MATTHIEU RICARD
MATTHIEU RICARD – BÀN VỀ HẠNH PHÚC
Phương pháp thứ hai xuất phát từ suy nghĩ: thay vì cố loại trừ mỗi cảm xúc hành hạ chúng ta bằng một cảm xúc đối trị đặc biệt, chúng ta có thể nhận dạng một loại đối trị duy nhất, có tác dụng sâu sắc hơn đối với tất cả những sầu khổ của chúng ta hay không? Chúng ta không thể, mà cũng không nên gây trở ngại cho hoạt động của tâm thức, vì cố chặn đứng dòng suy nghĩ của mình là vô vọng và có hại. Trái lại, nếu xem xét kỹ cảm xúc, ta sẽ nhận ra rằng chúng chỉ là một dòng chảy năng động, không thể tự tồn tại – cái mà đạo Phật gọi là “tính không”. Điều gì sẽ xảy ra nếu như thay vì chế ngự một cảm xúc gây rối loạn bằng đối trị của nó (ví dụ như lấy kiên nhẫn để trị tức giận chẳng hạn), chúng ta lại chỉ làm mỗi một việc là quán chiếu bản chất của chính cảm xúc đó?
Khi một cơn giận đang bốc lửa trong mình, ta có cảm giác rằng không có cách nào khác là phó mặc cho nó. Nhưng hãy thử quan sát mà xem! Ta có thể định vị cơn giận kia ở trong ngực ta không? Hay ở trong tim, hoặc trong đầu? Nếu làm được như vậy thì liệu có nhận ra được những đặc tính như vậy. Khi ngắm một đám mây đen lớn trong một bầu trời dông bão, ta thấy nó có vẻ dày và nặng đến mức có thể ngồi được lên đó. Tuy nhiên, nếu bay tới đám mây kia, ta sẽ chẳng thấy có gì mà mình có thể cầm nắm: nó chỉ được tạo ra từ hơi nước và gió mà thôi. Hãy xem xét cơn giận kỹ hơn! Nó lấy ở đâu ra quyền năng để sai khiến mình đến như vậy? Nó có vũ khí ư? Hay nó thiêu cháy mình như lửa, hoặc đè bẹp mình như một quả núi? Càng cố khoanh vùng cơn giận như vậy, nó càng biến mất dưới con mắt quan sát của chúng ta, tựa như tuyết tan chảy dưới ánh mặt trời vậy.
Nó từ đâu đến? Nó tiếp tục đi tới đâu? Và biến mất ở chỗ nào? Tất cả những gì chúng ta có thể khẳng định là cơn giận từ tâm mà ra, nó kéo dài một lúc và lại tan biến vào trong tâm. Nhưng như chúng ta đã thấy, chính cái tâm kia ta cũng không thể nắm bắt được. Khi quan sát tỉ mỉ cơn giận, chúng ta sẽ không tìm ra cái gì đó vững chắc, không có cái gì biện minh cho tác động không gì cưỡng lại được của nó đối với cách ứng xử của chúng ta. Vì không xem xét, nghiên cứu nó, chúng ta để mặc cho đối tượng của cơn giận gây ám ảnh, để mặc cho cảm xúc phá hoại choán hết tâm trí. Ngược lại, nếu chúng ta ý thức được rằng bản thân cơn giận không thật có, nó lập tức mất đi sức mạnh. Khyentsé Rinpoche đã nói:
“Bạn hãy nhớ rằng một ý niệm chỉ là sản phẩm của sự kết hợp thoáng qua của nhiều yếu tố và hoàn cảnh mà thôi. Tự nó không tồn tại. Vì thế, ngay khi một ý niệm khởi lên, hãy nhận ra bản chất trống rỗng của nó. Lập tức, nó sẽ bị mất đi quyền năng làm dấy khởi ý niệm tiếp theo, và chuỗi vọng tưởng sẽ chấm dứt. Hãy nhận ra tính KHÔNG của các niệm và để chúng nghỉ ngơi chốc lát trong tâm thư giãn để giữ cho bản chất trong sáng của tâm được rõ ràng và bền vững“
Đó là cái mà đạo Phật gọi là giải phóng cơn giận khi nó khởi lên, bằng cách nhận ra tính chất rỗng không (không có tự tính) của nó. Sự giải phóng này diễn ra ngay lập tức, giống như hình ảnh trước đây đã nói về bức họa vẽ bằng ngón tay trên mặt nước. Làm như vậy, chúng ta không đè nén cơn giận, mà chỉ vô hiệu hóa khả năng biến thành nguyên nhân gây khổ của nó mà thôi.
Thường thì chúng ta chỉ phân tích như vậy khi cơn giận đã qua đi. Nhưng ở đây, chính khi nó xuất hiện là lúc cần phải nhận ra bản chất của nó. Khi ta đã hiểu ra rồi thì dòng suy nghĩ mất khả năng liên kết với nhau để tạo thành cơn sóng ám ảnh và khiến ta lệ thuộc vào chúng. Các suy nghĩ đi qua tâm thức mà không để lại cặn bã, tựa như chim bay không để lại dấu vết gì trên không trung vậy.
Như vậy, sự thực hành này là tập trung sự chú ý vào chính cơn giận, thay vì vào đối tượng của nó. Bình thường, ta chỉ xét tới đối tượng bằng cách gán cho nó một tính chất cố hữu đáng ghét nào đó, và như vậy, đương nhiên ta sẽ biện minh được cho cơn giận của mình. Trái lại, nếu ta quan sát chính cơn giận, rốt cục nó sẽ dần tan biến đi dưới cái nhìn nội quán. Chắc chắn nó sẽ dần tan biến đi dưới cái nhìn nội quán. Chắc chắn nó có thể lại khởi lên, song khi chúng ta đã quen dần với một tiến trình giải phóng cảm xúc như trên, ta ngày càng dễ nhận ra nó, và cùng với thời gian, khả năng nổi cơn tức cuối cùng cũng sẽ không còn.
Phương pháp này có thể được dùng cho mọi nỗi phiền muộn khác của tâm; nó là cầu nối giữa thực hành thiền quán với những công việc hàng ngày. Nếu ta có thói quen nhìn rõ những suy nghĩ khi chúng khởi lên và để chúng tự tin tan biến trước khi chúng độc quyền tâm thức thì ta sẽ dễ dàng làm chủ tâm và chế ngự những cảm xúc gây xung đột ngay cả trong công việc. Để giúp mình tinh tấn và cảnh giác, hãy nhớ lại những đau khổ thấm thía mà những cảm xúc phá hoại đã bắt mình phải chịu.