TÌNH YÊU THƯƠNG VÀ SỰ TÔN TRỌNG

GYALWANG DRUKPA XII

Trích:  Giác Ngộ Mỗi Ngày Bước Chân An Lạc Trong Đời Sống Hiện Đại; Ban phiên dịch Drukpa Việt Nam; NXB Văn Hóa Thông Tin 2015.

Khi chúng ta tôn trọng lẫn nhau, tình thương sẽ tự đơm hoa kết trái. Đối với tôi, đây là trái ngọt của sự thực hành tâm linh. Ngày nay, con người không muốn trưởng dưỡng tình yêu thương và sự tôn trọng. Trong xã hội vị kỷ, chỉ vì chút lợi ích trước mắt, trong nháy mắt người ta có thể tàn phá những cánh rừng đã tồn tại nhiều thập kỷ, thập chí nhiều thế kỷ. Chúng ta chăn nuôi và sát hại gia súc hàng loạt để thỏa mãn sự khoái khẩu nhất thời. Chúng ta quen lạm dụng chúng sinh khác để đạt được mục đích của mình. Loài người được dạy cách sống ích kỷ, sợ hãi thua thiệt và hướng toàn tâm ý vào sự chiếm hữu, hưởng thụ của cải vật chất.

Thiền định và quán chiếu giúp chúng ta đối trị những cảm xúc này và từng bước nuôi dưỡng tâm vô ngã. Tôi không nghĩ rằng nhiều người thực sự cảm thấy thoải mái với những gì đang diễn ra. Sẽ chẳng hay ho gì khi bạn tiến lên phía trước bằng cách chà đạp lên người khác nhưng đôi khi chúng ta chẳng biết làm gì khác. Bằng cách trưởng dưỡng tâm từ bi, bạn sẽ có được niềm tin để tìm ra một con đường, bạn hiểu rằng những khoảnh khắc hành động với tình yêu thương và sự tôn trọng đáng giá hơn nhiều việc tranh giành ngôi vị số một trái với luân thường đạo lý và các giá trị từ bi – trí tuệ vốn sẵn có nơi tự tính Phật của mỗi người.

Ảnh: Chùa Long Động, thiền viện Trúc Lâm Yên Tử – Nguồn: Chiêm Hà Hải

TÌNH YÊU THƯƠNG CÓ Ý NGHĨA GÌ ĐỐI VỚI BẠN?

Bạn hãy khám phá các cung bậc cảm xúc xung quanh hai chữ “tình yêu”. Có người hạnh phúc, có người buồn khổ và nuối tiếc. Bạn không nên bị trầm chìm trong những khổ đau bất hạnh mà nên chấp nhận nó và cho phép mình bước ra khỏi những thói quen cũ kỹ của cảm xúc tiêu cực. Bất cứ việc gì đều có thể xảy ra ngay hôm nay hoặc ngày mai. Vậy, đừng tự “dán nhãn” bản thân và đánh mất niềm tin, hãy rút ra bài học sau mỗi thất bại rồi tự cho mình cơ hội để hàn gắn vết thương.

Bậc Thượng sư, nhà triết học Phật giáo Nagarjuna (Long Thọ) ví lòng bi mẫn cũng giống như “nước đối với công việc đồng áng”. Nước rất cần thiết từ lúc gieo hạt, ươm cây trưởng thành cho đến khi thu hoạch. Cũng như vậy, tiến trình tình yêu thương và lòng bi mẫn là hành trang quý giá nâng đỡ cho ta từ bước khởi đầu đến điểm đến giác ngộ cuối cùng của hành trình tâm linh siêu việt.

Mỗi chúng ta tùy theo tâm nguyện, lý tưởng, mục tiêu sẽ chọn một lối đi trên đường đời. Điều quan trọng con đường đó phải là hành trình của lòng từ bi. Những gì chúng ta nói và làm đều phải xuất phát từ tình yêu thương và lòng bi mẫn thay vì từ động cơ bản ngã vị kỷ. Tất cả những ý tưởng của cuốn sách này không có mục đích nào khác ngoài việc truyền cho bạn niềm cảm hứng để trưởng dưỡng, đồng thời thực hành tâm từ bi trong đời sống. Nghe thì đơn giản, nhưng để thực sự trải nghiệm và thành tựu điều này lại không hề dễ dàng. Trên thực tế, không có vị Phật nào thành tựu chứng ngộ mà không trải qua quá trình tu tập rèn luyện công phu miên mật. Chúng ta cần cố gắng thực hành đều đặn, mỗi ngày một chút, kể cả đối với những hành giả ở mức độ sơ cơ ban đầu.

Nếu muốn, bạn có thể mang lại hòa hợp, an lạc, hiểu biết và giác ngộ cho thế giới này. Giác ngộ nghe có vẻ hơi xa vời nhưng bạn vẫn có thể chia sẻ tình cảm ấm áp với mọi người. Khi có hiểu biết, ta sẽ trở nên cởi mở và linh hoạt. Trên thực tế, có những người mà sự hiện diện của họ luôn mang lại cho chúng ta cảm giác gần gũi, bình an, ấm cúng. Ngược lại, chúng ta cũng thường né tránh những người lạnh lùng, ích kỷ, thiển cận, không có đủ lòng can đảm để yêu thương chính mình và vì thế  cũng chẳng có gì để chia sẻ với mọi người.

Nếu chưa biết cách nhìn nhận cuộc sống với tâm từ bi, bạn hãy sớm học lấy điều này. Chúng ta không nên bị mắc kẹt với tư duy cũ kỹ, bởi bản chất cuộc sống là vô thường, luôn ẩn tàng bao cơ hội thực hành và bài pháp tốt đẹp. Chúng ta có khả năng thay đổi bản thân, thay đổi suy nghĩ, thái độ của mình. Đây là những điều tuyệt vời mà chúng ta nên làm để có thể trải nghiệm niềm hạnh phúc, tự do vững bền và chân thật.

Tất cả chúng ta đều có một quỹ thời gian như nhau trên trái đất này. Gây khổ đau hay động viên, mang lại hạnh phúc cho nhau đều là sự lựa chọn của chúng ta. Cuộc sống đôi khi thật căng thẳng và khó khăn. Vì thế, hãy biết vượt qua các khác biệt về văn hóa, tôn giáo hay màu da để cùng mở rộng lòng, ban trải tình thương yêu và truyền cảm hứng khích lệ lẫn nhau. Một vài người tôi gặp dường như tin rằng họ không thể làm như vậy, rằng họ không đủ khả năng. Họ so sánh mình với người khác, nghĩ rằng mình kém cỏi, tiêu cực và vô vọng. Họ bị thoái chí vì không có niềm tin và hiểu biết đúng đắn.

Suy nghĩ rằng chúng ta không thể thay đổi là sai lầm. Chúng ta sẽ không thể tiến xa nếu tự hạ thấp mình. Dù có thể không biết hết mọi thứ nhưng chúng ta cần lạc quan và tự động viên mình. Tại sao lại không thể? Đây là thái độ cần thiết. Nếu thực sự giác ngộ nằm ngoài tầm tay thì chúng ta sẽ chẳng bận tâm. Nhưng sự thật là thẳm sâu trong tim, chúng ta biết mình có tiềm năng đó. Trong cuộc sống, hẳn bạn từng cảm nhận được những khoảnh khắc cho dù ngắn ngủi của sự thăng hoa, của hiểu biết vẹn toàn và chân hạnh phúc. Giờ là lúc ta rộng mở trái tim để chào đón lại những khoảnh khắc đó và nhận ra rằng mang lại hạnh phúc cho người khác chính là kiến tạo hạnh phúc cho bản thân. Khi tỉnh thức, giữ chính niệm trong phút giây hiện tại, ta cùng hòa chung nhịp đập với thế giới quanh mình. Cuộc sống trở nên an hòa khi ta nhận ra mọi thứ về bản chất đều vô thường, không ngừng chảy trôi biến dịch. Hiểu biết đó sẽ giúp ta xả bỏ và nhẹ bước tiến lên trên hành trình tâm linh của mình.

“Chư Phật đạt được Quả vị Phật vì các Ngài luôn không ngừng yêu thương, giúp đỡ mọi người và tất cả chúng sinh”

~ Luận giải Bồ đề hạnh của Đức Shantideva

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. ĐỂ MỖI BUỔI SÁNG LÀ MÓN QUÀ VÔ GIÁ DÀNH CHO BẠN
  2. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ
  3. QUÁN SÁT TÂM MÌNH

Bài viết mới

  1. HÀO PHÓNG – VẼ LẠI NHỮNG LẰN RANH
  2. NHỮNG KẺ ĐỊCH THÂN CẬN
  3. KHẢ NĂNG TRUYỀN CẢM HỨNG