ĐI CHẬM, NHƯNG KHÔNG BAO GIỜ ĐI LÙI

JAMES CLEAR

Trích: Atomic Habits - Thay Đổi Tí Hon Hiệu Quả Bất Ngờ; dịch giả: Vũ Phi Yên- Trần Quỳnh Như dịch; NXB Thế Giới, Cty sách Phương Nam

Ảnh: JamesClear

Vào ngày đầu tiên lên lớp, Jerry Uelsmann, một giáo sư đại học Florida đã chia các sinh viên lớp chụp ảnh phim của mình thành hai nhóm.

Tất cả những người bên trái lớp học, ông giảng giải, sẽ thuộc nhóm “số lượng”. Họ sẽ được chấm điểm hoàn toàn dựa trên số lượng sản phẩm họ làm ra. Vào buổi học cuối cùng, ông sẽ đếm tổng số lượng ảnh chụp mà mỗi sinh viên đã nộp. Một trăm bức được điểm A, chín mươi bức được điểm B, tám mươi bức điểm C, và cứ thế.

Trong khi đó, tất cả sinh viên ở bên phải sẽ là nhóm “chất lượng”. Họ sẽ được chấm điểm hoàn toàn dựa vào độ xuất sắc của sản phẩm. Họ chỉ cần nộp duy nhất một bức ảnh trong suốt học phần, nhưng để đạt được điểm A thì bức ảnh phải gần như là hoàn hảo.

Vào cuối kỳ, ông ngạc nhiên khi phát hiện ra tất cả những bức ảnh xuất sắc nhất đều là sản phẩm từ nhóm số lượng. Trong suốt học phần, các sinh viên này chụp ảnh không ngơi tay, thử nghiệm các cách bố cục và ánh sáng, thử nhiều phương pháp khác nhau trong phòng tối, và học hỏi từ sai lầm của mình. Trong quá trình tạo ra hàng trăm bức ảnh, họ mài giũa kỹ năng của mình. Trong khi đó, nhóm chất lượng chỉ ngồi tính toán độ hoàn hảo. Vào khúc cuối, họ không có gì để chứng minh nỗ lực của mình ngoại trừ các lý thuyết chưa được kiểm chứng và một bức ảnh xoàng xĩnh. (1)

Chúng ta rất dễ sa lầy vào việc lên một kế hoạch thay đổi tốt nhất: cách giảm cân nhanh nhất, lộ trình rèn luyện cơ bắp tốt nhất, ý tưởng hoàn hảo nhất cho nghề tay trái. Chúng ta quá chú trọng việc tìm ra cách thức tốt nhất đến mức không bao giờ tới gần đến bước hành động. Như Voltaire từng viết, “Cái tốt nhất chính là kẻ thù của cái tốt”.

Tôi xem đây là khoảng cách giữa trạng thái vận động và hành động. Hai ý niệm nghe na ná nhau, nhưng chúng không phải là một. Khi bạn trong trạng thái vận động nguồn lực, bạn đang lên kế hoạch và chiến lược, cũng như học hỏi. Những điều này đều tốt, nhưng chúng không làm ra sản phẩm.

Ngược lại, hành động là kiểu hành vi sẽ tạo ra sản phẩm đầu ra. Nếu tôi phác thảo hai mươi ý tưởng cho bài viết mình muốn viết, thì đó là vận động. Nếu tôi thực sự ngồi xuống và viết một bài, đó mới là hành động.Nếu tôi tìm kiếm một chế độ ăn kiêng tốt hơn, đọc vài quyển sách về chủ đề này thì đó là  vận động. Nếu tôi thực sự ăn một bữa ăn lành mạnh, đó mới là hành động. Đôi khi vận động là điều có ích, nhưng tự thân nó không bao giờ đưa ra một kết quả. Bạn đến nói chuyện với huấn luyện viên cá nhân bao nhiêu lần cũng chẳng có ý nghĩa gì, sự vận động đó không hề giúp cho bạn có được vóc dáng khỏe mạnh. Chỉ có hành động rèn luyện thân thể mới tạo ra kết quả mà bạn đang mong đạt được.

Nếu vận động không đưa đến kết quả, vậy vì sao ta cứ làm hoài? Thỉnh thoảng ta làm vì ta thực sự cần lên kế hoạch và học hỏi nhiều hơn. Nhưng thường là, chúng ta làm vì trạng thái vận động cho ta cảm giác như mình đang tiến triển mà không sợ đối mặt với nguy cơ thất bại. Phần đông chúng ta là chuyên gia né tránh chỉ trích. Thất bại và bị chỉ trích công khai thì chẳng hay ho tẹo nào, cho nên ta có xu hướng tránh các tình huống dễ nảy sinh điều này. Và đó chính là lý do lớn nhất vì sao bạn ưa vận động hơn là thực sự hành động: Bạn muốn trì hoãn thất bại.

Ở trong trạng thái vận động và thuyết phục bản thân rằng mình đang tiến bộ thì dễ dàng vô cùng. Bạn nghĩ, “Mình đang có bốn cuộc tương tác với khách hàng tiềm năng. Điều này thật tốt. Chúng ta đang đi đúng hướng.” Hay là, “Mình đã động não được vài ý tưởng cho quyển sách muốn viết. Mọi thứ đang hội tụ lại đây”

Trạng thái vận động làm bạn cảm thấy bạn đang sắp hoàn thành mọi thứ. Nhưng thực tế là bạn chỉ đang chuẩn bị cho mọi thứ được hoàn tất. Khi công tác chuẩn bị biến tướng thành một hình thức trì hoãn, bạn cần thay đổi. Bạn sẽ không muốn mình mãi mãi lên kế hoạch. Bạn muốn mình thực thi.

Nếu bạn muốn thành thạo một thói quen, chìa khóa nằm ở việc tái diễn, chứ không phải sự hoàn hảo. Bạn không cần phải phác ra kỹ càng từng chi tiết một của thói quen. Bạn chỉ cần thực hành nó. Đây chính là điểm cần nhớ đầu tiên của Nguyên tắc số 3: Bạn chỉ cần tạo ra sự lặp đi lặp lại.

(1)Câu chuyện tương tự được kể trong quyển sách Art and Fear của David Bayles và Ted Orland. Câu chuyện này được phóng tác với sự cho phép của tác giả.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. TIẾN TRÌNH HAI BƯỚC ĐỂ THAY ĐỔI ĐẶC TÍNH CỦA BẠN
  2. TÍNH TRÁCH NHIỆM CỦA HỢP ĐỒNG THÓI QUEN
  3. CÁCH GIỮ TẬP TRUNG KHI BẠN BẮT ĐẦU CHÁN MỤC TIÊU CỦA MÌNH

Bài viết mới

  1. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ
  2. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  3. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH