NHỮNG ẢO TƯỞNG VÀ SAI LỆCH VỀ CÔNG VIỆC

KAI ROMHARDT

Trích: Kinh Tế Học Phật Giáo, Dịch giả: Dương Ngọc Dũng, NXB Hồng Đức, Cty Phanbook

Những hy vọng, kỳ vọng và nỗi sợ của chúng ta về công việc được tạo ra như thế nào? Từ đâu mà ta hình thành nên quan niệm làm việc bình thường, làm được việc hay làm không được việc? Nhiều người trẻ gặp khó khăn trong việc tạo nên một hệ quan niệm thực tế trong tư duy về đời sống lao động. Ấn tượng của chúng ta về bản chất công việc bị tác động mạnh mẽ bởi hiện thực công việc trong gia đình và môi trường xung quanh. Chúng ta kế thừa góc nhìn thực tiễn và đầy cảm xúc về công việc từ những yếu tố đấy. Chúng ta thiếu kinh nghiệm cá nhân, vì vậy khó mà đưa ra một đánh giá khách quan, thực tế.

Những yếu tố sau đây cũng góp phần tô điểm ấn tượng của ta về bản chất công việc:

– Góc nhìn thiếu minh bạch về bản chất thật sự của một nghề, một ngành, một chủ doanh nghiệp hay một vị trí nhất định khi ta nhìn từ bên ngoài vào.
– Niềm tin vào các hội nhóm xã giao: bạn bè, người quen, các sinh viên khác.
– Không có hoặc có ít vị trí tuyển ngành nghề đó trong khu vực mà ta đang sống.
– Truyền thông đưa thông tin sai lệch về bản chất của ngành. Quá nhiều cạnh tranh cho một công việc “trong mơ”, một ngành “hot”.
– Bản thân không có nhiều kinh nghiệm trong ngành hay trong lĩnh vực công tác mới.

Những yếu tố trên làm ta dễ mắc phải ảo tưởng và định kiến về ngành. Khi còn trẻ, tôi từng khá ngây thơ khi mới bắt đầu tham gia khóa đào tạo nghề. Sau khi đến nơi làm việc trong bộ vest xanh bảnh chọe, tôi liền bị điều đến một căn phòng ngột ngạt, nơi tôi phải ngày này qua ngày nọ ngồi đóng mộc và xếp tờ rơi quảng cáo. Tôi đã trải nghiệm được cái gì là cú sốc vào đời. Một số ảo tưởng của ta sẽ rất nhanh sáng tỏ. Nhưng, một số thì sẽ theo ta đến cả cuộc đời. Do đó, việc tham khảo và xem xét chúng là một điều ta nên làm.

Ảo tưởng: nên tránh né những công việc bẩn thỉu hay chân tay

Ta thường hay đề cao một số loại công việc và hạ thấp một số khác. Những thứ bậc công việc ấy sẽ khác nhau theo từng xã hội một, nhưng về bản chất, chúng sẽ luôn tạo ra sự chia rẽ và căng thẳng giữa cá nhân và tập thể. Thế nên, chúng cần phải được hủy bỏ.

Trong một số tu viện Phật giáo, sư trụ trị thường xuyên làng ra cọ rửa toilet. Bài tu tập này nhắc nhở vị trụ trì ấy phải khiêm tốn và không được ngại làm bất cứ công việc có ý nghĩa nào, là cần phải vứt bỏ đi quan niệm rằng công việc có phân chia ra hạ đảng – cái mà ta nên né xa – và thượng đẳng – cái mà ta nên hướng tới.

Ta nên kết nối với phẩm giá và giá trị nội tại của việc ta làm chia sẻ một câu chuyện mà vị giám đốc của một công ty Nhật Bản đã nói với tôi:

Dạo trước đây, công ty chúng tôi từng gặp rắc rối vì vấn đề vẽ bậy. Có người đã hết lần này sang lần khác vẽ bậy lên tường toilet của chúng tôi. Chúng tôi đã khiển trách, hăm dọa, sơn lại tường và làm đủ mọi cách, nhưng dù có làm gì đi nữa thì vấn đề vẫn cứ tiếp tục diễn ra. Nhưng, một ngày nọ, trên tường toilet bỗng xuất hiện một tờ lưu ý nhỏ ghi rằng: “Xin đừng làm bẩn chỗ làm việc tươi đẹp của tôi bằng những nét vẽ của anh”. Đó là những chữ viết tay nguệch ngoạc của bác lao công già trong công ty chúng tôi. Tôi nhận ra bản thân mình không phải là người duy nhất bị tác động bởi lá thư nhỏ này. Vì ngay sau đó, không còn xảy ra bất kỳ vụ vẽ bậy nào trên tường toilet cả. Tất cả chúng tôi đều đã vô cùng ấn tượng bởi điều này.
“Shunduo Aoyama: Pflaumenblüten im Schnee: Gedanken einer japanischen Zen-Meisterin (Bielefeld, Germany: Theseus, 1995), 75.”

Ảo tưởng: công việc gian nan và khổ sở

Hãy nhắm mắt lại và thì thầm từ “công việc” với bản thân. Với bạn, “công việc” nghe như thế nào? Bạn liên tưởng gì, suy nghĩ gì, cảm nhận gì khi những chữ đó được bật ra? Ai trong chúng ta cũng có một tiểu sử làm việc riêng và khác nhau, nhưng văn hóa của chúng ta (văn hóa phương Tây) lại đặc trưng mạnh mẽ bởi tư duy đạo đúc làm việc của đạo Tin lành. Thành công là từ lao động cực nhọc. Công việc là một thứ, một khái niệm nghiêm túc”. Rolex tung chạy quảng cáo với khẩu hiệu như sau: Hãy cứng rắn trước sóng gió, hãy cứng rắn với bản thân”.

“Công việc” là một từ mang rất nhiều hàm nghĩa trong văn hóa của chúng ta. Công việc không thể nào dễ dàng khi mà cộng đồng chung quanh ta, ai cũng làm việc, hoạt động với một quan niệm rằng công việc cần ta phải bỏ sức, phải nghiêm túc, phải có trách nhiệm, phải đấu tranh và phải cạnh tranh. Do đó, khi làm việc, chúng ta nên tìm cách tiếp cận và sử dụng những giá trị khác thiện lành hơn của công việc như niềm vui, sự thư giãn, sự nhẹ nhàng hay sự kết nối giữa người với người.

Ảo tưởng: công việc và đời sống cá nhân phải tách rời khỏi nhau

Nhiều người trong chúng ta tìm cách tách đời sống cá nhân và đời sống công việc ra khỏi nhau, phân biệt giữa cái mà ta xem là “công việc” với cái “không phải công việc”. Họ nói: “Đây là chuyện riêng của tôi, không phải là công việc của ai cả (nên người khác không cần phải xen vào)”. Hoặc họ cũng có thể nói: “Công việc trước, giải trí sau”. Thường thì thái độ này được xem là một cách để bảo toàn bản thân trước những yêu cầu, đòi hỏi của đời sống công việc. Chúng ta muốn bảo vệ đời tư khỏi những giá trị, tiêu chuẩn và sự áp đặt mà công việc gán lên cho ta. Ta không muốn bất kỳ một quy tắc nghề nghiệp nào ảnh hưởng đến đời tư của ta cả. Ta cũng không muốn những hành vi riêng tư ảnh hưởng đến danh tiếng hay sự nghiệp của bản thân. Trừ phi ta cẩn thận, bằng không ta sẽ phải đối diện với một lối sống hai mặt. Thứ được cho phép khi làm việc thì ta lại không được phép làm trong đời tư. Thứ ta cho phép bản thân thực hiện trong đời tư thì lại là cấm kỵ khi làm việc. Đời sống riêng tư hay công việc đều có thể trở thành vùng an toàn cho chúng ta hồi phục bản thân từ những yêu cầu của vùng đối nghịch.

Tuy nhiên, sự phân tách giữa công việc và không phải công việc có thể dẫn đến nhiều hệ quả. Sự phân tách này có thể vô thức ảnh hưởng lên mọi loại hành vi khác nhau của ta. Ta có thể sử dụng một kiểu giọng này, biểu lộ một cảm xúc này khi nói chuyện qua điện thoại với khách hàng và sử dụng một kiểu giọng, biểu lộ một cảm xúc hoàn toàn khác khi nói chuyện với một anh thợ sửa chữa gia dụng mà ta thuê làm với tư cách cá nhân. Chúng ta đi qua hành lang nơi công sở với một kiểu khác hẳn so với cách ta đi trong siêu thị. Sự phân tách này diễn ra trong đầu ta. Dĩ nhiên có một số hành vi mà chúng ta chỉ thực hiện khi làm việc. Nhưng hầu hết các tác vụ trong đời sống riêng tư và công việc đều hoàn toàn giống nhau: Ta cũng đều phải thở, phải đi, phải ăn, phải nghe, phải nói và phải đối diện với cảm xúc. Trên đời không hề tồn tại một thế giới công việc hoàn toàn phân tách với thế giới thực, thế giới thông thường của chúng ta. Công thức sau đây sẽ thể hiện mối quan hệ này:

Tồn tại > Hành động > Lao động > Công việc có ích

Càng cố tạo ra rào cản tâm lý giữa công việc và phần còn lại của cuộc đời, chúng ta sẽ càng gặp nhiều áp lực. Chúng ta càng để chức trách, kỳ vọng và góc nhìn của bản thân về công việc kiểm soát thì chúng ta sẽ càng tạo ra nhiều vấn đề trong những phương diện khác của cuộc đời. Ý tưởng cho rằng có thể phân tách đời sống riêng tư với công việc chỉ là một ảo tưởng không hơn không kém. Đời sống riêng tư sẽ luôn thâm nhập đời sống công việc và ngược lại đời sống công việc sẽ thẩm thấu và điểm màu đời sống riêng tư, mặc cho ta có muốn phân tách và bảo vệ chúng khỏi nhau đi nữa. Nếu có thể tìm được một công việc cho phép ta được là chính mình và không phải đóng một vai nào khác, chúng ta sẽ có thể né tránh những tình huống khó xử này.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. MỘT CUỘC ĐỜI ĐƠN GIẢN VÀ ĐẦY ĐỦ – KINH TẾ HỌC PHẬT GIÁO
  2. NĂNG LƯỢNG BÍ ẨN CỦA ĐỒNG TIỀN
  3. ẢO TƯỞNG VỀ CÔNG VIỆC VÀ CÁCH LỰA CHỌN CÔNG VIỆC

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP