BẠN CHỈ LÀ MỘT CON NGƯỜI

THUBTEN ZOPA RINPOCHE

Trích: Điều Trị Bệnh Tận Gốc, Năng Lực Của Tâm Bi Mẫn; Nguyên tác: Ultimate Healing – The Power of Compassion; Việt dịch: Nguyễn Văn Điểu – Đỗ Thiết Lập; Hiệu đính: Nguyễn Minh Tiến – Giao Trinh; NXB. Tôn giáo

Chẳng có gì đáng nói nếu có ai đó tỏ vẻ thông cảm, thương xót bạn. Thậm chí, nếu có ai đó không thích bạn, hoặc hơn thế nữa, chửi mắng hay làm tổn thương bạn thì cũng chẳng có gì đáng phải buồn phiền, vì bạn chỉ là một người. Sự việc chẳng có gì đáng phải hoảng sợ, vì chỉ có một chúng sinh liên quan và chúng sinh đó chỉ là riêng bạn. Nếu bạn phải sinh vào địa ngục thì cũng chẳng có gì đáng tuyệt vọng, vì bạn chỉ là một chúng sinh. Và nếu bạn đạt giác ngộ thì cũng chẳng có gì quá phấn khởi, vì bạn cũng chỉ là một người.

Tuy nhiên, nếu một chúng sinh hữu tình như bạn không thực hành tâm từ bi, thì có nguy cơ là bạn có thể gây hại cho tất cả chúng sinh khác, trực tiếp hoặc gián tiếp, đời này sang đời khác. Như tôi đã nêu ra, ngay cả trong một đời này bạn cũng có khả năng gây hại đến hàng triệu người. Vì lý do này, việc phát khởi tâm từ bi phải là ưu tiên hàng đầu. Đó phải là việc đầu tiên mà bạn nghĩ tới và cố gắng thực hiện. Vô số chúng sinh hữu tình mong muốn bạn khởi tâm từ bi đối với họ, giúp đỡ họ và đừng làm hại họ. Dù cho bản thân bạn cũng muốn mọi người yêu thương và giúp đỡ, nhưng vì bạn chỉ có một mình, bạn hoàn toàn không đáng kể khi so sánh với vô số chúng sinh mà hạnh phúc của họ tùy thuộc vào tâm từ bi của bạn.

Nếu so sánh với việc những người khác tỏ lòng từ bi đối với bạn, một cá nhân mà thôi, thì việc bạn tỏ lòng từ bi đối với vô số chúng sinh khác là quan trọng hơn. Vì lý do này, bạn phải chủ động thực hành tâm từ bi, dù những người khác có cư xử tốt, có thương mến bạn hay không. Vì nếu bạn thực hành tâm từ bi, bạn sẽ đem lợi lạc đến cho vô số chúng sinh; và nếu bạn không thực hành tâm từ bi, bạn sẽ gây hại cho vô số chúng sinh. Và vì lý do đó, bạn vẫn nên thực hành tâm từ bi dù những người khác có thực hành tâm từ bi hay không.

Chúng ta thường nghĩ rằng: “Tại sao tôi phải thực hành tâm từ bi nếu những người khác không [thực hành tâm từ bi đối với tôi]?” Nhưng lập luận này xuất phát từ tâm vị kỷ chứ không phải từ trí tuệ. Lập luận này không dựa trên sự suy nghĩ thấu đáo, vì nó không tính đến ngay cả sự bình yên và hạnh phúc trong tâm ta. Tâm vị kỷ tranh biện theo cách này vì mong muốn được lợi lạc, nhưng trên thực tế nó chỉ đưa tới sự mất mát, vì nhận thức của nó về lợi lạc là không đúng.

Cách mà tâm vị kỷ nhận thức về lợi lạc là làm cho người khác bị thua thiệt và giành lấy phần lợi về cho mình; người khác phải bị thiệt thòi để cho mình được có lợi, được sung sướng. Ngược lại, trí tuệ theo Chánh pháp hiểu được tiến trình đích thực của hạnh phúc và đau khổ, biết rằng cả hạnh phúc lẫn khổ đau đều đến từ tâm ta. Thái độ và hành động hiền thiện sẽ mang lại hạnh phúc; thái độ và hành động bất thiện mang lại khổ đau. Trí tuệ cũng biết rằng việc đánh bại người khác để giành lấy chiến thắng về mình trên thực tế chỉ đưa đến sự thiệt hại, mất mát, vì chúng ta đang tạo ra nhân để rồi sẽ phải chịu sự thiệt hại, mất mát trong đời này và có thể nối tiếp trong hàng ngàn đời sau.

Khi hãm hại người khác, chúng ta tạo ra những vấn đề bất ổn cho chính ta, dù ta có nhận biết điều đó hay không. Hạnh phúc và các vấn đề bất ổn đều có sự phát triển tự nhiên của chúng. Cũng giống như cây thuốc mọc lên từ hạt giống của cây thuốc, và cây có độc mọc lên từ hạt giống của cây có độc. Hạt giống của một cây thuốc không thể phát triển thành cây có độc, hay hạt giống cây có độc không thể mọc lên thành cây thuốc. Việc hãm hại người khác sẽ tạo ra nhân của các vấn đề bất ổn mà chính bản thân ta phải hứng chịu, và không làm hại người sẽ tạo ra nhân của hạnh phúc mà cũng chính ta sẽ được hưởng.

Tâm vị kỷ là tâm chỉ quan tâm đến hạnh phúc tức thời của mình, nhưng các phương pháp mà tâm này sử dụng để mang lại hạnh phúc là không khéo léo, không thiện xảo. Đánh bại người khác và giành lấy vinh quang lợi lộc cho mình là một điều thực sự ngây ngô, vì kết quả của nó sẽ ngược lại với mục đích. Cũng giống như chúng ta có ý muốn uống thuốc chữa bệnh nhưng hóa ra ta đang uống thuốc độc.

Khi chúng ta hành động với trí tuệ theo Chánh pháp, chúng ta nhường phần thắng cho người khác và nhận lấy phần thua thiệt về mình. Tuy nhiên, sự thua thiệt, mất mát chỉ là phần hiện ra bên ngoài, mà thực ra chúng ta được lợi lạc vô song từ hành động hiền thiện này, vì trong nhiều ngàn năm sau chúng ta vẫn có thể được tận hưởng vinh quang thắng lợi. Đó là lý do tại sao chúng ta nên tự mình thực hành tâm từ bi, bất kể là người khác có thực hành tâm từ bi hay không.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. CHUYỂN HÓA PHI ĐẠO ĐỨC THÀNH ĐẠO ĐỨC

Bài viết mới

  1. TRAO MỘT LỜI KHEN
  2. CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ CỨU CHỮA HAY GIẾT CHẾT TA
  3. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ