CHUYỂN HÓA PHI ĐẠO ĐỨC THÀNH ĐẠO ĐỨC

THUBTEN ZOPA RINPOCHE

Trích: Cánh Cửa Đưa Tới Sự Mãn Nguyện; Nguyên tác: The Door To Satisfaction by Lama Thubten Zopa Rinpoche

“Mọi việc phải được làm với thái độ của bạn, cách suy nghĩ của bạn, động cơ của bạn.”

– Thubten Zopa Rinpoche

 

 

 

Có Một Động Cơ Thanh Tịnh

Điều tối quan trọng là bạn hãy có một động cơ đúng đắn bất luận đó là hành động gì. Cho dù bạn là một nông dân hay một thiền sư nhưng nếu bạn hành động để nhằm đáp ứng sự ham muốn được vui sướng hay tiếng tăm cho cuộc đời thì bạn không khác gì súc sinh.

Khi tôi hỏi một tu viện trưởng “pháp thế gian” là gì, ông ta trả lời đó là việc đánh bạc, cày ruộng và vân vân. Cách suy nghĩ về hành động thế gian như thế này rất phổ biến, chỉ để ý tới hoạt động mà không để ý tới động cơ hay thái độ. Tuy nhiên, nếu được làm với một động cơ thanh tịnh thì những hoạt động như đánh bạc cày ruộng có thể trở nên Pháp thanh tịnh.

Không có một hành động nào tự bản thân nó được định nghĩa là hành động thế gian. Nó có thể là một hành động Pháp thiêng liêng hoặc là một pháp thế gian, tức là đạo đức hoặc phi đạo đức – nó có thể là cái này hoặc cái kia. Chỉ khi nào biết được động cơ bạn mới có thể nói đó là một Pháp thiêng liêng hay một pháp thế gian bất luận đó là công việc đồng áng hay việc tu tập thiền định.

Trong quyển Giải Thoát Trong Lòng Bàn Tay ngài Pabongka Dechen Nyingpo đưa ra ví dụ sau : có bốn người trì tụng lời cầu nguyện Tara. Người thứ nhất tụng lời cầu nguyện với động cơ mong đạt giác ngộ vì lợi lạc chúng sanh hữu tình, người thứ hai với mong muốn đạt giải thoát cho riêng bản thân, người thứ ba mong được hạnh phúc đời sau và người thứ tư chỉ mong tìm kiếm hạnh phúc ngay trong đời này. Hành động trì tụng của người thứ nhất trở thành nhân của giác ngộ. Hành động trì tụng của người thứ hai không trở thành nhân cho giác ngộ vì được làm với động cơ muốn giải thoát cho riêng mình. Hành động này sẽ là nhân cho riêng sự giải thoát, tức là thoát khỏi luân hồi nhưng không là nhân cho giác ngộ – vì giác ngộ là trạng thái tâm linh thoát khỏi tất cả lỗi lầm và đạt mọi phẩm tính, mọi chứng ngộ viên mãn.

Việc trì tụng của người thứ ba không trở thành nhân của giác ngộ, cũng không trở thành nhân cho giải thoát. Bởi vì động cơ là đạt tới hạnh phúc các kiếp sau, nó chỉ là nhân để có hạnh phúc trong các kiếp luân hồi, sẽ có thể tái sanh là thiên nhân hay loài người.

Hành động trì tụng của ba người này là hành động Pháp thiêng liêng. Nhưng hành động trì tụng của người thứ tư không phải là Pháp thiêng liêng. Đó là pháp thế gian bởi vì nó được làm với sự quan tâm đến thế gian, dính chặt vào cuộc đời này. Động cơ của nó là phi đạo đức. Như tôi đã đề cập trước đây, các hành động được làm do quan tâm đến thế gian, do tham ái, dính chặt vào hạnh phúc đời này đều là phi đạo đức và quả là tái sanh vào địa ngục, ngạ quỉ hay súc sanh. Cho nên, mặc dù lời cầu nguyện tự bản thân là Pháp nhưng hành động của con người có thể không là Pháp thiêng liêng. Ngài Pabongka Dechen Nyingpo dùng hành động trì tụng kinh cầu nguyện như một ví dụ để làm sáng tỏ sự nhầm lẫn thông thường. Rất dễ dàng để cho rằng một hành động nào có liên quan đến Pháp chẳng hạn như trì tụng kinh cầu nguyện, đọc kinh Pháp hay thiền định thì là một hành động Pháp. Thật quá dễ dãi để tin như vậy.

Nếu hành động trì tụng kinh cầu nguyện với động cơ là sự quan tâm đến thế gian mà có thể mang đến thành công, nếu nó có thể trở nên nhân của hạnh phúc thì có thể nói đi cướp ngân hàng cũng có thể là nhân của hạnh phúc. Bằng việc cướp ngân hàng người ta có thể trở nên giàu sang, sống hạnh phúc. Vậy, việc cướp tiền có gây nên hạnh phúc không? Có sự tương đồng nào đó giữa hai thí dụ. Nếu nói một hành động phi đạo đức như ăn cướp (được làm vì sự ích kỷ tham lam sân hận hay vô minh) là nhân của hạnh phúc thì bạn cũng có thể kinh nghiệm được hạnh phúc từ việc phi đạo đức. Ý tưởng sai lầm này tiếp nối theo rất tự nhiên.

Chỉ có những hành động nào không thúc đẩy bởi sự quan tâm đến thế gian, và là thuốc trị liệu chống lại sự quan tâm đó, mới trở thành Pháp. Từ sáng sớm tới đêm khuya, bất cứ hành động nào như ngủ, ăn, ngồi, đi lại, nói chuyện vân vân nếu được làm để chữa trị vọng tưởng thì nó trở thành Pháp. Ngược lại những hành động nào đáp ứng cho sự quan tâm đến thế gian hay cho tham ái dính mắc vào cuộc đời này thì sẽ trở thành pháp thế gian, hay còn gọi là phi đạo đức. Chúng nó không thể trở thành Pháp thiêng liêng được.

Như đại Bồ Tát Shantideva có nói trong Bồ Tát Hạnh: “Mặc dù ai cũng mong ước được hạnh phúc và chấm dứt khổ đau nhưng vì không biết được bí mật của tâm, ý nghĩa tối thượng của Pháp, nên chúng sinh vẫn mãi luân hồi một cách vô ích.”

Ở đây “bí mật của tâm” không ám chỉ những thực chứng ngộ cao cấp như là tịnh quang, thân huyễn hay sự hợp nhất của chúng; “bí mật của tâm” cũng không nói về cái gì quá phức tạp. Chúng ta có thể hiểu “bí mật của tâm” là các mức độ khác nhau của động cơ của tâm. Đoạn văn này nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc canh chừng bảo vệ tâm, giữ nó được đạo đức bởi vì hạnh phúc hay khổ đau tùy thuộc vào tâm của ta, tức là những suy nghĩ của ta là thiện hay bất thiện. Cách suy nghĩ như thế này sẽ đưa tới hạnh phúc. Cách suy nghĩ như thế kia sẽ đưa tới đau khổ và hàng loạt vấn đề. Tất cả – từ những vấn đề hằng ngày và những khổ đau của sáu cõi luân hồi cho tới sự giải thoát, giác ngộ, tất cả đều tùy thuộc vào tâm chúng ta, cách suy nghĩ của chúng ta.

Bạn có thể không để ý tới bí mật này của tâm: cách suy nghĩ và thái độ của bạn mà mọi hạnh phúc và khổ đau xuất phát từ đó. Bằng cách biết bí mật này, bạn có thể loại bỏ những suy nghĩ sai lệch mà nó sản sinh các vấn đề và toàn bộ khổ đau ở các kiếp sau của bạn, toàn bộ chướng ngại ngăn cản giác ngộ. Với cách suy nghĩ đúng bạn có khả năng có được bất kỳ hạnh phúc nào bạn muốn.

Nguồn: Cánh Cửa Đưa Tới Sự Mãn Nguyện

Nguyên tác: The Door To Satisfaction by Lama Thubten Zopa Rinpoche

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. SỐNG ĐỂ CHO CÁI GÌ? – ĐỘNG CƠ CHÂN CHÁNH
  2. TRÍ TUỆ XÚC CẢM – NGUYÊN TẮC CHỈ ĐẠO BÊN TRONG
  3. PHẬT HOÀNG TRẦN NHÂN TÔNG VÀ ĐẠO ĐỨC MƯỜI ĐIỀU THIỆN

Bài viết khác của tác giả

  1. BẠN CHỈ LÀ MỘT CON NGƯỜI

Bài viết mới

  1. HÒA HỢP TỪ NHỮNG ĐỐI KHÁNG
  2. LỢI ÍCH CỦA TINH THẦN TU TẬP
  3. BẠN