JUDY LIEF
GIỚI THIỆU VỀ JUDY LIEF
Judy Lief là một người hướng dẫn thực hành thiền và là người biên tập nhiều sách của cố đạo sư vĩ đại Chögyam Trungpa Rinpoche. Bà là tác giả của cuốn “Làm bạn với thần chết”. Những lời giảng của bà và podcast mới, “Những thoáng nhìn về Pháp”, có sẵn tại website: www.judylief.com.
—
Bạn muốn bắt đầu thực hành thiền nhưng không biết bắt đầu từ đâu? Bạn có tâm thức, thân thể, các suy nghĩ cùng với một bản tính hướng tới sự tỉnh biết.
Nếu bạn được truyền cảm hứng để thiết lập một thực hành thiền định cá nhân hoặc khám phá các giáo lý Phật giáo, cách tốt nhất để thực hiện nó là gì? Đối với nhiều người trong chúng ta, đó là một con đường rất khác so với trước đây.
Theo truyền thống, những học trò có nguyện vọng thường phải trải qua một hành trình khó khăn để tìm được một vị thầy chân chính và đón nhận những lời dạy từ vị thầy ấy. Sau khi được thầy chấp nhận, họ có thể dựa vào Tăng đoàn, là cộng đồng những người đồng tu, để hỗ trợ việc thực hành và nghiên cứu của họ.
Ngày nay, một số học trò vẫn chọn con đường truyền thống là tìm thầy và gia nhập tăng đoàn. Nhưng nhiều người quan tâm đến thực hành và triết lý Phật giáo không có khuynh hướng cam kết với một vị thầy hoặc tổ chức cụ thể nào. Hoặc họ chưa được tiếp cận trực tiếp với một vị thầy hoặc một tổ chức nào đó. Hoặc họ chưa sẵn sàng thực hiện bước đó tại thời điểm này trên con đường tâm linh của mình.
Mặc dù nó đầy thách thức, nhưng tin tốt lành là nếu bạn đi một mình, bạn cũng có đầy đủ các nguồn lực cần thiết. Theo giáo pháp, chúng ta tự nhiên hướng tới sự tỉnh biết, giống như cây cỏ đều hướng về phía mặt trời. Đó là con người của chúng ta.
Ở phương Tây ngày nay, có một lượng sách về Phật Pháp, chương trình về Phật Pháp, tạp chí về Phật Pháp và giảng viên về Phật Pháp phong phú hơn bao giờ hết. Có các video YouTube của các giáo viên nổi tiếng nằm trong tầm tay bạn. Bạn có thể tìm thấy một số lượng lớn các bài báo về Phật giáo trên mạng, và nếu bạn hỏi Google, ngay cả những câu hỏi về Phật Pháp khó hiểu nhất, bạn cũng sẽ tìm thấy rất nhiều câu trả lời. Không thiếu thông tin – nhưng cũng không thiếu thông tin sai lệch.
Nhưng ngay cả khi có tất cả những nguồn lực này, thì việc trở thành một học trò là một dự án mà bạn phải tự làm. May mắn thay, mặc dù bạn đang ở một mình, bạn có thể học hỏi kinh nghiệm từ những người khác. Dưới đây là một vài hướng dẫn đơn giản có thể giúp bạn thiết lập một thực hành thiền định và tiến lên trên con đường Phật Pháp.
CÁI THẤY
LUÔN GHI NHỚ ĐỘNG LỰC BAN ĐẦU CỦA BẠN
Điều gì đó đã thôi thúc bạn quan tâm đến việc thực sự thử sức với các phương pháp thiền định mà bạn đã nghe nói về. Nhiều yếu tố đã kết hợp với nhau để đưa bạn đến thời điểm này, thúc đẩy bạn từ phía sau và kéo bạn về phía trước.
Khi bạn đối mặt với thử thách, thật tốt nếu bạn quay lại nhiều lần với nguồn cảm hứng đầu tiên đó, khi một điều gì đó cơ bản mở ra trong bạn. Bạn có thể cảm thấy mình chỉ mới khởi động nhưng cuộc hành trình của bạn đã bắt đầu từ lâu.
ĐỪNG QUÁ GIỚI HẠN MỘT CÁI THẤY CỦA VIỆC THỰC HÀNH
Đây là một phương trình đơn giản: thực hành tương đương với thiền định cộng với hậu thiền định. Thực tế là chúng ta dành nhiều thời gian hơn trong cuộc sống hàng ngày so với thời khoá thiền định chính quy. Người ta có thể coi rằng thực hành thiền định là điều thực sự và phần còn lại chỉ là cuộc sống như bình thường. Nhưng thay vì nghĩ rằng thực hành như một việc bạn làm, lúc có lúc không, bạn có thể chuyển sang quan điểm rằng bởi vì bạn là một hành giả, mọi thứ bạn làm đều trở thành sự thực hành của bạn.
HÃY LÀ MỘT HỌC TRÒ LIÊN TỤC
Có một câu nói rằng, “Nếu học trò sẵn sàng, vị thầy sẽ đến.” Tôi đã nghĩ về điều này rất nhiều. Một số người cảm thấy tồi tệ khi họ nghe điều này. Họ nghĩ rằng có điều gì đó không ổn xảy ra với họ, rằng họ rõ ràng là chưa sẵn sàng, vì không có vị thầy nào xuất hiện một cách kỳ diệu trước ngưỡng cửa nhà họ. Nhưng tôi thấy câu nói này có nghĩa là khi bạn duy trì thái độ của một người học trò thì bạn bắt đầu nhìn thấy thầy mình ở khắp mọi nơi. Toàn bộ thế giới hiện tượng bắt đầu chứa đầy những lời dạy mà trước đây bạn chỉ đơn giản là không thể nhận ra.
THỰC HÀNH
LỊCH TRÌNH THIỀN ĐỊNH HÀNG TUẦN
Khi các học trò hỏi đạo sư của tôi, Chögyam Trungpa Rinpoche về những khó khăn của họ trong việc duy trì thực hành thiền định, Trungpa Rinpoche thường đúc kết lời khuyên của ngài về vấn đề này là hãy lên lịch để thực hành.
Vấn đề là, nếu bạn không dành chỗ cho thiền định trong thời khoá biểu của mình, thì điều đó sẽ không xảy ra. Thay vì chờ đợi khi bạn có tâm trạng, tốt hơn là nên quyết định trước thời gian thiền định bạn có thể cam kết trong một ngày và mức độ bạn có thể cam kết trong một tuần. Bạn có thể quyết định thời gian nào trong ngày phù hợp nhất với mình và có thể có những ngày bạn bỏ qua nhưng cũng có những ngày mà bạn có thể làm nhiều hơn một chút. Mỗi tuần, hãy nhìn một cách thực tiễn vào những gì có trong thời khoá biểu bận rộn của mình và ấn định thời gian thiền định một cách phù hợp.
ĐẶT THỜI GIAN CHO MỖI BUỔI THIỀN ĐỊNH
Khi bạn ngồi xuống để thiền định, hãy quyết định trước bạn sẽ thực hành trong bao lâu. Sau đó, hãy thực hành và đừng lo lắng về việc nó diễn ra tốt hay xấu.
Cá nhân tôi thích hẹn giờ trên điện thoại của mình. Bằng cách đó, tôi không phải theo dõi thời gian mà có thể tập trung vào kỹ thuật. Có những ứng dụng tuyệt vời, chẳng hạn như Insight Timer, mà bạn có thể lập trình theo bất kỳ thời lượng thực hành nào bạn muốn. Một tiếng cồng vang lên để bắt đầu và kết thúc một phiên thực hành, và như một phần thưởng, bạn có thể thấy nhiều người khác cũng đang thiền cùng lúc với mình.
CHỌN NƠI CỐ ĐỊNH ĐỂ THỰC HÀNH
Nếu điều này là có thể, tốt hơn hết là bạn nên dành một góc phòng hoặc thậm chí chỉ là một nơi cố định dành cho việc thiền định. Bạn có thể giữ đệm hoặc ghế mà bạn sử dụng riêng cho mục đích thực hành thiền định ở đó. Một khu vực cố định giống như một lời nhắc nhở cụ thể về mong muốn thực hành của bạn. Ngay cả khi bạn không thực hành, điều đó giống như bạn đang mời gọi những rung cảm của sự thực hành vào không gian sống của bạn. Một số người thích lập bàn thờ, treo tranh ảnh, hoặc bao gồm các bức tượng hoặc các đồ vật khác trong khu vực đó. Việc đó nhắc nhở họ phải giữ thái độ tôn trọng và thiêng liêng trong cuộc sống.
ĐỌC MỘT CÁI GÌ ĐÓ
Bạn chắc chắn không cần phải trở thành một học giả chuyên sâu về Phật giáo để tham gia vào việc thực hành thiền định, nhưng điều quan trọng là phải dành một chút thời gian để nghiên cứu. Để hỗ trợ cho việc tập ngồi, thi thoảng nên học thêm một ít, vì vậy chỉ cần suy ngẫm về một đoạn văn ngắn mỗi ngày có thể là quá đủ cho tâm thức.
Cá nhân tôi thích đọc từ từ và nghiền ngẫm sâu, cho bản thân thời gian để xem xét lý do tại sao điều đó đang được giảng giải và suy ngẫm về nhiều tầng ý nghĩa và hàm ý của nó. Tôi thích cố gắng diễn đạt lại những gì tôi đã đọc bằng từ ngữ của riêng mình.
Nhìn chung, cân bằng giữa việc luyện tập và học hành (nghiên cứu) là rất tốt. Nếu bạn quá gắn bó với ngôn ngữ và ít thực hành, có lẽ bạn cần phải nghiêng về khía cạnh thực hành. Nếu bạn yêu thích thực hành, nhưng ít nghiên cứu, có lẽ bạn cần phải tập trung nhiều hơn vào việc trau dồi kiến thức trí tuệ của mình. Để biết một số đề xuất về sách, hãy xem “Phật giáo A-Z: Mười cuốn sách về đạo Phật mà mọi người nên có”.
CUỘC SỐNG HÀNG NGÀY
Một trong những hỗ trợ tốt nhất cho việc thực hành là cuộc sống hàng ngày. Đây là nơi mà bạn có cơ hội để trau dồi các hành vi và thái độ chuẩn bị cho việc trở thành một học trò tốt hơn. Bằng cách chú ý đến hành vi và lối sống của mình, bạn có thể kiểm tra những chứng ngộ và rõ biết có được nhờ thực hành của mình.
Nó là một con đường hai chiều. Việc rèn luyện thiền định của bạn được nuôi dưỡng và củng cố bằng sự gắn bó đầy tình yêu thương và tinh tế với thế giới. Đổi lại, sự tương tác của bạn với thế giới sẽ trở nên hiệu quả hơn khi nó được kết hợp với sự rõ biết và chánh niệm sâu sắc hơn đã được phát triển qua thực hành thiền định chính quy của bạn.
THÁCH THỨC
Thiền định là một thử thách. Để gắn bó với nó không phải là điều dễ dàng, và đối với hành giả tự thực hành, đi một mình, nó còn khó khăn hơn. Nhưng nếu bạn rõ biết một số thách thức có thể phát sinh, bạn sẽ dễ dàng đối phó với chúng và tiếp tục tiến về phía trước.
Mỗi người trong chúng ta đang trộn lẫn quá khứ, phong cách, thói quen và sự hiểu biết riêng biệt của mình với việc thực hành, vì vậy những trở ngại và đột phá sẽ phát sinh khác nhau đối với mỗi người. Tuy nhiên, có thể hữu ích nếu bạn vượt qua một số thách thức phổ biến mà bạn có thể gặp phải. Hy vọng rằng điều này sẽ giúp bạn bớt ngạc nhiên hoặc nản lòng khi chúng phát sinh. Chúng đáng được mong đợi và không phải là dấu hiệu của sự thất bại. Trên thực tế, chúng là một dấu hiệu cho thấy việc thực hành của bạn đang bắt đầu có tác dụng. Theo truyền thống, người ta nói rằng nhiều tiến bộ hơn có nghĩa là nhiều thách thức hơn.
HỌC CÁCH THIỀN ĐỊNH
Là một người mới bắt đầu tự thực hành, thử thách đầu tiên là tìm ra hướng dẫn rõ ràng về cách thiền định. Có nhiều trường phái thiền định khác nhau, và bạn cần chọn một kỹ thuật phù hợp với mình. Khi bạn đã quyết định, điều quan trọng là phải khám phá kỹ thuật đó và làm quen với nó thông qua kinh nghiệm trực tiếp – thông qua thực hành.
Làm một việc liên tục và thành thạo sẽ mang lại nhiều kết quả hơn là làm từ việc này đến việc khác hay còn gọi là con đường kết hợp và pha trộn. Thực hành thiền được gọi là “thực hành” vì một lý do: giống như một ca sĩ luyện tập thang âm hoặc một yogi luyện tập tư thế chó úp mặt, điểm mấu chốt là sự lặp đi lặp lại, làm đi làm lại cùng một điều.
Để có một phương pháp thực hành như vậy, hãy thử hướng dẫn đơn giản của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, bài “Cách ngồi thiền định”.
THỬ THÁCH THỂ CHẤT
Thử thách thứ hai là làm quen với việc thực hành thiền ở mức độ thể chất. Hầu hết chúng ta không quen với việc ngồi yên trong bất kỳ khoảng thời gian nào; chúng ta cũng không quen ngồi xếp bằng trên đệm thiền.
Thông thường bạn sẽ cảm thấy đau đớn về thể chất khi thân thể thích nghi với việc tập ngồi. Khi điều đó xảy ra, thay vì trở nên thất vọng hoặc lo lắng, sẽ rất hữu ích nếu bạn khám phá những cảm giác đó khi chúng xuất hiện. Một số cơn đau dường như đến và đi. Chúng tinh quái: chúng ở đó và sau đấy, biến mất. Nếu chúng vẫn còn đeo bám, bạn có thể giảm bớt cơn đau thể chất khá nhiều bằng cách điều chỉnh tư thế sao cho thoải mái và cân bằng hơn.
Về cơ bản, khi cơn đau kéo dài hoặc tăng lên, bạn có thể lựa chọn cố gắng hoặc cho bản thân nghỉ ngơi. Bạn có thể di chuyển lên một chiếc ghế, hoặc kéo giãn cơ và tập lại. Một hướng dẫn cho việc phản ứng với cơn đau, hãy cố gắng tìm ra điểm trung gian giữa tư thế quá cứng và quá lỏng.
Bạn cũng có thể gặp vấn đề về sức khỏe hoặc thân thể mà bạn cần phải lưu ý. Là một người tự thực hành, bạn cần phải tìm một tư thế và thiết lập cách ngồi phù hợp với mình.
TIẾP TỤC ĐÚNG HƯỚNG
Thách thức thứ ba là tìm hiểu xem bạn có đang đi đúng hướng hay không. Nếu không có tài liệu hướng dẫn thiền định, làm sao bạn biết mình đang làm đúng?
Điều này có thể khá phức tạp và tinh vi. Nó thực sự khiến bạn, với tư cách là một người tự học, lâm vào chỗ khó, vì đôi khi người ta nói rằng một người tự học có thầy là một kẻ ngốc. Nhưng một số hướng dẫn có thể hữu ích ở đây.
Một là để rõ biết những quan điểm và kỳ vọng cố định mà bạn đưa vào trong việc thực hành. Khi chúng phát sinh, chỉ cần ghi nhận chúng và quay lại kỹ thuật.
Hãy cảnh giác với những nỗ lực làm cho trải nghiệm của bạn phù hợp với những gì bạn nghĩ sẽ xảy ra. Thay vào đó, hãy cố gắng hiện diện với kinh nghiệm hiện tại của bạn như nó vốn có.
Theo truyền thống, thước đo thực sự duy nhất để đánh giá việc thực hành thiền định của bạn có đi đúng hướng hay không là mức độ mà những chấp trước, những định kiến mang tính khái niệm, những thói quen và tính vị kỷ của bạn đang tăng lên hay giảm đi.
NGHI NGỜ
Một trở ngại khác cần đề phòng là nghi ngờ: nghi ngờ về những gì bạn đang làm và nghi ngờ về bản thân.
Nếu không có sự khuyến khích của giáo viên hoặc cộng đồng, bạn sẽ dễ dàng bắt đầu nghi ngờ những gì mình đang làm. Những người xung quanh bạn có thể không quan tâm hoặc thậm chí bị đe dọa bởi những gì bạn đang làm. Hơn nữa, chúng ta đang chìm sâu trong một thế giới mà các giả định duy vật thống trị, và không hề dễ dàng để đi ngược lại động lực của mô hình đó.
Nhiều người trong chúng ta cũng có những nghi ngờ sâu xa về việc liệu chúng ta có đủ sức mạnh để thành công với tư cách là một hành giả hay không. Chúng ta nghi ngờ bản tính của chính mình – lòng tốt và khả năng phát triển của chính mình. Mặt khác, một số lượng nhất định của sự chán nản là tốt, khi những tưởng tượng và kỳ vọng không thực tế của chúng ta bắt đầu bộc lộ. Nó thực sự là một cơ hội để trút bỏ nhiều phiền muộn, phức tạp của tâm thức và quay trở lại với một mối quan hệ đơn giản hơn, không trang trí thêm dành cho việc thực hành, thế giới của bạn và chính bạn.
NHỮNG GÌ NẰM BÊN DƯỚI
Thực hành thiền định là một cách xoa dịu và ổn định tâm thức, nhưng nó cũng mang lại cái nhìn thấu suốt, và không phải lúc nào cũng dễ dàng đối diện với những hiểu biết nảy sinh.
Thiền định giống như một tấm gương phản chiếu bản thân bạn một cách điềm tĩnh và chính xác. Thế giới nội tâm mà nó phản ánh hóa ra khá bận rộn, với vô số suy nghĩ, ký ức, cảm xúc, tâm trạng, tưởng tượng và viễn cảnh. Mọi người bạn biết đều sống ở đó, và mọi thứ bạn đã làm đều hiện hữu ở đó, bao gồm cả tình yêu của bạn, những bối rối, hối tiếc, mất mát, vỡ mộng và phản bội.
Tin tốt là quá trình khám phá này có xu hướng diễn ra từ từ, đi từ các mối quan tâm bề mặt hơn, xuống những khuôn mẫu sâu sắc hơn. Thách thức là quá trình này có thể mang lại những cảm xúc mạnh mẽ.
Trong mọi trường hợp, phản ứng tốt nhất luôn là nhẹ nhàng. Khi bạn có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc thực hành, bạn có thể sống chậm lại và thấy cách cảm xúc xuất hiện khá tinh vi, nhưng nhanh chóng trở nên đầy đủ và tràn ngập. Nắm bắt những cảm xúc khi chúng mới xuất hiện sẽ thay đổi cán cân quyền lực, để bạn ít bị chúng kiểm soát hơn.
CHIA SẺ SỰ CÔ ĐƠN
Bạn có thể cảm thấy cô đơn và bị cô lập khi tự học, nhưng trên thực tế, những người thực hành trong Sanghas (Tăng Đoàn) cũng rất cô đơn.
Khi bạn đang thực hành thiền định, bất kể bạn đã nhận được bao nhiêu giáo lý hay bao nhiêu đạo hữu mà bạn có, bạn vẫn một mình. Không ai có thể thực hành thay cho bạn. Bạn phải làm điều đó cho chính bản thân mình.
Điều này đúng đối với một Phật tử lâu năm và cũng như đối với những người mới bắt đầu tự thực hành. Bạn là người duy nhất biết điều gì đang diễn ra theo kinh nghiệm của chính mình, người duy nhất biết quá trình của bạn từ trong ra ngoài. Người khác có thể có ý kiến và quan điểm của họ, nhưng chỉ có bạn mới biết khi nào bạn chân thành và khi nào bạn giả tạo, khi nào bạn chỉ đang chuyển động và khi nào bạn thực sự thực hành.
Thử thách là học cách tin tưởng nỗi cô đơn này, nghỉ ngơi trong nó và thừa nhận nó ở những người khác. Đây là nền tảng cho sự kết nối cởi mở và chân thành hơn với những người xung quanh bạn và nâng cao lòng trân trọng với thế giới tự nhiên.
BẠN CÓ TẤT CẢ NHỮNG GÌ BẠN CẦN
Thực hành Pháp không dành cho một số người có đặc quyền được chọn lọc. Nó dành cho bất kỳ ai được truyền cảm hứng để tham gia vào một cuộc hành trình khám phá bản thân.
Bạn không cần các chứng chỉ đặc biệt để trở thành một hành giả giỏi. Như giáo viên của tôi đã từng nói, tất cả những gì bạn cần là ba thứ: thân thể không được thư giãn, tâm thức lang thang và những cảm xúc mất kiểm soát. Với ba điều đó, bạn có đủ điều kiện.
Là một người tự thực hành Pháp, bạn là huấn luyện viên và người khuyến khích của chính bạn, đồng thời cũng là người phê bình của chính bạn. May mắn thay, bạn cũng có thể dựa vào những người xung quanh và các tình huống của cuộc sống hàng ngày để kiểm tra thực tế xem bạn đang thực hành như thế nào. Bạn có thể mang mọi khía cạnh của cuộc sống hàng ngày của bạn vào con đường của giáo pháp. Nó giống như trong môn bóng rổ, có câu nói rằng, “Không có gì ngoài lưới.” Trong trường hợp này, nó là “Không có gì ngoài Phật Pháp.”
—
Ảnh: nguồn Internet.