TRÚC THIÊN
Trích: Hiện Tượng Krishnamurti; NXB TP HCM
Do đó hàng đạt đạo không cần tự do, vì các ngài không thể, mà cũng không hề muốn làm gì thì làm, nhưng “trong những điều kiện nhất định, các ngài chỉ cần có thể làm một việc nhất định”. Việc làm nhất định đó là việc làm tức thì để ứng đối với hiện tiền. Cái hiện tiền không có mâu thuẫn, nên hành động khỏi cần đến tự do để cân nhắc thiệt hơn.
“Chỉ những khối óc thiếu minh mẫn mới phải chọn lựa trong cuộc sống. Người thật sự minh mẫn không thể lựa chọn gì hết, vì khối óc nhất định phải thấy sự thật, và do đó nhất định nhận ngay con đường phải đi. Khối óc minh mẫn tác động và phản động một cách tự nhiên, và với một năng lực cao độ nhất. Nó tự đồng hóa hồn nhiên với cái phải. Tuyệt nhiên nó không thể chọn lựa. Chỉ có khối óc hèn kém mới có tự do tự quyết”.
Có tự do tự quyết là vì có vấn đề.
Không có vấn đề thì không bị cấu xé giữa những mâu thuẫn của tự do.
Tự do là … ràng buộc.
Tự tại mới là giải thoát.
Giải thoát không phải là cứu cánh, nên hành động không có chủ đích nào cần đạt tới, mà chỉ cốt đáp ứng thôi, đáp ứng tại đây, và hiện giờ đây.
“Hiện giờ có đầy đủ ý nghĩa hơn ngày mai. Trong hiện giờ bao gồm toàn thể thời gian, và hiểu cái hiện giờ thoát li thời gian.”
“Trở thành là nối tiếp thời gian, nối tiếp đau khổ.”
“Trong trở thành không có tự tại. Tự tại luôn luôn trụ ở hiện tại.”
Sống tự tại là sống bằng trực quan, nhận thẳng cuộc đời đang diễn ra trước mắt.
Nhận thẳng thì tri thẳng. Tri thẳng thì hành thẳng. Toàn thể hệ thống tương quan giữa người và người, và vũ trụ, tự nhiên biến thành một dòng cảm ứng huyền diệu và nhịp nhàng. Con người không phải là anh, là tôi, mà cũng là ngọn suối đang chảy kia, là cụm rừng rì rào gió mới, là bụi cỏ còi trên phiến đá, là toàn thể vũ trụ không thỉ không chung, là tất cả. Trạng thái hòa đồng ấy, cái vui bất diệt chan hòa ánh sáng và tình thương ấy, là gì? Ta thử nghe sau đây đôi lời tâm sự của người trong cuộc rì rào qua tác phẩm Commentaries on living, 3rd serises.
Đây là Trang Châu hóa bướm:
Mọi vật dường như qui tụ vào chị ta và nhận chị làm chung một. Chị không phải là một thực thể riêng rẽ mà là một phần của anh, của tôi, của cây me. Chị không đi trước mặt tôi, nhưng chính là tôi đang đi, đầu đội thúng. Đấy chẳng phải là ảo giác, mà là một cuộc thể nhập tự nhiên và lập tức.
Đây là cái động của Tôn Ngộ Không nhảy qua bàn tay bất động của Phật Như Lai:
Trong hư không không có gì hết chuyển lên một sức động, nhưng sức động ấy lại là bất động.
Đấy lại là một sức chuyển động bao la, sâu thẳm, không chiều hướng, không lí do, khởi đầu từ vành ngoài, và đi với một tốc độ kinh khủng vào trung tâm – một trung tâm không là đâu hết giữa khối bất động, giữa khối chuyển động.
Đây là thế giới duyên cảm:
Lúc ấy, vòm cây trở thành cao vút. Tất cả đều thuộc về nó: mãnh đất, con sông, người ta và ngôi sao. Chốc nữa đây, cây sẽ thâu mình vào giấc ngủ cho đến sáng mai thức dậy với tia nắng sớm.
Đây là khúc “tiêu dao du”:
Tại đây, giữa đồng quê và trên chiếc xe lửa lắc lư, sự sống dàn ra như một ân huệ không cầu xin mà cũng không ai ban cho cả. Cuộc sống hiển hiện đó cho mọi người, cũng như một đóa hoa vàng mảnh khảnh kia nở sát đường rầy. Trong xe lửa, người ta nói cười hoặc đọc báo sáng, và sự sống vẫn là đó, giữa mọi người, cũng như trong nụ tầm xuân.
Đây là cảnh giới “vô lượng quang”:
Ánh chiều tà ngả trên lùm cây, giải khắp làng … nhưng “đó” là ánh sáng không bao giờ tắt, sáng mãi mãi. Lạ lắm, tuyệt không không một ngấn bóng mờ trong ánh sáng: anh không thể nào để bóng anh ngã trên đó được … Hoặc anh mở mắt, hoặc anh nhắm mắt, ánh sáng vẫn là đó mãi, không thể bắt nó đem vào nhà thờ.
Đây là màn lưới ngọc vua trời Đế Thích:
Anh nhập làm một với cảnh thanh vắng huyền diệu ấy. Không một bóng chim. Bầu không khí ngừng im, và cây không cử động dựa đầu vào nền trời xanh. Cánh đồng xanh mướt và phì nhiêu là trung tâm của vũ trụ; còn anh, ngồi trên phiến đá kia, anh nhập làm một với trung tâm ấy … Anh nhập là một với cánh đồng xanh, với phiến đá cứng ấy, với trời xanh và hàng cây trang nghiêm ấy.
Và đây, Lưu Nguyễn vào Thiên Thai:
“Hãy lượm một mảnh vỏ ốc. Anh có thể ngắm nó, say sưa vẻ đẹp tế nhị của nó, mà không khen nó tốt, hoặc hỏi nó là của con vật nào, được không? Anh có thể ngắm nó mà tuyệt nhiên không một ý nghĩ vẫn đục tâm hồn, được không? Nếu được, anh sẽ khám phá một điều mầu nhiệm: một chuyển động ngoài vòng đo lường của thời gian, một mùa xuân không biết đến mùa hạ.
Đó là hình ảnh của Krishnamurti – con người không hào quang – xô cửa huyền vi mà đi vào pháp giới.