GURU DEV SRI SRI RAVI SHANKAR
Trích: Ngợi Ca Tình Yêu Thương; Dịch: Thảo Trần; NXB ThaiHaBooks và NXB Hà Nội
Cơn giận không có tai nghe cũng chẳng có mắt nhìn.
Nó chỉ dẫn tới phản ứng.
Và phản ứng mang đến niềm tiếc nuối.
Tiếc nuối gây ra thất vọng.
Thất vọng che mờ lý trí.
Những hành động vô lý đánh thức cơn giận rồi lại bắt đầu một vòng luẩn quẩn khác.
Chỉ kiến thức về bản thân và sự tận tâm mới giúp ta thoát khỏi vòng luẩn quẩn này. Dưới ngọn lửa của tri thức, khi ta buông bỏ cơn giận và sự trả thù, hơi ấm của Bản thể không tì vết mới tỏa sáng. Đó chính là Yagya đích thực.
— Rishikesh, Ấn Độ
— Ngày 06/03/2002
—o0o—
Nhiều người gặp vấn đề trong việc buông bỏ sự kiểm soát, từ đó họ lo lắng, bồn chồn và các mối quan hệ trở nên tồi tệ.
Hãy tỉnh táo lại và xem xét liệu bạn đã thực sự kiểm soát được điều gì chưa? Bạn kiểm soát được cái gì? Hẳn chỉ là một phần rất nhỏ khi bạn ở trạng thái thức! Bạn không kiểm soát khi bản thân đang ngủ hoặc mơ. Bạn không kiểm soát được suy nghĩ và cảm xúc đến với mình. Bạn có thể chọn cách bộc lộ chúng ra hoặc là không, nhưng chúng cứ đến với chúng ta mà chẳng cần xin phép. Bạn không kiểm soát được phần lớn các chức năng trong cơ thể. Bạn nghĩ là mình kiểm soát được tất cả các sự kiện trong cuộc sống riêng tư, trên thế giới hay trong vũ trụ ư? Thật nực cười! Khi biết nhìn sự việc từ góc độ như vậy, bạn không cần sợ mất kiểm soát nữa, bởi chúng ta có kiểm soát điều gì đâu mà mất.
Dù có tự nhận ra hay không, chỉ khi thực sự thư giãn thì bạn mới có thể buông bỏ được ý thức muốn kiểm soát. Khi tự nhận diện mình là một người như thế nào, bạn sẽ không được hoàn toàn thoải mái và điều đó giới hạn phạm vi hiểu biết của bản thân.
— Trung tâm tại châu Âu, Bad Antogast, Đức
— Ngày 27/12/2001
—o0o—
Người không may mắn là người khao khát thế gian.
Người may mắn là người khao khát Đấng tối cao.
Người khờ dại là người khiến bạn khao khát thế giới.
Người thông tuệ là người khiến bạn khao khát Đấng tối cao.
Nguồn gốc của xung đột là do ý niệm “của tôi” và “của bạn”. Hiểu biết về bản thân giúp giảm bớt giới hạn trong cảm giác được thuộc về và giải quyết xung đột. Khi kiến thức này soi sáng bạn, không còn ai là xa lạ trên toàn thế giới. Cùng lúc đó bạn nhận ra rằng bản thân hiểu biết rất ít, ngay cả về người thân thiết nhất với mình. Bạn không thể hiểu ai đó hoàn toàn vì cuộc sống là một bí ẩn! Hãy thức tỉnh. Tất cả những phân biệt về “tôi, của tôi, của người khác” sẽ nhẹ nhàng tan biến.
— Ottawa, Canada
— Ngày 08/09/2000
—o0o—
Hôm nay là ngày sinh của thần Krishna. Cuộc sống của thần Krishna chứa đầy những xung đột nhưng ngài vẫn mỉm cười và vượt qua. Mong bạn vượt qua những xung đột và cống hiến cho hành tinh này.
— Trung tâm tại Bangalore, Ấn Độ
— Ngày 05/09/1996
—o0o—
Hành động tồi tệ nhất của lý trí là chiến tranh.
Mỗi cuộc chiến có lý do riêng và lý lẽ lại biện minh cho chiến tranh. Những người tham chiến luận suy về nó. Nhưng lý do thì có giới hạn. Khi lý do thay đổi, sự bào chữa cũng vô nghĩa. Tất cả những lý lẽ cho một cuộc chiến dường như chỉ chính đáng đối với vài người và trong một khoảng thời gian nhất định. Vì vậy, chiến tranh xảy ra là việc tất yếu trên hành tinh này.
Chỉ có con người mới gây ra chiến tranh. Không một loài nào khác trên Trái đất tham gia vào chiến tranh hay hủy diệt hàng loạt, bởi vì chúng không có lý do gì để làm vậy cả. Loài vật đi kiếm mồi và để nguyên trạng mọi thứ khác. Nhưng loài người từ thời thượng cổ đã tham chiến bởi vì con người hành động dựa vào lý trí. Con người viện cớ và biện minh cho mỗi hành động của mình. Nhưng khi các lý do thay đổi, sự bào chữa trở nên vô nghĩa.
Con người phải vượt lên trên lý trí, chỉ khi đó chúng ta mới có thể nhận ra Đấng tạo hóa và không tham chiến nữa. Chỉ khi con người trở nên sáng suốt, thoát khỏi sự ghét bỏ và nâng cao ý thức, chiến tranh mới có thể chấm dứt.
— Kolkata, Ấn
— Ngày 20/09/2001
—o0o—
Hành động chỉ mang tính hủy hoại và gây ra tổn thương cho cả bản thân và những người khác là khủng bố. Với hành động này, các giá trị con người bị mất đi trong quá trình đạt được mục tiêu.
Một số yếu tố dẫn đến khủng bố là do chán nản và thất vọng trong khi thực hiện mục tiêu, hành động bốc đồng, tầm nhìn hạn hẹp và cảm xúc rối loạn. Khủng bố cũng có thể bắt nguồn từ một ý niệm không thể kiểm chứng về thiên đường và lòng tốt, và một quan niệm ngày ngô về Thượng đế – rằng Ngài thiên vị vài người và giận dữ với người khác, hạ thấp sự toàn trí và toàn năng của Thượng đế.
Khủng bố gây ra chứng rối loạn hoảng sợ ở mọi người, làm gia tăng sự nghèo đói, khổ đau và cướp đi sinh mạng nhiều người mà hiển nhiên là không đem lại lợi ích nào cả. Thay vì các giải pháp hỗ trợ cuộc sống, những kẻ khủng bố chọn hủy diệt như một câu trả lời. Nếu bạn phê bình mà không có giải pháp thì hãy nhớ rằng việc đó bắt nguồn từ hạt giống của khủng bố.
Mặc dù tên khủng bố cũng có một vài phẩm chất nhất định được đánh giá cao như không biết sợ hãi, cam kết về mục tiêu và cả sự hy sinh, nhưng bạn phải học từ họ những điều mà bạn không bao giờ nên làm – coi trọng ý tưởng và khái niệm hơn cuộc sống, có tầm nhìn hạn hẹp và không trân trọng sự đa dạng của cuộc sống.
Giải pháp để ngăn ngừa khủng bố bao gồm:
- Khắc ghi quan điểm rộng lớn hơn về cuộc sống.
- Đề cao sinh mệnh hơn là chủng tộc, tôn giáo, quốc gia.
- Giáo dục về những giá trị của con người sự thân thiện, từ bi, hợp tác và nâng đỡ tinh thần.
- Nuôi dưỡng niềm tin khi thực hiện những mục tiêu cao cả bằng các biện pháp hòa bình và bất bạo động.
- Loại bỏ tận gốc những xu hướng hủy hoại bằng việc bồi dưỡng giá trị tinh thần.
Câu hỏi: Ngoài những hành vi bạo lực thể chất đơn thuần, liệu khủng bố có thể xuất hiện trong văn hóa hay kinh tế không?
Có, giải pháp cho khủng bố kinh tế là “Tư duy toàn cầu, tiêu dùng địa phương”, và giải pháp cho khủng bố văn hóa là “Mở rộng tầm nhìn, hiểu sâu hơn cội nguồn của bạn”.
Câu hỏi: Làm thế nào để một người có thể đối phó với hậu quả của khủng bố?
Đức tin và cầu nguyện. Khi thảm họa xảy ra, giận dữ là điều không tránh khỏi. Để đề phòng những phản ứng dại dột, bạn cần một trí tuệ sáng suốt chứ không phải những bộc phát của cảm xúc. Một lỗi lầm không thể được sửa chữa bằng một lỗi lầm khác. Hãy nỗ lực để nuôi dưỡng nền giáo dục đa văn hóa, đa tôn giáo và bồi dưỡng giá trị tinh thần ở mọi nơi trên thế giới, bởi thế giới sẽ không an toàn khi vẫn có một nhóm nhỏ của người dân bị bỏ mặc trong sự thiếu hiểu biết.
— Trung tâm tại châu Âu, Bad Antogast, Đức
— Ngày 28/09/2001