Ý NGHĨA CỦA CÂU CHUYỆN TÁO QUÂN VỚI VĂN HÓA VIỆT

NGUYỄN THỊ HUYỀN

Nguồn: https://thkimxa.vinhphuc.edu.vn/tin-tuc-su-kien/y-nghia-cua-cau-chuyen-tao-quan-voi-van-hoa-viet-c923-101099.aspx

Ngày 23 tháng Chạp âm lịch hàng năm, theo truyền thống từ lâu đời, mọi nhà làm lễ “Cúng Ông Táo” hay “Tiễn Táo quân về Trời”. Có lẽ không người Việt nào không nhớ câu chuyện Táo Quân. Tuy nhiên một số bạn còn muốn biết ý nghĩa của câu chuyện này. Xin chia sẻ bài viết của TS. Vũ Thu Hương để giải đáp cùng các bạn. Trong bài viết này, tôi muốn bàn thêm chút xíu về ý nghĩa của câu chuyện Táo Quân với văn hóa Việt.

1. Ý nghĩa lịch sử: ghi lại lịch sử thời tiền sử, thời kỳ chuyển đổi từ mẫu hệ sang phụ quyền.

Táo Quân chính là câu chuyện ghi lại bước chuyển đổi của lịch sử hôn nhân trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam. Người Việt xa xưa có thời kì hôn nhân sóng ba, một bà hai ông. Đây cũng là thời kỳ chuyển giao từ từ thời kỳ mẫu hệ sang thời kỳ phụ hệ.

Giữa Quần hôn và một ông, một bà là thời kỳ trung gian: một bà hai ông. Chính vì vậy, trong câu chuyện có hai ông một bà là vì vậy. Ngày 23 tháng Chạp trước Tết, có tục đón tổ tiên bằng tục cúng Táo quân với ba cái mũ: Một to, hai nhỏ. Mũ to là mẹ Mẫu, hai mũ nhỏ là hai cha.

Điều này cũng hợp lý với đặc trưng bếp củi của người Việt xưa. Mỗi một bếp ăn thường là kiềng 3 chân hoặc đơn giản là 3 viên gạch đặt chụm vào nhau tạo thành bếp lửa ấm nồng. Với một bà và hai ông, bếp lửa đơn giản đã trở nên gần gũi hơn, hợp lý hơn khi người Phụ nữ chiếm vị trí quan trọng điển hình trong bếp Việt.

Một dạng của bếp Việt với 3 ông đầu rau

Một dạng của bếp Việt với 3 ông đầu rau

2. Ý nghĩa triết lý: Triết lý Phân – Nguyên và vận hành vũ trụ

Để ghi nhớ lại thời kỳ cho đời sau, các cụ tổ chúng ta đã sáng tạo ra câu chuyện Táo quân, hai ông, một bà, cả ba cùng chết, bởi ngọn lửa, cùng trở về cõi vĩnh hằng. Một quá trình trở về từ phân (phân chia thành các thành phần) về nguyên, quy về một mối, một cõi.

Về câu chuyện Táo Quân cưỡi cá chép về chầu, đây cũng không đơn giản chỉ là một cách minh họa hấp dẫn mà là một câu chuyện về vận hành của vũ trụ. Táo quân là nói đến bếp, lửa và nồi, lấy bếp và nồi làm vi mô để nói lên vĩ mô vũ trụ của lửa và nước, âm và dương.

Táo quân cưỡi cá chép về báo cáo Ngọc hoàng

Táo quân cưỡi cá chép về báo cáo Ngọc hoàng

Trong văn hóa Việt, lửa là dương, là hơi nóng, nước là âm, là vật chất tuần hoàn. Điều này đơn giản chỉ là vòng tuần hoàn nước, vòng tuần hoàn tồn tại khắp nơi trên trái đất chúng ta. Sự tuần hoàn này được coi như sự lặp lại của quy luật vũ trụ tuần hoàn. Mặt trời như lửa đốt cháy biển, nước (như một cái nồi). Nước từ sông biển bốc hơi lên trời thành mây. Mây gặp lạnh thành mưa rào đổ xuống. Điều này cũng xảy ra ngay trong nồi cơm của người Việt. Gạo nấu thành cơm cần có nước. Nước lẫn gạo gặp lửa sẽ bốc hơi. Hơi nước được giữ lại trong nồi để làm chín hạt cơm. Hơi nước bốc lên cao gặp vung lạnh cũng tụ lại và rơi xuống.

Một dạng bếp Việt dùng kiềng 3 chân

Một dạng bếp Việt dùng kiềng 3 chân

Câu chuyện Táo Quân đã phần nào thể hiện chính vòng tuần hoàn nước trong tự nhiên cũng như trong quá trình nấu cơm, một quá trình vô cùng quen thuộc với từng gia đình Việt Nam. Chính vì lẽ đó, Ông Táo cưỡi cá theo hơi nước bay lên trời. Giữa chừng hóa rồng để bay lên Thiên Đình. Đến khi báo cáo xong với Ngọc Hoàng, rồng lại hóa thành cá chép để quay trở về theo những giọt mưa xuân.

3. Ý nghĩa đạo lý

Nếu nghĩ về cái chung, vì cộng đồng (Nguyên) thì hạnh phúc, lành mạnh, nếu chỉ nghĩ đến cái riêng (Phân) thì tranh dành, mất đoàn kết, tậm chí, chiến tranh.

Cả ba người cùng chết vì người khác, nghĩ đến người khác. Ba người mẫu vua bếp cùng chết vì lửa, ngọn lửa tình nghĩa và thủy chung đã thiêu cháy ba người.

Cúng Ông Táo ngày 23 tháng Chạp âm lịch

Cúng Ông Táo ngày 23 tháng Chạp âm lịch

Đó là ý nghĩa tuyệt vời của hy sinh vì hạnh phúc của người thân. Điều này cũng thể hiện tình yêu thương dành cho những người thân yêu trong một gia đình. Gia đình Việt không đơn giản chỉ là một cặp vợ chồng và những đứa trẻ. Gia đình là nơi người đi xa muốn trở về, người trưởng thành tìm thấy sự bình an và là chốn hạnh phúc, đủ đầy của trẻ nhỏ.

Chết cho người mình yêu thương, hi sinh hạnh phúc riêng tư cho gia đình, đó chính là điều mà gia đình Việt hướng tới. Hạnh phúc là sự sẻ chia. Đấy chính là ý nghĩa tuyệt vời của câu chuyện Táo Quân, một phần quan trọng không thể thiếu trong Tết Việt.

Bình luận


Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP