MATTHIEU RICARD
WOLF SINGER
Trích: Những Nẻo Đường Chiêm Nghiệm, Đối Thoại Giữa Nhà Sư & Nhà Khoa Học; Việt dịch: Lê Trường Sơn; NXB. Hà Nội; Công ty Sách Thái Hà, 2023
Matthieu: Tha thứ không phải để nói rằng hành động có hại không phải là xấu và một người sẽ không phải đối mặt với hậu quả của hành động của mình. Mà tha thứ là để phá bỏ vòng thù hận. Không giúp ích gì khi bị nắm giữ trong cùng một loại hận thù mà chúng ta muốn trừng phạt. Từ quan điểm của Phật giáo, không thể thoát khỏi hậu quả của hành động. Khái niệm về nghiệp không có ý nghĩa nào khác ngoài việc áp dụng các quy luật nhân quả chung cho hậu quả của động cơ và hành động của mọi người. Tất cả các hành động đều có hậu quả ngắn hoặc dài hạn. Nếu bạn tha thứ cho ai đó và từ bỏ sự trả thù, thì người đó vẫn sẽ phải đối mặt với hậu quả từ hành động của mình.
Wolf: Nhưng làm thế nào bạn có thể tự bảo vệ mình trước những phản xạ cảm xúc di truyền này? Trả đũa và trả thù là những cảm xúc căn nguyên sâu xa của con người, và trong các xã hội tiền hiện đại, thậm chí có thể đóng những vai trò quan trọng để ổn định tình đoàn kết trong nhóm. Nếu ai đó cố tình hãm hiếp và giết con gái tôi, tôi chắc chắn rằng mình sẽ có một khoảng thời gian rất, rất khó kiểm soát sự bùng nổ cảm xúc và khao khát sự trả thù cũng như trừng phạt. Những cảm xúc này làm nảy sinh sự thù hận và mong muốn báo thù bởi chúng rất cơ bản và hầu như không bị áp chế bởi sự kiểm soát nhận thức, giáo dục. Câu hỏi quan trọng là liệu các thực hành tinh thần có thể với tới các tầng sâu hơn này và thay đổi các khuynh hướng cảm xúc của chúng ta, để khao khát trả thù không được khởi phát ngay từ đầu. Nếu vậy, việc rèn luyện tinh thần thực sự có thể hiệu quả hơn các chiến lược giáo dục cổ điển của chúng ta, bởi những điều này dường như phụ thuộc nhiều vào việc áp đặt các quy tắc ứng xử và tăng cường các cơ chế kiếm soát nhận thức cần thiết để ức chế phản xạ cảm xúc hơn là thay đổi nền tảng cảm xúc.
Matthieu: Sau vụ đánh bom cướp đi mạng sống hàng trăm người ở thành phố Oklahoma vào năm 1995, cha của một bé gái ba tuổi bị giết trong vụ nổ đã được hỏi liệu rằng anh có muốn nhìn thấy hung thủ, Timothy McVeigh, bị tử hình không. Anh trả lời đơn giản: “Một cái chết nữa cũng sẽ không làm dịu đi nỗi đau khổ của tôi”. Một thái độ như vậy không liên quan gì đến sự yếu đuối, hèn nhát hay bất kỳ sự thỏa hiệp nào. Nhạy cảm sâu sắc với các tình huống không thể chịu đựng được và cần phải khắc phục chúng mà không bị điều khiển bởi sự thù hận rõ ràng là khả thi. Một kẻ phạm tội nguy hiểm có thể bị vô hiệu hóa bằng mọi giá mà không mất đi sự thật rằng anh ta là nạn nhân của những xung động của mình. Trái ngược với thái độ của người cha, đài phát thanh VOA News của Mỹ mô tả cảm xúc của đám đông khi Timothy McVeigh sắp bị kết án: “Mọi người đang đợi bên ngoài tòa nhà, lặng lẽ nắm tay nhau. Khi bản án được phán quyết, họ vỗ tay và chúc mừng nhau. Một người cho biết đã chờ đợi cả năm trời cho việc này”. Ở Mỹ, các thành viên gia đình nạn nhân được phép dự buổi hành hình. Họ thường tuyên bố được an ủi bằng cách chứng kiến kẻ giết người đền tội. Một số người thậm chí còn khẳng định rằng, cái chết của người bị kết án là không đủ và họ muốn nhìn thấy anh ta đau khổ cùng cực như anh ta đã làm nạn nhân đau khổ.
Trong Chiến tranh Thế giới lần thứ II, Eric Lomax, một sĩ quan Anh, đã bị bắt khi người Nhật xâm chiếm Singapore; ông trở thành tù nhân chiến tranh trong ba năm và phải tham gia xây dựng cây cầu đường sắt bắc qua sông Kwai ở Thái Lan. Khi lính canh phát hiện Lomax đã vẽ một bản đồ chi tiết về đường sắt mà các tù nhân bị buộc phải xây dựng, ông đã phải chịu đựng sự thẩm vấn và tra tấn dữ dội, bao gồm cả việc bị nhấn nước. Sau khi được thả ra, nỗi thống khổ về tinh thần, sự căm ghét người Nhật và mong muốn trả thù của Lomax vẫn không suy giảm trong gần 5O năm.
Sau khi trải qua liệu pháp tâm lý tại một trung tâm dành cho những nạn nhân bị tra tấn, ông đã thực hiện một số nghiên cứu và phát hiện ra rằng, một thông dịch viên tên là Nagase Takashi, người đã tham dự buổi thẩm vấn, người mà Lomax đặc biệt căm ghét, đã dành cả đời để cố gắng sửa đổi hành động của mình trong cuộc chiến bằng cách lên tiếng chống lại chủ nghĩa quân phiệt và tham gia vào các hoạt động nhân đạo. Ban đầu Lomax đã hoài nghi, cho đến khi ông tìm thấy một bài báo khác và một cuốn sách nhỏ, mà trong đó Takashi giải thích cái cách anh đã dành phần lớn cuộc đời mình để chuộc lỗi vì sự đối xử mà quân đội Nhật đã gây ra cho tù nhân chiến tranh. Anh ta mô tả những cảnh tra tấn khủng khiếp đã xảy ra với Lomax và nói lên cảm xúc mình chán ghét bản thân như thế nào vì đã tham dự những buổi này. Anh cũng nói về những cơn ác mộng kinh hoàng, những hồi tưởng và chấn thương đau đớn, giống như Lomax đã trải qua trong nhiều thập kỷ.
Vợ của Lomax đã viết một lá thư cho Takashi nói rằng cô hy vọng một cuộc gặp có thể diễn ra giữa hai người đàn ông để chữa lành vết thương của họ. Takashi nhanh chóng hồi đáp rằng anh ta rất muốn gặp Lomax. Một năm sau, Lomax và vợ đã bay sang Thái Lan để gặp vợ chồng Takashi. Từ những giây phút đầu tiên khi bước vào, Takashi với khuôn mặt đẫm nước mắt, cứ lặp đi lặp lại: “Tôi hối hận rất nhiều”. Đột nhiên và cũng nghịch lý thay, Lomax lại đang an ủi người thẩm vấn cũ, người có nỗi đau dường như dữ dội hơn Lomax. Cuối cùng, hai người đàn ông đều cười, cùng ôn lại những kỷ niệm trong quá khứ và phát hiện ra rằng, giờ đây họ rất thích công việc của nhau. Trong vài ngày ở cùng nhau, không một lúc nào Lomax cảm thấy một tia giận dữ mà ông đã nuôi dưỡng từ lâu đối với Takashi.
Một năm sau, Lomax cùng vợ đến Nhật Bản theo lời mời của Takashi. Ông muốn gặp Takashi một mình và đảm bảo với Takashi về một sự tha thứ hoàn toàn. Takashi đã vượt qua bằng cảm xúc, Lomax viết: “Tôi cảm thấy rằng mình đã đạt được nhiều hơn những gì tôi có thể mơ ước. Cuộc gặp gỡ Nagase đã biến anh ta từ một kẻ thù đáng ghét, người mà không bao giờ bạn tưởng tượng nổi có thể là bạn, nay đã trở thành anh em chí cốt”.
Trước những trường hợp kịch tính như vậy, tôi cảm thấy có lý do để tin rằng việc rèn luyện tinh thần có thể thay đổi thế giới quan và phản ứng cá nhân của bạn. Kẻ thù duy nhất của thù hận là chính nó, không phải người trở thành con mồi của nó.