NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA PHẬT TÍNH

TAI SITUPA XII

Trích: “Đánh Thức Vị Phật Đang Ngủ” Tai Situpa Thứ Mười Hai Dịch: Nguyên Toàn Nhà Xuất Bản Tôn Giáo – 2010 Ảnh Internet

Đức Di Lặc cũng miêu tả về các đặc điểm của Phật tính. Ngài nói rằng Phật tính là không thể thay đổi. Dù chúng ta vô minh thế nào thì Phật tính của chúng ta vẫn nguyên vẹn. Và dù chúng ta giác ngộ như thế nào thì Phật tính của chúng ta cũng còn lại nguyên vẹn. Đó là bản chất không thay đổi. Giác ngộ chính là hiện thân đầy đủ Phật tính của chúng ta ở mọi cấp độ của sự biểu thị sắc tướng của chúng ta như là các chúng sinh khác nhau. Tất cả phẩm chất của Đức Phật, như là mười sức mạnh vĩ đại, và tất cả các đặc điểm được miêu tả và xác định là phẩm tính của một vị Phật – đây cũng là những phẩm tính của Phật tính.

Khi đạt tới giác ngộ, chúng ta nhận ra được trọn vẹn phạm vi của những phẩm tính này. Việc làm của một vị Phật là vượt ra sự nhị nguyên. Trong một kinh điển, Đức Phật đã nói: “Ta chưa bao giờ dạy điều gì”. Điều này ngụ ý rằng những lời dạy của Ngài được truyền lại là sự hiển thị tự nhiên. Điều đó không phải đơn giản như là một người này nói chuyện với người kia, mà sự hiển hiện này giống như ánh sáng chói lọi của mặt trời, mang những năng lượng tốt đẹp để trợ giúp sự tinh tấn của chúng sinh. Ánh sáng mặt trời làm được rất nhiều điều. Nó làm ấm hạt giống để có thể phát triển rễ và bám được trong đất. Ánh sáng mặt trời giúp quả chín trên cây. Nó cho ánh sáng, làm ấm các đại dương, hơi nước bốc lên và các đám mây được hình thành. Tất cả những biểu hiện này không cần đặt kế hoạch, giống như hành động tự nhiên của một vị Phật.

Bởi lẽ việc làm của Phật là bất nhị, một vị Phật có thể giúp đỡ những chúng sinh khác. Đức Phật là vô hạn vì Ngài đã vượt qua tính nhị nguyên, do vậy ngay cả cùng một lúc, nếu toàn bộ chúng sinh trong vũ trụ cầu nguyện Ngài và xin được ban phúc, thì sự cầu phúc của Đức Phật sẽ được ban đầu cho tất cả, và chúng sinh tùy theo căn cơ của mình để nhận sự cầu phúc đó.

VƯỢT QUA NHỮNG CHE CHƯỚNG

Khi Đức Di Lặc luận bàn về những che chướng và làm thế nào để khắc phục chúng, Ngài đã nói về những che chướng tạm thời”. Không có những che chướng vĩnh cửu. Các che chướng luôn luôn chỉ là tạm thời. Ngài cũng nói có những che chướng liên miên, và xác định chín loại chủ yếu: tham ái, sân hận, vô minh và sáu loại che chướng liên quan đến quả vị Bồ tát – từ cấp sơ do đến cấp thập địa.

Che chướng đầu tiên ngăn cản một cá nhân nhận ra Phật tính là tham ái. Tham ái là che chướng có tác động lớn, và cũng cố mạnh mẽ cách suy nghĩ nhị nguyên. Tham ái nghĩa là chúng ta bị cuốn hút vào vòng luân hồi sinh – tử. Đức Di Lặc dạy rằng thông qua những phương pháp chuyển hóa, chúng ta phải tìm ra một cách thức để thiết lập sự cân bằng, và để sự tham ái của chúng ta đầu tiên trở thành sự luyến ái hợp lý, hay đúng hơn là không hợp lý. Tiếp đó chúng ta khắc phục từ từ sự tham ái để trở thành không lệ thuộc vào nó, nhưng phải là sự không lệ thuộc hoàn toàn. Thoát khỏi tham ái cần phải được mở rộng hơn.

Một trong số biện pháp để khắc phục tham ái, theo kinh điển, là hiểu biết rõ ràng và đúng đắn về chân lý tương đối của mọi sự vật. Đức Di Lặc dạy rằng sự thật về mọi sự tồn tại đều là vô thường. Chúng ta đi bất cứ nơi đâu trong thế giới này, chúng ta thường nhận thấy các phế tích của các đền đài, lâu đài, nhà cửa và các công trình kiến trúc khác mà xưa kia có lẽ đẹp đẽ, được sử dụng hàng ngày, và được dùng trong nhiều thế kỷ. Nhiều người đã làm việc cật lực để xây những công trình đó và tiêu nhiều tiền cho việc này, nhưng bây giờ chúng chỉ còn lại là như là những đài tưởng niệm lịch sử, hoặc cũng không còn gì cả.

Khi phát triển hiểu biết đúng đắn, chúng ta có lẽ vẫn bị lôi cuốn vào những hoạt động của vòng luân hồi, như là xây dựng nhà cửa, sự nghiệp, hoặc là các mối quan hệ, nhưng chúng ta sẽ không bị tham đắm vào chúng một cách quá mức và bấn loạn. Chúng ta sẽ hiểu rằng những thứ này là vô thường. Chúng không có giá trị tuyệt đối, và chỉ có giá trị tương đối, bởi vì chúng tồn tại phụ thuộc lẫn nhau và luôn thay đổi. Đó là bước quan trọng đầu tiên giúp chúng ta dễ dàng tránh xa những tư tưởng và hành động sai trái.

Nếu chúng ta không hiểu biết đúng đắn, chúng ta sẽ trở nên đố kị khi ai đó xây nhà to hơn nhà của ta. Điều này dường như là nực cười nhưng vẫn xảy ra. Hay là một giáo đoàn sẽ tìm mọi cách để ngăn trở sự phát triển của một giáo đoàn khác, và nói rằng “Phật của tôi tốt hơn Phật của anh”. Tất cả những đố kị này có thể vẫn xảy ra do tham ái, kết hợp với các yếu tố tiêu cực khác nữa.

Đức Di Lặc còn dạy về sân hận và hiếu chiến. Ngài nói rằng sân hận rất mạnh mẽ, mặc dầu không xảy ra liên tục như tham ái. Sân hận đến rồi đi. Tham ái là vẫn tiếp tục, đặc biệt là trong cõi giới của loài người – được mô tả như cõi dục giới, hay là cõi tham ái. Thông thường, sân hận khi bùng nổ thì làm chúng ta mất bình tĩnh, và gây trở ngại việc hoàn thành trọn vẹn những khát vọng của chúng ta.

Khi chúng ta bị lôi cuốn vào một số việc và gặp rắc rối, chúng ta dễ trở nên giận dữ, và đôi khi chúng ta có thể trở thành hiếu chiến để đạt được điều chúng ta muốn. Một trong số phương pháp chính để khắc phục sân hận là cần phát triển sự hiểu biết về nỗi đau khổ và những ô nhiễm của những người khác, và từ đó chúng ta phát triển lòng từ bi đối với mọi người.

Vô minh là một trong những gốc rễ của che chướng, giống như là ham muốn, sân hận và hiếu chiến. Vô minh là kết quả do không nhìn mọi sự vật một cách sâu sắc như chúng vốn là, mà chỉ nhìn thấy bề mặt. Phần lớn thời gian chúng ta không nhìn thấy ngay cả bề mặt của sự vật một cách đúng đắn. Trong một số chỉ dẫn thực hành của Kim Cương Thừa, các đạo sư vĩ đại đã viết rằng hầu hết loài người là hoàn toàn hiểu sai về nhau. Họ hoạt động với 100 phần trăm hiểu lầm. Ngay cả những người thực hành giỏi, rất hiểu biết và giữ giới nghiêm cẩn cũng có thể bị tác động bởi các hoàn cảnh bên ngoài, mà từ đó khiến cho tham ái và sân hận nảy nở. Có thể không dễ nhận thấy, nhưng ở mức độ tiềm thức, các yếu tố này luôn xuất hiện dưới những tác nhân thích hợp. Cho đến trước khi đạt được ngôi vị Bồ tát sơ địa thì vô minh vẫn hiện diện.

Che chướng thứ tư là nghiệp (kama). Đây là sự kết hợp của tham ái, sân hận, và vô minh. Karma (Nghiệp) là từ Sanks .. được sử dụng chung như vậy trong từ điển tiếng Anh. Nhưng không phải nhiều người đều hiểu đúng nghiệp (karma) là gì, và thường hiểu sai về nó. Nếu công việc bị thất bại hay hôn nhân đổ vỡ, mọi người thường hỏi “có phải do nghiệp xấu của tôi không?”. Theo lời giảng của Đức Phật, nghiệp nghĩa là các nhân và các duyên. Tất nhiên là có những nhân và duyên khác nữa để tạo ra thất bại trong kinh doanh, hay là hôn nhân, và những khó khăn khác, vì vậy mọi người cho rằng “ đó là nghiệp”. Khi ý nghĩ về nghiệp như vậy in sâu vào trong tâm trí, thì chúng ta bị mất hết hy vọng; giống như một số phận không thể thay đổi được. Suy nghĩ như vậy là không đúng, vì hoàn toàn sai với sự thật. Nghiệp xấu có thể được cải thiện và trở thành nghiệp tốt, ngược lại nghiệp tốt cũng có thể bị hủy hoại và trở thành nghiệp xấu. Điều này sẽ được giải thích kỹ hơn ở phần sau (PHẦN 3: Nghiệp và Tái sinh). Nghiệp không tồn tại như là một thực thể. Nghiệp là một từ ngữ dùng để chỉ những nhân và duyên tương đối tạo ra cuộc sống của chúng ta.

Đức Di Lặc đã miêu tả che chướng thứ năm “là các trạng thái tâm nhị nguyên không ý thức” (Tạng ngữ là palcha). Đây là những trạng thái ẩn tàng trong tâm trí nhưng có thể biểu lộ ra dưới những hoàn cảnh và tác nhân kích thích nhất định. Giống như một quái vật đang ngủ nếu là trạng thái tiêu cực, hoặc là một thiên thần đang ngủ nếu ở trạng thái tích cực. Nó giống như là bản năng. Nó tương tự như một thói quen không ý thức gắn liền với chúng ta từ kiếp sống này qua kiếp sống khác.

Che chướng thứ sáu là ngăn cản sự nhận ra Phật tính – đó là khi chúng ta đạt được quả vị Bồ tát sơ địa. Chúng ta trở thành Bồ tát sơ địa khi nhận ra Phật tính của mình, và bản chất thực sự của mọi sự vật ở lần đầu tiên. Tất cả các phương pháp thực hành của một Bồ tát là nhằm vượt qua những che chướng ngăn cản cá nhân nhận ra Phật tính. Trạng thái nhận thức ra Phật tính là sự tỉnh giác của quả vị Bồ tát đầu tiên.

Ngài Di Lặc còn chỉ ra một loạt những che chướng kế tiếp liên quan đến các cấp độ cao dần lên của quả vị Bồ tát (mười cấp độ)? Đây là những che chướng nhị nguyên vị tế sẽ tăng dần và những thực hành của Bồ tát để chiến thắng những che chướng này ở các giai đoạn đó. Đây là điều quan trọng vì ngay cả khi đạt được mức độ tinh tấn cao về trí tuệ và hiểu biết thì những điều này lại trở thành những trở ngại và phải được thanh tịnh. Che chướng thứ bảy, đó là cần phải vượt ra khỏi sự tỉnh thức Phật tính của quả vị Bồ tát.

Khi nói về các mức độ tỉnh thức khác nhau của quả vị Bồ tát, rõ ràng chúng ta đang diễn giải về chỉ ở phương diện lý thuyết. Để hiểu chính xác quả vị Bồ tát sơ địa là gì, thì chúng ta phải là Bồ tát. Nếu một người bình thường được gặp một vị Phật và một bộ tát sơ địa cùng lúc, thì sẽ rất khó để người này phân biệt được và dễ bị lầm lẫn. Bởi lẽ do tâm nhị nguyên của mình, chúng ta không có được nhận thức sáng suốt về sự khác nhau này. Tuy nhiên, cấp độ của các ngài, Bồ tát sơ địa và một vị Phật là khá khác, nhưng sự khác biệt là quá vi tế nên tâm trí của người bình thường khó nhận ra được.

Một người bình thường có trạng thái thiền và không thiền. Đối với một người bình thường, trạng thái không thiền của một Bồ tát sơ địa như là sự tỉnh thức, nhưng đối với Bồ tát sơ địa hay là cao hơn thì họ đã vượt ra khỏi sự khác nhau giữa các trạng thái thiền định và không thiền định. Hay đúng hơn là trạng thái sau thiền định, bởi vì trạng thái thiền định đã tràn ngập trong hoạt động của một Bồ tát, ngay cả khi Bồ tát không ở trong sự hành thiền chính thức. Ở ngôi vị phát triển này, không có gì là không hiểu và không nhận thức được. Thành tựu của Bồ tát không phải là tri thức mà là tỉnh giác trực tiếp. Vị Bồ tát phải khắc phục sự khác nhau giữa hai trạng thái thiền và không thiền để cả hai trở thành bình đẳng như nhau. Dĩ nhiên, so sánh với thành quả của ngôi Bồ tát nhị địa, thì thành quả của Bồ tát sơ địa còn hạn chế. Một vị Bồ tát ở cấp độ tỉnh thức cao hơn có thể nhận ra những hạn chế về tâm thức của ngôi Bồ tát thấp hơn. Điều này là rất tự nhiên. Họ luôn luôn cần phải hoàn thiện trước khi đạt được giác ngộ viên mãn.

Mặc dù các kinh điển đã giảng giải về các che chướng, nhưng chỉ có những ai đang trên con đường tiến tới giác ngộ hoàn toàn mới có thể hiểu được bản chất của những che chướng này.

—-

 

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. 5 LỢI ÍCH CỦA VIỆC HIỂU BIẾT PHẬT TÍNH và 5 BẤT LỢI DO KHÔNG HIỂU BIẾT
  2. BỒ ĐỀ TÂM – ĐÁNH THỨC VỊ PHẬT ĐANG NGỦ
  3. KHOA HỌC MẬT THỪA (PHẦN 2)

Bài viết mới

  1. TRAO MỘT LỜI KHEN
  2. CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ CỨU CHỮA HAY GIẾT CHẾT TA
  3. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ