THƯ GỬI TRƯỜNG HỌC NGÀY 15-10-1982

JIDDU KRISHNAMURTI

Trích: GIÁO DỤC VÀ Ý NGHĨA CUỘC SỐNG ; Bản dịch: Đào Hữu Nghĩa; Công ty sách Thời Đại & NXB Thời Đại.

Như ta đã nói, giáo dục chẳng những phải hữu hiệu trong các ngành học nhà trường mà còn phải khám phá sự qui định trong cách cư xử của con người nữa. Cung cách cư xử này là kết quả của nhiều, nhiều thế kỷ sợ hãi, âu lo, xung đột và cầu an cả nội tâm lẫn ngoại giới, cả sinh học và tâm lý. Não bộ đã bị qui định bởi các tiến trình ấy. Não bộ là kết quả của sự tiến hóa tức là theo thời gian. Ta là kết quả của quá khứ được tích tập cả về mặt tôn giáo và trong cuộc sống đời thường của ta. Hoạt động của não bộ căn cứ trên thưởng và phạt như một động vật, một con chó được huấn luyện. Não bộ ta là một công cụ kỳ diệu phi thường với năng lượng và năng lực vĩ đại. Hãy nhìn những gì não bộ đã làm trong thế giới bên ngoài, trong thế giới quanh ta, não đã phân chia thành nhiều chủng tộc khác biệt, tôn giáo và quốc tịch. Não đã làm thế để có sự an toàn. Nó đã tìm kiếm sự an toàn này trong cô lập về mặt tôn giáo, chính trị, kinh tế, trong đơn vị độc tôn của gia đình, trong các cộng đồng và hội đoàn nho nhỏ. Não đã tìm cách phản ứng để bảo vệ các tổ chức và cơ sở.

Chủ nghĩa quốc gia dân tộc đã là một trong các nguyên nhân chính yếu của chiến tranh. Các chính trị gia của ta quan tâm duy trì chủ nghĩa dân tộc kèm theo là nền kinh tế, do đó, đang tự cô lập. Ở đâu có cô lập, ở đó tất phải có sự chống đối, xâm lấn, và quan hệ tốt với các cộng đồng dân tộc khác dường như biểu lộ bằng thương mại, trao đổi vũ khí, cân bằng quyền lực và duy trì quyền lực trong tay thiểu số. Đấy là chính quyền của ta, dù độc tài hay dân chủ, ta đã tìm cách tạo ra trật tự trong xã hội bằng hành động chính trị, và do đó, ta tùy thuộc vào các nhà chính trị. Tại sao các chính trị gia đã trở nên quan trọng một cách phi thường thế, giống như các đạo sư, giống như các lãnh tụ tôn giáo? Phải chăng bởi vì ta luôn luôn tùy thuộc vào các tác nhân bên ngoài để lập lại trật tự trong ngôi nhà của ta, luôn luôn tùy thuộc vào sức mạnh bên ngoài để kiềm chế và định hình cuộc sống ta. Quyền lực bên ngoài của chính quyền, của cha mẹ, của một lãnh tụ chuyên biệt dường như cho ta hy vọng về tương lai. Đây đúng là truyền thống tùy thuộc và chấp nhận. Đây là truyền thống tích lũy lâu đời đã qui định não bộ ta. Giáo dục nhân loại đã chấp nhận đường lối này, do đó, não bộ đã trở thành máy móc chỉ biết có lặp lại.

Không phải chức năng của nhà giáo dục là thấu hiểu năng lượng được tích lũy của quá khứ, tuy không phủ nhận sự cần thiết của nó trong một vài lãnh vực của cuộc sống sao? Như là nhà giáo dục, ta quan tâm tạo điều kiện cho sự nở hoa của một con người tốt, đúng không? Không thể thực hiện được điều này khi quá khứ, dù đã được cải tạo, điều chỉnh ra sao đi nữa, vẫn còn tiếp tục. Vậy đâu là các nhân tố hình thành sự qui định của ta? Cái đang bị qui định ấy là gì và ai đứng ra dấy tạo sự qui định ấy? Khi ta đặt câu hỏi này, ta có tri giác thực sự chính sự qui định của ta? Hay đó chỉ là một câu hỏi thuần lý thuyết. Ta không quan tâm bất kỳ câu hỏi nào có tính giả thuyết, ta đang xử lý những thực tại của sự sống thực, tức cái đang là. Ta đang hỏi nguyên nhân của tình thế này của con người là gì? Có thể có một hoặc nhiều nguyên nhân. Nhiều dòng suối nhỏ tạo ra lượng nước khổng lồ của dòng sông vĩ đại. Chiều sâu, khối lượng và vẻ đẹp, tất cả đều quan trọng. Đừng lần dò theo từng con suối nhỏ tìm dấu vết của suối nguồn. Ta quan tâm công cuộc tra xét khám phá cái toàn thể nguyên vẹn của cuộc sống ta, chứ không phải chỉ một thành phần. Khi ta thấu hiểu cái sự mênh mông phức tạp của cuộc sống, lúc đó ta mới có thể hỏi nguyên nhân của sự qui định của ta là gì.

Ta cảm nhận điều trước hết phải hiểu – không phải hiểu dựa vào ngôn từ, dựa vào tri kiến thức – mà là tri giác rằng cuộc sống là người đàn bà, đàn ông, đứa bé, động vật, con sông, bầu trời và rừng cây, tất cả là cuộc sống. Cảm nhận thực sự điều này, chứ không phải chỉ là một ý niệm, mà là thấy sự mênh mông vô tận của cuộc sống là một, thì khi ta hỏi nguyên nhân của sự qui định là gì, ta chỉ phân chia manh mún cuộc sống mà thôi.

Vì thế, trước hết phải hiểu ra rằng sự chuyển động này của trời, đất, người vốn bất khả phân. Khi trời, đất, người là một tiến trình độc nhất mênh mông vô tận, lúc đó, công cuộc tra xét khám phá nguyên nhân của sự qui định sẽ không còn mang tính phân chia manh mún. Bấy giờ, ta mới có thể hỏi nguyên nhân là gì: lúc đó, câu hỏi mới có chiều sâu và vẻ đẹp. Để tìm thấy nguyên nhân ta phải cùng nhau thâm nhập và khám phá bản chất và cấu trúc của một con người. Ngoài phần sinh học, tức cơ thể, cái còn lại nơi con người là trí thông minh hay trí tuệ tự nhiên, các phản ứng tự vệ, toàn bộ cái phần tâm lý gồm những ứng đáp, những tổn thương, những sợ hãi, mâu thuẫn, thôi thúc của dục vọng, những khoái lạc qua mau và gánh nặng của phiền não, đau khổ. Cái phần thức tâm hay thức, consciousness, này, khi nó ở trong tình thế hỗn loạn, vô trật tự, bừa bãi, lộn xộn sẽ ảnh hưởng một cách tự nhiên sự sống sinh học của thân. Vậy là căn bệnh có liên quan tới thân và tâm. Ta quan tâm thăm dò tìm hiểu bản chất nội tâm của ta vốn cực kỳ phức tạp, đúng không? Công cuộc thăm dò tra xét này mới là thực sự tự giáo dục, không phải để thay đổi cái đang là, mà để thấu hiểu cái đang là. Một lần nữa, đây là điều quan trọng phải nắm bắt, quan trọng phải sống với cái đang là quan trọng hơn gấp bội cái sẽ phải là. Thấu hiểu cái ta thực sự là vốn trọng yếu hơn vượt quá cái ta là. Ta là nội dung của thức của ta, thức của ta vốn phức tạp nhưng thực chất của nó là động. Phải hiểu cho rõ rằng không phải ta xử lý các học thuyết, giả thuyết, lý tưởng mà xử lý chính cuộc sống thực tiễn thường ngày của ta.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. GIÁO DỤC ĐÚNG ĐẮN – KRISHNAMURTI BÀN VỀ GIÁO DỤC
  2. TÂM THỨC HOÀN TOÀN TỰ DO, KHÔNG PHÂN MẢNH LÀ MỘT TRẠNG THÁI CÓ TRẬT TỰ
  3. CỐNG HIẾN ĐỜI MÌNH CHO CÔNG CUỘC GIÁO DỤC CHÂN CHÍNH

Bài viết mới

  1. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ
  2. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  3. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH