PHẬT TỬ CÓ HIẾU THUẬN VỚI CHA MẸ KHÔNG ?

HT. THÍCH THÁNH NGHIÊM

Trích: PHẬT GIÁO CHÍNH TÍN; Phân Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam dịch; Nguồn: thuvienhoasen.com

Đúng là ở nước ta, có một số nhân sĩ thích phê bình Phật giáo là đạo bất hiếu, vì họ cho rằng xuất gia làm Tăng Ni, không có con nối dõi tông tộc, là việc đại bất hiếu. Suy nghĩ như vậy là do quan điểm và tư tưởng gia tộc hẹp hòi của họ vì Mạnh Tử nói : “Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại” (Bất hiếu có ba, không có con là tội lớn nhất). Tuy rằng, đây không phải là tư tưởng chủ yếu của Nho gia, nhưng ngay trong thời hiện nay, cũng có một số nhà Nho thiên chấp, phê bình Phật giáo là tôn giáo bất hiếu. Thật ra, trong các kinh Phật Tiểu thừa và Đại thừa, những lời dạy về đạo hiếu đối với cha mẹ, có thể nói là nhiều không kể xiết. Chỉ cần đọc vài bộ kinh, liền thấy rằng Phật giáo không những không phải là bất hiếu, mà còn là một tôn giáo cực kỳ tôn trọng đạo hiếu. Trong kinh “bản sinh tâm địa quán” có câu : “Đối với cha, có ơn về lòng từ, đối với mẹ có ơn về lòng bi, ân bi của mẹ, dù ta có ở lại thế gian này một kiếp, nói cũng không hết được”. Vì vậy lại nói : “Trải qua một kiếp cứ mỗi ngày, cắt thịt mình để nuôi dưỡng cha mẹ, cũng không báo đáp được ân một ngày”. Lại nói : “Vì vậy, các người phải hết lòng hiếu dưỡng cha mẹ; phúc đức hiếu dưỡng cha mẹ cũng bằng phúc đức cúng dường Phật. Các người phải báo ơn cha mẹ như vậy”. Tăng nhất A Hàm quyển 11 nói rằng : cúng dường cha mẹ, cũng như cúng dường vị Đại Bồ Tát sắp thành Phật. Trong sách Ngũ Phần Luật, cuốn 22, kể câu chuyện : “Khi Phật còn tại thế, có một A La Hán, đệ tử Phật, tên là Tất Lăng Già Bà Sa, vì cha mẹ nghèo muốn đem đồ ăn thứ mặc cúng dường cha mẹ, nhưng không dám, bèn hỏi Phật. Phật triệu tập các Tỳ kheo lại nói rằng : Nếu như một người, trong một trăm năm, vai bên phải cõng cha, vai bên trái cõng mẹ, dù cho cha mẹ có đại tiểu tiện ở trên mình, và đem đồ ăn thức mặc quý nhất ở thế gian cúng dường cha mẹ, thì vẫn không báo đáp được cái ơn trong giây phút của cha mẹ đã nuôi dưỡng mình. Từ nay về sau, các Tỳ kheo hãy chăm lo suốt đời cúng dường cha mẹ; nếu không cúng dường thì phạm tội nặng”. Kinh Tăng nhất A Hàm cuốn 11 cũng có lời dạy của Phật tương tự như vậy. Trong kinh “Bề Bà Lăng Kỳ” kể chuyện : “Có một công nhân nghèo ở vào thời Phật Ca Diếp tại thế, tên là Nam Đề Bà La tin theo Phật giáo, sống hoàn toàn như xuất gia, nhưng vì để nuôi dưỡng hai cha mẹ già mù lòa, cho nên vẫn làm nghề đồ gốm duy trì sinh hoạt mà không xuất gia”.

Sự thực, Phật giáo tuy cho rằng xuất gia ly dục là đáng quý, nhưng cũng không cưỡng ép phải xuất gia. Thậm chí, trong giới luật, có quy định rõ : “Cha mẹ không đồng ý thì không được xuất gia; nếu cha mẹ nghèo, không có ai phụng dưỡng, thì con cái dù đã xuất gia cũng hết lòng phụng dưỡng nếu không thì phạm tội nặng. Kinh Ni Đà Na căn bản quyển 4 cũng nói : “Nếu xuất gia, ở nơi có cha mẹ thì vẫn phải cung cấp đầy đủ cho cha mẹ”. Như vậy sao nói được đạo Phật là bất hiếu ? Đương nhiên, những người có đầu óc hẹp hòi, ấu trĩ vẫn nói là phải lập gia đình, sinh đẻ con cái mới là có hiếu ! Với những người như vậy thì còn nói làm sao được ! Không lạ gì ngày nay, người thế tục nói chung chỉ nuôi được con cái mình rất ít người nuôi đưỡng được cha mẹ. Đó cũng là kết quả của tệ mê tín “vô hậu vi đại” !

Thực ra đạo hiếu của Phật giáo là không thể hiểu được đối với những người còn mê tín thuyết “vô hậu vi đại”. Phật giáo cho rằng, người ta sống trong vòng sống chết luân hồi, đời này cố nhiên là có cha mẹ; trong vô số vô lượng đời sống quá khứ và vị lai, đã có và sẽ có vô số cha mẹ. Hiếu dưỡng đối với cha mẹ đời này, cũng phải cứu độ cha mẹ, đời quá khứ và vị lai. Trong con mắt của vị Bồ Tát thì “mọi người con trai đều là cha mình, mọi người con gái đều là mẹ mình, đời này qua đời khác, ta sinh ra từ họ” (kinh Phạm Võng). Vì vậy, thực hành đạo Bồ Tát, độ khắp chúng sinh, tức là hiếu thuận với cha mẹ. Đương nhiên, Phật giáo không phải giống như Mặc Tử đã từng bị Mạnh Tử phê bình là “xem cha người như cha mình, tức là không có cha”. Phật giáo chủ yếu nói tới cha mẹ của đời sống này, từ đó suy rộng ra cha mẹ cả 3 đời. Vì vậy, Phật giáo cho rằng độ khắp chúng sinh là mở rộng việc báo ơn đối với cha mẹ, gọi là báo ân chúng sinh. Đó là từ ở cha mẹ mà suy rộng ra chúng sinh. Vì vậy, Phật tử trước hết phải hiếu dưỡng cha mẹ, rồi sau mới bố thí, phóng sinh và cúng dường Tam Bảo.

Thói quen thế tục tổ chức ngày sinh nhật thành một dịp ăn uống linh đình, xuất phát từ một tư tưởng không chính xác. Theo quan điểm Phật giáo, ngày sinh của con cũng là ngày đau đớn của mẹ. Cho nên, ngày sinh của con phải là ngày người con bày tỏ lòng thương đối với mẹ, lòng thông cảm của người con đối với những nỗi đau đớn của mẹ, khi con sắp ra đời, lòng biết ơn của con đối với công sinh thành, nuôi dưỡng của cha mẹ, phải tỏ lòng biết ơn đó gấp bội, gấp trăm bội lần vào ngày sinh nhật của mình, thay vì tổ chức sinh nhật thành ngày ăn uống linh đinh. Nếu cha mẹ đã qua đời thì nên nhân ngày sinh nhật của mình, làm các công việc thiện như bố thí, phóng sinh, cúng dường mẹ, tự mình cũng được phúc đức. Trái lại, nếu nhân ngày sinh nhật mà giết thịt gà vịt, lợn bò, ăn nhậu thì sẽ không được phúc mà còn giảm phúc, giảm thọ.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  2. LIỆU CÓ “ĐOÁN” ĐƯỢC “MỆNH” KHÔNG? – HT. THÁNH NGHIÊM
  3. THUẬN CẢNH, NGHỊCH CẢNH

Bài viết mới

  1. BIỂU LỘ CHÍNH MÌNH MỘT CÁCH TRỌN VẸN
  2. CHÂN LÝ CÓ THỂ CÓ ĐƯỢC BẰNG LAO ĐỘNG QUÊN MÌNH
  3. CẢM GIÁC TỰ DO, ĐƯỢC GIẢI PHÓNG BẢN THÂN