JIDDU KRISHNAMURTI
Nhà trường là nơi để học, do đó, nhà trường là một thánh địa. Đền, chùa, nhà thờ và tu viện không còn thiêng liêng, thánh thiện nữa vì ở đó người ta đã ngưng học. Họ chỉ còn tin tưởng, họ chỉ còn ngưỡng mộ và làm thế là phủ nhận hoàn toàn nghệ thuật vĩ đại của việc học, trái lại, một trường học giống như vậy vầy, nơi nhận lá thư này, phải hoàn toàn cống hiến cho việc học, không chỉ học thế giới quanh ta mà cốt yếu là học chính ta, con người, là gì? Tại sao ta cư xử, ta làm như thế này, và học tính chất phức tạp của tư tưởng. Học vốn là truyền thống lâu đời của con người, không chỉ học từ sách vở, kinh điển mà còn học về vũ trụ và cấu trúc tâm lý của con người. Bởi vì ta hoàn toàn xem thường, không chú ý cái học này nên thế giới mới diễn ra hỗn loạn, khủng bố, bạo lực và tất cả mọi điều tàn bạo khủng khiếp. Ta đặt công việc của thế giới lên hàng đầu, chứ không phải nội tâm. Mà nếu nội tâm không được thấu hiểu, giáo dục và biến đổi, nó sẽ luôn luôn chế ngự ngoại cảnh dù có được tổ chức tốt về mặt chính trị, kinh tế và xã hội thế nào đi nữa. Đây là một sự thật mà nhiều người hình như quên đi. Về mặt chính trị, luật pháp và xã hội, ta cố gắng lập lại trật tự trong thế giới bên ngoài ta đang sống, còn ở nội tâm ta sống hỗn loạn, bất ổn, âu lo và xung đột. Không có trật tự nội tâm, cuộc sống nhân loại sẽ luôn luôn gặp nguy hiểm.
Theo chỗ ta hiểu trật tự là gì? Vũ trụ trong ý nghĩa tối thượng vốn không hề biết vô trật tự là gì. Thiên nhiên, tuy có làm cho con người hoảng sợ, luôn luôn trật tự. Thiên nhiên chỉ trở nên hỗn loạn, vô trật tự khi con người can thiệp vào đó và dường như từ khởi thủy, con người triền miên sống trong đấu tranh và xung đột. Vũ trụ vốn có chuyển động thời gian riêng. Chỉ khi nào con người đã lập lại trật tự trong cuộc sống của mình, con người mới hiểu ra trật tự vĩnh hằng.
Tại sao con người đã chấp nhận và khoan nhượng vô trật tự? Tại sao con người đụng đến bất cứ cái gì, cái đó suy sụp, trở nên băng hoại và hỗn loạn? Tại sao con người đã làm đảo lộn trật tự của thiên nhiên, của mây trời, của gió, của động vật và các con sông? Ta phải học trật tự là gì và vô trật tự là gì. Vô trật tự cốt lõi là xung đột, tự mâu thuẫn và chia rẽ giữa trở thành và tự tại. Trật tự là một tâm thái trong đó vô trật tự không bao giờ tồn tại.
Vô trật tự là sự trói buộc của thời gian. Đối với ta, thời gian là hết sức quan trọng. Ta sống trong quá khứ, trong kỷ niệm quá khứ tổn thương và khoái lạc quá khứ. Tư tưởng của ta là quá khứ. Tư tưởng luôn luôn tự điều chỉnh như là một phản ứng trước hiện tại, tự dự phóng vào tương lai, nhưng cái quá khứ thâm căn cố đế vẫn luôn luôn cố hữu nơi ta và đấy là cái tánh chất trói buộc của thời gian. Ta phải quan sát sự kiện này trong ta và giác tri cái tiến trình có tính năng hạn chế của nó. Cái gì bị hạn chế bao giờ cũng phải sống trong xung đột. Quá khứ là tri-kiến-thức rút ra từ kinh nghiệm, hành động và ứng đáp tâm lý. Tri kiến thức này, có thể ý thức được hoặc không, chính là thực chất của cuộc sống con người. Do đó, quá khứ trở nên tối quan trọng, dù đó là truyền thống, kinh nghiệm hay hồi tưởng cùng với nhiều hình ảnh của nó. Nhưng tất cả kiến thức, dù là trong quá khứ hay tương lai, đều bị hạn chế. Không thể có kiến thức đầy đủ, trọn vẹn. Kiến thức và sự vô minh, ngu dốt đồng hành.
Học tất cả mọi điều này, động thái học đó là trật tự. Trật tự không phải là điều được hoạch định sẵn và tùy thuộc vào. Trong một trường học, thói quen là cần thiết, nhưng đấy không phải là trật tự. Một chiếc máy được lắp ráp ngon lành, vận hành thật hiệu quả. Việc tổ chức có hiệu quả một trường học là tuyệt đối cần thiết, nhưng hiệu quả này tự thân nó không phải là một mục tiêu bị hiểu lầm với sự thoát khỏi xung đột, đó mới là trật tự.
Một nhà giáo dục, nếu đã học và hiểu sâu tất cả điều này, sẽ truyền đạt cách nào cho học sinh hiểu bản chất của trật tự? Nếu cuộc sống nội tâm của người thầy còn hỗn loạn, vô trật tự mà lại nói về trật tự thì ông ta sẽ chỉ là người đạo đức giả, tự thân còn xung đột, nhưng người học trò sẽ hiểu ra đấy là lời nói dối và sẽ không chút chú tâm vào những lời nói đó. Khi nhà giáo dục hiểu một cách vững vàng, người học sinh sẽ nắm được phẩm chất đó. Khi ta hoàn toàn trung thực thì chính sự trung thực đó được truyền đến người khác.