NGHỈ NGƠI MUÔN VIỆC

HT. THÍCH THÁNH NGHIÊM

Trích: Thiền Mặc Chiếu; Thích Huệ Thiện dịch và chú thích; NXB. Văn Hóa-Văn Nghệ

Con người triệt ngộ, chúng ta gọi họ là đạo nhân vô sự. Đạo nhân, chính là người tu hành Phật đạo, đạo nhân vô sự là trong tâm đã không còn có việc của riêng mình, nếu đã tự mình không có việc, thế thì còn có việc gì để làm nữa không? Trên sự thật, đối với phàm phu mà nói, tu hành và phiền não đều là việc, phàm hễ trong lòng còn có thứ đeo mang, thì đều gọi là “Việc”. Mọi lúc mọi nơi nên dừng lại những mối quan tâm đèo bòng trong lòng, lúc trong tâm không có bất kỳ mối bận tâm nào, thì tuy vẫn sinh sống hoạt động như bình thường, nhưng đó chính là buông xả muôn việc.

Có một vị Bồ Tát đến tham gia khóa tu thiền, khi còn chưa hoàn tất các thủ tục, thì liền đó nghe vợ của ông ta nói chuyện qua điện thoại, nếu như ông tham gia thiền thất, thì bà ấy đòi tự sát ở trong nhà. Do đó, vị Bồ Tát này hỏi tôi rằng: “Sư phụ, con phải làm sao đây?”. Tôi hỏi vợ của ông có ý muốn tự sát là đúng thật, hay vẫn là giả đò? Ông ta nói: “Bà ấy trước đây cũng đã nói y hệt như kiểu ấy, không biết là thật hay giả nữa, con vẫn muốn ở lại đây đả thiền thất, hai hôm nữa rồi xem lại sẽ phát sinh chuyện gì!”. Nhưng tôi nói với ông ta: “Tôi nghĩ anh không cần phải xem gì nữa, bởi vì thời gian thiền thất trong lòng của anh cứ luôn đeo mang rằng: ‘Không biết vợ của mình có tự sát hay không?’ thì còn đả thiền thất gì chứ? Trong lòng của anh có việc, bà xã anh nói muốn tự sát là việc lớn, hơn nữa là chuyện nguy cấp, theo tôi thấy, anh cứ nên quay trở về đi!”.

Xin hỏi trong lòng của các quý vị có công việc không? Mặc dù không có vấn đề người nhà đòi tự sát, nhưng trong lòng cũng đèo bòng rất nhiều rất nhiều chuyện, như có thể các quý vị vừa ngồi thiền vừa đang nghĩ tưởng việc trước chuyện sau, cũng có thể nghĩ rằng: “Thiền Mặc Chiếu có khả năng giúp mình khai ngộ không nhỉ? Có thể cho mình trí tuệ chăng? Thiền Mặc Chiếu đến lúc nào mới khiến cho mình đoạn trừ được phiền não đây?”. Có người khả năng không có nghĩ đến nhiều vấn đề như thế, mà chỉ là chờ mong hoàn thành thiền thất một cách thuận buồm xuôi gió, hoặc giả nghĩ: “Thời gian thiền tập sẽ phát sinh chuyện gì đây? Và rồi sẽ như thế nào nhỉ?”. Một loại là mong đợi, trông chờ; một loại khác là lo lắng; phỏng đoán, toàn bộ những thứ này đều là “Việc”. Thật ra, tu hành chính là vận dụng phương pháp tu hành, không nên đoái trước trông sau, không nên ghen tị với người khác, không nên so sánh với người khác, cũng không nên tự so sánh với chính mình, bằng không, sẽ trở thành việc làm phí công chẳng nhắm vào sự nghiệp chính đáng.

Tâm của bạn, đừng nên bị bất kỳ trạng huống gì làm chao động, đừng nên bị bất cứ hiện tượng nào lôi kéo đi. Phát hiện chim đang kêu, gió đang thổi, ruồi và muỗi đang bay; hoặc cảm giác thấy vai cổ đau, eo lưng mỏi, da ngứa ngáy, hoặc giả biết kỹ trong lòng hiện có tạp niệm, vọng tưởng, tà tư đang trôi lơ lửng, thì những thứ này đều là hiện tượng. Đã bị bạn phát hiện, tức là “Chiếu”; sau khi đã phát hiện, bất cứ lúc nào cũng buông xả, chính là “Mặc”.

“Việc”, là thứ không thể không có, như ăn cơm, đi đường, ngồi thiền, đi ngủ, vào phòng vệ sinh, quét tưới môi trường xung quanh, v.v… Mỗi một thứ đều là việc, nhưng nhất quyết bạn không nên lấy việc đã phát sinh thuộc về một niệm trước, cũng như việc còn chưa phát sinh ở một niệm sau, để đeo mang ở trên tâm mình. Những gì bạn vừa làm thì đã làm qua rồi, có thể có ký ức, nhưng không nhất thiết cần phải bận lòng; những việc còn chưa phát sinh, có thể có kế hoạch, nhưng đừng nên lo lắng; phàm hễ những gì không tương ứng với phương pháp mà ngay đây đang sử dụng, thì đều là việc phí công, cần phải mọi lúc buông xả, đây chính là đã “nghỉ ngơi muôn việc”.

Phát hiện trong lòng có việc, chính là “Chiếu”, không chán ghét nó, cũng không quan tâm đến nó, chỉ nghỉ ngơi mọi chuyện đang có trong lòng, thì là “Mặc”. Đương lúc bạn rõ ràng mồn một không có tạp niệm vọng tưởng mà chỉ có phương pháp, tức chính là bạn đang tu hành Mặc Chiếu.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  2. LIỆU CÓ “ĐOÁN” ĐƯỢC “MỆNH” KHÔNG? – HT. THÁNH NGHIÊM
  3. THUẬN CẢNH, NGHỊCH CẢNH

Bài viết mới

  1. SỰ KHIÊM TỐN THUYẾT PHỤC
  2. TU TẬP THIỀN BẰNG CÁCH QUÁN TÂM TRONG TĨNH LẶNG
  3. TRAO MỘT LỜI KHEN