NỖ LỰC HAY ÂN PHÚC – SỰ THỰC VỀ GIÁC NGỘ

ADYASHANTI

Trích: Sự Thật Về Giác Ngộ; Việt dịch: Phạm Hải Anh; NXB. Văn hóa văn nghệ, 2018

Người ta thường hỏi tôi liệu tiến trình thức tỉnh có bao nhiêu phần là nhờ ân phúc, và bao nhiêu phần do siêng năng hay nỗ lực.

Thành thật mà nói, loại câu hỏi này rất khó trả lời. Trong các trường phái triệt để theo thuyết bất
nhị, nhiều người cho rằng mọi thứ là nhờ duyên phúc, nỗ lực không có tác dụng gì. Những người này nói rằng: “Buông bỏ triệt để; để mọi thứ tùy thuộc hết vào ân phúc, bởi vì con người không thể làm được; chỉ có ý muốn của Chúa Trời, mọi thứ là do ý Chúa, vì vậy, cuối cùng mọi thứ đều là ân phúc”.

Tất nhiên lại có những trường phái và cách tiếp cận khác chú trọng nhiều hơn đến nỗ lực. Những trường phái này nói rằng bạn phải cố gắng vượt qua ảo tưởng của bản thân; bạn phải nỗ lực ghê gớm, phải hết sức có kỷ luật tâm linh; phải sẵn sàng để thực sự nhìn thấy và đặt câu hỏi.

Hai quan điểm này thường phủ nhận lẫn nhau. Phía cho rằng bạn phải nỗ lực rất nhiều thường ít chú ý đến tính tự phát và tự nhiên. Học thuyết nói rằng mọi thứ là ý Chúa – bạn chẳng đóng vai trò gì, thế nên cứ thư giãn, để mọi chuyện diễn ra – có thể khăng khăng bám vào một quan điểm tuyệt đối mà thường bỏ qua tầm nhìn vĩ đại hơn. Một trong những điều tôi đã nhận ra từ lâu là sự thật không bao giờ nằm trong bất kỳ tuyên bố một chiều hoặc dưới hình thức nhị nguyên nào. Chắc chắn kinh nghiệm của tôi về bản chất tối hậu của thực tại là điều không thể diễn tả hay gói ghém theo cách nhị nguyên; nó vượt ngoài mọi quan điểm nhị nguyên.

Vì vậy, khi mọi người hỏi tôi liệu họ có cần nỗ lực hay không, liệu đó hoàn toàn là ân phúc hay nó đòi hỏi họ phải chuyên tâm, gợi ý hữu ích nhất mà tôi có thể đưa ra là hãy tìm kiếm câu trả lời bên trong bạn. Nếu thực sự thành thực với bản thân, thâm tâm bạn sẽ biết liệu có cần xem xét điểm bám chấp trong tâm trí, trong cơ thể hay trong gan ruột bạn sẽ biết khi nào mình cần có kỷ luật và nhìn sâu vào điều gì. Và nếu cần cố gắng xem xét nó, thì hãy làm thế. Cố gắng xem xét, đặt câu hỏi về nó, và khám phá nó.

Tôi nhắc lại, mọi bám chấp của chúng ta bắt nguồn từ cấp độ ý tưởng. Một trong những điểm khởi đầu là hãy nhìn vào điều bạn tin, ý nghĩ cụ thể nào đang khiến bạn sa vào nhận thức chia rẽ hoặc phân biệt cảm xúc. Đây là kỷ luật, là phần cần nỗ lực trong quá trình thức tỉnh: sự sẵn sàng và dũng cảm để đặt câu hỏi. Đôi khi cần phải vượt qua những chây ì nội tâm và thách thức bản thân xem xét vấn đề một cách thấu suốt.

Tôi thường nói với các học viên rằng cần phải dũng cảm đặt câu hỏi, nó thực sự tốn năng lượng. Xem xét điều gì một cách thực sự sâu sắc đòi hỏi cả lòng can đảm. Bạn cần phải tập trung, chú ý xem xét những hình mẫu nằm sâu trong tâm thức những dạng thức niềm tin ẩn dưới sự bám chấp về tinh thần, thể chất hoặc cảm xúc. Nếu chân thành và trung thực với chính mình, ta sẽ có trực giác về điều mình đang né tránh. Nếu thật sự trung thực, chúng ta sẽ bắt đầu tự nhận biết khi nào mình cần phải nỗ lực.

Nếu lắng nghe sâu sắc, chúng ta cũng sẽ cảm thấy khi nào phải buông bỏ, khi nào đến lúc để tạo hóa thực hiện những gì mà chỉ tạo hóa mới có thể làm. Chúng ta sẽ biết khi nào là lúc cởi mở và buông bỏ mọi nỗ lực, đấu tranh, thậm chí thôi truy vấn hay đặt câu hỏi. Đến một lúc ta biết mình đã làm mọi thứ cần làm, đã hoàn thành mục tiêu của mình và khi nào cần buông bỏ, nhường chỗ cho cái gì đó khác với ý thức huyền ảo về bản ngã.

Tôi không thể khuyên bạn khi nào nên làm điều này hay điều kia – nó tùy vào sự nhạy cảm, và trung thực với bản thân. Đôi khi người ta hỏi tôi liệu có nên thiền hay không. Họ nói: “Có người bảo tôi không nên thiền vì nó càng đi sâu tìm kiếm cái tôi. Người khác lại khuyên tôi nên thiền, nếu không thì tôi sẽ chẳng bao giờ thức tỉnh. Thầy nghĩ sao?”. Với những người này, tôi trả lời: “Chà, hãy cho tôi biết – bạn có thực sự muốn thiền không? Đây không phải là vấn đề nên hay không nên; thậm chí cũng không quan trọng là tâm trí hay cái tôi của bạn đang đặt câu hỏi. Điều gì còn sâu sắc hơn thế nữa? Điều gì ẩn dưới đó? Bạn thực sự biết gì? Bạn thực sự biết gì – liệu bạn có muốn biết điều đó hay không?”.

Đây là câu hỏi quan trọng.

Tôi nghĩ rằng một trong những nhiệm vụ chính của người thầy là giúp học viên kết nối với trực giác, ý thức tự nhiên của họ – đôi khi nó được gọi là “người thầy nội tâm”. Tôi thấy rằng nhiều người ít có ý thức về người thầy nội tâm này. Có những người quá mâu thuẫn đến nỗi gần như không thể tìm thấy người thầy này. Trong trường hợp đó, có lẽ cần một người thầy ở bên ngoài hướng dẫn, giúp họ thấy phải đi đâu và cần xem xét cái gì để tìm ra người thầy nội tâm này.

Có quá nhiều người từ chối trách nhiệm với bản thân. Quá nhiều người muốn ai đó nói cho họ biết phải làm gì về tâm linh. Họ muốn thấy chỉ bảo “Làm cái này hoặc đừng làm cái kia. Thiền chừng này thôi hoặc thiền nhiều lên”. Nếu mắc phải thói quen này, chúng ta có thể ở mãi trong nhà trẻ tâm linh. Đến một lúc nào đó chúng ta cần phải lớn lên; cần phải nhìn vào bên trong để thấy hướng dẫn nội tâm của mình. Có những thứ mà đa số nhân loại đều biết; chỉ là họ không muốn biết mà thôi. Thâm tâm họ biết rằng những điều nhất định trong cuộc sống của mình đang ổn hoặc không ổn, rằng phần này trong cuộc sống của mình đang thuận lợi, còn phần kia đang trục trặc. Nhưng đôi khi, con người ta không muốn biết điều không ổn. Thế là chúng ta giả vờ không biết.

Điều quan trọng nhất là phải ra khỏi sự giả vờ đó. Mọi thứ đều có thời gian và có chỗ của mình. Có lúc phải nỗ lực và kỷ luật. Có lúc lại buông bỏ và nhận ra mình không thể tự làm điều đó, rằng nó tùy vào duyên may, rằng nỗ lực, đấu tranh, phấn đấu không còn ích gì nữa.

Nhưng hãy hiểu một điều: dù con đường của chúng ta là gì – tiến bộ từ từ hay lập tức, là thầy tu hay không – quỹ đạo cuộc sống tâm linh và mọi thức tỉnh tâm linh của chúng ta đều hướng về buông bỏ tuyệt đối. Cuối cùng, đó là tên của trò chơi tâm linh này. Mọi thực hành tâm linh đều dẫn chúng ta đến trạng thái quy thuận tự nhiên – buông bỏ hết. Đó là nơi mà mọi ngả đều dẫn về, bất kể bạn đi con đường nào hay thực hành gì. Khi biết được điều đó, bạn nhận ra rằng mỗi bước hành trình là một cơ hội nữa để buông bỏ. Có thể bạn phải nỗ lực để đạt được điều đó; có thể phải nỗ lực để đi tới chỗ sẵn sàng buông bỏ tùy duyên, nhưng cuối cùng toàn bộ hành trình tâm linh là nhằm rũ bỏ ảo tưởng về cái tôi chia rẽ, rũ bỏ ảo tưởng và mong cầu của chúng ta về thế giới bên ngoài.

Chúng ta phải sẵn sàng để mất cả thế giới của mình. Sự sẵn sàng đó là quy thuận; là buông bỏ. Mỗi chúng ta phải hiểu buông bỏ có ý nghĩa gì đối với mình, mình phải buông bỏ cái gì. Dễ hay khó không thành vấn đề. Rốt cuộc, chỉ có sự buông bỏ mới là quan trọng.

 

Bài viết này đã đóng bình luận.


Bài viết khác của tác giả

  1. HIỂU VỀ NỖI ĐAU KHỔ CỦA CHÚNG TA
  2. BẢN NGÃ KHÔNG LÀ GÌ KHÁC NGOÀI TRẠNG THÁI Ý THỨC
  3. TRẠNG THÁI TỰ NHIÊN – HÀNH TRÌNH GIÁC NGỘ

Bài viết mới

  1. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ
  2. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  3. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH