HH. DALAI LAMA XIV
Có lòng từ bi thôi là chưa đủ. Ta phải hành động nữa. Có hai phương diện để hành động. Một là vượt qua những méo mó và phiền não trong chính tâm trí ta, nghĩa là làm lắng dịu và cuối cùng là xua tan lòng sân hận. Đây là hành động xuất phát từ lòng từ bi. Phương diện thứ hai có tính xã hội và cộng đồng hơn. Nếu một người thực sự quan tâm đến lợi ích của người khác thì, khi có điều gì đó sai trái cần được sửa chữa, người ấy sẽ dấn thân hành động.
– Đức Đạt Lai Lạt Ma
Những nhà sư trong cỗ máy
Vào năm 2001, trong Phòng thí nghiệm Chẩn đoán Hình ảnh Sinh học Keck ở Đại học Wisconsin-Madison, Đức Đạt Lai Lạt Ma đứng đó, trông Ngài thư thái nhưng không hề lơ đãng. Hai tay Ngài chắp sau lưng trong một điệu bộ ngộ nghĩnh, và đầu Ngài hơi nghiêng về một bên. Ngài đang chăm chú lắng nghe lời của giáo sư Richard Davidson về những điểm mấu chốt của kĩ thuật chẩn đoán hình ảnh não bộ tân tiến nhất hiện thời. Tìm hiểu những hình ảnh nhấp nháy hiển thị trong hàng loạt các máy tính đặt trước mặt kia không phải là một nhiệm vụ dễ dàng đối với Ngài – người chưa bao giờ dự một lớp Sinh học Đại cương nào trong đời, cũng là người suốt 7 thập kỉ qua đã hoàn toàn hiến mình cho công cuộc thực hành tâm linh.
Tuy nhiên, Đức Đạt Lai Lạt Ma vẫn hết lòng tin rằng Phật giáo và khoa học có nhiều điểm chung. Cả hai đều tìm cách giải thích thực tại một cách chính xác hết sức có thể, dẫu là từ những tri kiến khác nhau. Phần lớn đời mình, Đức Đạt Lai Lạt Ma rất ngưỡng mộ các phương pháp khoa học. Và Ngài đã nói rằng mình sẽ không ngần ngại từ bỏ bất cứ đức tin lâu đời nào của Phật giáo nếu khoa học có thể chứng minh chúng là sai.
Davidson chỉ vào một chiếc máy tính đang hiển thị một số hình ảnh đồ họa điện xung đầy màu sắc. “Hình này cho thấy bộ não của một người đang nhìn vào các bức ảnh có những em bé hạnh phúc và mọi người đang cười. Ngài có thể thấy rằng có nhiều hoạt động trong vùng vỏ não trước trán trái của chúng ta, ngay đây này. Đây là khu vực sẽ sáng lên khi mọi người đang có tâm trạng tốt và tràn đầy năng lượng. Về bản chất là khi họ hạnh phúc”. Ông trỏ tay vào vùng thái dương bên trái của chính mình để cho biết vị trí tương ứng của vùng não ấy trên cơ thể.
“Nhưng đầy năng lượng cũng có thể là đầy năng lượng tiêu cực”, Đức Đạt Lai Lạt Ma nói.
“Đúng thế. Đây là một trong những vấn đề mà chúng tôi hi vọng Ngài sẽ giúp chúng tôi thông suốt trong nghiên cứu của mình”, Davidson trả lời.
Hai người đã tìm đường len qua một đám đông chật ních những nhà khoa học, các nghiên cứu sinh và cả nửa tá phóng viên mang vác lỉnh kỉnh các thiết bị quay phim chuyên nghiệp. Một rừng các micro cần dài lủng lẳng phía trên đầu họ. Quá trình họ làm việc rất chậm và phức tạp. Được giao nhiệm vụ bảo vệ Đức Đạt Lai Lạt Ma, các nhân viên an ninh của Bộ Ngoại giao Hoa Kì vui vẻ giữ thái độ điềm tĩnh dù không quen thuộc với môi trường phòng thí nghiệm công nghệ cao này. Davidson và Đức Đạt Lai Lạt Ma chẳng mấy quan tâm tới đám đông vây quanh mà chỉ chăm chú đắm mình vào cuộc trò chuyện của họ.
Davidson – người có tên trong danh sách 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2006 của tạp chí Time – đưa Đức Đạt Lai Lạt Ma đến một khu khác trong phòng thí nghiệm. Một cánh cửa sổ kính lớn được dựng thành vách nhìn qua một căn phòng có chứa chiếc máy chụp cộng hưởng từ chức năng lớn tựa như một chiếc xe tăng đang phát ra những hình ảnh đầy màu sắc của bộ não trên máy tính. Một người phụ nữ đang nằm trong khoang hình ống của chiếc máy đó.
“Thưa Đức Ngài”, Davidson nói, “bây giờ chúng tôi sẽ cho Ngài thấy cách chúng tôi dùng máy fMRI này để khám phá các chức năng của bộ não. Chúng tôi đang dò tìm những thay đổi phát sinh trong các mạch thần kinh từ các cử động thể chất. Chúng tôi sẽ yêu cầu Chris gõ các ngón tay của cô ấy. Sau đó chúng ta sẽ nhìn các thay đổi hiển thị trên màn hình cho thấy hoạt động trong phần não điều khiển cử động của tay”.
Chiếc máy fMRI khởi động và một âm thanh lớn, chói vang lên. Trợ lí của Davidson đang vận hành bảng điều tai khiển, nói vào micro, “Chris, bắt đầu gõ nhé”. Davidson nhẹ nhàng hướng Đức Đạt Lai Lạt Ma đến gần màn hình hơn. Nhìn qua một khoảng trống giữa hai người, tôi có thể thấy những đốm màu riêng biệt đang hiện ra bên trong một vành hình bầu dục – đường viền của bộ não do máy tính tạo ra. Sau khoảng một phút, người trợ lí yêu cầu Chris ngừng gõ và các đốm màu kia mờ dần.
Câu hỏi liền sau đó của Đức Đạt Lai Lạt Ma khiến Davidson ngạc nhiên. Nhà lãnh đạo Tây Tạng muốn biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu, thay vì cử động các ngón tay về mặt thể chất, Chris sẽ chỉ làm vậy về mặt tinh thần thôi. Nhà khoa học thần kinh đã hội ý với đồng nghiệp của mình và thực hiện các thay đổi cần thiết trong giao thức thử nghiệm.
“Bây giờ chúng tôi sẽ yêu cầu Chris gõ các ngón tay của cô ấy chỉ bằng tâm trí thôi”, ông nói với Đức Đạt Lai Lạt Ma. “Sau đó chúng ta sẽ xem liệu chúng ta có thấy được các thay đổi tương tự trong não cô ấy không nhé. Đây chỉ là thử nghiệm thôi”.
Trợ lí của ông lại nói vào micro, “Chris, chúng ta sẽ bắt đầu mô thức tiếp theo. Chị thấy ổn chứ?”.
“Tôi ổn”, Chris nói.
“Các chỉ dẫn vẫn sẽ như cũ thôi. Khi tôi nói ‘Gõ’ thì chị tưởng tượng mình đang gõ tay, và khi tôi nói ‘Ngưng gõ’ thì chị dừng nhé.”
Quả thật, khi Chris duy trì ý nghĩ về việc cử động các ngón tay trong tâm trí, các đốm màu lại xuất hiện trên màn hình. Nhưng tôi để ý thấy là giờ đây chúng nhiều hơn và được phân bố đều hơn bên trong vành bầu dục kia.
“Thưa Đức Ngài”, Davidson nói, hài lòng với kết quả vừa thấy. “Đây là lần đầu tiên chúng tôi làm được điều này: có thể thấy các thay đổi trong não khi ai đó đang trải qua điều gì đó hoàn toàn là tưởng tượng”.
“Nhưng có phải các suy nghĩ đến trước, rồi thay đổi mới diễn ra trong não không?”, Đức Đạt Lai Lạt Ma muốn biết.
“Đây là một câu hỏi quan trọng”, Davidson trả lời. “Kĩ thuật hiện giờ của chúng tôi không đủ chính xác để trả lời câu hỏi của Ngài. Có độ trễ chừng một vài giây, do thời gian máu được bơm đi. Thế nên chúng ta chỉ có thể thấy các thay đổi trong não kia sau khi ý nghĩ đã hình thành”.
Có một sự ăn ý nhịp nhàng giữa nhà khoa học người Mĩ với nhà sư Tây Tạng. Davidson sau này đã kể với tôi rằng ông rất ấn tượng với sự ham học hỏi và óc phân tích của Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Đức Đạt Lai Lạt Ma luôn luôn có một đầu óc khoa học nhạy bén. Khi còn là một cậu bé, Ngài thường cố sửa chiếc máy phát điện thường xuyên bị hỏng hóc trong cung điện mùa hè của mình. Ấy chính là cách Ngài đã học về động cơ đốt trong, và cũng là cách Ngài đã phát hiện ra rằng chiếc máy đó phát ra từ trường khi nó vận hành.
Thời điểm ấy, cả Lhasa chỉ có ba chiếc ô tô. Chúng được tháo rời từng bộ phận và các phu khuân vác đã gùi chúng băng qua các ngọn núi rồi sau đó ráp lại. Có hai chiếc Baby Austins đời 1927, một chiếc màu xanh dương còn chiếc kia màu đỏ sọc vàng, cộng với một chiếc Dodge lớn màu cam đời 1931. Chúng đã không còn được sử dụng từ khi Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 13 qua đời, và đã gỉ sét nặng. Vị Đạt Lai Lạt Ma trẻ kế thừa đã cố gắng phục hồi được hai chiếc trong số chúng, với sự giúp đỡ của một chàng trai Tây Tạng đã học nghề lái xe ở Ấn Độ. Đó đã là những khoảnh khắc xúc động của nhà sư và nhà khoa học mới chớm kia.
Đức Đạt Lai Lạt Ma và Davidson gặp nhau lần đầu tiên ở thị trấn Dharamsala năm 1992. Davidson đã say mê thiền khi ông còn là một nghiên cứu sinh vào những năm 1960. Ông đã chu du tới Ấn Độ để dự các khóa nhập thất tâm linh. Davidson bảo tôi rằng cuộc gặp đầu tiên của ông với Đức Đạt Lai Lạt Ma hệt như một chuyến tàu lượn của xúc cảm. Vì một lí do nào đó không rõ, ông đã vô cùng lo lắng trước khi bước vào phòng tiếp kiến.
“Tôi cực kì hồi hộp. Tôi gần như đã lâm vào một cơn hoảng loạn”, Davidson kể. Biết ông đã hơn 10 năm, tôi thấy điều này thật khó hiểu. Ông là một trong những người tự tin nhất tôi từng gặp; hẳn nhiên đó là hệ quả từ những thành tựu hàn lâm xuất sắc bậc nhất của ông.
“Tôi không biết sẽ phải nói gì với Đức Đạt Lai Lạt Ma”, Davidson bảo tôi. “Tôi cũng bắt đầu nghi ngờ bản thân. Tại sao mình ở đây, sao mình lại làm lãng phí thời giờ của Ngài ấy? Nhưng sau đó, chỉ trong vòng 15 giây sau khi gặp Ngài, mọi lo lắng kia đều tan biến. Tôi cảm nhận được và tôn kính quyền năng từ bi phi thường của Ngài. Tôi đã đi từ trạng thái rất đỗi lo âu đến một cảm giác an toàn sâu sắc. Chuyện đã diễn ra như vậy đó”, ông búng tay.
Đức Đạt Lai Lạt Ma biết vị khách của Ngài là một nhà tâm lí kiêm nhà khoa học não bộ lừng danh. Ngài đã khích lệ ông vận dụng các kĩ năng của mình để nghiên cứu các phẩm chất tích cực như lòng tốt và từ bi với lòng say mê y hệt như cách ông đã chuyên tâm vào các nghiên cứu về trầm cảm, lo âu và sợ hãi trước đó.
Davidson đã thay đổi tích cực kể từ ngày gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma vào năm 1992 ấy. Ông đã trịnh trọng cam kết với Ngài và với chính mình: Ông sẽ làm mọi thứ trong khả năng để có thể cho lòng từ bi một góc nhìn khoa học.
Mười chín năm sau, một ngày sau chuyến thăm Phòng thí nghiệm Keck, Davidson đã tóm tắt cho Đức Đạt Lai Lạt Ma biết về một nghiên cứu vừa được kết luận chỉ vài giờ trước đó. “Chúng tôi đang đặc biệt cố gắng để hiểu những gì não bộ cho thấy trong quá trình biểu lộ lòng từ bi. Chúng tôi muốn biết làm cách nào chúng ta có thể kích hoạt tốt hơn những vùng não đóng vai trò công cụ cho việc vun bồi lòng từ bi”, ông nói.
Đức Đạt Lai Lạt Ma đáp lời không chút chậm trễ, với một vẻ mặt nghiêm trang, “Bằng cách tiêm vào đầu. Cách dễ nhất đấy”.
Davidson và mọi người xung quanh cười oà.
“Chúng tôi đã học được rằng có những phương pháp thực hành tinh thần có thể làm biến đổi trạng thái não bộ, và chúng có thể là những cách hiệu quả nhất để tạo ra sự biến đổi lâu dài”, Davidson tiếp tục mạch trình bày của mình. “Thưa Đức Ngài, một ngày trước khi Ngài đến Madison, chúng tôi đã chụp ảnh não của người phiên dịch tiếng Pháp cho Ngài là Matthieu Ricard. Các sinh viên và nhân viên của tôi đã làm việc gần như cả đêm, phân tích dữ liệu hình ảnh của anh ấy để tôi có thể trình bày với Ngài”.
Davidson bắt đầu bằng việc trình chiếu một hình ảnh lên màn hình lớn treo cao quá đầu. Trong ảnh chiếu là một người phương Tây trung niên mặc áo cà sa màu nâu đỏ theo kiểu tu sĩ Tây Tạng, đang nằm sấp trên một băng ca bằng kim loại. Matthieu Ricard, một tác giả sách bán chạy và là một môn sinh lâu năm của Phật giáo Tây Tạng, đang sắp được đưa vào khoang của máy quét cộng hưởng từ chức năng tối tân. Ảnh tiếp theo là Ricard giương hai tay hướng lên trần nhà, như thể đang cố ngăn mình bị nuốt trọn bởi bóng tối vậy.
Đức Đạt Lai Lạt Ma, ngồi kiết già trên chiếc ghế bành cạnh Davidson, đưa hai tay lên không trung để bắt chước chàng Ricard đang hoảng hốt kia. Ngài cười vui vẻ với trò chơi của mình.
Ảnh trình chiếu kế tiếp cho thấy Ricard đang ngồi trên chiếc băng ca ấy và đang thong dong mỉm cười với Davidson đang đứng gần đó. “Matthieu đã nằm trong máy quét não hơn ba giờ liền, và chúng tôi chưa bao giờ thấy có ai ra khỏi đó mà lại mỉm cười như thế trước đây”, Davidson tường thuật.
Đức Đạt Lai Lạt Ma nói gì đó bằng tiếng Tây Tạng. Thupten Jinpa, phiên dịch viên tại Montreal của Ngài, dịch lại lời Ngài bằng tiếng Anh với nhóm người ở đó. “Đức Ngài nói một nửa lí do chắc nằm ở chỗ anh ấy là người Pháp. Sự khác biệt trong văn hóa – văn hóa đất nước anh ấy rất tiến bộ – đã đóng một vai trò ở đây”. Jinpa không nhịn được cười; anh khó lòng rời mắt khỏi hình ảnh Ricard – một người bạn cũ, đang mỉm cười và ngồi cách anh một mặt bàn kia.
Ảnh trình chiếu tiếp theo cho thấy tu sĩ người Pháp đang trải qua một khảo sát khác. Đỉnh đầu nhẵn thín và nửa trên khuôn mặt anh ấy trùm một thứ gì đó trống như một chiếc mũ tắm bằng lưới dày. Hàng trăm diện cực tựa như những lô uốn tóc được gắn vào chiếc mũ lưới đó.
Đức Đạt Lai Lạt Ma bị thu hút và thực sự bị chọc cười bởi những hình ảnh lạ mắt về Ricard. Hai vai Ngài rung lên vì cười. Biết Ricard đã nhiều thập kỉ, Ngài rất mến vị tu sĩ này và hết sức tôn trọng anh với tư cách là một người tu nghiêm túc.
Davidson giải thích rằng mạng lưới gồm 256 điện cực đang bao quanh đầu Ricard được kết nối với một hệ các máy tính. Mỗi điện cực sẽ đo lượng điện cực nhỏ phóng ra từ một mảng não nhỏ. Bằng việc sử dụng kĩ thuật tam giác đạc phức tạp, các điện cực sẽ cung cấp một hình ảnh ba chiều, chi tiết về bộ não Ricard ở các trạng thái cảm xúc khác nhau. Thời điểm ấy, năm 2001, chỉ có 3 hoặc 4 phòng thí nghiệm trên thế giới có khả năng định vị các xung điện từ bộ não với độ chính xác đến vậy.
“Thưa Đức Ngài, như Ngài biết đó, chúng tôi đã nghiên cứu về lòng từ bi một thời gian rồi”, Davidson nói với Đức Đạt Lai Lạt Ma đang nhẹ nhàng lắc lư mình trên ghế, theo thói quen của Ngài. “Nhiều năm qua Ngài đã nói với chúng tôi về tầm quan trọng của lòng từ bi trong đời sống hàng ngày. Nhưng điều đó hầu như chẳng được nhà khoa học nào ở phương Tây nghiên cứu cả. Tại phòng thí nghiệm này, chúng tôi đã yêu cầu Matthieu thiền định về lòng từ bi, và dữ liệu hình ảnh của anh ấy sẽ được so sánh với dữ liệu của người bình thường. Chúng tôi muốn xem liệu có bất cứ đặc điểm nào trong não của Matthieu đã biến đổi không. Chỉ đến trước bữa trưa hôm nay, một trong các nghiên cứu sinh sau tiến sĩ của tôi mới đưa được dữ liệu ấy cho tôi. Anh ấy gần như đã thức cả đêm để phân tích nó. Ảnh trình chiếu kế tiếp sẽ cho Ngài thấy một phát hiện quan trọng”.
Ảnh trình chiếu ấy có một đồ thị đơn giản. Trong các trục tọa độ dọc và ngang của nó, nhiều điểm dữ liệu gần như dính liền nhau, tạo thành đường viền phác thảo của một ngọn núi đại diện cho các chỉ số được thu thập từ 150 sinh viên đại học đã trải qua quá trình quét não tương tự. Cánh bên trái của ngọn núi, gần với điểm giao nhau của hai trục tọa độ, là một chấm lẻ loi, đơn độc: chỉ số của Ricard.
Trong nghiên cứu này, Davidson đặc biệt quan tâm đến một dấu hiệu điện não được gọi là “gamma”, được tạo ra ở vùng vỏ não trước trán trái. Nghiên cứu của ông đã cho thấy rằng lượng gamma cao tỉ lệ thuận với các cảm giác hạnh phúc. Người phóng xuất được lượng gamma lớn có xu hướng vui vẻ và lạc quan. Đa số 150 sinh viên đều có kết quả tập trung xung quanh phần trung tâm của ngọn núi. Trạng thái cảm xúc của họ trong đa số thời điểm là trung lập – không quá hạnh phúc cũng không quá buồn lo. Các chỉ số nằm bên cánh trái của ngọn núi đến từ những người có xu hướng luôn có cái nhìn rạng rỡ về cuộc đời; những chỉ số bên cánh phải thì đến từ những cá nhân có xu hướng chán nản, muộn phiền.
Tuy nhiên, chỉ số của Ricard gần như lạc khỏi biểu đồ kia. Dữ liệu ngoại hạng của anh cho thấy rằng sự hoan hỉ và mãn nguyện tràn ngập toàn bộ ý thức của Ricard. Anh đã nhập vào một trạng thái hưng phấn khi thiền định về lòng từ bi. Ricard giải thích, “Đó là một lòng từ bi vô vụ lợi, không loại trừ ai cả. Bạn tạo ra ý thức yêu thương này, và để nó ngấm vào tâm trí. Bạn tập trung vào mong muốn rằng tất cả chúng sinh đều thoát khỏi khổ đau”.
Richard Davidson hào hứng nói với Đức Đạt Lai Lạt Ma, “Đây mới là một phần của những dữ liệu đầu tiên mà chúng tôi phân tích và đưa ra kết luận trong việc khảo sát hoạt động của bộ não khi tập trung sinh khởi lòng từ bi mà thôi”.
Sau khi Đức Đạt Lai Lạt Ma rời Madison và trở lại Ấn Độ, Davidson tiếp tục nghiên cứu mối quan hệ giữa phép thiền từ bi và chức năng của não, và đặc biệt là cách các quá trình tinh thần của chúng ta – các ý nghĩ, các xúc cảm, thiền định – có thể làm biến chuyển cấu trúc thể chất và chức năng của bộ não. Với sự giúp đỡ của Đức Đạt Lai Lạt Ma và Ricard, Davidson đã mời 8 nhà sư Tây Tạng đến Phòng thí nghiệm Keck. Davidson đã quét não của họ trong khi họ thiền về lòng từ bi. Ông cũng định kỳ cho họ nghe những âm thanh đau khổ tột cùng của con người: một phụ nữ đang la hét hoặc một đứa trẻ đang khóc không ngừng.
Mỗi nhà sư trong nhóm ấy đã thiền định trung bình khoảng 34.000 giờ trong đời họ; một số còn đã thiền tới 64.000 giờ. Và ai cũng đều đã hoàn thành ít nhất một khóa nhập thất đơn độc ba năm. Davidson tuyển 10 sinh viên đã được đào tạo một khóa thiền cấp tốc để làm nhóm đối chứng.
Kết quả thật ấn tượng! Hầu hết các nhà sư khi đang thiền định đều cho thấy sự gia tăng rất lớn của sóng gamma trong vỏ não trước trán trái của họ – một dấu hiệu rõ ràng cho thấy họ đang trải qua giai đoạn vô cùng an lạc. Các dấu hiệu được tạo ra mạnh gấp 30 lần so với các sinh viên. Một vài nhà sư – những người có nhiều giờ thiền định nhất – đã cho thấy “sự gia tăng sóng gamma cực kì lớn mà chưa từng được báo cáo trong các tài liệu khoa học thần kinh trước đây”, theo lời Davidson.
Sau khi nhìn thấy những kết quả này, Davidson đã rất phấn khích trước viễn cảnh rằng việc rèn luyện tinh thần có thể đem lại những thay đổi về cấu trúc não bộ. Và chúng ta có thể chủ tâm vun bồi những đặc điểm tích cực như sự cảm thông và lòng tốt. Ông hình dung điều đó như việc đến phòng tập thể dục để rèn luyện hệ thống tim mạch mạnh khỏe hơn – một thói quen thể dục tinh thần để trưởng dưỡng một trạng thái từ bi sâu sắc trong tâm trí, và là một liều thuốc giải hiệu quả cho những phiền não như lo âu và trầm cảm.
Những kết quả đó hẳn sẽ khiến Đức Đạt Lai Lạt Ma rất phấn khởi. Bảy thập kỉ (và còn đang tiếp tục) thực hành tâm linh của Ngài đã tạo nên một sự thấu triệt đơn giản: Lòng vị tha là cách chắc chắn và hiệu quả nhất để đem lại sự mãn nguyện thực sự trong cuộc sống. Ngài không đạt đến hiểu biết này bằng trí năng – Ngài trải nghiệm nó thông qua công cuộc tu tập của chính mình.
Đức Đạt Lai Lạt Ma có lí do chính đáng khi thường xuyên tìm thấy mối tương giao với các nhà khoa học lỗi lạc. Ngài biết rằng những kĩ thuật đơn giản như thiền định rất tốt cho chúng ta. Ngài tin rằng chúng sẽ nâng cao ý thức về từ bi và thỏa nguyện trong chúng ta một cách có hệ thống, cũng như rất hiệu quả trong việc giảm thiểu những đau đớn về tinh thần. Đức Đạt Lai Lạt Ma đã hi vọng một ngày nào đó khoa học sẽ chứng thực được hiểu biết này. Và giờ đây, ta đã có bằng chứng trong lĩnh vực thần kinh, ở phòng thí nghiệm của Richard Davidson, và một loạt nghiên cứu tâm lí đang triển khai đã càng củng cố thêm quan điểm về tác dụng quý giá của thiền định. Khoa học đã khẳng định: càng vị tha bao nhiêu thì chúng ta càng hạnh phúc bấy nhiêu.
Dựa trên những khảo sát trước kia, các kết quả ấn tượng như thế này cũng không hoàn toàn ngoài dự kiến. Tuy nhiên, Davidson đã rất ngạc nhiên trước một phát hiện độc đáo. Mặc dù các nhà sư hoàn toàn tĩnh lặng trong máy quét suốt cuộc thiền định về lòng từ bi, những vùng vận động trong não họ – vỏ não vận động và hạch nền – vẫn hoạt động tích cực lạ thường. Những khu vực này liên kết với ý định hành động, và hoạt động của chúng thường đi liền trước hành động tự nguyện. Thoạt đầu, nhóm nghiên cứu nghĩ rằng các hoạt động này nảy sinh có thể là do tiếng ồn từ thiết bị đo đạc tạo ra. Nhưng cả sau khi họ đã tinh chỉnh máy quét thì kết quả cho ra vẫn khó hiểu như cũ.
Bản thân các nhà sư lại chẳng thấy ngạc nhiên với các kết quả ấy. Matthieu Ricard nói với Davidson rằng những phát hiện này phù hợp với điều anh ấy tin là khía cạnh then chốt của lòng từ bi. Vùng não liên kết với hành động ấy được kích hoạt trong suốt quá trình thiền định về từ bi. Nó chuẩn bị cho tâm trí luôn nằm trong tình trạng chủ động, để ta sẵn sàng đưa tay giúp đỡ ngay khi bắt gặp cảnh khổ đau. Các tiến trình suy nghĩ có liên quan đã được chứng tỏ là nhanh chóng và tự động. Bất cứ rào cản nào giữa ta và người khác cũng sẽ được dỡ bỏ. Những người có lòng từ bi – qua rèn luyện hay do bẩm sinh – đều hết lòng giúp đỡ người khác trong cảnh khốn khó. Lí luận hay lẽ thường ít có tiếng nói trong vấn đề này, như ta đã thấy trong trường hợp Wesley Autrey không ngần ngại nhảy xuống đường tàu điện ngầm ở thành phố New York để che chắn cho một người lạ không may trượt ngã trong cơn động kinh, cứu anh ấy thoát khỏi một đoàn tàu đang lao như bay về phía họ.
Tôi đã thường tự hỏi tại sao một tu sĩ Phật giáo như Đức Đạt Lai Lạt Ma lại quan tâm đến khoa học nhiều như vậy. Suốt gần ba thập kỉ, Ngài đã đều đặn và thường xuyên trò chuyện với những nhà khoa học thuộc mọi lãnh vực – vật lí, tâm lí, di truyền học, khoa học thần kinh. Sự tương tác giao thoa này giữa khoa học và Phật giáo thật tình cờ. Những tiến bộ trong khoa học, như những tiến bộ được phát hiện trong phòng thí nghiệm của Davidson, đã chứng thực tính hiệu quả của khối kiến thức có lịch sử 2.500 năm vốn được đề xuất để giải quyết tận gốc những nguyên nhân của khổ đau.
Ngày nay, tất cả chúng ta đều dành nhiều sự quan tâm cho khoa học, đặc biệt là với những phát hiện có thể tác động lên sự an lạc tinh thần và sức khỏe thể chất của chúng ta. Đức Đạt Lai Lạt Ma rất phấn khởi khi thấy khoa học đã chứng minh một cách thuyết phục những khía cạnh then chốt trong thế giới quan của Ngài – mối tương quan mật thiết giữa lòng từ bi và hành động, và cách chúng cùng nhau giúp chúng ta hướng tới hạnh phúc đích thực và một đời sống ý nghĩa.