ẢO TƯỞNG VỀ CÔNG VIỆC VÀ CÁCH LỰA CHỌN CÔNG VIỆC

KAI ROMHARDT

Trích: Kinh Tế Học Phật Giáo, Dịch giả: Dương Ngọc Dũng, NXB Hồng Đức, Cty Phanbook

Ảo tưởng: cần phải kiếm một công việc mà ta ưa thích

Bạn có bao giờ mơ tưởng về một công việc được thiết kế riêng chỉ cho bản thân mình không? Bạn có bao giờ cảm thấy rằng một công việc như thế chắc chắn phải tồn tại đâu đó trên thế giới này? Một công việc mà chỉ có ta, với những tài năng, giá trị và mơ ước của ta, mới có thể đảm đương được? Ta cảm giác rằng ta đặc biệt và duy nhất, do đó công việc của ta cũng phải đặc biệt và đặc thù. Ở đây, ta cần phải cẩn trọng để tránh rơi vào cái bẫy của sự ảo tưởng cá nhân hóa. Chúng ta dễ dàng ảo tưởng một công việc hoàn hảo sẽ giải thoát ta khỏi tình huống khó chịu.

Hay một người tình hoàn hảo nếu nói đến chuyện yêu đương chẳng hạn. Ta thường mơ mộng bản thân sẽ gặp được người bạn đời mà định mệnh đã an bài cho ta. Thế nhưng, thái độ này sẽ gây cho chúng ta không ít vấn đề về phương diện công việc hay tình cảm. Chúng ta đang nhìn hướng ra ngoài, thay vì nhìn vào bên trong. Vì thật sự bên trong chúng ta chẳng đặc biệt như chúng ta tưởng. Thay vì dành thời gian, tư duy và năng lượng mơ mộng đến một vị trí đặc biệt được thiết kế riêng để thỏa mãn ham muốn, ta chỉ cần đơn giản chọn một con đường khác. Ta có thể học cách để yêu thương chẳng hạn. Một người bạn của tôi, sư cô Jina, đã nói: “Nếu bạn không thể làm cái bạn thích, bạn cần phải học cách thích cái bạn làm”.

Hãy để tôi chia sẻ trải nghiệm của một thiền sư khi thực hành thiền làm việc:

Tôi quét lá trong vườn với hai người khác. Chúng tôi làm việc với nhịp điệu đều đặn trong tĩnh lặng. Không khí ấy không ngờ lại vui tươi biết bao, hòa thuận biết bao! Tôi nhận ra bản thân mình mong ước có được một cộng đồng hòa thuận đến nhường nào trong môi trường làm việc hằng ngày. Tôi vẫn luôn tưởng rằng tôi cần phải có những mục tiêu, những dự án công việc đầy thách thức để hạnh phúc. Nhưng giờ? Tôi đứng đây quét lá, và lòng tôi hạnh phúc,

Công cuộc kiếm tìm giải pháp hoàn hảo của chúng ta có thể là nguyên nhân gây nên bao vấn đề khó chịu. Văn hóa (phương Tây) của chúng ta nhấn mạnh cái cá nhân. Chúng ta chú trọng tới cái phân tách chúng ta hơn là cái kết nối chúng ta. Nếu cứ bám víu vào mộng tưởng về một công việc trong mơ, chúng ta sẽ dễ dàng lạc lối và thất vọng, cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn.

Ảo tưởng: dù thế nào đi nữa thì công việc đều là cần thiết

Hàng ngày, chúng ta hay nghe các chính trị gia ca thán rằng việc tạo ra và duy trì công việc là một điều vô cùng quan trọng. Những ai tạo ra công việc, hoặc là thuyết phục được các công ty, tập đoàn xây dựng trụ sở chính ở một thị trấn nào đó, hoặc là giải cứu những công việc bị “đe dọa”, thì đều được mọi người ca ngợi như một anh hùng. Tổng thống Đức Horst Köhler (1) có lần đã nói: “Chúng ta cần làm bất cứ điều gì có thể để tạo ra công việc mới. Những đề xướng phục vụ cho những mục đích khác đều chỉ là yếu tố phụ, mặc cho chúng có đáng thèm muốn thế nào”.

Liệu có là tự phụ không nếu tôi chất vấn mệnh đề này?

Có một nỗi sợ hãi lớn lao từ cá nhân đến cộng đồng về một thế giới không có công việc, hay nói đúng hơn là một thế giới mà ta ngày càng có ít việc làm. Chính quyền sợ doanh thu từ thuế sẽ giảm, sợ xã hội sẽ bất ổn; cá nhân sợ lâm vào cảnh thất nghiệp và không còn sự tồn tại nào về mặt tài chính; trong khi các công đoàn lo sợ rằng họ sẽ càng ngày càng mất thành viên. Do đó, công việc là trên hết!

Cách tư duy này đã dẫn đến sự hình thành và duy trì một xã hội luôn muốn tuyển dụng càng nhiều người nhất có thể càng tốt. Thay vì sản xuất cái ta thật sự cần và lao động đủ để tạo ra thứ đó, chúng ta lại chăm chăm vào việc sản xuất nhiều hơn, bỏ ra nhiều công sức hơn để vận dụng những khả năng sản xuất đã có, đang có và sẽ có. Thay vì dành thời gian để quây quần bên gia đình, dành không gian để phát triển bản thân theo những phương diện mà công nghệ kỹ thuật mới cho phép, ta lại dành thời gian để phát triển dục vọng.

Chúng ta cần phải nhận ra nền tảng sức khỏe tinh thần trong xã hội không phải là từ việc tuyển dụng hợp pháp càng nhiều người càng tốt, mà là từ việc đảm bảo càng nhiều người làm việc có ý nghĩa càng tốt. Các tổ chức doanh nghiệp xã hội đã cản trở luồng tư tưởng “công việc là trên hết” thông qua việc nhấn mạnh những mục tiêu có ý nghĩa và thiện lương là động lực chính thay vì những yếu tố như tiềm năng thị trường. Ta không cần “công việc vị công việc”, ta cần công việc mang lại ý nghĩa cho xã hội.

Lựa chọn trong công việc: chúng ta đang lựa chọn, hay chúng ta đang bị chọn?

Không nhiều người trong số chúng ta được chọn nơi làm việc. Chỉ nhìn sơ thôi là đã thấy phần lớn chúng ta bị giới hạn trong một lượng rất nhỏ cơ hội việc làm do những yếu tố như giới hạn địa lý, học vấn và những yêu cầu, nghĩa vụ kinh tế trước mắt. Một số không thể có lựa chọn nào cả. Tuy đúng là có một rào cản thật sự ngăn không cho ta quyền lựa chọn, nhưng khi nhìn sâu vào bản chất vấn đề, ta sẽ nhận ra một lượng tiềm năng sáng tạo khổng lồ bị thất lạc trong thị trường lao động là do những lựa chọn bắt nguồn từ nỗi sợ, vô thức và có tầm nhìn hạn hẹp. Chúng ta mắc kẹt trong những sự nghiệp và công việc vô nghĩa thay vì đưa ra những quyết định khác. Tôi đã có trải nghiệm cá nhân về vấn đề này:

Zurich, tháng 10 năm 1997. Con đường học thuật của tôi sắp đến hồi kết. Trong bốn tháng nữa, tôi sẽ hoàn thành bài luận văn của mình về quản lý kiến thức tại Đại học Geneva. Tôi đủ may mắn để có quyền được lựa chọn. Tôi nhận được một thư mời từ Holderbank, một công ty xi măng đa quốc gia. Tôi rất bối rối và không biết mình phải làm gì. Cuối cùng, tôi lựa chọn đi theo bước đàn anh sinh viên năm trước đã chọn: Tôi đã gửi đơn ứng tuyển đến những tổ chức tư vấn quản lý danh giá nhất. Vài tháng sau đó, sau một quá trình phỏng vấn mệt mỏi, tôi đã ký hợp đồng với Công ty McKinsey. Tôi đã không thật sự lựa chọn. Nói đúng hơn, tôi đã bị chọn.

Tự chúng ta phải chọn, và chúng ta thật sự có lựa chọn

Nhiều người cho rằng tự do là khả năng có nhiều lựa chọn cũng như có thời gian để cân nhắc những lựa chọn đó. Khi tôi hỏi sinh viên ngành kinh tế về mục tiêu nghề nghiệp tương lai, hầu hết sẽ trả lời: “Tôi muốn có càng nhiều lựa chọn càng tốt”. Cách tiếp cận này, cá nhân tôi nghĩ, là không hiệu quả mấy. Tự do, với tôi, nghĩa là khả năng đưa ra quyết định một cách tỉnh thức và có ý thức. Tự do có nghĩa là chấp nhận từ bỏ những mục tiêu, lựa chọn không hợp lý với một lý do chính đáng thay vì cứ cố tìm cách kéo dài và mở rộng quyền lựa chọn của bản thân. Về lâu dài, ta không thể cứ chần chờ lựa chọn mãi. Khả năng tự do ra quyết định cho chúng ta phẩm giá. Chúng ta lựa chọn vì tin vào một điều gì đó. Chúng ta chọn bạn đời, chọn gia đình, chọn giáo viên, chọn cộng đồng, chọn ngành nghề, chọn lối sống.

Nhiều người xem bản thân họ như là nạn nhân của công việc. Họ cảm thấy bị gò ép, họ không tin rằng bản thân lựa chọn. Họ làm việc mà không có niềm vui, và do đó xem công việc của họ là vô nghĩa. Họ xem bản thân như là nạn nhân của những doanh nhân khéo nói, những thị trường tàn khốc, những tay quản lý vô nhân tính, những đồng nghiệp tồi tệ hay là một xã hội vô cảm. Tuy đúng là có một số thứ ta không thể kiểm soát được, bản thân ta vẫn luôn cần phải chịu trách nhiệm cho những gì ta có thể kiểm soát. Tại Làng Mai, một thiền sư đã nói với tôi:

Trong ba năm đầu tôi ngụ tại Tu viện Làng Mai, thâm tâm tôi luôn phàn nàn về mọi thứ. Nếu có một thứ, tôi muốn có thêm thứ nữa. Nếu có cái này, tôi lại muốn cái khác. Thầy tôi luôn nhắc tôi rằng: “Ngưng cái tư duy phàn nàn lại”. Hãy đưa ra quyết định, và hãy sống với hậu quả của những quyết định đó. Chịu trách nhiệm cho những quyết định của mình và hãy sống với hệ quả từ chúng, dù tốt hay là xấu.

Nếu đóng vai nạn nhân và né tránh việc đưa ra quyết định, ta sẽ chỉ lãng phí năng lượng của bản thân. Trạng thái mà ta hiện có là kết quả của nhiều lựa chọn có ý thức và vô ý thức mà ta đã thực hiện xuyên suốt cuộc đời mình.

Giờ đây, tôi sẽ giới thiệu sáu phương diện trọng tâm khi lựa chọn công việc.

 


1. Horst Köhler là vị tổng thống thứ 13 của Cộng hòa Liên bang Đức. Ông nhậm chức tổng thống vào tháng 7 năm 2004 với nhiệm kỳ năm năm. Tháng 5 năm 2009, Horst Köhler được bầu vào nhiệm kỳ thứ hai, nhưng chỉ một năm sau đó, ông đã từ chức sau khi có những chỉ trích về phát biểu của ông liên quan tới việc triển khai binh sĩ Đức ở nước ngoài (BTV).

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. MỘT CUỘC ĐỜI ĐƠN GIẢN VÀ ĐẦY ĐỦ – KINH TẾ HỌC PHẬT GIÁO
  2. NĂNG LƯỢNG BÍ ẨN CỦA ĐỒNG TIỀN
  3. NHỮNG ẢO TƯỞNG VÀ SAI LỆCH VỀ CÔNG VIỆC

Bài viết mới

  1. NUÔI DƯỠNG TRÍ TÒ MÒ
  2. HIỂU VỀ NỖI ĐAU KHỔ CỦA CHÚNG TA
  3. LỜI RĂN DẠY CỦA KHỔNG TỬ