MỘT CUỘC ĐỜI ĐƠN GIẢN VÀ ĐẦY ĐỦ – KINH TẾ HỌC PHẬT GIÁO

KAI ROMHARDT

Trích: Kinh Tế Học Phật Giáo, Dịch giả: Dương Ngọc Dũng, NXB Hồng Đức, Cty Phanbook

Chạm tới sự dồi dào và nuôi dưỡng tính biết ơn

Chuẩn bị sẵn một mẩu giấy. Viết lên mẩu giấy ấy danh sách những gì mà bạn nghĩ rằng cuộc đời mình còn thiếu. Bạn muốn có gì? Bạn cần có gì? Thứ gì cần thay đổi? Sau khi bạn hoàn thành hay lập danh sách thứ hai với những thứ hỗ trợ, nuôi dưỡng và duy trì cuộc sống hiện tại của bạn. Đó có thể là con người, là sự vật, sự việc, là điều kiện sống. Hãy dành thời gian viết chúng. Danh sách thứ hai này nên dài gấp đôi danh sách thứ nhất. Khi nghĩ rằng mình đã hoàn thành, bạn hãy nhắm mắt lại và nghĩ về mọi thứ xảy ra trong tuần vừa rồi và tuần này. Có thể bạn sẽ phát hiện thêm một số điều gì đó để ghi vào.

10 năm trước, thầy Thích Nhất Hạnh đã dạy bài thực hành này cho tôi và những người cùng khóa tu. Khi chúng tôi hoàn thành nó, thiền sư nhìn danh sách và bảo rằng chúng tôi có thể dễ dàng gạch bỏ hơn phân nửa tất cả những yếu tố hỗ trợ; nhưng ngay cả vậy thì vẫn là nhiều so với những điều kiện cần thiết để sống một cuộc đời hạnh phúc. Chúng ta dễ dàng bỏ qua sự thật: chúng là có quá nhiều. Khi đau răng, chúng ta không mong ước gì hơn là làm sao để cơn đau dừng lại. Nhưng khi không đau răng, chúng ta lại quên rằng chính mình đang tồn tại trong một điều kiện tuyệt vời: điều kiện không đau răng. Không có tỉnh thức, chúng ta sẽ bỏ quên những thứ đang có mà chạy theo những thứ tưởng rằng còn thiếu trong cuộc đời ta. Tôi xin trích lời một bài thơ thiền mà vợ tôi rất thích ngâm: “Cả núi vàng cũng không đủ trả nổi tình yêu thương mà vũ trụ đã ban cho ta”

Chỉ khi hiểu được cái logic và trải nghiệm của sự dồi dào, ta mới có thể bỏ qua trò chơi tinh thần mang tên “không bao giờ có đủ”. Ta sẽ nhận ra mình đã có quá đủ rồi.

Quan niệm về một cuộc đời đơn giản

Cuộc đời chúng ta càng ngày càng phức tạp. Hầu hết ai trong xã hội cũng muốn tìm lại một cái gì đó giản dị, đơn sơ hơn. Thường thì cuộc đời chúng ta sẽ trở nên đơn giản hơn rất nhiều khi giảm bớt lượng của cải mà ta sở hữu. Hầu hết những người đã bước cùng tôi trên con đường tu tập tỉnh thức đều bước đến một điểm mà ở đó họ không còn ham muốn níu kéo nữa; họ muốn cho đi hoặc bán bớt những thứ không còn sử dụng. Họ hình thành một nhu cầu muốn bỏ đi những vật ngoài thân không cần thiết.

Rất nhiều hiền nhân sống một cuộc đời rất đơn giản. Họ không có nhiều của cải và hầu như không sở hữu bất cứ thứ gì. Họ ăn mặc giản dị và thiết thực. Họ nhịn ăn và tập trung vào những nhu cầu căn bản của con người. Đức Phật không ăn nhiều hơn một bữa mỗi ngày, và Ngài vẫn có thể du hành vòng quanh Ấn Độ. Gandhi sống như một nông dân người Ấn, tự tay may vá quần áo của mình, và dành tận một ngày trong tuần cho sự im lặng. Jesus ẩn dật vào sa mạc để tu thiền.

Chân giản dị là kết quả của quá trình rèn luyện tư duy tập trung. Khi chúng ta học được cách để nhìn nhận sự vật, sự việc đúng bản chất của chúng mà không gán thêm bất kỳ giá trị thừa, giá trị bề nổi nào, thì tư duy, hành động và ngôn từ của chúng ta sẽ rõ ràng, tỉnh thức. Điều này sẽ tác động đến mối quan hệ giữa chúng ta với đồng tiền, với của cải mà ta có.

Ta có thể chuyển từ biệt thự sang một căn hộ nhỏ hơn và sắp xếp, tạo thêm không gian nơi phòng thay dồ hay tầng hầm lộn xộn. Một không gian ngăn nắp sẽ có hiệu ứng tích cực lên tư duy. Và một tư duy thông tuệ sẽ muốn một môi trường ngăn nắp. Cuộc đời chúng ta càng đơn giản, ta càng tìm ra nhiều cách để tận dụng của cải. Thay vì 20 cái áo, ta chỉ sở hữu 10. Ta tiết kiệm được rất nhiều tiền mà lại không hề làm ảnh hưởng gì đến chất lượng cuộc sống đang có. Những khái niệm hay ý tưởng trên chính là kinh tế thật sự. Ta biết ta cần gì, và ta thật sự sử dụng những cái đang có để phục vụ những mục đích mà ta cần. Ta không sở hữu những vật dụng vô dụng đòi hỏi ta phải chú ý chăm sóc. Một cuộc đời đơn giản hơn sẽ cho ta nhiều hướng phát triển có lợi và là một yếu tố quan trọng để xây dựng một nền kinh tế tỉnh thức.

Niềm vui của sự sở hữu ít hơn

Chúng ta đều quá quen thuộc với niềm vui đến từ việc sở hữu một thứ gì đó hay được tặng món quà gì đó. Nhưng, bản thân mọi của cải mà ta có đều có hệ quả kèm theo. Ta sẽ phải trả thế chấp cho căn nhà mới tinh mà ta vừa ký giấy sở hữu. Ta sẽ phải ủi một cái áo mới nếu muốn giữ cho nó mới; một chú cún con sẽ phát phì và sinh bệnh nếu ta không dắt nó đi dạo, tập thể dục và khám bác sĩ thú y. Một khoản thừa kế kếch xù có thể là gánh nặng và làm chúng ta lo lắng không thôi.

Chuyện kể rằng Rumi, bậc thầy Sufi nổi tiếng, một lần nọ đã dạo quanh phiên chợ tuần ở quê ông. Suốt chuyến tham quan ấy, ông lúc nào cũng nở một nụ cười thật tươi. Một người bạn thấy vậy liền hỏi ông tại sao lại vui vẻ thế. Rumi bật cười và trả lời: “Tôi rất thích thú khi được ngắm nhìn vô vàn những thứ tuyệt vời mà tôi không cần sở hữu”.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. NĂNG LƯỢNG BÍ ẨN CỦA ĐỒNG TIỀN
  2. ẢO TƯỞNG VỀ CÔNG VIỆC VÀ CÁCH LỰA CHỌN CÔNG VIỆC
  3. NHỮNG ẢO TƯỞNG VÀ SAI LỆCH VỀ CÔNG VIỆC

Bài viết mới

  1. NUÔI DƯỠNG TRÍ TÒ MÒ
  2. HIỂU VỀ NỖI ĐAU KHỔ CỦA CHÚNG TA
  3. LỜI RĂN DẠY CỦA KHỔNG TỬ