PHỤ NỮ GIÁC NGỘ: ĐIỂM MẠNH VÀ ĐIỂM YẾU

VICKI MACKENZIE

Trích: Ẩn Tu Nơi Núi Tuyết; Dịch: Pháp Minh Trịnh Đức Vinh; NXB Thái Hà Books

Trải qua nhiều năm trong hang động, Tenzin Palmo đã đi tới một vài kết luận về điểm mạnh và điểm yếu của người phụ nữ như sau:

Cô nói: “Đối với tôi, phẩm chất đặc biệt của người phụ nữ (tất nhiên là nhiều người nam cũng có) trước tiên là sự nhạy bén và rõ ràng. Nó cắt xuyên qua – đặc biệt là sự cứng nhắc của tâm trí. Nó thực sự sắc bén và trực diện. Đối với tôi, đặc trưng của các vị Dakini chính là sức mạnh trực giác. Phụ nữ có được sức mạnh này rất nhanh– họ không thích những cuộc tranh luận tri thức, thứ mà họ thường thấy là khô khan, lạnh lẽo và không nhiều cảm hứng. Đối với họ, đó là một con đường quá dài. Họ muốn đi qua cửa sau. Điều này thể hiện rằng phụ nữ thích thực hành nhiều hơn (là lý thuyết) trong cách tiếp cận của họ, không trừu tượng và lý tưởng hóa như đàn ông. Họ muốn biết: “Chúng tôi có thể làm gì?” Họ không bị mê hoặc bởi các lý thuyết và ý tưởng – họ muốn có thể sờ nắn nó bằng chính đôi bàn tay của mình. Tất nhiên Prajnaparamita (Bát Nhã Ba La Mật Đa) là phụ nữ, là Mẹ của tất cả các đức Phật. Bà là Trí tuệ hoàn hảo, có thể phá vỡ mọi khái niệm và mong ước của chúng ta để tạo nên một thứ rất ổn định và bền vững. Chúng ta tạo nên các ý tưởng của mình. Chúng ta cố gắng biến chúng thành cụ thể. Nhưng bà thì cắt bỏ và cắt bỏ. Bà chia tách mọi thứ thành những điểm thiết yếu đơn thuần.”

“Cùng lúc đó, người phụ nữ phải nuôi dưỡng, mềm mại và dịu dàng. Phụ nữ có xu hướng dính mắc vào cảm xúc nhiều hơn nam giới, điều này sẽ làm cho họ dễ phát triển tâm Bồ đề hơn. Tình thương là đặc tính bẩm sinh của phụ nữ, vì họ có tiềm năng làm mẹ. Một người mẹ sẵn sàng hi sinh vì con mình. Động lực đó có thể được phát triển thành tình thương cho mọi chúng sinh. Một lần nữa, đó lại là vấn đề của cảm xúc, chứ không phải trí tuệ. Đó không chỉ là những đức tính hữu dụng – mà là những đức tính cốt yếu.”

Năng lượng tâm linh của người phụ nữ cũng rất nhanh. Giống như Tara. Bạn không cần phải trở thành một hành giả yoga vĩ đại mới có thể giao tiếp được với Tara. Bà luôn ở đó! Giống như người mẹ, bà phải rất nhanh chóng bởi vì bà không thể chờ đứa con của mình đạt đến một trình độ nào đó rồi mới trao cho nó sự quan tâm và tình yêu thương. Bà phải có mặt ở đó với nó – ngay từ giây phút nó được sinh ra – một con sâu nhỏ đang quằn quại. Dù nó là một đứa trẻ tốt hay xấu, thì bà vẫn ở đó để giúp đỡ nó.

“Và sau đó, những người phụ nữ có thể thường kinh nghiệm được tumo [nội nhiệt] nhanh chóng hơn nam giới.” Cô nói khi kể về luồng “nội nhiệt” huyền bí nổi tiếng, được phát sinh thông qua thiền quán. “Đó là điều gắn với chức năng sinh lý của chúng ta. Milarepa gặp rất nhiều vấn đề trong việc làm nóng và an lạc, trong khi đệ tử nữ của ông Rechungma đã thu nhận được rất nhiều kinh nghiệm chỉ trong ba ngày. Nhiều lạt ma nói rằng phụ nữ rất có khả năng trong việc luyện tumo. Họ không chỉ có thể tạo nên niềm an lạc, họ còn có thể làm cho nó tốt lên. Tuy nhiên, đối với tôi, tôi không nghĩ mình là một nữ hành giả đạt tumo. Nó không phải là pháp môn thực hành chính của tôi.”

Nếu như phụ nữ có những điểm mạnh, thì kèm theo đó họ cũng có những điểm yếu. Vết nhơ lớn nhất và âm ỉ, xảo quyệt nhất đối với phụ nữ trên con đường tâm linh là chu kỳ kinh nguyệt. Điều này, trong con mắt của những tu sĩ của hầu hết các tôn giáo trên thế giới, là thứ khiến cho phụ nữ không trong sạch [bất tịnh] và do đó, là những ứng cử viên không thích hợp cho việc nắm giữ những trọng trách tâm linh lớn lao hơn. Kết quả là, tại nhiều nơi trên thế giới, người ta ra quyết định rằng trong thời gian có kinh nguyệt, thì người phụ nữ không được đi vào những khu vực thiêng liêng của các ngôi đền. Thậm chí không một tu
sĩ nào được phép chạm vào cô ta! Điều này rõ ràng là một chướng ngại khó vượt qua, nếu như thân thể cô là hiện thân của thần thánh.

Ở mức độ sâu sắc và nghiêm trọng hơn, đối với những nữ hành giả nghiêm túc, thời kỳ kinh nguyệt của cô còn bị coi là tạo ra sự tàn phá đối với việc hành thiền – mang đến “tính dễ cáu kỉnh”, “vô lý”, “đau đớn” và tình trạng căng thẳng trước kỳ kinh nguyệt – tất cả chúng được cho là ngăn cản sự tập trung và bình an trong tâm cô. Do đó, thời kỳ này trở thành một trong những trở ngại lớn nhất đối với sự phát triển tâm linh lên mức độ cao nhất.

Tenzin Palmo, đang bước đi trên con đường Đạo, không gặp phải trở ngại gì trong vấn đề trên. “Hormone không phải là trở ngại đối với tôi! Cá nhân mà nói, tôi không bao giờ bị ảnh hưởng bởi kỳ kinh nguyệt và tôi nghĩ rằng tất cả những điều nói về kỳ kinh nguyệt và sự mãn kinh chỉ là việc dựng lên vấn đề về nó. Bên cạnh đó, tôi đã lưu ý rằng đàn ông thường hay buồn rầu ủ rũ hơn là phụ nữ. Tất cả loài người đều bị dao động vì nỗi buồn của họ, nhưng nó không có nghĩa rằng chúng ta bị dính chặt vào nó.” Cô nói với theo phong cách thực dụng thường có của mình.

“Tuy nhiên, một lạt ma đã nói với tôi rằng vấn đề lớn nhất của người phụ nữ là họ có một trái tim nhẹ dạ, hay thay đổi. Nó trồi lên trụt xuống, làm cho bạn khó đạt được sự bình an trong thiền quán hơn. Nhưng ông cũng nói thêm rằng khi một người phụ nữ học được cách kiểm soát năng lượng, cô ta có thể tiến rất nhanh trong sự thực tập của mình – nhanh hơn nhiều so với đàn ông bởi vì có nguồn năng lượng này khi nó không bị lãng phí. Trên thực tế, rất nhiều lạt ma đã nói rằng một khi người phụ nữ tiếp tục kiên nhẫn hành thiền, những kinh nghiệm họ đạt được sẽ nhanh hơn và cao hơn đa số đàn ông. Nhưng một lần nữa, bởi vì phụ nữ không viết sách hay thuyết giảng, nên bạn không được nghe nói về những kinh nghiệm đó.”

Một điều trở ngại lớn khác nữa, đó là sự khao khát tiện nghi vật chất của nữ giới, cũng không đúng trong trường hợp của Tenzin Palmo. Nhưng cô là một phụ nữ khác thường. Điều kiện sống khắc nghiệt dường như là một phần không thể tránh khỏi trong mọi sự huấn luyện tâm linh ở mức độ cao cấp đã ảnh hưởng xấu đến nhiều người nữ tầm đạo. Irina Tweedie, một bậc thầy Sufi vĩ đại, tác giả cuốn sách Chasm of Fire (nhật ký về con đường tìm đạo của cá nhân bà), thừa nhận mình liên tục bị tác động mạnh bởi sự nóng bức, tiếng ồn, và bụi bặm của ngôi làng Ấn Độ – nơi bậc thầy của bà sinh sống. Ông khiến cho bà từ bỏ mọi thứ bà đang sở hữu, kể cả tiền bạc, những thứ chỉ làm gia tăng sự đau khổ và buồn phiền của bà hơn.

“Những người phụ nữ chúng tôi cần tiện nghi, cần an ninh, cần tình thương, chúng tôi cần cái này và cần cái nọ. Những người phụ nữ chúng tôi cần, cần và cần. Trong xã hội phương Tây, việc từ bỏ mọi thứ đối với một người đàn ông dễ hơn nhiều đối với một người phụ nữ. Tôi biết điều đó bởi vì chính tôi đã từng thực hiện, do đó tôi có thể nói.” Bà nói trong căn hộ của mình tại Bắc Luân Đôn ngay trước khi chết. “Bạn biết đấy, người phụ nữ được rèn luyện theo cách khác. Người đàn ông học cách kiểm soát bản năng tình dục của mình. Người phụ nữ phải vượt qua sự dính mắc vào các điều trần tục. Con đường của chúng tôi là sự tháo gỡ dính mắc”.

Tenzin Palmo không bao giờ muốn có con và có khả năng chịu đựng cái lạnh, sự thiếu thốn một chiếc giường, không có bình nước nóng, và mọi thứ tiện nghi khác với sự thanh thản tự nhiên không cần cố gắng. Cô cũng chiến thắng khó khăn khó vượt qua nhất – sống trong một nơi hoàn toàn cách biệt trong sự tĩnh mịch tuyệt đối.

“Đối với cuộc tranh luận đang tiếp tục về việc liệu người nữ có thể đạt Giác ngộ hay không, phần lớn vấn đề chỉ là sự phân biệt đối xử về văn hóa và chủ nghĩa trọng nam khinh nữ còn đang tồn tại. Cá nhân tôi không có chút nghi ngờ nào. Và lợi ích của việc có phụ nữ giữa những người đàn ông đã rõ ràng. Phụ nữ chiếm một nửa loài người. Do đó, những người phụ nữ, những người đã có nhiều thực hành và hiểu biết thực sự, cần phải làm tăng trưởng lòng từ bi bởi vì họ rất đông.”
Tenzin Palmo tuyên bố.

Irina Tweedie đồng ý: “Cá nhân tôi cảm thấy rằng những người phụ nữ chúng ta có thể đạt tới đúng tầm cao như những người đàn ông – miễn là chúng ta giữ giới tính của mình. Tất cả chúng ta đều được tạo ra trong ý tưởng của Thượng đế – Thượng đế vừa là đàn ông vừa là đàn bà, do đó chúng ta có tất cả khả năng và năng lực trong mình. Bản chất nữ tính là mạnh mẽ. Hàng nghìn năm trước đã có xã hội mẫu hệ và rồi con lắc đã di chuyển [tình thế đã thay đổi theo chiều hướng ngược lại]– và giờ đây phụ nữ lại đang được đề cao. Kết quả là sẽ có một thế giới cân bằng hơn và nhiều tình thương hơn. Sẽ không có nhiều sự khắc nghiệt trong nó.”

Các cao tăng đương thời cũng đang bắt đầu thay đổi ý kiến của mình: “Tất nhiên là phụ nữ có thể thành Phật”, đức Đạt lai Lạt ma thường tuyên bố, trước khi chứng minh phát biểu của mình với bằng chứng từ các kinh điển. “Trong các bản văn của Phương tiện của Sự hoàn hảo : tác phẩm này không có bản gốc bằng tiếng Anh và những bản văn của ba tầng lớp đầu của tantra, người ta nói rằng Phật tính thường đạt được trong hình dạng đàn ông. Nhưng theo lớp thứ tư của tantra thì không có sự phân biệt nào giữa nam và nữ; Giác ngộ có thể đến với thân thể người nam hay thân thể người nữ”

Một lạt ma kiệt xuất và được nhiều người yêu mến khác, Kalu Rinpoche, người xây dựng một trung tâm tại Pháp sau khi người Tây Tạng sống lưu vong ở nước ngoài, lặp lại ý kiến của Đạt lai Lạt ma: “Không kể bạn là nam hay nữ, nếu bạn có niềm tin, sự quả quyết và cần cù, nếu bạn có trí tuệ và tình thương, thì bạn có thể giác ngộ. Lý do cho sự bình đẳng về cơ hội giác ngộ này chính là bản chất của tâm, thứ không phải là nam giới hay nữ giới. Không thể nào có việc bản chất nội tại của tâm của một người lại tốt hơn của một người khác, ở mức độ tối hậu, bản chất rỗng lặng, trong sáng và không ngăn ngại của Tâm không biểu lộ những đặc tính hữu hạn như nam tính hay nữ tính, cao siêu hay thấp kém.”

“Tuy nhiên, ở mức độ tương đối thì có những khác biệt, bao gồm cách thức mà tại đó thân thể vật lý được cấu tạo thành mức độ vi tế của các kênh và các trung tâm năng lượng. Theo giáo lý tantra [Mật điển], cách thức mà tâm thức hiển hiện thành thân thể nam giới khác biệt vi tế với cách thức mà tâm thức hiển hiện thành thân thể nữ giới. Trong cấu trúc tâm vật lý của một người đàn ông, có nhiều sức mạnh hơn, nhiều năng lượng tập trung và trực tiếp hơn; trong khi ở người phụ nữ, có nhiều không gian hơn, biểu hiện cho Trí tuệ. Sự khác biệt tương đối này luôn nên được hiểu trong bối cảnh bản chất tối hậu của tâm.” Những lời nói của ông diễn tả mang tính khoa học cao và phức tạp của sự Giác ngộ, theo phong cách Tây Tạng.”

Có lẽ sự xác nhận đơn giản và khích lệ nhất là của một vị lạt ma già tên là Kangyur, người sống không xa hang động của Tenzin Palmo ở Lahoul và biết khá rõ vị ni sư này. Kangyur, một nhân vật tráng kiện với râu dài trắng và phong cách vui vẻ, được biết đến khắp vùng vì sự thần bí và thói quen sống lâu ngày ngoài trời tại nhiệt độ – 35 độ C, mà không cần giầy tất gì cả. Khi được hỏi rằng liệu một phụ nữ có thể đạt tới Giác ngộ được hay không ông đã quả quyết:

“Bên ngoài thì có khác biệt nhưng trái tim thì giống nhau.”, ông nói, vỗ nhẹ vào giữa ngực mình. “Giác ngộ là gì ngoài việc trái tim tự biết chính nó? Đó là một việc khó khăn. Con mắt có thể nhìn thấy cả thế giới nhưng không nhìn thấy được chính nó, do đó trái tim có thể biết mọi thứ nhưng lại gặp vô số khó khăn trong việc hiểu chính nó. Tuy vậy, Tenzin Palmo là một hành giả vĩ đại. Mọi người ở đây đều rất ngạc nhiên trước việc cô ấy đã tu tập tốt như thế nào.”

Nhưng đối với bản thân Tenzin Palmo, những nỗ lực của cô không có gì là đặc biệt. Cô nói: “Tôi thích ngồi và thiền. Tôi không thích làm điều gì khác cả.”

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. NGƯNG BÀO CHỮA CHO CHÍNH MÌNH ĐỂ THỰC SỰ TIẾN BỘ
  2. TENZIN PALMO BÀN VỀ CHÁNH NIỆM
  3. NIỀM VUI TRONG NỘI TÂM LÀ ĐỘNG NĂNG CHO VIỆC TU TẬP

Bài viết mới

  1. TRAO MỘT LỜI KHEN
  2. CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ CỨU CHỮA HAY GIẾT CHẾT TA
  3. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ