GYALWANG DRUKPA XII
Trích: Sức Mạnh Của Tình Yêu Thương; Tác giả: Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa; Dịch: Drukpa Việt Nam
Tuy nổi tiếng muôn người kính nể
Của cải đầy như Tài bảo Thiên vương
Nhưng thấy rõ vinh hoa không thực nghĩa
Lìa kiêu mạn ấy hạnh Bồ đề.
Nhẫn nhục trước hạnh phúc danh vọng thế gian
Giờ chúng ta xét tới thực hành nhẫn nhục khi sống trong hạnh phúc thế gian. Cuộc sống đầy đủ tiện nghi, chúng ta được giàu sang, thỏa mãn, đây chính là một cơ hội nữa để thực hành Nhẫn nhục. Nhiều người khi đọc điều này sẽ cảm thấy khó hiểu. “Thế nào gọi là nhẫn nhục khi sống trong niềm vui sướng thế gian?”. Đây là pháp thực hành vô cùng vi tế, ít người biết đến, song lại vô cùng hữu hiệu. Không có pháp thực hành này, những quả báo giàu sang, thoải mái, hỷ lạc sẽ khiến chúng ta sao nhãng và bỏ quên thực tại cuộc sống. Chúng ta sẽ mất khả năng tự kiểm soát, dễ dàng đọa lạc và khó quay về với tự tính của mình.
Hiểm họa đầu tiên được nhắc tới trong Kinh là danh vọng, sự nổi tiếng, những yếu tố làm thúc đẩy tâm kiêu mạn. Giả sử bạn lừng danh là một hành giả tinh tấn, một yogi rất giỏi, một đệ tử chí thành mà ai nấy đều tán thán, hoặc nổi tiếng vì khả năng vượt trội trong một lĩnh vực nghề nghiệp. Khi đó, bạn cần áp dụng sự thực hành Nhẫn nhục. Sự nổi tiếng không có gì là xấu. Đó chắc chắn là việc tốt, nhưng bạn không được để mình bị chế ngự bởi sự kiêu căng, ngã mạn vì nó sẽ kéo bạn đi rất xa con đường đạo chân chính để trầm chìm hơn trong luân hồi khổ đau.
Như trong câu kệ đã dạy, bạn có thể nổi tiếng tới mức mọi người đều cúi mình, hoặc nếu không phải vậy thì họ cũng vỗ tay tung hô khi bạn xuất hiện. Ngày xưa, người ta thường đỉnh lễ hoặc cúi chào để thể hiện sự tôn kính hoặc ngưỡng mộ, song đây là truyền thống đã mai một dần và được thay thế bằng những tràng vỗ tay. Thời xưa tiếng vỗ tay hàm ý sự xua đuổi, được hiểu như bạn giống như một con quỷ người ta muốn xua đi. Ngày nay, càng vỗ tay là người ta càng tỏ ý ngưỡng mộ bạn. Chúng ta có thêm một ví dụ hay về vô thường: ngay cả văn hóa và truyền thống cũng không ngừng biến đổi.
Sự cứng nhắc của những người giàu có
Tiếp theo danh vọng sẽ là tài bảo. Thử tưởng tượng một mai thức dậy bạn bỗng nhiên sở hữu khối tài sản khổng lồ. Khi ấy, nhiều khả năng bạn sẽ trở nên kiêu căng tự mãn. Để tránh mắc phải sai lầm này, bạn cần tinh tấn thực hành nhẫn nhục. Hôm nay, khi chưa có gì nhiều trong tay, bạn có thể khiêm cung. Ngày mai, khi trở nên giàu có, bạn sẽ có xu hướng kiêu mạn và học đòi trưởng giả. Bạn ngẩng cao đầu hãnh diện, nhìn mọi thứ bằng ánh mắt bề trên. Bạn không thể cúi đầu khiêm cung như trước nữa.
Đúng vậy, cách bước đi của người giàu có chức quyền thường hơi khác biệt so với người khác. Không biết bạn có để ý không, trừ khi bạn chưa từng gặp người rất giàu, nhưng rõ ràng do kiêu mạn, họ có dáng đi rất đặc biệt, người luôn thẳng tắp, cứng nhắc và trông hơi khổ sở. Nếu ở vào vị trí của họ, bạn sẽ hiểu rất rõ. Đây là dấu hiệu của sự thiếu kiên nhẫn. Như vậy, nếu trở nên giàu có, bạn sẽ có xu hướng kiêu căng và cùng lúc là cơ hội thực hành Nhẫn nhục Ba La Mật.
Để thực hành, bạn cũng cần trí tuệ hiểu biết. Thực sự chúng ta không thể ép mình phải nhẫn nhục. Tập khí đối nghịch sẽ trỗi dậy mạnh mẽ trong chúng ta. Nếu bạn trở nên giàu có, bỗng nhiên và gần như tức khắc, bạn trở thành người thích học làm sang. Cho dù không hẳn bạn muốn, song dường như bạn bị sức mạnh vô hình của danh vọng lôi kéo và không còn nhẫn nại được nữa. Hiểu biết sâu sắc rằng vinh quang cũng như mọi tài bảo thế gian này đều là hư ảo, giả tạm sẽ giúp bạn tránh được cạm bẫy này.
Dù là tỷ phú, vẫn tự quét nhà
Nên nhớ dù có sở hữu mọi tài bảo thế gian, bạn cũng chỉ có một cái bụng và không thể ăn quá ba bữa mỗi ngày. Bạn không thể ăn uống suốt cả ngày nếu không muốn sớm chết vì bội thực. Bạn cũng không thể dùng quá nhiều cao lương mỹ vị bởi chúng sẽ gây nguy cơ tiểu đường, bệnh gút và đủ loại tật bệnh khác. Con người được sinh ra với những giới hạn rõ ràng cho cuộc sống điều độ. Rốt cuộc, dù có chăm sóc mình đến mấy nhưng khi chết, bạn sẽ không thể đem theo được gì. Bạn buộc phải bỏ lại mọi thứ, kể cả xác thân mình.
Sở hữu tài bảo cũng giống như danh vọng đều không hề xấu. Cả hai đều cần thiết, nhưng bạn phải tự điều tiết, không bị tâng bốc phỉnh phờ bởi ngã mạn để rồi tự mình gieo rắc thêm vô số nhân khổ đau. Khi đó, bạn cần thực hành Nhẫn nhục Ba La Mật với hiểu biết rõ ràng rằng xét cho cùng của cải giàu sang vốn là hư ảo. Biết rằng xét cho cùng của cải giàu sang vốn là hư ảo. Biết bao bậc đế vương trên đời, những vị vua Pháp, Tây Ban Nha, các quốc vương Ấn Độ, hoàng đế Trung Hoa đã từng sống cuộc đời vương giả giàu sang quyền quý, song đến giờ cũng chẳng còn gì. Tên tuổi của họ gần như đã rơi vào quên lãng, những tòa lâu đài chỉ còn là phế tích để du khách ngày nay tới vãng du.
Khi biết quán chiếu về điều này, tâm kiêu mạn sẽ bị chế ngự, bạn không đánh mất chính mình và vẫn giữ được thái độ khiêm nhường. Dù là tỷ phú, bạn tiếp tục dành thời gian vui vầy cùng con cháu, chăm sóc mọi người, chịu khó cúi người tự mình quét nhà. Ngược lại, kiêu mạn sẽ ngăn cản bạn làm công việc “thấp kém”, buộc bạn bỏ tiền thuê người lau sàn, vung tiền thuê mua đủ thứ trợ giúp khác. Khi đó, bạn đang kết hôn với đồng tiền chứ không phải với một người chồng hay người vợ. Bạn sẽ giàu có về tiền bạc song lại nghèo khổ về lòng nhân ái và tình yêu thương.
Danh vọng cũng thổi phồng thói tự mãn của bạn. “Giờ cả thế giới đã biết đến mình, mình chẳng cần gì và cũng chẳng phụ thuộc vào ai nữa!”. Nhưng không phải vậy, bạn vẫn luôn cần sự hỗ trợ của gia đình, cần kết nối với mọi người, cần được quan tâm chăm sóc, dù thế nào đi nữa bạn cũng luôn cần tất cả những điều này. Thế nhưng, bạn ảo tưởng rằng mình chẳng cần gì, mình là tâm điểm của thế giới, mọi người đều ngưỡng mộ và thế là đủ. Thật sai lầm! Tới đây, bạn sẽ cần tới liều thuốc Nhẫn nhục. Đây là một giáo pháp quan trọng giúp bạn sửa đổi và cân bằng lại tư duy lệch lạc của mình.
Tự mãn vì chiếc mũi xinh xắn
Tự mãn và kiêu mạn là những thói xấu chúng ta cần tránh trong mọi hoàn cảnh. Tính kiêu mạn thường đeo bám chúng ta ngay cả trong cuộc sống hàng ngày. Ví dụ, chỉ cần soi gương thấy mắt mình đẹp, mũi mình xinh cũng đủ khơi dậy tính tự mãn. Nghe có vẻ ngốc nghếch, song điều này vẫn thường diễn ra. Chúng ta ngắm mình và nghĩ: “Ừ, trông cũng được, mũi mình nom thật quý phái” hoặc: “Mình thấy yêu đôi mắt tròn và hàng mi cong này”. Bất cứ nét đẹp nào của bản thân cũng dễ dàng khơi dậy niềm tự mãn trong bạn.
Chưa kể thái độ như vậy còn được khuyến khích trong xã hội hiện đại. Trong nhà trẻ, trên ghế nhà trường, tại giảng đường, chúng ta vẫn được dạy về lòng tự mãn. Đây là nguyên nhân khiến xã hội ngày càng trở nên hỗn độn. Tất cả trẻ em trên thế giới đều đang được giáo dục theo cách hướng sự tự mãn: “Đừng nhường ai, tiến lên đi, con giỏi nhất!”. Thế hệ tương lai sẽ gặp phải nhiều vấn đề do các giáo dưỡng hiện tại của nhà trường và các bậc phụ huynh.
Trong xã hội hiện đại, không có nhiều bậc cha mẹ biết cách nuôi dạy con. Họ biết sinh em bé, nhưng không biết cách giáo dục chúng. Nếu không biết cách dạy dỗ thì xin bạn đừng sinh chúng nữa. Khi không có cảm hứng hay trách nhiệm với con cái, tốt hơn hết bạn đừng lập gia đình. Tôi thường thầm nghĩ như vậy, nhưng đây là lần đầu tiên tôi chia sẻ quan điểm này.
Theo quan kiến Bồ tát đạo, bạn không nên chấp chứa tâm kiêu mạn, bất kể đối với đối tượng nào. Bạn có quyền được hưởng mọi điều tốt đẹp: đôi mắt đẹp, chiếc mũi đẹp, khuôn mặt đẹp, bàn tay đẹp, thân hình đẹp … Tuy nhiên, bạn không được khởi tâm kiêu mạn mà phải luôn khiêm cung khi đánh giá mọi thứ. Nếu biết thực hành như vậy, mọi phẩm chất tốt đẹp sẵn có sẽ không gây tổn hại mà còn giúp bạn đẹp hơn. Khuôn mặt đẹp dĩ nhiên là điều tốt, với điều kiện bạn đừng vì thế mà tự mãn. Bất kể lý do tốt đẹp nào, cho dù đó có là hình tướng bên ngoài, hay danh vọng, tiền tài, địa vị xã hội … đều là cơ hội để chúng ta thực hành hạnh khiêm cung, tránh xa chất độc của tự mãn kiêu căng.