NẾU NHƯ MIỆT MÀI VỚI CÔNG VIỆC, CHÚNG TA CÓ THỂ CHẠM TỚI “CHÂN LÝ CỦA VŨ TRỤ”

INAMORI KAZUO

Trích: Tâm - sức mạnh khiến cuộc đời như mình mong muốn; Người dịch: Thanh Huyền; Nxb Công Thương, Cty sách Thái Hà

Với sự miệt mài trong công việc, chúng ta không chỉ có được một nhân cách đẹp. Việc chúng ta ngày ngày nỗ lực hết sức trong công việc sẽ giúp tâm được thanh tịnh. Và khi tâm của chúng ta ở trong trạng thái thanh tịnh nhất thì tôi cho rằng đó cũng là lúc chúng ta có thể chạm vào bản chất của sự vật, hiện tượng, hay thứ mà chúng ta có thể gọi là “chân lý của vũ trụ”.

“Triết lý” là kim chỉ nam của tôi trong quá trình làm việc, cũng như trong cuộc đời. “Triết lý” còn là tiêu chuẩn để tôi đưa ra những quyết định trong công việc kinh doanh. Triết lý cũng có thể hiểu là triết học, nhưng nó còn là “cách tư duy” nên hướng tới đâu, nên hành động như thế nào và phạm vi hành động.

Tất cả những công ty mà tôi có liên quan mà đầu tiên là Kyocera, tất cả các thành viên trong công ty đều dựa vào đó để đưa ra phán đoán, quyết định, hành động. Để có thể làm được điều đó, chúng tôi chia sẻ với nhau cùng một triết lý, và ngày ngày đều cố gắng khắc ghi.

Nếu bạn hỏi tôi triết lý này được sinh ra như thế nào thì tôi sẽ trả lời rằng đó là từ quá trình tôi miệt mài với công việc để làm thanh tịnh cái tâm của mình.

Trước khi thành lập Kyocera, tôi đã từng làm công việc nghiên cứu gốm ceramics trong một công ty chuyên sản xuất gốm sứ tại Kyoto. Vì công ty khi đó thực sự đã rất đi xuống, tình trạng kinh doanh liên tục thua lỗ, việc trả lương chậm cho nhân viên cũng diễn ra thường xuyên, nên họ cũng không có đủ chi phí để đầu tư cho trang thiết bị nghiên cứu.

Tuy nhiên, tôi chỉ có cách là cố gắng nghiên cứu, phát triển loại gốm mới dưới điều kiện nghiên cứu được công ty cung cấp. Và tôi đã quyết định dồn hết sức lực của mình vào công việc trước mắt, miệt mài làm nghiên cứu, phát triển.

Cứ như vậy, khi tôi tập trung hết tinh thần vào công việc, tạp niệm sẽ tự nhiên biến mất, và đã có lúc tôi thấy mình chạm gần tới “không”, tiến gần tới trạng thái không một chút tạp niệm. Cũng giống như người tu hành đạt tới cảnh giới “không” khi hành thiền, những suy nghĩ rối bời, tạp niệm sẽ biến mất khỏi não họ, và họ đạt tới trạng thái của một cái tâm trong sáng, tinh khiết.

Khi tâm của chúng ta ở trong trạng thái thanh tịnh nhất, có lúc chúng ta sẽ thấy được “cách tư duy” mà có lẽ nên gọi là “ngôn từ của trí tuệ” bất chợt đến từ đâu đó.

Làm thế nào để có được thành quả tuyệt vời? Liệu tôi nên đối mặt với công việc hàng ngày với một trái tim như thế nào? Bằng cách tìm kiếm câu trả lời cho những vấn đề, những mối lo mà hàng ngày tôi vẫn giữ trong tâm, tôi dần dần tìm được những trí tuệ là câu trả lời cho mình.

Và cứ thế những suy nghĩ, tư duy được sinh ra trong quá trình tôi miệt mài làm việc đó đều được ghi lại ở góc của cuốn sổ thí nghiệm nghiên cứu. Tôi cũng đã luyện cho mình thói quen lưu lại những suy nghĩ đó.

Dù đã trở thành doanh nhân, không còn là nhà nghiên cứu nữa, nhưng tôi vẫn không bỏ thói này. Trong công việc hằng ngày tôi cũng đều lưu lại những câu nói, những suy nghĩ mà mình tâm đắc vào sổ tay.

Cứ như thế, những nội dung phong phú mà tôi ghi lại từ thời còn là nhà nghiên cứu đã được tổng hợp trở thành bản gốc của triết lý doanh nghiệp nâng đỡ sự phát triển của công ty Kyocera. Đó chính là “triết lý Kyocera”.

Kể từ đó cũng đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, triết lý này chính là tấm bản đồ để tôi có thể vượt qua biển sâu mang tên thế giới kinh doanh. Hơn nữa nó còn là chiếc la bàn giúp tôi có thể tìm được đúng hướng trên con đường đi cuộc đời mình. Và nó vốn chính là sản phẩm của “cái tâm đẹp”.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. MƯỜI HAI QUAN NIỆM KINH DOANH TUỔI 20 NÊN BIẾT
  2. CHÍNH VÌ SỐNG MỘT CÁCH ĐÚNG ĐẮN, CON NGƯỜI MỚI GẶP PHẢI GIAN NAN
  3. GẶP GỠ “NGƯỜI THẦY CỦA VẬN MỆNH”

Bài viết mới

  1. TRAO MỘT LỜI KHEN
  2. CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ CỨU CHỮA HAY GIẾT CHẾT TA
  3. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ