NƠI CÓ CÁI KHÔNG, TÌNH YÊU HIỆN DIỆN

JIDDU KRISHNAMURTI

Trích: J. Krishnamurti Nói Về Tình Yêu, Từ Hóa Hoàng Lan dịch, NXB Dân Trí, Sách Thiện Tri Thức.

Đó là một buổi sáng đẹp trời và trong trẻo, mỗi vì sao nhấp nháy rất sáng và thung lũng thật yên tĩnh. Những ngọn đồi sẫm màu, đen hơn cả bầu trời, và không khí lành lạnh còn thoảng mùi nước mưa, hương thơm của lá và của mấy cây lài đang trổ hoa. Vạn vật đang ngủ say và từng chiếc lá đều bất động, vẻ đẹp buổi sáng thật là kỳ diệu; đó là vẻ đẹp của đất, của trời, của người, của chim chóc đang ngủ và của dòng nước mát chảy trong lòng sông khô cạn; và điều kỳ vĩ là vẻ đẹp đó không phải của riêng cá nhân nào. Từ đó toát ra sự tự chế, không phải sự tự chế do ta đào luyện, nếu thế chỉ là hoạt động của sợ hãi và chối bỏ, nhưng ở đây là sự tự chế của cái viên mãn, rất ư trọn vẹn đến nỗi không biết đến sự suy mòn. Và ở đó, trên mái hiên khi chòm sao Lạp Hộ (Orion) còn lấp lánh trên bầu trời phía Tây, sức mạnh của cái đẹp quét sạch rào cản của thời gian.

Hành thiền ở đó, vượt khỏi giới hạn của thời gian, trước bầu trời đầy sao và mặt đất tĩnh lặng, cái đẹp không phải là cuộc đeo đuổi cá nhân theo những lạc thú, gom góp những đồ vật, những cái đã biết, hay những hình tượng mơ hồ, những ảo giác của trí óc, của tư tưởng, của cảm xúc. Cái đẹp không liên hệ gì với tư tưởng, với cảm giác, với sự thích thú mà một buổi hòa nhạc, một bức tranh hay trận bóng đá tạo nên; lạc thú của buổi hòa nhạc, thi ca, chắc chắn là tinh tế hơn trận bóng đá, nhưng tất cả đều cùng một loại, cũng giống như buổi lễ trong nhà thờ hay lễ cúng (puja) trong đền chùa. Đây là cái đẹp vượt khỏi thời gian, khỏi những đau đớn và những lạc thú của tư tưởng. Tư tưởng và cảm xúc làm phân tán năng lượng, do đó cái đẹp không bao giờ được nhận ra. Cần có năng lực và tính mãnh liệt của nó để thấy ra cái đẹp – cái đẹp vượt khỏi con mắt của người nhìn. Nếu có một người nhìn và người quan sát thì không có cái đẹp.

Ở đây, dưới mái hiên ngập hương thơm, trong khi bình minh còn chưa đến và cây cối vẫn đang im lìm, tinh tuý chính là cái đẹp. Nhưng tinh tuý thì không thể kinh nghiệm được; mọi kinh nghiệm phải được chấm dứt, vì kinh nghiệm chỉ củng cố thêm cái đã biết. Cái đã biết không bao giờ là tinh tuý. Thiền không bao giờ là kinh nghiệm sâu hơn; thiền không chỉ là chấm dứt kinh nghiệm, vốn là phản ứng đối với thách thức, dù lớn hay nhỏ, mà chính là mở cửa vào tinh tuý, mở cửa vào lò đốt để cho ngọn lửa thiêu hủy tất cả, không để lại tro tàn; không còn lại một chút gì.

Chúng ta là những tàn dư còn lại, là những người chấp nhận hàng ngàn ngày đã qua, là một sợi dây dài vô tận lập thành từ kỷ niệm, lựa chọn phân biệt, chán chường. Đại ngã và tiểu ngã là khuôn khổ của hiện hữu, hiện hữu là tư tưởng, tư tưởng là hiện hữu với khổ đau không ngừng. Trong ngọn lửa thiền, tư tưởng chấm dứt cùng với những cảm xúc của nó bởi vì cả hai đều không phải là tình yêu. Không có tình yêu thì không có tinh túy. Không có tình yêu thì chỉ có tro tàn. Trên đó, chúng ta sống. Chính từ cái Không, tình yêu hiện diện.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. GIÁO DỤC ĐÚNG ĐẮN – KRISHNAMURTI BÀN VỀ GIÁO DỤC
  2. TÂM THỨC HOÀN TOÀN TỰ DO, KHÔNG PHÂN MẢNH LÀ MỘT TRẠNG THÁI CÓ TRẬT TỰ
  3. CỐNG HIẾN ĐỜI MÌNH CHO CÔNG CUỘC GIÁO DỤC CHÂN CHÍNH

Bài viết mới

  1. BIỂU LỘ CHÍNH MÌNH MỘT CÁCH TRỌN VẸN
  2. CHÂN LÝ CÓ THỂ CÓ ĐƯỢC BẰNG LAO ĐỘNG QUÊN MÌNH
  3. CẢM GIÁC TỰ DO, ĐƯỢC GIẢI PHÓNG BẢN THÂN