Sri Nisargadatta Maharaj
TA LÀ CÁI ĐÓ
—
Hỏi: Có rất nhiều thuyết về bản chất của con người và vũ trụ. Thuyết sáng thế, thuyết ảo ảnh, thuyết mộng huyễn. Trong các thuyết đó, thuyết nào đúng?
Maharaj: Tất cả đều đúng, và tất cả đều sai. Ông có thể chọn thuyết nào mà ông ưa thích nhất.
Hỏi: Ông có vẻ thiên về thuyết mộng huyễn.
Maharaj: Tất cả chỉ là những cách xếp đặt chữ nghĩa với nhau. Một số thiên về cách này, một số thuận theo cách khác. Lý thuyết thì không đúng mà cũng chẳng sai. Chúng chỉ là những cố gắng nhằm giải thích cái không thể giải thích được. Điều quan trọng không phải là lý thuyết mà là cách nó được thử nghiệm. Chính sự thử nghiệm lý thuyết làm cho lý thuyết thành công. Hãy thử nghiệm bất cứ lý thuyết nào mà ông yêu thích – nếu ông thực sự nghiêm túc và thành thật thì sự đạt đến thực tại sẽ thuộc về ông. Mang lấy kiếp người, ông bị câu thúc trong một tình huống bất trắc và đầy đau khổ, và ông đang tìm lối thoát. Ông được mời xem một số họa đồ về cái nhà tù giam giữ ông mà chẳng cái nào đúng hẳn. Nhưng nếu ông thật sự thành khẩn thì chúng có một giá trị nào đó. Chính sự thành khẩn – chứ không phải lý thuyết – sẽ giải thoát ông.
Hỏi: Lý thuyết có thể lừa dối, còn sự thành khẩn thì mù quáng.
Maharaj: Lòng chân thành sẽ hướng dẫn ông. Hiến mình cho mục đích tự do và sự toàn hảo sẽ khiến ông từ bỏ mọi lý thuyết và phương pháp để sống với sự hiểu biết, trí tuệ và tình yêu năng động. Lý thuyết có thể hữu ích như là những điểm khởi đầu, nhưng cần phải được từ bỏ, càng sớm càng tốt.
Hỏi: Có một hành giả Yogi nói rằng để giác ngộ thì chẳng cần đến pháp môn Yoga tám giai đoạn, chỉ riêng sức mạnh của ý chí là đủ. Chỉ cần tập trung vào mục đích với tất cả sự tin tưởng vào sức mạnh thuần ý chí là đủ để đạt được một cách dễ dàng và nhanh chóng những gì mà người khác phải mất hàng chục năm mới thành tựu.
Maharaj: Tập trung, hoàn toàn tin tưởng, thuần ý chí! Với những vốn quý như thế thì chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi một người thành tựu một cách nhanh chóng. Loại Yoga ý chí này dành cho những hành giả trưởng thành, đã loại bỏ được tất cả ham muốn và chỉ còn một. Xét cho cùng, ý chí không gì khác hơn là sự kiên định của trái tim và tâm thức. Với sự kiên định như thế cái gì cũng có thể đạt được.
Hỏi: Theo chỗ tôi hiểu thì hành giả Yogi đó không có ý muốn nói sự kiên định với mục đích sẽ đưa đến sự theo đuổi không ngừng và tinh tấn. Vị ấy muốn nói rằng chỉ cần đặt ý chí vào mục đích thì chẳng cần đến sự theo đuổi hay tinh tấn. Chính yếu tố ý chí thu hút đối tượng của nó.
Maharaj: Dù có gọi nó là gì đi nữa: ý chí, mục đích bất dịch, hay nhất tâm, thì ông vẫn trở lại với sự thành khẩn, chân thành, và thành thật. Khi thật sự thành khẩn, ông dồn hết tất cả, từng giây phút của cuộc sống cho mục đích của ông. Ông không phung phí thời gian và sức lực cho những cái khác. Ông hoàn toàn dâng hiến, ông có thể gọi đó là ý chí, là tình yêu, hay lòng thành thật. Chúng ta là những sinh vật phức tạp, thường xuyên chịu xung đột cả trong lẫn ngoài. Chúng ta luôn luôn mâu thuẫn với chính mình, hôm nay phá hủy những gì xây dựng hôm qua. Chẳng có gì làm ngạc nhiên khi chúng ta gặp bế tắc. Một chút trực tâm cũng có thể tạo ra một khác biệt lớn.
Hỏi: Cái nào mãnh liệt hơn, lòng ham muốn hay định mệnh?
Maharaj: Lòng ham muốn tạo ra định mệnh.
Hỏi: Và định mệnh tạo ra ham muốn. Ham muốn của tôi bị điều kiện hóa bởi tính di truyền và hoàn cảnh, bởi cơ hội và sự tình cờ, bởi cái mà chúng ta gọi là định mệnh.
Maharaj: Vâng, ông có thể cho là như thế.
Hỏi: Khi nào tôi được tự do ham muốn điều tôi ham muốn?
Maharaj: Ông tự do ngay bây giờ. Ông ham muốn gì? Cứ ham muốn đi.
Hỏi: Dĩ nhiên là tôi hoàn toàn tự do ham muốn, nhưng tôi không được tự do hành động như tôi ham muốn. Những thôi thúc khác làm cho tôi lạc hướng. Ham muốn được tôi chấp nhận thì không đủ mãnh liệt, trong khi những ham muốn mà tôi không chấp nhận thì lại mãnh liệt hơn.
Maharaj: Có thể ông tự lừa dối ông. Có thể ông đang diễn tả những ước muốn đích thực của ông, còn những ước muốn được ông chấp nhận và phô bày ngoài mặt chỉ vì tính cách khả kính.
Hỏi: Có thể đúng như ông nói, nhưng đấy lại là một lý thuyết khác. Thực tế là tôi không cảm thấy tự do để ham muốn cái mà tôi nghĩ tôi nên ham muốn, và khi có vẻ như ham muốn một cách chính đáng thì tôi lại không hành động tương ứng.
Maharaj: Tất cả là do sự nhu nhược của tâm và sự phân hóa của não bộ. Hãy tập trung và giữ cho tâm ông kiên cố rồi ông sẽ nhận thấy rằng ý nghĩ và cảm thọ, ngôn từ và hành động của ông sẽ tự điều hướng theo ý chí của ông.
Hỏi: Lại thêm một giáo điều nữa về sự toàn hảo! Đạt đến sự nhất tâm và giữ tâm kiên cố không phải là chuyện dễ dàng! Một người phải bắt đầu như thế nào?
Maharaj: Ông chỉ có thể bắt đầu từ chỗ của ông hiện nay. Ông ở đây và bây giờ, ông không thể lìa khỏi đây và bây giờ.
Hỏi: Nhưng tôi có thể làm gì ở đây và bây giờ?
Maharaj: Ông có thể biết rõ về sự hiện hữu của ông – ở đây và bây giờ.
Hỏi: Chỉ thế thôi sao?
Maharaj: Thế thôi. Chẳng có gì hơn nữa.
Hỏi: Trong tất cả những lúc thức cũng như chiêm bao tôi đều ý thức về chính mình. Nhưng điều đó chẳng giúp tôi được bao nhiêu.
Maharaj: Ông biết ông suy nghĩ, cảm thọ, và hành động. Nhưng ông không biết sự hiện hữu của ông.
Hỏi: Ông muốn đưa tôi vào yếu tố mới nào?
Maharaj: Thái độ của hành vi nhân chứng thuần túy, quan sát các sự kiện mà không can thiệp.
Hỏi: Điều đó có tác động gì đến tôi?
Maharaj: Sự thiếu quyết tâm là do thiếu thông minh, thiếu hiểu biết, mà chúng lại là kết quả của sự không tỉnh thức. Bằng cách tinh tấn để tỉnh thức ông sẽ gom được tâm và làm cho nó trở nên kiên cố.
Hỏi: Tôi có thể hoàn toàn tỉnh thức về những gì đang xảy ra, nhưng không có cách nào ảnh hưởng đến chúng.
Maharaj: Ông lầm rồi. Những gì đang xảy ra chỉ là phóng ảnh của tâm ông. Một cái tâm nhu nhược không thể điều khiển những phóng ảnh của chính nó. Do đó, hãy biết rõ tâm ông và những phóng ảnh của nó. Ông không thể điều khiển những gì ông không biết. Trái lại, sự hiểu biết tạo nên sức mạnh. Trong thực hành thì rất đơn giản. Muốn điều ngự chính mình thì phải biết chính mình.
Hỏi: Có thể tôi sẽ đạt đến được sự điều ngự chính mình, nhưng liệu tôi có thể đối phó với những hỗn loạn trên thế giới?
Maharaj: Chẳng hề có hỗn loạn nào trên thế giới, ngoại trừ những hỗn loạn do tâm ông tạo ra. Tâm tự tạo ra có nghĩa là ngay tại tâm điểm của nó có một ý tưởng sai lầm về chính mình, cho mình là một cái gì đó khác biệt, tách rời khỏi những cái khác. Trong thực tế, ông không là một cái gì cả, và cũng chẳng hề tách biệt. Ông là tiềm năng vô biên, khả năng vô tận. Vì ông hiện hữu, nên tất cả mới có thể hiện hữu. Vũ trụ chỉ là một phần thể hiện của khả năng trở thành của ông, mà khả năng đó thì vô hạn.
Hỏi: Tôi nhận thấy tôi hoàn toàn bị sai xử bởi lòng ham muốn lạc thú và nỗi lo sợ sự đau đớn. Dù ham muốn của tôi có cao thượng đến đâu và lo sợ của tôi có chính đáng đến đâu thì hạnh phúc và đau khổ vẫn là hai cực mà ở giữa là cuộc đời tôi xoay vần.
Maharaj: Hãy xông vào tận nguồn gốc của cả đau khổ lẫn lạc thú, ham muốn và lo sợ. Hãy quan sát, tra vấn, và tìm cách hiểu chúng.
Hỏi: Ham muốn lẫn lo sợ đều là những cảm xúc được tạo ra bởi các yếu tố vật chất hay tâm lý. Chúng có đó và rất dễ quan sát. Nhưng tại sao chúng có đó? Tại sao tôi lại ham muốn lạc thú và sợ hãi đau khổ?
Maharaj: Lạc thú và đau khổ là những trạng thái của tâm. Chừng nào ông còn nghĩ ông là tâm, hay đúng hơn là thân-tâm, thì ông còn nêu lên những câu hỏi như thế.
Hỏi: Khi nhận ra chính mình không phải là thân xác, liệu tôi có thể thoát khỏi ham muốn và lo sợ?
Maharaj: Chừng nào còn có một thân xác và một cái tâm bảo vệ thân thì ông còn bị tác động bởi những lực hấp dẫn và xô đẩy. Chúng luôn luôn có đó, trong phạm trù của các sự kiện, nhưng chẳng hề làm ông bận tâm. Đặt trọng tâm chú ý của ông vào một chỗ khác. Ông không hề bị phân tâm.
Hỏi: Nhưng chúng vẫn còn đó. Liệu một người không bao giờ được hoàn toàn tự do?
Maharaj: Ông hoàn toàn tự do thậm chí ngay bây giờ. Cái mà ông gọi là định mệnh thực ra chỉ là kết quả của ý muốn ham sống của chính ông. Muốn biết được ý muốn ham sống này mãnh liệt như thế nào thì ông có thể nhận biết nó qua nỗi sợ chết đến độ kinh hoàng của mọi loài chúng sinh.
Hỏi: Người ta chết một cách tự nguyện cũng khá nhiều.
Maharaj: Chỉ khi nào phương cách duy nhất còn lại tồi tệ hơn cái chết. Nhưng sự sẵn sàng chết như thế cũng có cùng một nguồn gốc với ý muốn ham sống, và nguồn gốc đó còn sâu kín hơn cả chính cuộc sống. Là một sinh vật thì không phải là trạng thái tối hậu; còn có một cái gì siêu việt, tuyệt vời hơn rất nhiều, nó không phải hiện hữu mà cũng chẳng phải phi hiện hữu, không phải sinh mà cũng chẳng phải vô sinh. Đó là trạng thái của tánh biết thuần túy, vượt ra ngoài mọi hữu hạn của không gian và thời gian. Một khi cái ảo tưởng cho rằng thân-tâm là chính mình đã được loại bỏ thì cái chết không còn là mối kinh hoàng, mà trở thành một phần của sự sống.
—