HÃY BIẾT CHÍNH NGƯƠI

TAITETSU UNNO

Trích “Sông Lửa Sông Nước” Tác giả: Taitetsu Unno Người dịch: An Cư NXB Thiện Tri Thức

🌾🌾💦🌾🌾
SÔNG LỬA SÔNG NƯỚC – TAITETSU UNNO

Lời tuyên bố của Hy Lạp cổ “Hãy biết chính ngươi” áp dụng cho nhiều giáo lý tôn giáo và triết học. Những câu chuyện đầy dẫy trong văn học Phật giáo thuyết giảng sự trọng yếu của tự tri. Nhưng thực sự hiểu chính mình là một vấn đề gai góc, đầy mọi loại thử thách và chướng ngại. Khó nhất là khả năng kỳ lạ tự đánh lừa mình, rằng nhờ một số kinh nghiệm phi thường – linh kiến, thần lực siêu nhiên, thấy biết huyền bí – chúng ta hoàn thành một loại tự hiểu biết. Thật ra, Phật giáo nói rằng chúng chỉ làm dày thêm sự tự mê lầm của chúng ta.

Nhiều năm trước trong một cuốn sách ở trường tôi thấy một tranh hoạt họa về những ứng cử viên, họ giảo hoạt, họ nhắm đến những người Bắc đi vào Nam sau nội chiến lập nghiệp. Họ đeo đồ của họ trong những cái túi, một cái trước mặt và một cái sau lưng, cột dây trên vai. Họ thấy cái túi đằng trước, nhưng không bao giờ thấy cái sau lưng. Tự hiểu biết cũng tương tự như vậy. Chẳng hạn chúng ta sẵn sàng chấp nhận những lỗi lầm chúng ta biết, nhưng không bao giờ với những lỗi lầm chúng ta không thể thấy, dù chúng rất rõ ràng với người khác.

Vấn nạn này cắm rễ trong lối suy nghĩ nhị nguyên, quy ước, chia thực tại thành chủ thể và đối tượng, người biết và cái được biết. Không thể thực hiểu biết mình chừng nào người biết còn đối tượng hóa chính nó. Trong khi tìm cách hiểu biết như vậy, người biết luôn luôn lùi vào hậu trường và không tìm thấy được ở đâu cả. Tình trạng lưỡng nan này đã được nhiều triết gia chỉ ra. Chúng ta thấy chẳng hạn con mắt không thể thấy chính nó, cái dao không thể cắt chính nó, môi không thể tự hôn nó.

Cách độc nhất chúng ta có thể tự biết mình là trở thành chính mình. Hiểu biết bằng trở thành nghĩa là sự làm chủ hoàn toàn, bởi vì không có hố ngăn cách ý niệm giữa người biết và cái được biết, hay giữa “người khiêu vũ và sự khiêu vũ”, trích lời William Butler Yeats. Trong những truyền thống Á châu điều này đôi khi được nói đến như hiểu biết với thân thể ; nó cũng được ám chỉ như hiểu biết nhập thân hay trí huệ thể nghiệm. Bởi vì hiểu biết bằng trở thành bao hàm thân thể, nó vượt qua thông hiểu lý trí.

Một lần tôi nghe một buổi thuyết giảng của một nhà phân tâm học lỗi lạc người Nhật, ông áp dụng nguyên lý hiểu biết bằng trở thành này trong thực hành chữa bệnh. Ông nói rằng, chẳng hạn khi ông có một người bệnh có căn bản là Chân tông, ông yêu cầu người đó đọc một đoạn tuyển chọn từ Tannisho một trăm lần. Cũng thế, một người bệnh có căn bản là Thiên Chúa giáo sẽ được yêu cầu đọc những chương và những đoạn thơ từ Tân Ước một trăm lần. Nếu không đọc được kỹ, sâu, ông đòi hỏi những câu đoạn, ý nghĩa nhất được chép ra một trăm lần. Điều này chắc chắn làm cho người đọc đồng hóa chính mình hoàn toàn với điều nó đọc.

Chẳng hạn đoạn sau đây từ Tannisho IV có thể vang động đối với một người đang cố gắng giúp đỡ một người bạn trong cơn tuyệt vọng : “Trong đời này sự thương xót và thiện cảm chúng ta cảm thấy đối với những người khác có nhiều đến thế nào cũng không thể giúp đỡ họ như chúng ta thực sự muốn ; như thế lòng bi của chúng ta thì không bền bỉ và giới hạn.” Việc này còn hơn chỉ đọc một bản văn, vì người ta không chỉ biết điều được nói đến mà còn kinh nghiệm được mọi điều được nói. Theo Hans-Georg Gadamer, cũng đúng như vậy khi đọc kinh văn Thiên Chúa giáo : “Sự thấu hiểu một bản văn không bắt đầu chừng nào bản văn còn câm lặng… Tuy nhiên khi nó bắt đầu được đọc lên, đó không chỉ là đọc những chữ, luôn luôn như nhau, trong sự khô cứng không đời sống, mà bao giờ cũng cho những câu trả lời mới cho người hỏi nó và bao giờ cũng đặt ra những câu hỏi mới cho người trả lời nó. Hiểu một bản văn là đi đến chỗ hiểu chính mình trong một loại đối thoại.”

Một trong những chức năng hàng đầu của kinh điển Phật giáo là đem đến ánh sáng cho những mặt còn dấu kín của người đọc mà anh ta chưa hề biết. Tuy nhiên sự đọc lập đi lập lại kinh điển sớm muộn gì cũng mở ra những chân lý sâu kín về người đọc mà trước giờ chưa được biết. Điều này tạo thành giai đoạn cho sự hiểu biết bằng cách trở thành. Khi người ta đọc kinh điển theo cách này, người ta cũng có thể đọc những kinh nghiệm hàng ngày như là sự dạy dỗ và đưa tới sáng tỏ.

Masao Hanada, một người bạn thân của nhà phân tâm học này, kể cho tôi nghe câu chuyện sau. Khi còn trẻ, ông chuyên tâm niệm Phật, nhưng ông không thỏa mãn với nó. Rất lý tưởng, ông vào một cộng đồng tôn giáo ở Kyoto. Cộng đồng này dựa trên những giáo lý của những tôn giáo thế giới và khuyến khích phụng sự xã hội như là thực hành chính yếu. Công việc này được làm một cách im lặng không công khai ồn ào. Để trau dồi tính khiêm tốn, họ đi lau chùi những cầu tiêu công cộng ở thành phố Kyoto.

Một buổi sáng Hanada đang quỳ gối lau chùi sàn toa-lét, khi ngẩng lên ông thấy những nhà doanh nghiệp áo quần tươm tất lật đật đi đến chỗ làm với cặp xách tay của họ. Trong khoảnh khắc, ông chợt nghĩ, “Mình tốt đẹp hơn tất cả bọn họ!” Ngay lúc đó, một cảm giác hổ thẹn sâu xa tràn ngập ông. Ở đây ông tự cho là đang thực hành khiêm hạ, nhưng lại tỏ ra kiêu ngạo, khẳng định sự hơn đời của mình. Lập tức ông nhận ra thực tại chân thật của ông, cái ta nhơ bẩn, và điều đó làm cho ông khiêm tốn thực sự.

Là những chúng sanh giới hạn, chúng ta không thể biết điều gì về thế giới. Điều này đặc biệt đúng trong thời buổi này với cơn thác lũ thông tin trên Internet tràn ngập cuộc sống chúng ta. Nhưng không có sự tự hiểu biết mình đích thực, cuộc đời chúng ta không trọn vẹn. Không hiểu biết thực sự chính mình, làm sao chúng ta có thể được hạnh phúc đích thực ? Làm sao chúng ta có thể hiểu biết tấm lòng và tâm thức của người khác ? Làm sao chúng ta có thể cảm kích biết ơn tình thương những người khác trải ra cho chúng ta ? Làm sao chúng ta có thể chết một cách chân chính khi thời gian của chúng ta trên trái đất này đến chỗ kết thúc?

 

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. ĐỆ TỬ CHÂN THẬT CỦA PHẬT
  2. MƯU MÔ CỦA CÁI THIỆN
  3. THỰC HÀNH TỊNH ĐỘ CHÂN TÔNG

Bài viết mới

  1. TRAO MỘT LỜI KHEN
  2. CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ CỨU CHỮA HAY GIẾT CHẾT TA
  3. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ