CHĂM SÓC NHỮNG YẾU TỐ PHI-DOANH-THƯƠNG

HT. THÍCH NHẤT HẠNH

Trích: Quyền Lực Đích Thực ; Dịch giả: Chân Đạt; Nxb Thế Giới, Cty sách Phương Nam

Doanh thương không thể tồn tại nếu không có những yếu tố phi doanh thương. Những người bạn đồng nghiệp của ta là một thành phần của môi trường làm việc, nhưng cũng là người, một yếu tố phidoanh-thương. Một tờ giấy được làm từ gỗ cây, ánh nắng mặt trời, nước, công nhân làm giấy, tất cả đều là những yếu tố không-phải-tờgiấy. Thấy được những yếu tố phi-doanh-thương trong doanh thương là thấy được giáo lý tương tức. Không có gì có thể tồn tại độc lập, tất cả đều nương nhau mà hiện hữu. Bụt dạy: “Cái này có vì cái kia có.” Nghĩa là không có gì có thể tồn tại độc lập, tất cả đồng thời cùng biểu hiện, hiện tượng này ảnh hưởng đến hiện tượng khác, giống như phải và trái. Hễ có phải là có trái, nếu lấy phải đi thì trái không còn nữa. Nếu ta cắt bỏ đầu phải của cây bút chì thì cây bút chì sẽ ngắn lại nhưng vẫn còn đầu phải và đầu trái. Tương tự như hoa và rác. Ta nghĩ rằng hoa không thể là rác và rác không thể là hoa. Nhưng bông hoa sau mười ngày thì sẽ thành rác và nếu biết dùng hoa để làm phân xanh rồi đem phân xanh bón cho cây thì rác lại thành hoa. Hoa và rác tương tức.

Khổ đau và hạnh phúc cũng vậy. Bởi vì ta đã trực tiếp kinh nghiệm đau khổ, cho nên khi hạnh phúc xuất hiện, ta có thể nhận diện hạnh phúc dễ dàng. Vì vậy đau khổ và hạnh phúc không phải đối nghịch hay là kẻ thù của nhau, khổ đau và hạnh phúc nương nhau mà có. Giả thử bạn là một nhà chính trị thuộc phe bảo thủ, bạn sẽ có xu hướng coi những người bên phe tự do như những kẻ thù. Nhưng nhờ có phe tự do cho nên mới có phe bảo thủ. Vậy thì bạn phải mong sao cho phe tự do còn mãi để cho phe bảo thủ của bạn cũng còn mãi.

Nếu là giám đốc một công ty bạn phải thực tập để làm một giám đốc, có nghĩa là thực tập làm sao cho công ty có an lạc, cho nhân viên và khách hàng đều hạnh phúc. Hạnh phúc không phải là vấn đề cá nhân. Thịnh vượng không phải là vấn đề cá nhân. Hạnh phúc, thịnh vượng của công ty, của nhân viên và của khách hàng liên hệ chặt chẽ với nhau.

Quán chiếu sâu sắc một bông hoa ta sẽ thấy rằng bông hoa không thể tự mình có đó. Nhìn bông hoa ta thấy ánh nắng mặt trời. Nếu loại bỏ yếu tố ánh nắng mặt trời thì không còn bông hoa, bông hoa sẽ tan biến bởi vì bông hoa là ánh nắng mặt trời. Ánh nắng là ánh nắng. Ánh nắng không phải là bông hoa. Nhưng ánh nắng là một yếu tố làm nên bông hoa. Ta gọi ánh nắng là một yếu tố “phi-bông-hoa”. Tiếp tục nhìn vào bông hoa ta sẽ khám phá ra nhiều yếu tố phi-bông-hoa khác, ví như đám mây. Đám mây là một yếu tố không-phải-bông-hoa, nếu không có đám mây thì không có bông hoa. Lấy đám mây đi thì bông hoa sẽ tan biến. Đất, các chất khoáng cũng là những yếu tố khôngphải-bông-hoa. Bông hoa được làm toàn bằng những yếu tố khôngphải-bông-hoa. Nếu nhìn cho thật sâu vào bông hoa ta sẽ không thể tìm ra được một yếu tố nào có thể gọi là bông hoa cả.

Cũng vậy, doanh thương được làm bằng những yếu tố phi-doanhthương. Ta phải chăm sóc những yếu tố phi-doanh-thương thì việc kinh doanh mới phát đạt. Tình trạng của thân tâm ta – an lạc, tươi mát, lân mẫn, chánh niệm trong hơi thở cũng như khả năng chăm lo cho nhân viên và gia đình – là những yếu tố phi-doanh-thương nhưng rất cần thiết cho sự phát đạt của doanh nghiệp.

Áp dụng giáo lý tương tức trong công việc kinh doanh là một điều hoàn toàn có thể được. Hạnh phúc của vị giám đốc và gia đình rất quan trọng cho sự phát triển tốt đẹp của doanh nghiệp. Ngược lại, tình trạng phát triển của doanh nghiệp cũng rất quan trọng cho hạnh phúc của vị giám đốc và gia đình ông ta. Tất cả đều liên hệ với nhau. Khi ta chăm sóc tự thân tức là ta chăm sóc gia đình, khi ta đối xử với nhân viên bằng tinh thần trách nhiệm thì tức là ta đang làm lợi cho công ty.

Vì phải cạnh tranh mà nhiều người đã phải hy sinh gia đình để dành trọn thời gian cho công việc. Dưới áp lực nghề nghiệp, thật khó mà dành thì giờ thích đáng cho gia đình. Tuy nhiên ta có thể thu xếp để công việc không còn cách biệt với đời sống gia đình. Hãy lưu tâm tới đời sống của những người thân, coi những khó khăn hay thành công của họ như những khó khăn hay thành công của chính mình. Hãy khuyến khích mọi người trong gia đình cùng chia sẻ ước vọng và hạnh phúc trong công việc của họ. Khi ta xem công việc của người bạn đời như công việc của ta thì ta sẽ không còn thấy sự ngăn cách giữa đời sống gia đình của ta và đời sống nghề nghiệp của người ấy. Sự vắng mặt vì công việc sẽ không còn là một sự vắng mặt thật sự.

Gia đình rất quan trọng. Nếu không có gia đình thì làm sao ta có cơ hội cảm nhận được không khí đầm ấm, dịu hiền của tình thương, chăm sóc và cảm thông? Ta nên biến gia đình thành một tăng thân để cùng nhau tu tập. Thực tập chánh niệm làm đẹp đời sống gia đình. Nếu cứ theo tập khí mà trách móc, chỉ trích nhau thì còn đâu là hạnh phúc, còn đâu là gia đình? Hãy thực tập ái ngữ và lắng nghe để gia đình thêm yên vui. Mặc dầu sống với nhau nhiều năm, chưa chắc ta đã thực sự hiểu nhau, chưa chắc ta đã biết rõ ta thương yêu nhau như thế nào. Cần phải học cách lắng nghe nhau thật tình, lắng nghe để có thể hiểu thấu niềm đau nỗi khổ của nhau, khi đó ta mới có thể chăm sóc và thương yêu nhau.

Ta có thể thực tập ăn trong chánh niệm mỗi ngày. Cả gia đình nên cùng ngồi ăn sáng chung với nhau, dù cho chỉ có mười lăm phút nhưng phải sống trọn vẹn cho nhau trong mười lăm phút ấy, hãy nhìn nhau và mỉm cười. Ý thức rằng được ngồi với nhau là quý giá biết chừng nào, cho nên ta không để phí thì giờ. Đây chính là tỉnh thức, là chánh niệm, là thương yêu.

Cách hay nhất để chia sẻ thực tập của ta với những người trong gia đình là qua hành xử chứ không phải lời nói. Khi lái xe, ta lái trong chánh niệm, theo dõi hơi thở, không để quá khứ, tương lai, hay dự án cuốn hút đi. Khi gặp đèn đỏ, ta mỉm cười như mỉm cười với một người bạn, bởi vì đèn đỏ đang nhắc: “Mời bạn trở về hơi thở.” Khi về nhà, trước khi mở cửa, ta dừng lại, thở vào, thở ra ba lần và mỉm cười. Như thế ta sẽ tươi mát hơn khi bước vào để gặp lại người thương sau một ngày dài làm việc mệt nhọc. Sửa soạn bữa ăn sáng cũng là một dịp để thực tập thương yêu, hạnh phúc. Hãy tận hưởng từng giây phút trong khi sửa soạn bữa ăn. Khi ấy nhà bếp sẽ là thiền đường thanh tịnh, ta mời những người thương cùng ngồi ăn sáng chung, ăn thế nào cho có an lạc, tự do, nghĩa là không bị phiền não ràng buộc. Và khi uống một tách trà hay một ly cà phê sau bữa cơm trưa, ta uống trong tỉnh thức, thảnh thơi, thưởng thức tận cùng tách trà hay ly cà phê. An trú trong hiện tại, sống sâu sắc từng giây, từng phút với năng lượng chánh niệm như thế là một điều có thể làm được.

Sau vài ngày sống như thế ta sẽ bình tĩnh hơn, vui tươi hơn và người bạn đời của ta sẽ hỏi: “Anh ơi, anh thực tập làm sao mà hay quá vậy?” Đây là dịp tốt để ta chia sẻ kinh nghiệm thực tập với người ấy. Không nên ép buộc người khác phải tu tập như mình. Chỉ cần thực tập sống sâu sắc trong chánh niệm, không cần hình thức, không cần tỏ ra cho ai biết là ta đang thực tập. Đi một cách tự nhiên nhưng đi trong chánh niệm. Ăn một cách tự nhiên nhưng ăn trong chánh niệm, rồi năng lượng bình an, vững chãi thảnh thơi của ta sẽ ảnh hưởng đến người kia. Nếu có một người bạn cũng đang thực tập thì ta mời người ấy cùng thực tập với ta trong một ngày hay nửa ngày cuối tuần bởi vì ta cần tăng thân nâng đỡ.

Ta cũng có thể chia sẻ bình an của ta với những bạn đồng nghiệp. Trong các cuộc họp, cách ta nói, cách ta lắng nghe, cách ta cười, khả năng truyền thông của ta sẽ ảnh hưởng tới họ. Nếu khéo léo tu tập thì ta có thể đưa thực tập vào trong gia đình cũng như vào công việc.

Ta có thể biến nơi làm việc thành nơi tu tập. Công ty, cũng như gia đình, là một cộng đồng mà ta phải chăm sóc để ta có thể hưởng được năng lượng bình an, vững chãi và thảnh thơi ngay trong khi làm việc. Đã có nhiều người thành công trong việc áp dụng chánh niệm vào trong công việc bằng cách đi đứng chánh niệm, thực tập buông thư và nói năng hòa nhã. Khi đi từ phòng họp này đến phòng họp khác, hay từ khu nhà này đến khu nhà kia ta theo dõi hơi thở, ý thức từng bước chân. Ta buông thư thân tâm, an vui từng giây từng phút, không lo âu, không buồn phiền. Như thế gọi là đi trong chánh niệm, là an trú trong hiện tại. Và ta sẽ đến nơi làm việc hay nơi họp tươi mát hơn, bình tĩnh hơn.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. QUÁN CHIẾU VỀ SỰ SI MÊ
  2. ÁP DỤNG GIÁO LÝ TƯƠNG TỨC TRONG CÔNG VIỆC KINH DOANH
  3. TRỊ LIỆU CÁC MỐI QUAN HỆ TRONG GIA ĐÌNH

Bài viết mới

  1. ĐỂ MỖI BUỔI SÁNG LÀ MÓN QUÀ VÔ GIÁ DÀNH CHO BẠN
  2. TẤT CẢ CHÚNG TA ĐỀU BÌNH ĐẲNG
  3. THIỀN CẦU NGUYỆN