hiện. Hãy thử kiểm chứng xem điều này có áp dụng cho chúng ta không.

Hãy nhận biết những đấu tranh của mình. Cố gắng quan sát thái độ, năng lực và cảm xúc khi chúng ta hành động để đạt được điều mình muốn. Đồng thời, hãy nhìn vào những kết quả. Ban đầu, chúng ta có thể thấy những mâu thuẫn bên trong. Chúng ta có thể cảm thấy chán nản khi nhận ra rằng kết quả cuối cùng là ngắn ngủi và phù du so với những gì chúng ta đã làm hoặc từ bỏ để đạt được chúng.

Khi chúng ta cố gắng duy trì nhận biết và quan sát, chúng ta sẽ gặp một vấn đề cứ lặp đi lặp lại, đó là chúng ta không thể “nhìn” một cách rõ ràng. Khi đó, chúng ta phải dựa vào và cố gắng hiểu Phật Pháp. Nếu chúng ta kiểm tra và suy ngẫm theo cách này, từng bước, từng bước một, chúng ta sẽ tiến tới việc hiểu được rằng chúng ta đã bị ảnh hưởng bởi rất nhiều điều kiện như thế nào trong các trải nghiệm và hành động trong quá khứ. Việc học hỏi từ quá khứ là quan trọng. Điều này giúp chúng ta nhìn nhận được chúng ta đã ở trong hoàn cảnh nào, với các điều kiện như thế nào để làm điều mà chúng ta đã làm và vẫn làm. Sự hiểu biết này sẽ giúp chúng ta hiểu ý nghĩa của nhiều thứ trong cuộc sống. Chúng ta sẽ thấy cách chúng ta nhìn nhận sự vật, hiện tượng, và cách mà chúng ta bám víu vào chúng, cách chúng ta mong muốn và cách mà lòng mong muốn ấy mang tới những cảm xúc.

Trái ngược với mong muốn là chối bỏ. Những chối bỏ của chúng ta cũng mang tới những cảm xúc bởi vì chúng là một dạng của bám víu. Chúng ta sẽ thật sự hiểu được đặc tính của Sinh tử luân hồi. Thậm chí nếu chúng ta không mong muốn đạt tới giác ngộ, chúng ta vẫn sẽ muốn hiểu những cảm xúc đã bóp méo cái thấy của chúng ta như thế nào. Chúng ta sẽ hiểu ý nghĩa và các nguyên nhân của các cảm xúc của mình. Do đó, thật sự là lợi lạc khi chúng ta bỏ thời gian để tìm hiểu điều này.

Bài viết này đã đóng bình luận.


Bài viết khác của tác giả

  1. HOÀN CẢNH CỦA CHÚNG TA GIỐNG NHƯ NHAU
  2. HỌC HỎI VÀ KHÁM PHÁ CÁ NHÂN
  3. ĐỂ CÓ THỂ THẤU HIỂU NGƯỜI KHÁC HƠN

Bài viết mới

  1. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ
  2. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  3. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH