THIỀN QUÁN

HE. GARCHEN RINPOCHE VIII

Trích: Ngọn  Đèn Trí Huệ Tỏa Khắp; Trần Thị Lan Anh dịch; Hiệu đính: Ban dịch thuật Thiện Tri Thức.

Cái thấy này được trực nhận bằng trí tuệ phân minh, đó là sự quán chiếu đặc biệt của thiền quán.

Thiền quán (vipassana) là pháp nội quán đặc biệt “pháp nội quán bất khả phân với trạng thái bình an và sáng tỏ một cách liên tục, không gián đoạn, và tự do khỏi mọi xáo động; những niệm tưởng trở nên tịnh hóa một cách tự nhiên.” Chúng ta cần học cách thiền quán. Tuy nhiên ban đầu bạn cần nỗ lực để phát triển tâm bình an và sáng tỏ, với tâm ấy thì mọi niệm khởi sẽ được lắng dịu. Khi một người mới bắt đầu tu thiền thì các niệm tưởng sẽ liên tục xuất hiện. Tuy nhiên nếu người đó tiếp tục thiền định nhất tâm thì các niệm tưởng đó có thể vẫn xuất hiện nhưng chúng sẽ biến mất ngày càng nhanh hơn. Những mối bận tâm trông chắc thực cũng sẽ bắt đầu tan biến giống như tảng băng tan dưới ánh nắng mặt trời. Chúng sẽ lần lượt dừng lại. Nếu bạn tiếp tục an trụ một cách nhất tâm thì sẽ có khoảnh khắc mà niệm tưởng quá khứ đã dừng bặt và niệm tưởng tương lai chưa sinh khởi. Khi đó có một khoảng trống ở giữa mà trong khoảng trống đó bạn có thể thoáng thấy được bản tánh trống không của tâm mình. Khi không có bám chấp vào bất cứ thứ gì sinh khởi thì tâm sẽ an trụ mà chẳng chấp trước vào bất cứ thứ gì cả. Khi chúng ta thuần thục với tâm này và có thể an trụ trong tâm ấy trong bất kỳ khoảng thời gian nào thì chúng ta sẽ hoàn thành được thiền chỉ (shamatha) hay sự an trụ tâm. Hành giả duy trì trong trạng thái bình an một cách liên tục không gián đoạn mà không hề bám chấp vào bất cứ suy nghĩ, niệm tưởng nào cả. Sự chấp trước vào các suy nghĩ và niệm tưởng mang bản chất khổ đau, nhưng thông qua thiền định chúng ta thấy được sự chấp trước ấy là vô thường.

Khi chúng ta đi theo những cảm xúc tiêu cực, các suy nghĩ và tư tưởng khởi sinh trong tâm, khi đó tâm trở nên phóng dật và sự chấp trước gia tăng. Về cơ bản thì khi có chấp ngã chúng ta không hạnh phúc và bị đóng kín trong chính mình. Còn khi từ bỏ mọi chấp ngã và không đuổi theo những cảm xúc tiêu cực chúng ta sẽ có được sự tự do to lớn. Khi đó sẽ có trí tuệ, tình yêu thương và lòng bi mẫn: đây chính là sự hợp nhất của thiền chỉ (shamatha) và thiền quán (vipassana).

Vì thế đầu tiên chúng ta cần làm lắng dịu các niệm tưởng thông qua việc an trụ nhất tâm. Khi càng an trụ được lâu bao nhiêu trong bản tánh ấy thì chúng ta lại càng có khả năng trực nhận ra bản tánh thật của mình, bản tánh của tâm. Chúng ta chỉ có thể nhìn thấy nó khi tâm tự do khỏi mọi bám chấp. Bản tánh của tâm luôn luôn ở đó nhưng chúng ta không nhận ra nó bởi vì vô minh đã che chướng tâm thức của chúng ta. Chúng ta bị sao nhãng bởi các hành động bất cẩn, bởi sự mất chánh niệm đã thành thói quen v.v. Khi các niệm tưởng lắng dịu và chúng ta không chấp trước vào bất cứ thứ gì – chỉ an trụ một cách nhất tâm và tự do khỏi mọi chấp trước – thì chúng ta có thể có được được một quán chiếu trực tiếp vào bản tánh của tâm mình. Tánh giác là sự hợp nhất của trong sáng và rỗng không. Trong sáng là nói đến sự tỉnh giác thấu biết, thấy được và nhận ra bất cứ thứ gì sinh khởi trong tâm một cách rõ ràng. Rỗng không hay tánh Không là không có sự tồn tại chân thật, cố hữu của bất cứ thứ gì sinh khởi. Khi nỗ lực để an trụ trong lúc niệm tưởng khởi sinh thì khi ấy hành giả sẽ không tìm thấy được hình tướng thường hằng, chắc thật của niệm tưởng đó. Tâm an trụ giống như hư không, cho đến khi chẳng có gì được tìm thấy.

Hành giả bình thường có thể mong muốn tìm ra bản tâm; họ thiền định bởi vì họ muốn thấy bản tánh của tâm, nhưng họ chẳng thể nhìn thấy nó bởi vì nó như hư không. Bởi vì chẳng có gì là hữu hình để bám chấp vào khi chúng ta nhìn trực tiếp vào tâm, nên một số hành giả có xu hướng sinh khởi nhiều nghi ngờ và có người còn từ bỏ. Hãy nhớ rằng chúng ta cần tu tập với vị Đạo sư có được cái thấy đúng đắn. Hành giả cần biết phương pháp để quan sát tâm mình, phương pháp để làm cho tâm lắng dịu vào trạng thái tự nhiên của nó. Sau đó chúng ta được chỉ dẫn tiếp tục an trụ trong tâm ấy – đó là tất cả. Chúng ta cần vị Đạo sư hướng dẫn chúng ta một cách đúng đắn, nếu không thì chúng ta sẽ cảm thấy chán nản và bỏ tu.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. CÔNG HẠNH – NGỌN ĐÈN TRÍ HUỆ TỎA KHẮP
  2. BUÔNG BỎ BÁM CHẶT VÀO CUỘC ĐỜI NÀY
  3. KHAI THỊ SỐ 13: CHUẨN BỊ CHO CÁI CHẾT

Bài viết mới

  1. BIỂU LỘ CHÍNH MÌNH MỘT CÁCH TRỌN VẸN
  2. CHÂN LÝ CÓ THỂ CÓ ĐƯỢC BẰNG LAO ĐỘNG QUÊN MÌNH
  3. CẢM GIÁC TỰ DO, ĐƯỢC GIẢI PHÓNG BẢN THÂN