CÁCH GIỮ TẬP TRUNG KHI BẠN BẮT ĐẦU CHÁN MỤC TIÊU CỦA MÌNH

JAMES CLEAR

Trích: Atomic Habits - Thay Đổi Tí Hon Hiệu Quả Bất Ngờ; dịch giả: Vũ Phi Yên- Trần Quỳnh Như dịch; NXB Thế Giới, Cty sách Phương Nam

Sau khi sự nghiệp bóng chày của tôi kết thúc, tôi đi tìm môn thể thao mới cho mình. Tôi tham gia một đội cử tạ, và ngày nọ có một huấn luyện viên ưu tú ghé thăm phòng tập của chúng tôi. Trong sự nghiệp lâu dài của mình, ông ấy đã làm việc với hàng ngàn vận động viên, có cả vận động viên Olympic. Tôi giới thiệu mình với ông và chúng tôi bắt đầu nói về quá trình cải thiện.

“Điểm khác biệt giữa các vận động viên giỏi nhất và những người khác là gì?” Tôi hỏi. “Những người thật sự thành công đã làm gì mà người khác không làm?”

Ông ấy đề cập đến các yếu tố mà có thể bạn đã nghĩ đến: yếu tố di truyền, may mắn, tài năng. Nhưng rồi sau đó ông nói một điều tôi không ngờ: “Ở khía cạnh nào đấy nó phụ thuộc vào việc người ta có thể chịu đựng được sự nhàm chán của việc tập luyện hằng ngày hay không, nâng lên hạ xuống một cục tạ ngày này qua ngày khác.

Câu trả lời của ông làm tôi bất ngờ bởi vì đó là cách nghĩ khác biệt về đạo đức làm việc. Người ta hay nói muốn hoàn thành mục tiêu thì phải làm cho bản thân “hào hứng”. Dù là kinh doanh hay thể thao, bạn thường nghe những câu đại loại như, “Tất cả phụ thuộc vào niềm đam mê” Hay, “Bạn phải thật sự muốn nó.” Kết quả là, nhiều người trong chúng ta suy sụp khi ta mất tập trung hay mất động lực, bởi ta cho rằng người thành công có một nguồn đam mê không đáy. Nhưng vị huấn luyện viên này bảo rằng người thật sự thành công cũng cảm thấy thiếu động lực như người khác vậy. Điểm khác biệt là họ vẫn tìm cách có mặt thực hiện đều đặn bất chấp cảm giác nhàm chán.

Tinh thông một cái gì đó cũng đều đòi hỏi luyện tập. Nhưng khi bạn luyện tập càng nhiều, thì nó càng trở nên đáng chán và trở thành nếp thường. Ngay khi các lợi ích ban đầu đã đạt được và ta đã biết được điều gì sắp tới, mối quan tâm của ta bắt đầu giảm đi. Đôi khi nó còn xảy ra nhanh hơn. Bạn chỉ cần đúng giờ đến phòng tập nhiều ngày liên tiếp, hay đúng hạn đăng một vài bài viết trên blog, và rồi thế là có bỏ lỡ mất một ngày cũng không sao cả. Mọi việc đang chạy tốt. Thật dễ hợp lý hóa cho một ngày nghỉ bởi bạn đang trong trạng thái tốt đẹp.

Nguy cơ lớn nhất đối với thành công không phải là thất bại, mà là sự nhàm chán. Chúng ta chán thói quen bởi vì nó không còn làm ta hứng khởi nữa. Ta đoán được kết quả đầu ra và khi thói quen của ta trở nên bình thường, chúng ta bắt đầu chệch khỏi quỹ đạo tiến bộ, để tìm kiếm sự mới lạ. Có lẽ đây là lý do vì sao ta rơi vào một vòng tròn bất tận, nhảy hết từ môn rèn luyện này qua môn rèn luyện khác, từ chế độ ăn kiêng này sang chế độ ăn kiêng kia, hết ý tưởng kinh doanh này tới ý tưởng kinh doanh nọ. Ngay khi thấy động lực hơi hơi chìm xuống là ta bắt đầu tìm kiếm chiến lược mới – thậm chí cả khi cái cũ vẫn còn hiệu quả. Như Machiavelli viết, “Loài người khát khao mới lạ đến mức những kẻ đang làm tốt cũng mơ cầu thay đổi nhiều như những kẻ đang làm tệ”

Hẳn đây là lý do vì sao các sản phẩm có khả năng tạo lập thói quen đều là các sản phẩm cung cấp sự đổi mới liên tục. Phim khiêu dâm cung cấp cảm giác mới lạ về tình dục. Thức ăn vặt cung cấp cảm giác mới lạ về ẩm thực. Mỗi một trải nghiệm đều cung cấp yếu tố bất ngờ liên tục.

Trong tâm lý học, đây được gọi là phần thưởng đa dạng.
(Khám phá về phần thưởng đa dạng xảy ra một cách tình cờ. Một ngày nọ trong phòng thí nghiệm, nhà tâm lý học nổi tiếng B. E. Skinner bị cạn viên thức ăn nên trong một thí nghiệm, và làm thêm sẽ mất nhiều thời gian bởi vì ông phải tự tay nén thức ăn trong máy. Tình huống này khiến ông “tự hỏi vì sao phải củng cố mỗi một lần gạt cần”. Ông quyết định là chỉ cung cấp thức ăn cho chuột cách quãng – không liên tục, và thật ngạc nhiên, điều chỉnh đa dạng việc cho thức ăn như vậy không làm giảm đi hành vi, mà còn củng cố hành vi trong thực tế. (TG))

Máy xổ số là ví dụ phổ biến nhất trong đời thực. Thỉnh thoảng sẽ có một tay bạc trúng giải độc đắc nhưng không thể dự đoán vào khoảng thời gian nào. Nhịp độ của phần thưởng là khác nhau. Sự đa dạng này dẫn tới một liều dopamine khổng lồ, tăng cường gợi nhớ ký ức, và tăng tốc độ hình thành thói quen.

Phần thưởng đa dạng không tạo ra cơn thèm muốn – nghĩa là, bạn không thể đem một phần thưởng mà người ta không hứng thú ra đưa cho họ vào lúc này hay lúc khác, và hy vọng rằng họ sẽ đổi ý – nhưng đó là cách hiệu quả để khuếch đại cơn thèm muốn mà ta đã trải qua, bởi lẽ phần thưởng đa dạng giảm bớt sự nhàm chán.

Điểm mốc khao khát ngọt ngào ấy xảy ra trong khoảng chia 50/50 giữa thành công và thất bại. Phân nửa thời gian bạn có được cái bạn muốn. Phân nửa còn lại thì không. Bạn cần chỉ vừa đủ “thắng lợi” để cảm thấy hài lòng và vừa đủ “thèm muốn” để cảm thấy khao khát. Đây là một trong các lợi ích của việc làm theo Quy tắc Goldilocks. Nếu bạn đã sẵn hứng thú với một thói quen nào đó, thì làm việc trên các thử thách có độ khó vừa đủ xoay xở là một cách tốt để giữ hứng thú ấy.

Dĩ nhiên, không phải tất cả thói quen đều có một thành tố phần thưởng đa dạng, và bạn cũng sẽ không muốn thế đâu. Nếu Google chỉ thỉnh thoảng mới cho ra kết quả tìm kiếm vừa ý, tôi chắc chắn sẽ nhanh chóng chuyển sang bộ máy tìm kiếm khác. Nếu Uber chỉ đón tôi phân nửa số lần đặt xe, tôi không tin mình sẽ tiếp tục sử dụng dịch vụ đó nữa. Và nếu tôi đánh răng mỗi tối mà năm thì mười họa mới thấy sạch miệng thì chắc tôi cũng thôi đánh răng.

Dù có phần thưởng đa dạng hay không thì chẳng có thói quen nào sẽ gây hứng thú mãi mái. Ở mặt nào đấy, tất cả mọi người đều phải đối mặt với cùng một thách thức trên chặng đường cải thiện bản thân: Bạn phải học cách yêu lấy sự nhàm chán.

Tất cả chúng ta đều có mục tiêu muốn đạt được và những ước mơ muốn hoàn thành, nhưng bất kể bạn đang muốn tốt hơn trong lĩnh vực nào, nếu bạn chỉ thực hiện nhiệm vụ khi thấy tiện hay có hứng thì sẽ chẳng bao giờ bạn đủ kiên định để đạt được kết quả đáng nể.

Tôi có thể đảm bảo nếu bạn đã xoay xở khởi đầu được một thói quen và đã duy trì được nó một đoạn thời gian, thì chắc chắn sẽ có lúc bạn cảm thấy muốn từ bỏ. Khi bạn bắt đầu một doanh nghiệp, sẽ có ngày bạn chẳng muốn tới công ty. Khi bạn ở phòng gym, rồi sẽ có set bài tập nào đấy bạn chẳng muốn hoàn thành. Khi đến lúc phải viết, sẽ có ngày bạn chẳng muốn gõ chữ nào. Bằng cách dẫn bước khi những việc này trở nên quá phiền phức, quá khổ sở hay quá mệt mỏi, đó chính là khác biệt giữa một người chuyên nghiệp và một người nghiệp dư.

Người chuyên nghiệp bám sát thời gian biểu, người nghiệp dư để cuộc sống chen vào. Người chuyên nghiệp biết điều gì quan trọng với họ và nỗ lực thực hiện có chủ đích, người nghiệp dư để những thứ cấp bách của đời sống kéo mình chệch hướng.

David Cain, một tác giả và là giáo viên dạy thiền, đã động viên học viên của mình tránh làm một “người tập thiền tùy thời”. Tương tự, bạn hẳn cũng không muốn mình là một vận động viên tùy thời, một cây bút tùy thời, hay một người gì đó tùy thời đâu nhỉ. Khi một thói quen thật sự quan trọng với bạn, bạn cần phải sẵn lòng duy trì trong mọi tâm trạng. Những người chuyên nghiệp hành động ngay cả khi tâm trạng không tốt. Họ có thể không tận hưởng nó, nhưng họ cố gắng tìm cách để lặp đi lặp lại thói quen ấy.

Có nhiều set bài tập tôi không muốn thực hiện chút nào, nhưng tôi chưa bao giờ hối tiếc vì đã rèn luyện thân thể. Có nhiều bài viết tôi chẳng hề muốn động đến, nhưng chưa bao giờ tôi phải hối tiếc vì đã đăng bài đúng lịch. Có nhiều ngày tôi chỉ muốn nghỉ ngơi thư giãn, nhưng tôi chưa bao giờ phải hối tiếc vì đã luôn có mặt và nỗ lực làm gì đó quan trọng với mình.

Cách duy nhất để trở nên xuất sắc là không ngừng cảm thấy kinh ngạc với việc làm đi làm lại cùng một việc. Bạn cần phải yêu mến sự nhàm chán.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. TIẾN TRÌNH HAI BƯỚC ĐỂ THAY ĐỔI ĐẶC TÍNH CỦA BẠN
  2. TÍNH TRÁCH NHIỆM CỦA HỢP ĐỒNG THÓI QUEN
  3. NẾU MỘT THẤT BẠI KHÔNG MANG TỚI CẢM GIÁC ĐAU ĐỚN, KHÓ CHỊU GÌ, NÓ SẼ BỊ LỜ ĐI

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP