HÃY QUÊN MỤC TIÊU ĐI, THAY VÀO ĐÓ TẬP TRUNG VÀO HỆ THỐNG

JAMES CLEAR

Trích: Atomic Habits - Thay Đổi Tí Hon Hiệu Quả Bất Ngờ; dịch giả: Vũ Phi Yên- Trần Quỳnh Như dịch; NXB Thế Giới, Cty sách Phương Nam

Có một niềm tin phổ biến rằng cách tốt nhất để đạt được mọi điều mình mong muốn trong cuộc sống – như giữ phom dáng chuẩn, kinh doanh thành công, sống thoải mái hơn, ít lo âu hơn, dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, bạn bè – thi cần phải đề ra những mục tiêu cụ thể và khả thi. Tôi cũng đã xây dựng những thói quen của mình theo cách đó trong rất nhiều năm. Mỗi một thói quen đi liền với một mục tiêu cần đạt tới. Tôi đề ra những mục tiêu đạt điểm cao ở trường, đạt đến số kg mong muốn trong tập gym, kiếm được bao lợi nhuận bản thân mong muốn trong kinh doanh.

Cũng có một vài mục tiêu thành công, còn đa số đều thất bại. Bất chợt tôi bắt đầu nhận ra rằng kết quả mà tôi đạt được chẳng mấy liên quan tới những mục tiêu mà mình đề ra, mà liên quan mật thiết tới hệ thống mà tôi tuân thủ. Vậy sự khác biệt giữa hệ thống và mục tiêu là gì? Sự khác biệt đầu tiên tôi đã học được từ Scott Adams, hoạ sĩ tranh biếm hoạ tác giả của cuốn truyện tranh Dilbert. Mục tiêu là kết quả mà bạn mong muốn đạt được. Hệ thống là quá trình dẫn dắt bạn tới những kết quả đó.

– Nếu bạn là một huấn luyện viên, mục tiêu của bạn chắc hẳn là dành chức vô địch. Hệ thống của bạn ở đây là cách bạn chiêu mộ cầu thủ, quản lý các trợ lý huấn luyện viên và hướng dẫn tập luyện.

– Nếu bạn là một chủ doanh nghiệp, mục tiêu của bạn chắc hẳn là xây dựng một đế chế kinh doanh đáng giá triệu đô. Hệ thống của bạn là cách mà bạn đánh giá các ý tưởng kinh doanh của doanh nghiệp mình, tuyển dụng nhân viên và chạy các chiến dịch marketing.

– Nếu bạn là một nhạc công, mục tiêu của bạn chắc hẳn là chơi một tuyệt phẩm mới. Hệ thống của bạn là việc bạn có thường xuyên luyện tập, cách bạn phá vỡ và vượt qua được những tiêu chuẩn khắt khe, và phương pháp mà bạn tiếp nhận những chỉ dạy từ người hướng dẫn cho bạn.

Và bây giờ có một câu hỏi thú vị được đặt ra là: Nếu bạn hoàn toàn chẳng quan tâm gì tới kết quả mà chỉ tập trung vào hệ thống của mình thì bạn sẽ chắc chắn thành công? Ví dụ, nếu bạn là một huấn luyện viên bóng chuyền và bạn không quan tâm gì tới mục tiêu là giành chức vô địch và chỉ tập trung vào việc đội của bạn tập luyện như thế nào mỗi ngày, liệu bạn có thành công?

Tôi nghĩ là có. Mục tiêu trong bất kỳ môn thể thao nào chính là giành điểm cao nhất lúc chung cuộc, nhưng thật ngớ ngẩn nếu như cả buổi thi đấu chỉ nhìn chăm chăm vào bảng điểm số. Cách duy nhất để dành chiến thắng thực sự là tiến bộ hơn mỗi ngày. Người đã từng 3 lần vô địch giải Super Bowl Bill Walsh đã phát biểu, “Điểm số sẽ tự lo liệu cho chính nó.” Điều này cũng đúng trong các lĩnh vực khác của cuộc sống.

Nếu bạn muốn đạt kết quả tốt hơn, hãy quên việc đề ra các mục tiêu đi. Thay vào đó hãy tập trung vào hệ thống. Ý của tôi muốn nói ở đây là gì? Vậy các mục tiêu là vô nghĩa sao? Dĩ nhiên là không rồi. Mục tiêu giúp chúng ta định hướng, nhưng hệ thống giúp chúng ta vạch ra tiến trình thực hiện. Một loạt các vấn đề phát sinh khi bạn suy nghĩ quá nhiều đến mục tiêu, không còn đủ thời gian cho việc thiết kế hệ thống.

Vấn đề #1: Kẻ thắng, người thua đều có chung một mục tiêu. Việc đề ra những mục tiêu là một trường hợp điển hình của việc đánh giá phiến diện một chiều. Chúng ta chỉ mải tập trung vào những người thành công lúc chung cuộc – những kẻ sống sót – và đánh giá phiến diện rằng những mục tiêu đầy tham vọng đã giúp họ thành công, trong khi đó lại bỏ quên mất tất cả những người cũng có cùng những mục tiêu đó nhưng lại không thành công. Tất cả các vận động viên tham dự Thế Vận Hội Olympic đều khao khát huy chương vàng.

Mỗi một ứng viên đều mong muốn được tuyển dụng. Và nếu người thành công hay không thành công đều chia sẻ chung mục tiêu thì đương nhiên sẽ không có gì khác biệt giữa mục tiêu của người chiến thắng và kẻ thua cuộc. Không phải mục tiêu chiến thắng giải đua Tour de France đã thúc đẩy đội tuyển Anh lên đến đỉnh cao sự nghiệp. Như những đội đua chuyên nghiệp khác chắc chắn những năm trước đó họ cũng đều khao khát chiến thắng giải đua. Mục tiêu vẫn luôn là như vậy. Nhưng chỉ khi họ thực hiện một hệ thống các cải thiện nhỏ liên tục thì họ mới đạt được kết quả khác biệt.

Vấn đề #2: Đạt được một mục tiêu chỉ là thay đổi mang tính nhất thời. Hãy tưởng tượng bạn có một căn phòng bừa bộn và bạn đề ra mục tiêu là dọn dẹp nó. Nếu bạn chính thức bắt tay vào dọn dẹp thì lúc này bạn sẽ có một căn phòng gọn gàng sạch sẽ. Nếu bạn tiếp tục lõm bõm kiểu này, những thói quen đáng bỏ đi này trước tiên sẽ đem tới một căn phòng bừa bãi, sau đó sớm thôi bạn sẽ thấy cả một mớ hỗn độn và hi vọng sẽ có một sự cải thiện. Thực chất bạn đang theo đuổi cùng một kết quả mà thôi bởi vì bạn chưa bao giờ thay đổi hệ thống phía sau nó.

Bạn điều trị một triệu chứng bệnh mà không tìm hiểu nguyên nhân căn bệnh. Đạt được một mục tiêu chỉ thay đổi cuộc sống của bạn trong chốc lát. Điều này chỉ là sự cải thiện đột xuất. Chúng ta nghĩ chúng ta cần thay đổi kết quả đạt được, nhưng kết quả không phải vấn đề. Thứ mà chúng ta thật sự cần phải thay đổi là hệ thống thứ mà tạo nên những kết quả đó. Khi bạn giải quyết vấn đề ở tầm kết quả, bạn chỉ giải quyết vấn đề tạm thời mà thôi. Để cải thiện tốt hơn, bạn cần giải quyết vấn đề ở tầm hệ thống. Sửa đổi những yếu tố đầu vào, các yếu tố đầu ra sẽ tự thay đổi theo.

Vấn đề #3: Các mục tiêu giới hạn hạnh phúc của bạn. Ảo tưởng ẩn bên dưới mỗi một mục tiêu chính là: “Một khi tôi đạt được mục tiêu, tôi sẽ hạnh phúc.” Vấn đề của trạng thái tâm lý đặt mục tiêu lên hàng đầu là việc bạn không ngừng vứt bỏ hạnh phúc sang một bên cho tới khi bạn đạt được một điều gì đó. Tôi đã trượt vào cái bẫy này rất nhiều lần không đếm xuể. Trong nhiều năm hạnh phúc đối với tôi là một cái gì đó mình sẽ được hưởng trong tương lai. Tôi tự hứa với bản thân rằng một khi tôi đạt được 20 pounds cơ bắp hoặc sau khi việc kinh doanh của tôi được lên tạp chí New York Times thì lúc đó tôi mới nghỉ ngơi.

Thêm vào đó mục tiêu còn tạo ra một xung đột “có hoặc không” [từ gốc “either-or” conflict]: hoặc bạn đạt được mục tiêu và thành công, hoặc bạn thất bại và là một con người đáng thất vọng. Bạn tự giam cầm bản thân bởi suy nghĩ về một phiên bản chật hẹp của hạnh phúc. Đây là một điều sai lầm. Việc này không giống với việc những việc xảy ra trong cuộc sống thực tế của bạn sẽ ăn khớp hoàn toàn với hành trình mà bạn đã hoạch định trong đầu. Thật là vớ vẩn khi hạn chế sự thỏa mãn của bản thân trong một kịch bản khi có rất nhiều con đường dẫn đến thành công. Trạng thái tâm lý đặt hệ thống lên đầu sẽ đem lại thuốc đặc trị. Khi bạn yêu thích tiến trình hơn là kết quả, bạn không phải chờ đợi để cho phép bản thân mình được hạnh phúc nữa. Bạn có thể thấy hài lòng bất cứ lúc nào khi đang trong tiến trình. Và một hệ thống có thể thành công theo nhiều cách khác nhau, chứ không chỉ theo đúng như giả định ban đầu của bạn.

Vấn đề #4: Mục tiêu sẽ xung đột với tiến trình về lâu về dài. Rốt cuộc một tư duy đặt mục tiêu lên hàng đầu có thể tạo ra hiệu ứng yoyo. Rất nhiều vận động viên chạy tập luyện chăm chỉ trong nhiều tháng nhưng ngay khi họ cán đích, họ cũng dừng luôn việc tập luyện lại. Cuộc đua không còn là động lực thúc đẩy họ nữa. Khi bạn tập trung làm việc chăm chỉ để đạt được mục tiêu nào đó, điều gì sẽ thúc đẩy bạn đi tiếp khi bạn đã đạt được nó rồi? Đây cũng chính là lý do giải thích tại sao nhiều người lại quay trở lại với các thói quen cũ sau khi làm được một mục tiêu nào đó.

Mục đích của việc hoạch định mục tiêu là nhằm chiến thắng cuộc chơi. Mục đích của việc xây dựng hệ thống là để tiếp tục cuộc chơi. Chiến lược lâu dài là tư duy không đặt mục tiêu. Nó không phải là việc đạt được một mục tiêu nhất định nào đó. Nó là vòng tuần hoàn của những thay đổi không ngừng và sự tiến bộ liên tục. Cuối cùng sự cam kết với tiến trình sẽ quyết định sự tiến bộ của bạn.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. TIẾN TRÌNH HAI BƯỚC ĐỂ THAY ĐỔI ĐẶC TÍNH CỦA BẠN
  2. TÍNH TRÁCH NHIỆM CỦA HỢP ĐỒNG THÓI QUEN
  3. CÁCH GIỮ TẬP TRUNG KHI BẠN BẮT ĐẦU CHÁN MỤC TIÊU CỦA MÌNH

Bài viết mới

  1. SỰ KHIÊM TỐN THUYẾT PHỤC
  2. TU TẬP THIỀN BẰNG CÁCH QUÁN TÂM TRONG TĨNH LẶNG
  3. TRAO MỘT LỜI KHEN