KHUYẾN KHÍCH VÀ NÂNG ĐỠ THANH NIÊN TOÀN THẾ GIỚI

MUHAMMAD YUNUS

Trích: Thế Giới Ba Không; Vũ Thái Hà dịch; NXB. Thế Giới

Với nhiều người, tin tức này đến như một cú sốc. “Đa số thế hệ Y giờ đây chối bỏ chủ nghĩa tư bản”, tin nổi bật của tờ Washington Post cho biết. Theo một cuộc điều tra vào năm 2016 đối với thanh niên tuổi từ 18 đến 29 được thực hiện bởi các chuyên gia của Đại học Harvard, chỉ có 42% nói là họ ủng hộ chủ nghĩa tư bản, trong khi 51% cho biết họ không ủng hộ. Đây chỉ là kết quả khảo sát mới nhất cho thấy sự mất tin tưởng nghiêm trọng mà nhiều thanh niên cảm thấy đối với hệ thống kinh tế chính thống. Chẳng hạn, một cuộc khảo sát năm 2012 do Viện Pew danh tiếng thực hiện phát hiện ra rằng trong khi có 46% của thế hệ Y (hay còn gọi là thế hệ millennials, để chỉ chung những người sinh ra từ khoảng năm 1980 đến những năm đầu thập niên 2000) có nhìn nhận tích cực về chủ nghĩa tư bản thì 47% nhìn nhận tiêu cực. Nhà báo Max Ehrenfreund mô tả kết quả của Harvard là phản ảnh “một sự chối bỏ rõ ràng đối với các nguyên tắc nền tảng của kinh tế Mỹ”.

Điều này là đáng ngạc nhiên, ít nhất cũng có thể nói như vậy. Vào năm 1991, với sự sụp đổ của Liên Xô, mọi chuyện cứ như thể thách thức duy nhất đáng kể đối với chủ nghĩa tư bản đã chết đi. Điều gì đã xảy ra, chỉ trong vòng 25 năm, khiến cho thế hệ trẻ hơn quay sang chống lại chủ nghĩa tư bản vốn đã trở nên đắc thắng một cách rõ ràng?

Những người bảo vệ cho thị trường tự do thần thánh đã phản ứng lại bằng sự ngạc nhiên và ngỡ ngàng. Kinh tế gia Michael Munger, viết trên website của Foundation for Economic Education (tạm dịch: Quỹ Giáo dục kinh tế), như muốn cho rằng các kết quả khảo sát là vô nghĩa, nói: “Việc bạn có thể từ chối chủ nghĩa tư bản là không rõ ràng, không rõ ràng hơn chút nào so với việc bạn có thể từ chối trọng lực vậy”. Một số nhà bình luận chỉ ra rằng các thanh niên được hỏi ý kiến không đi theo bất cứ một hướng đi thay thế rõ ràng nào cho chủ nghĩa tư bản. Những người khác nhấn mạnh thực tế rằng người trả lời khảo sát không đưa ra định nghĩa kinh tế nào rõ ràng để áp dụng, và biện bác rằng kết quả khảo sát chỉ đơn giản phản ảnh một sự nhầm lẫn về ý nghĩa thực sự của “chủ nghĩa tư bản”.

Có lẽ ý kiến hay nhất đã được Sarah Kendzior đưa ra, đăng trên tờ Foreign Policy. “Có gì đáng băn khoăn không khi mà hơn một nửa số người từ 18 đến 29 tuổi ở Mỹ nói rằng họ không ủng hộ chủ nghĩa tư bản?”, cô đặt vấn đề. Kendzior nói tiếp:

Bạn không cần đến một cuộc khảo sát để khẳng định nỗi tuyệt vọng của thanh niên Mỹ. Bạn hãy nhìn vào tài khoản ngân hàng của họ, vào việc làm mà họ làm, vào việc làm mà cha mẹ họ đã bị mất, vào món nợ mà họ đang chịu, vào các cơ hội mà họ thèm muốn nhưng bị khước từ. Bạn không cần các ẩn ngữ hay hệ tư tưởng để xây dựng nên một tình thế chống lại một thực trạng bất biến. Bản cáo trạng rõ ràng nhất cho một thực trạng bất biến là chính thực trạng bất biến đó”.

Tôi không ngạc nhiên với kết quả khảo sát. Công việc đưa tôi đến với các học xá đại học trên khắp thế giới. Tôi có nhiều cơ hội nói chuyện với thanh niên về cuộc sống của họ, các thách thức mà họ gặp phải, và niềm hy vọng và những ước mơ của họ cho tương lai. Từ lâu, với tôi chuyện đã rõ ràng là thanh niên ở mọi nơi, ở các nước giàu cũng như các nước nghèo, đã thất vọng nghiêm trọng với hệ thống kinh tế và xã hội mà họ thừa hưởng. Họ nhận thức về các khiếm khuyết của nó một cách sâu sắc, không chỉ bởi vì các khó khăn mà cá nhân họ đang phải trải qua thất nghiệp, nợ vay khi đi học, các cơ hội ngày càng ít dần mà bởi vì các vấn đề toàn cầu mà họ nhìn thấy xung quanh mình, từ nghèo đói dai dẳng cho đến tàn phá môi trường, từ bất bình đẳng giới tràn lan cho đến vi phạm nhân quyền. Tuy nhiên, tôi không tin rằng họ hiểu được một cách rành mạch là tất cả các vấn đề mà họ nhìn thấy xung quanh đều do chủ nghĩa tư bản. Tôi nghĩ là họ chỉ đơn giản nói lên rằng họ không thích những gì mà họ thấy quanh mình. Quan trọng hơn cả, họ không xem “hệ thống” hiện nay là thần thánh, và cũng không tin rằng các kết quả do thị trường tự do tạo ra là luôn luôn hoàn hảo, như là một số nhà lý luận khăng khăng khẳng định. Họ đánh giá hệ thống dựa vào kết quả mà nó tạo ra, và dựa trên nền tảng đó, họ cho rằng có khiếm khuyết.

Mặt khác, hầu hết thanh niên ngày nay không theo đuổi bất cứ một lý tưởng thay thế nào được xem thay cho chủ nghĩa tư bản. Họ xem các hệ thống đó cũng khiếm khuyết. Thay vào đó, họ đang tích cực tìm một tiếp cận mới – một bộ cấu trúc mới phản ánh chính xác hơn thực tế của bản chất con người và có tiềm năng giải phóng sức sáng tạo của con người để giải quyết các vấn đề nghiêm trọng mà loài người đang gặp phải. Tôi lưu ý một điểm phổ biến trong thanh niên hiện nay: họ sẵn sàng trở nên hữu ích cho người khác hơn là các thế hệ trước. Họ đang tìm cách để làm cho bản thân mình hữu ích cho thế giới.

Cuộc khảo sát chỉ nói lên rằng thanh niên không hài lòng với hệ thống – rằng nó không đưa ra một kết quả nào khiến họ hài lòng. Nói một cách nhẹ nhàng hơn, họ không thấy hứng thú với hệ thống. Họ có thể đang tích cực tìm kiếm một hệ thống kinh tế mới, hoặc không. Một số thanh niên cảm thấy bị mắc kẹt trong các bức tường của các cấu trúc như là thị trường chứng khoán hay các chính sách tiền tệ và tài chính truyền thống. Họ chào đón bất cứ ai có thể đem đến cho họ cơ hội hít thở thứ không khí trong lành bên ngoài các bức tường đó với niềm hân hoan. Điều này giải thích được sự hăng hái mà tôi gặp được khi giải thích các ý tưởng của mình với các cử tọa trẻ trên mọi châu lục.

Thanh niên hôm nay là những người sẽ dẫn dắt thế giới sáng tạo nên một nền văn minh mới mà chúng rất cần. Họ đã chăm chỉ, tìm kiếm các ý tưởng và một kế hoạch hành động. Một khi họ biết họ muốn gì, họ có thể đạt được nó dễ dàng hơn nhiều so với ba mươi năm về trước.

Tuổi trẻ hôm nay được tranh bị rất đầy đủ để làm bất cứ việc lớn nào. Được giáo dục tốt hơn so với bất cứ thế hệ nào trong lịch sử, họ đa dạng hóa cao độ và kết nối toàn cầu, nhờ vào sức mạnh của truyền thông số và công nghệ thông tin đang kết nối thanh niên ở mọi nơi. Các chương trình du lịch, trao đổi sinh viên và thực tập quốc tế, và kết nối qua mạng xã hội đã giúp nhiều người trong số họ có bạn bè xuyên biên giới quốc gia, chủng tộc và tôn giáo.

Thanh niên ngày nay chỉ có một bức tranh mờ của thế giới mà họ muốn. Tuy nhiên, họ nhận ra rằng cả thế giới học thuật lẫn thế giới chính trị đều không cho họ lộ trình để đi đến thế giới tốt đẹp hơn mà họ muốn, cũng không cho họ công cụ mà họ cần để tự vẽ lấy lộ trình của chính họ.

Sự thất vọng đẩy họ vào hai hướng khác nhau. Một số trở nên bị quan và rút lui khỏi xã hội, trong khi những người khác vẫn hy vọng rằng mọi thứ sẽ thay đổi đem đến điều tốt đẹp hơn. Họ thấy họ có sức mạnh ghê gớm nhưng không tìm ra cách sử dụng sức mạnh đó. Bất cứ một hình hài thuyết phục nào của tương lai có thể gắn kết với niềm khao khát nội tại của họ cũng sẽ kích thích họ đến với một sức mạnh không thể ngừng lại được mà thế giới chưa bao giờ có từ trước đến nay.

Như là một phần không thể thiếu của hệ thống giáo dục, tôi đề nghị rằng mỗi năm mỗi lớp học nên dành một tuần để tưởng tượng ra các đặc điểm lớn của thế giới mà họ muốn tạo ra nếu họ được trao quyền để làm điều đó. Hai ngày đầu tiên, họ cần thu thập và xem xét danh mục các đặc điểm của thế giới mà cá nhân mỗi sinh viên tưởng tượng ra. Sau đó suốt những ngày còn lại họ nên làm việc chung với nhau để lập ra một hay nhiều danh mục các đặc điểm mà họ cho rằng đúng đắn đối với mình.

Hiện nay, các sinh viên không bao giờ được dạy rằng họ có thể tự tạo nên thế giới của riêng mình. Tuy nhiên tôi nghĩ rằng việc tưởng tượng ra một thế giới như thế nên là phần quan trọng nhất của quá trình giáo dục. Khi mà họ thiết kế thế giới này, họ sẽ bắt đầu tư duy xem làm thế nào để dịch nó từ tưởng tượng thành thực tế. Nếu chúng ta có thể tưởng tượng ra cái gì đó thì nhiều khả năng là nó sẽ xảy ra. Nếu chúng ta không tưởng tượng ra nó thì gần như chuyện nó xảy ra là không thể. Trong khi thiết kế thế giới tưởng tượng của mình, sinh viên sẽ nhận ra thế giới hiện tại khác với thế giới mà họ mong muốn như thế nào. Nhận thức đó sẽ là khởi điểm của hành động.

Thanh niên ngày nay đại diện cho một trong ba “siêu thế lực” mà tôi tin là sẽ biến đổi xã hội toàn cầu trong vài thập kỷ tới, bằng cách tái thiết kế kiến trúc kinh tế một cách trọn vẹn để giải phóng sức sáng tạo của con người ở mọi nơi. Họ sẽ đảm bảo rằng hệ thống sẽ không còn là một cỗ máy được thiết kế hoàn hảo cho việc tạo ra một nhúm những con voi giàu có và thống trị thế giới, để hàng tỷ người khác phải sống cả cuộc đời như những con kiến thợ. Một khi thanh niên ngày nay biết rõ kiểu thế giới mà họ muốn thì việc biến nó thành hiện thực sẽ dễ dàng hơn nhiều.

—–o0o—–

Bình luận


Bài viết mới

  1. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ
  2. AI CŨNG CÓ THỂ HẠNH PHÚC NGAY TỪ GIÂY PHÚT NÀY
  3. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ