CHUYỂN NGHIỆP

SHUNRYU SUZUKI

Trích: Không Hẳn Luôn Như Thế; Người dịch: Viên Chiếu;

Bạn có thể trở nên rất nghiêm túc khi bạn có một vấn đề lớn, mà không nhận ra rằng bạn vẫn đang tạo ra vấn đề trong mọi lúc. Với một vấn đề nhỏ hơn, bạn lại nghĩ, “Ồ! Điều này không phiền phức gì, tôi có thể giải quyết nó hoàn toàn dễ dàng.” Bạn có thể nghĩ như thế ngay cả khi không biết sẽ phải đương đầu với vấn đề của mình thế nào.
Tatsugami Roshi nói, “Một con hổ chụp bắt con chuột với tất cả sức mạnh của nó.” Một con hổ không bỏ qua hay coi thường bất cứ thú vật nhỏ nào. Cách nó bắt chuột và cách nó chụp bắt và ngấu nghiến một con bò là như nhau. Nhưng thường thì, dù bạn có nhiều vấn đề nhưng bạn nghĩ chúng là thứ yếu, vì vậy bạn nghĩ không cần thiết để nỗ lực hết sức mình.

Đó là lối nhiều nước giải quyết những vấn đề quốc tế của họ: “Đây là vấn đề thứ yếu. Bao lâu chúng ta không vi phạm những hiệp ước quốc tế, mọi việc sẽ ổn thỏa. Bao lâu chúng ta không sử dụng vũ khí nguyên tử, chúng ta có thể đánh nhau.” Nhưng những cuộc chiến nhỏ đó sẽ kết thúc trong một trận đánh lớn.

Vì vậy, ngay cho những vấn đề bạn có trong cuộc sống hằng ngày là nhỏ, trừ khi bạn biết cách giải quyết chúng, bạn có thể sẽ gặp những khó khăn lớn sau đó. Đây là luật của nghiệp. Nghiệp (karma) bắt đầu từ những việc nhỏ, nhưng với sự thờ ơ, nghiệp xấu của bạn sẽ tăng rất nhanh.

 

Khi chúng ta nhận ra các vấn đề khó khăn mà đôi khi chính mình tạo, chúng ta có thể mở rộng sự tu tập cẩn thận hơn suốt cuộc sống hằng ngày. Tâm chúng ta sẽ cẩn thận hơn, chu đáo hơn, và phản quán hơn. Bạn có thể nghĩ lối tu của chúng ta có quá nhiều luật lệ để ứng xử với sự vật, sự việc. Nhưng trước khi bạn biết bạn đang làm gì, bạn không thể nói có quá nhiều luật lệ.

Vì vậy hãy chú tâm và cẩn trọng hoặc là bạn đang tạo ra những vấn đề trong cuộc sống hàng ngày, hay là tạo nghiệp xấu cho chính bạn và cho người khác. Và bạn cũng nên biết tại sao bạn lại đang phải chịu đau khổ như bây giờ. Đó là lý do tại sao bạn đau khổ và không thể thoát khỏi khổ trừ khi bạn chuyển nghiệp.

Khi bạn hiểu về nghiệp và chuyển nghiệp theo hướng tốt, bạn cần tránh năng lực phá hoại của nghiệp xấu. Bạn có thể làm điều đó bằng cách chú tâm cẩn trọng vào tánh của nghiệp xấu, tánh của tham dục và hành động của bạn. Như đức Phật nhấn mạnh, biết nhân của khổ đau thì biết cách tránh khổ đau. Nếu bạn nghiền ngẫm xem tại sao bạn đau khổ, bạn sẽ hiểu nhân quả, và hành động xấu kết thúc trong quả xấu như thế nào. Bởi vì bạn hiểu, bạn có thể tránh năng lực phá hoại của nghiệp.

Bao lâu chúng ta còn có ý tưởng về bản ngã, thì nghiệp còn có đối tượng để hoạt động, vậy cách tốt nhất là để nghiệp hoạt động trong không gian trống rỗng. Nếu bạn không có ý tưởng về cái tôi, nghiệp sẽ không biết làm gì – “Ôhhh, cộng sự của tôi đâu? Bạn tôi đâu?” Một số người cố gắng nhọc nhằn để xua đuổi nghiệp xấu, nhưng tôi không cho rằng có thể làm thế được. Cách tốt nhất là biết những luật khắt khe của nghiệp quả và xử lý nghiệp của chúng ta ngay lập tức.

Nếu bạn biết xe bạn hỏng đâu đó, hãy ngừng xe lập tức và xử lý nó. Nhưng thường chúng ta không. “Ồ! Đây là chuyện nhỏ đối với xe tôi. Nó vẫn đang
chạy. Hãy đi!” Đó không phải cách của chúng ta. Cho dù chúng ta vẫn lái được, chúng ta nên chăm sóc xe của chúng ta rất cẩn thận. Nếu bạn đẩy xe của bạn tới giới hạn, những vấn đề sẽ liên tục tác động đến chiếc xe cho tới khi nó ngừng hẳn. Bấy giờ, có lẽ sẽ là quá trễ để sửa chữa, và nó đòi hỏi nhiều năng lực và công sức hơn. Vậy nên chăm sóc hằng ngày rất quan trọng. Rồi thì bạn có thể bớt đi những sai lầm và biết những gì bạn đang thực sự làm.

Cám ơn các bạn rất nhiều.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. TÂM BÌNH THƯỜNG, TÂM PHẬT
  2. NGUỒN LINH SÁNG TRONG VEO
  3. MỞ RỘNG TÂM ĐỂ THẤY MỌI VIỆC NHƯ-NÓ-ĐANG-LÀ

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP