VIỆC GÌ LÀM RỒI LÀ ĐÃ XONG

AJAHN BRAHM

Trích: Mở Cửa Trái Tim; NXB Tổng Hợp TP HCM

Ở Thái Lan gió mùa thổi từ tháng Bảy đến tháng Mười. Trong suốt thời gian này tăng ni không du hành và gác lại mọi việc để chuyên tâm tu học và hành thiền. Chư vị vào “Mùa an cư kiết hạ” hay “Vassa”.
Cách nay vài năm dưới miền Nam Thái Lan có một sư cả–sư rất nổi tiếng–cho xây một hội trường mới trong ngôi lâm tự của Ngài. Vào mùa kiết hạ, Ngài cho ngừng mọi công tác xây cất và cho các thợ thuyền về nhà nghỉ ngơi hầu lâm tự được hoàn toàn yên tĩnh.
Ít hôm sau chùa có vị khách đến viếng. Nhìn thấy công trình dở dang, ông lên tiếng hỏi khi nào hội trường sẽ được hoàn tất. Không chút do dự, vị sư cả trả lời, “Hội trường xong rồi.” “Thưa Sư nói sao, xong rồi à?” Ông khách ngạc nhiên hỏi lại, “Chưa có mái. Không cửa cái, không cửa sổ. Gỗ và xi-măng còn ngổn ngang. Bộ Sư định để như vậy sao? Sư có lẫn không? Sư nói ‘Hội trường xong rồi’ là sao?”
Vị sư cả mỉm cười, ôn tồn đáp: “Việc nào làm rồi là đã xong.” Rồi sư vào trong ngồi thiền. Đây là cách duy nhất để an cư kiết hạ hoặc nghỉ ngơi. Nếu không làm vậy, công việc của chúng ta không bao giờ chấm dứt.


Tôi kể câu chuyện nói trên với một thính chúng khá đông ở Perth, trong ấy có hai cha con nọ tham dự. Chuyện tôi kể hồi chiều thứ sáu; qua chủ nhật tôi bị ông cha đến sân si. Lý do là tối hôm qua, thứ bảy, khi ông hỏi con mình “Con đã làm bài xong chưa?” nó tỉnh bơ trả lời “Ba à, như Sư Ajahn Brahm dạy hôm kia đằng chùa, cái gì đã làm là như xong.” Rồi nó chào ông và dông mất.

Tuần sau đó tôi kể một chuyện khác.
Đa số nhà ở Úc đều có vườn, nhưng không mấy ai biết thưởng thức sự thanh thản trong vườn nhà. Đối với hầu hết sắm vườn để bị thêm việc. Tôi thường khuyến khích các chủ nhà làm vườn một chút cho đẹp thôi, hãy dành nhiều thì giờ cho mình, chăm sóc tâm mình bằng cách ngồi xuống và thưởng thức vẻ đẹp của thiên nhiên.
Đám người ngốc thứ nhất nghĩ đây là một ý hay. Họ quyết định giải quyết hết mọi việc linh tinh trước rồi sau đó mới tự cho phép có chút thời gian thư giãn. Thế là họ đi cắt cỏ, tưới bông, cào lá, tỉa cành, quét lối đi, … Chỉ làm “cho xong” một phần nhỏ các công việc “linh tinh” này là họ không còn chút thì giờ rỗi rãi nào nữa hết.
Công việc họ không bao giờ xong và họ không lúc nào nhàn hạ. Bạn có bao giờ để ý rằng trong xã hội chúng ta–người phương Tây–phải chăng những người “nghỉ ngơi thanh thản” chỉ thấy có trong nghĩa trang?

Đám người ngốc thứ hai nghĩ họ thông minh hơn đám trước. Họ gát cào cỏ cũng như thùng tưới qua một bên và ngồi ngoài vườn để đọc sách báo, kể cả tạp chí đăng nhiều hình ảnh bóng loáng của thiên thiên. Nhưng đó là vui với tạp chí chớ nào phải là tìm sự thanh thản trong vườn nhà!

Đám người ngốc thứ ba thì bỏ tất cả dụng cụ làm vườn, bỏ tạp chí, bỏ sách báo, bỏ luôn radio, họ chỉ ngồi trong sự yên tĩnh của khu vườn…được chừng hai giây!
Sau đó họ bắt đầu suy tư “Sân cỏ này rất cần được cắt. Và các bụi cây kia rất cần được tỉa. Nếu không tưới các bông nọ, vài ngày nữa ắt chúng sẽ tàn. Có thể trồng một bụi dành dành ở góc vườn kia cho đẹp. À! Thêm một chậu nước cảnh cho chim tắm ở phía trước; mình có thể mua nó ở vườn ươm…” Đó là vui với sự suy nghĩ và với kế hoạch chớ tâm có được thanh thản đâu!

Người làm vườn khôn khéo thì nghĩ “Tôi đã làm việc đủ rồi, giờ là lúc tôi thưởng thức thành quả–tôi lặng tâm với sự yên tĩnh. Dầu sân cỏ cần được cắt, lá cần được cào, vân vân. Thây kệ, KHÔNG PHẢI LÀM BÂY GIỜ! Như vậy chúng ta mới được gọi là sáng suốt, biết cách vui với ngôi vườn ngay cả khi nó không hoàn hảo. Người làm vườn khôn khéo có dịp hưởng mười lăm phút tĩnh lặng trong sự không hoàn hảo tuyệt đối của thiên nhiên; ông không suy nghĩ, không lên kế hoạch và cũng không cảm thấy tội lỗi. Chúng ta đáng được cái phép buông bỏ và đáng được hưởng một sự an tĩnh nào đó. Và người chung quanh ta cũng đáng được sống yên tĩnh ngoài sự xen xía của chúng ta! Sau khi đã tìm ra được mười lăm phút an tịnh và “cứu khổ” quan trọng đó rồi, chúng ta hẳn tiếp tục làm vườn.

Khi đã biết cách tìm sự thanh thản như vậy trong ngôi vườn nhà, chúng ta sẽ biết cách tìm sự thanh thản bất cứ lúc nào và ở đâu. Đặc biệt chúng ta sẽ biết cách tìm sự thanh thản trong khu vườn tâm của chúng ta ngay lúc mà chúng ta có thể nghĩ rằng nó đang bận bịu với quá nhiều việc phải làm.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. TÂM TRÍ CỦA LOÀI KHỈ
  2. NHÀ SƯ VÀ QUAN ÂM BỒ TÁT
  3. CHO ĐI ĐỂ VUI SỐNG

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP