SỰ TRĂN TRỞ CỦA LOÀI NGƯỜI (phần 1/8) – CHÚNG TA TIN VÀO NHỮNG GÌ CHÚNG TA NGHĨ

ADYASHANTI

Trích từ “Falling into Grace” – Tác giả: Adyashanti. Bảo Hạnh dịch Việt @2023.

——

ADYASHANTI (nghĩa là “Bình yên Nguyên thủy”) sinh năm 1962 tại Hoa Kỳ. Khi mới 20 tuổi, ông đã có hứng thú về Thiền tông và theo học Arvis Joen Justi (học trò của Taizan Maezumi Roshi) và Jakusho Kwong Roshi trong suốt 14 năm. Từ năm 25 tuổi, ông kinh nghiệm một chuỗi những chứng ngộ tâm linh. Năm 31 tuổi, một kinh nghiệm tâm linh lớn lao đã xảy ra khiến ông không còn nghi ngờ gì nữa. Năm 1996, ông bắt đầu truyền pháp theo yêu cầu của thầy mình – Arvis Joen Justi. Năm 2004, ông xuất hiện trong chương trình Super Soul Sunday của Oprah Winfrey.

Ông truyền cảm hứng cho tất cả những ai đang tìm kiếm bình yên và tự do để nghiêm túc nắm lấy cơ hội giải thoát ngay trong cuộc đời này. Bằng ngôn ngữ trong sáng, giản dị đến kinh ngạc, Adyashanti điềm đạm giải tỏa thắc mắc về những vấn đề siêu hình nhất: bản chất của giác ngộ, cuộc sống sau khi tỉnh thức, năng lượng, tiền kiếp, cái chết, con đường đến chỗ giác ngộ ngay trong cuộc đời này… Tiếng nói của sự chân thành về sự thật vĩnh cửu, nhẹ nhõm nhưng lại có sức mạnh phá hủy đến tận gốc thế giới của bạn, để mở ra một thế giới mới những chưa từng biết đến, nơi bạn nhận ra mình thực sự là ai.

——

Khi tôi còn là một đứa trẻ, khoảng bảy hay tám tuổi, một trong những điều tôi bắt đầu chú ý và suy ngẫm khi quan sát những người lớn xung quanh mình là thế giới của người lớn dễ bị khổ sở, đau đớn và xung đột. Mặc dù tôi lớn lên trong một gia đình tương đối lành mạnh với cha mẹ và hai chị gái có nhiều tình yêu thương, và thực sự đã có một tuổi thơ khá tuyệt vời và hạnh phúc, nhưng tôi vẫn thấy rất nhiều nỗi đau xung quanh mình. Khi nhìn vào thế giới người lớn, tôi tự hỏi: Tại sao mọi người lại rơi vào xung đột?

Khi còn nhỏ, tôi cũng tình cờ là một người rất biết lắng nghe – người ta thậm chí có thể nói tôi là một đứa nghe trộm. Tôi sẽ lắng nghe mọi cuộc trò chuyện diễn ra trong nhà. Thực tế, gia đình tôi còn nói đùa rằng không có chuyện gì xảy ra trong nhà mà tôi không hay biết. Tôi thích biết mọi thứ đang diễn ra xung quanh mình, vì vậy tôi đã dành phần lớn thời thơ ấu của mình để lắng nghe những cuộc trò chuyện của người lớn, trong nhà tôi và ở nhà của những người họ hàng. Phần lớn thời gian, tôi thấy những gì họ nói khá thú vị, nhưng tôi cũng nhận thấy một sự lên xuống nhất định trong hầu hết các cuộc chuyện trò của họ – cách mà các cuộc trò chuyện dẫn tới một chút xung đột, và sau đó lại chuyển hướng ra xa khỏi nó, rồi lại tiến gần hơn đến xung đột, rồi lại ra xa. Thỉnh thoảng sẽ có một cuộc tranh cãi hoặc cảm xúc bị tổn thương, và mọi người sẽ cảm thấy bị hiểu lầm. Tôi cảm thấy tất cả đều rất kỳ dị  –  và tôi thực sự không hiểu tại sao người lớn lại hành động như vậy; cách họ giao tiếp và liên hệ với nhau thực sự khiến tôi xao động. Tôi không biết chính xác chuyện gì đang xảy ra, nhưng có gì đó không ổn.

TIN VÀO NHỮNG GÌ CHÚNG TA NGHĨ

Khi tôi theo dõi và quan sát, ngày này qua ngày khác, tuần này qua tuần khác, tháng này qua tháng khác, thậm chí năm này qua năm khác, một ngày nọ, tôi chợt nhận ra: “Trời ơi! Người lớn tin vào những gì họ nghĩ! Đó là lý do tại sao họ đau khổ! Đó là lý do tại sao họ gây ra xung đột. Đó là lý do tại sao họ cư xử kỳ quặc, theo những cách mà tôi không hiểu được, bởi vì họ thực sự tin vào những suy nghĩ trong đầu mình.” Bây giờ, đối với một đứa trẻ, đây thực sự là một nhận thức khá lạ lùng. Đó là một ý tưởng rất xa lạ đối với tôi. Tất nhiên là tôi có những ý tưởng trong đầu, nhưng khi còn nhỏ, tôi không đi loanh quanh như người lớn, với những lời bình luận liên tục diễn ra trong đầu. Về cơ bản, tôi quá bận rộn để vui chơi, lắng nghe, hoặc bị mê hoặc hay ngạc nhiên bởi một số khía cạnh của cuộc sống. Điều tôi nhận ra là người lớn dành nhiều thời gian để suy nghĩ, và quan trọng hơn thế –  và kỳ quặc hơn, đối với tôi, dường như  –  họ thực sự tin vào những gì họ đang nghĩ. Họ tin vào những suy nghĩ trong đầu họ.

Đột nhiên, tôi hiểu được điều gì đang xảy ra khi người lớn giao tiếp với nhau; rằng những gì mọi người đang truyền đạt thật ra lại là những suy nghĩ của họ; và mỗi người đều tin rằng những gì họ nghĩ thực sự là đúng. Vấn đề là tất cả những người lớn khác nhau đều có những ý tưởng ​​khác nhau về những gì họ nghĩ là sự thật, và vì vậy khi họ giao tiếp sẽ diễn ra một cuộc thương lượng ngầm, vốn là nỗ lực nhằm nhằm thu phục lẫn nhau và nhằm bảo vệ suy nghĩ và niềm tin của mỗi người.

Khi tôi tiếp tục quan sát cái cách mà người lớn tin vào suy nghĩ của họ, tôi chợt nhận ra rằng “Họ điên rồi! Bây giờ thì tôi đã hiểu họ: Họ điên rồi. Thật điên rồ khi tin vào những suy nghĩ trong đầu mình.” Thật kỳ quặc, việc khám phá ra điều này khi còn là một đứa trẻ quả là một sự nhẹ nhõm. Thật nhẹ nhõm khi ít nhất cũng bắt đầu hiểu được thế giới kỳ quặc của người lớn này, mặc dù điều đó chẳng có ý nghĩa gì nhiều đối với tôi.

Khi chia sẻ trải nghiệm này trong nhiều năm, tôi đã biết được rằng nhiều người khác cũng nhớ được cái thấy tương tự khi họ còn nhỏ, về sự điên rồ của thế giới người lớn. Tuy nhiên, thay vì mang lại cảm giác nhẹ nhõm, cái thấy này lại khiến nhiều đứa trẻ bắt đầu tự vấn bản thân, tự hỏi liệu có điều gì không ổn với chúng không. Đó là một trải nghiệm đáng sợ đối với chúng ta lúc nhỏ khi nghĩ rằng những người lớn mà chúng ta phải phụ thuộc vào để sinh tồn, để được chăm sóc và yêu thương có thể thực sự bị điên.

SỰ TRĂN TRỞ CỦA NỖI ĐAU LOÀI NGƯỜI

Đối với tôi, vì lý do nào đó mà tôi không biết, cái thấy này không khiến tôi sợ hãi thế giới người lớn. Thay vào đó, tôi thực sự cảm thấy nhẹ nhõm khi ít nhất tôi có thể hiểu tại sao họ lại làm những gì họ đang làm. Một cách vô thức, tôi đã thực sự có được cái thấy đầu tiên về một trong những trăn trở lớn nhất của việc làm người: nguyên nhân gây ra đau khổ của con người. Đây là điều mà Đức Phật đã đặt câu hỏi hơn 2.500 năm trước: Nguyên nhân gây ra đau khổ trong loài người là gì?

Khi bất kỳ ai trong chúng ta nhìn ra thế giới, tất nhiên chúng ta có thể thấy vẻ đẹp và sự bí ẩn phi thường. Có rất nhiều thứ để trân trọng và ngưỡng mộ, nhưng chúng ta không thể thực sự nhìn ra thế giới con người mà không thừa nhận rằng cũng có rất nhiều đau khổ và bất mãn. Có rất nhiều bạo lực, thù hận, ngu dốt và tham lam. Tại sao loài người chúng ta dường như dễ bị đau khổ như vậy? Tại sao dường như chúng ta nắm giữ nỗi đau như thể nó là một vật sở hữu rất quan trọng?

Lớn lên xung quanh những con chó và con mèo, một trong những điều tôi nhận thấy là một con chó có thể giận dữ với bạn – nó có thể bực bội và thất vọng; nó có thể thấy cảm xúc của nó bị tổn thương – nhưng trong vòng vài phút, hoặc thậm chí đôi khi là vài giây, con chó sẽ lột bỏ hết. Nó có thể dập tắt nỗi đau khổ và trở lại trạng thái hạnh phúc tự nhiên trong một khoảng thời gian rất ngắn. Tôi tự hỏi: “Tại sao con người lại gặp khó khăn trong việc dẹp tan nỗi đau khổ của mình? Lý do gì mà chúng ta thường mang nó theo mình, khi nó trở thành một gánh nặng đối với chúng ta?” Theo cách nào đó, cuộc sống của nhiều người được định nghĩa bởi những sự việc đã khiến họ đau khổ, và nhiều người đang đau khổ vì những sự việc đã xảy ra từ rất, rất lâu rồi. Những sự việc này không còn xảy ra nữa, nhưng chúng vẫn đang được sống, theo một nghĩa nào đó, và nỗi đau khổ vẫn đang được trải nghiệm. Chuyện gì đang xảy ra ở đây?

Cái thấy mà tôi có được khi còn nhỏ, mặc dù lúc đó tôi không biết nó có ý nghĩa như thế nào, là khởi đầu cho sự hiểu biết của tôi về lý do tại sao chúng ta lại đau khổ. Rõ ràng một trong những lý do chính khiến chúng ta đau khổ là bởi vì chúng ta tin vào những gì chúng ta nghĩ, rằng những suy nghĩ trong đầu không mời mà đến, đi vào thức của chúng ta, quay vòng vòng, và rồi chúng ta bám dính vào chúng. Chúng ta đồng hoá với chúng và nắm giữ lấy chúng. Cái thấy mà tôi có được khi còn nhỏ này có ý nghĩa hơn rất nhiều so với những gì tôi nhận biết. Tôi đã mất nhiều năm, có lẽ là vài thập kỷ, để nhận ra rằng những gì tôi đã thấy khi còn nhỏ đã đánh vào nguyên nhân gốc rễ tại sao chúng ta thực sự đau khổ, rằng một trong những lý do lớn nhất khiến chúng ta đau khổ là vì chúng ta tin vào những suy nghĩ trong đầu mình.

Tại sao chúng ta lại làm như vậy? Tại sao chúng ta tin vào những suy nghĩ trong đầu mình? Chúng ta không tin vào những suy nghĩ trong đầu của người khác khi họ nói chuyện với chúng ta. Khi chúng ta đọc một cuốn sách – không khác gì với việc ghi lại những suy nghĩ của người khác – chúng ta có thể nhận lấy hoặc bỏ chúng đi. Nhưng tại sao chúng ta lại có xu hướng bám lấy những suy nghĩ xảy ra trong tâm trí của chính chúng ta – cố nắm giữ lấy chúng và trở nên đồng hoá với chúng? Chúng ta dường như không thể bỏ những suy nghĩ đó xuống ngay cả khi chúng gây ra nỗi đau đớn và khổ sở to lớn.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. HIỂU VỀ NỖI ĐAU KHỔ CỦA CHÚNG TA
  2. BẢN NGÃ KHÔNG LÀ GÌ KHÁC NGOÀI TRẠNG THÁI Ý THỨC
  3. TRẠNG THÁI TỰ NHIÊN – HÀNH TRÌNH GIÁC NGỘ

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP