VỊ TRÍ CỦA PHỤ NỮ TRONG XÃ HỘI

DR. MORTIMER J. ADLER

Trích: Những Tư Tưởng Lớn Từ Những Tác Phẩm Vĩ Đại; Phạm Viêm Phương và Mai Sơn (Dịch và chú giải); NXB. Văn Hoá Thông Tin – 2004

—???—

Thưa tiến sĩ Adler,

Phụ nữ hiện đại, đang đạt được sự độc lập và bình đẳng với nam giới. Đã có những lời phàn nàn – thường là từ giống đực – rằng đây là điều tồi tệ và đi ngược lại vai trò tự nhiên của phụ nữ. Các tư tưởng gia vĩ đại của quá khứ nghĩ gì về chuyện này? Tất cả họ có nghĩ rằng phụ nữ là người cấp dưới tự nhiên của nam giới hay có ai trong số họ có được những quan điểm “khai sáng” hơn không?

J.L. thân mến,

Văn hóa phương Tây đã khởi nguồn trong một kiểu xã hội phụ quyền, dựa trên nguyên tắc sự thống trị của nam giới trong gia đình và cộng đồng. Việc thảo luận về vai trò phụ nữ trong những tác phẩm cổ thường phản ánh bối cảnh phụ quyền này, nhưng vẫn có những ngoại lệ đáng kể. Ngay cả trong thời đại xa xưa một số tư tưởng gia đã đi đến những kết luận về thân phận phụ nữ trái ngược với trật tự đương thời. Sự đoạn tuyệt nổi tiếng nhất với quan điểm phụ quyền cũ về thân phận phụ nữ là đề xuất của Plato trong tác phẩm Republic rằng phụ nữ phải được ngang hàng của nam giới trong cộng đồng chính trị. Plato khẳng định rằng không có điều gì một người đàn ông có thể làm trong hoạt động cộng đồng mà một phụ nữ không thể làm giỏi y như vậy. Ông thừa nhận ở vài khía cạnh nào đó một phụ nữ, đơn giản vì họ là phụ nữ, không giỏi bằng đàn ông trong hoạt động chính trị. Nhưng ông nghĩ rằng những khác biệt giữa các cá nhân – đàn ông hay đàn bà – quan trọng hơn những những khác biệt giữa các giới tính.

Theo ông, một phụ nữ thông minh và có năng lực thì giỏi hơn một người đàn ông thiếu những phẩm chất này, và quả là lãng phí khả năng con người nếu không sử dụng cô ta trong việc quản lý nhà nước.

Hơn hai ngàn năm sau Plato, triết gia người Anh John Stuart Mill lại bênh vực cho phụ nữ. Quyển The Subjection of Women (“Sự nô dịch của phụ nữ”) của ông tuyên bố đầy thuyết phục về quyền bình đẳng về chính trị, kinh tế, xã hội giữa nam giới và phụ nữ. Trong tác phẩm Representative Government (“Chính quyền đại diện”) của mình, ông đề cập đến vấn đề bầu cử của phụ nữ, ông cho rằng đó là quyền tự nhiên thuộc về phụ nữ cũng như nam giới trong việc có tiếng nói trong chính quyền của họ. Tuy nhiên, qua nhiều thế kỷ và cho đến ngày nay, những lời phủ quyết đã thắng thế trong cuộc tranh luận này. Plato và Mill nói lên ý kiến của một thiểu số rất nhỏ. Aristotle, học trò vĩ đại của Plato, là một người ủng hộ điển hình của quan điểm phản bác. Theo ông, đàn ông là hiện thân của lý tưởng con người, còn phụ nữ là một dạng kém cỏi hơn của loài người. Aristotle hẳn sẽ kinh hoàng trước những hoạt động của phụ nữ trong xã hội hiện đại. Đối với ông, cũng như với Thánh Paul, im lặng là một niềm tự hào của phụ nữ, và cô ta sẽ phải phục tùng chồng cô ta trong tất cả mọi chuyện. Ngoài những vấn đề về quyền bình đẳng chính trị và xã hội, trong thời đại của phong cách hiệp sĩ, đã nổi lên một ý niệm lý tưởng hóa về phụ nữ như một sinh vật có những phẩm chất thoát tục và siêu việt. Ý niệm lãng mạn về phụ nữ này có lẽ liên quan đến hình ảnh của Beatrice trong các tác phẩm của Dante, trong đó có lẽ người phụ nữ đạt tới điểm cao nhất về tính lý tưởng hóa trong văn chương phương Tây. Trong pine Comedy (“Thần khúc”), Beatrice, có lẽ là đối tượng của tình yêu không được thỏa mãn trong đời sống thực của Dante, trở thành biểu tượng cho sự thông thái siêu nhiên, thậm chí cao hơn cả triết học. Dĩ nhiên, ý niệm lãng mạn về phụ nữ được nhấn mạnh hơn trong Don Quixote của Cervantes, trong đó người phụ nữ được coi như một bông hoa mỏng manh, được yêu quý, bảo vệ và che chở tránh không cho tiếp xúc với thế giới.

Trong tác phẩm hiện đại, những phản ứng phản bác quyền bình đẳng của phụ nữ nói chung nhấn mạnh việc mất đi vẻ duyên dáng, bí ẩn và ngọt ngào khi phụ nữ tham gia vào những hoạt động và những chức năng trước đó chỉ dành cho đàn ông. Tuy nhiên ít có tác gia nào kêu gọi trở lại tình trạng trước khi John Stuart Mill viết nên thỉnh nguyện đòi quyền bình đẳng và quyền đi bầu cho phụ nữ. Ông viết, “Ngày nay không ai còn cho rằng phụ nữ phải ở trong cảnh tôi đòi cá nhân; rằng họ không được có tư tưởng, ước mơ, hoặc nghề nghiệp, mà phải là kẻ lao dịch trong nhà cho các ông chồng, các ông bố, hoặc các anh em trai”. Ông nói không ai muốn quay trở lại thời kỳ mà phụ nữ không thể “quản lý tài sản, và có những sở thích tiền tài và công việc giống kiểu của đàn ông”. Từ thời của Mill, không ai – hoặc khó có ai – ủng hộ việc quay trở lại những ngày tháng vàng son cũ.

—???—

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. LẼ CÔNG BẰNG LÀ GÌ? – TIẾN SĨ MORTIMER J.ADLER

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP