HÃY ĐỂ TRÍ TUỆ KHỞI SINH

HELEN TWORKOV

YONGEY MINGYUR RINPOCHE

Trích: Sống Chết Mỗi Ngày; Việt dịch: Sen Xanh; NXB Hà Nội, 2021

—🌼🌸🌼—

Cha tôi thường nói: Nếu con không nhận ra sự thật của vô thường, con không thể đạt được chứng ngộ chân thật. Con phải để cho những ảo ảnh về cái tôi chết đi. Chỉ khi đó trí tuệ đích thực mới khởi sinh. Chỉ với cái chết của cái tôi này chúng ta mới có thể biết đến tự do. Rốt cuộc thì đây chính là lý do mà tôi thực hiện hành trình này. Nhưng tôi đã không lường trước được rằng có quá nhiều cái mới lạ xảy ra cùng một lúc.

Thuật ngữ cái tôi hoặc bản ngã thường được sử dụng để mô tả lớp vỏ bề ngoài được dựng lên bởi cái tôi luôn tự cho mình là trung tâm. Chúng ta thường nói về việc buông bỏ cái tôi, làm nó tan biến, hoặc chuyển hóa nó. Bản thân tôi đã nghĩ về việc thêm củi vào lửa như là một sứ mệnh để tiêu diệt bản ngã này. Tuy nhiên, cách sử dụng thông thường của cái tôi – xét cả trong phạm vi giáo lý của nhà Phật và ở thế giới bên ngoài – đều khiến cái tôi nghe như một thực thể có hình tướng, và có thể được tách ra như cách ta nhổ một cái răng. Mọi việc không như vậy. Cái tôi không phải là một đồ vật. Hơn thế, nó là một quá trình bén rễ của khuynh hướng chấp thủ, bám nắm vào những ý niệm và nhận dạng cố định. Những gì được cho là cái tôi thì thực sự là một nhận thức luôn thay đổi, và mặc dù nó thường xuất hiện ở trung tâm mọi câu chuyện của chúng ta nhưng nó không phải là một sự vật. Do vậy cái tôi không thể thực sự chết đi, và không thể bị tiêu diệt hoặc chuyển hóa. Khuynh hướng bám chấp này khởi sinh khi chúng ta nhận lầm dòng tương tục của thân và tâm như là một cái tôi chắc thật, bất biến. Chúng ta không cần loại bỏ cái tôi, hay chính là cái cảm giác bất biến, chắc thật và không lành mạnh về bản ngã này, bởi ngay từ đầu nó chưa từng tồn tại. Điểm mấu chốt là không hề có một cái tôi để tiêu diệt. Chính cái niềm tin về một cái tôi bất biến trường tồn sẽ chết đi. Từ bản ngã hay cái tôi có thể vẫn hữu ích để dùng làm tên gọi tham chiếu, nhưng chúng ta cần phải cẩn thận để không tự khiến mình phải đấu tranh với một thứ không có thật. Nghịch lý thay, khi đấu tranh với cái tôi, chúng ta lại càng làm mạnh thêm ảo giác về cái tôi, khiến nỗ lực tỉnh thức của mình bị phản tác dụng.

Bởi cái tôi thường xuyên được gắn nhãn tiêu cực, đặc biệt là dưới cái nhìn của những Phật tử, nên cha đã chủ định nhắc nhở tôi rằng chúng ta cũng có một cái tôi lành mạnh – một cảm giác lành mạnh về bản ngã. Điều này liên quan đến khía cạnh của cái tôi mà nó hiểu được đúng sai bằng trực giác, có thể phân biệt giữa bảo vệ và gây hại, và hiểu được điều gì là tốt đẹp và thiện lành một cách bản năng. Chúng ta tự vấp ngã chỉ khi bản thân trở nên bám chấp vào những bản năng cơ bản này và thổi phồng những câu chuyện xung quanh chúng. Ví dụ, tôi đã dùng cái tôi theo một cách tích cực để khám phá và duy trì kỷ luật tự viện. Nhưng nếu tôi lại nghĩ rằng: Ồ, mình thật là một vị tăng thanh tịnh, đã giữ gìn những giới nguyện của mình thật hoàn hảo, thì tôi sẽ gặp rắc rối.

Khi quán xét những khó khăn của mình trong hoàn cảnh quá nhiều những điều mới lạ xảy ra cùng một lúc, tôi có thể thấy bản ngã như là một quá trình, chứ không phải là một thứ cứng đặc. Tôi đã không thể để cho tất cả những định danh trước đây của tôi chết cùng một lúc. Tôi cần thời gian, phải xử lý từng lớp vỏ. Tôi đã chấp nhận rằng những vai trò mà bản thân mong muốn ném lên giàn thiêu đều là giả tạo, mà không phải là thuộc tính cố hữu với bản thể của tôi. Nhưng cũng không thể tách chúng ra bằng một ca phẫu thuật y học. Tôi đã trưởng thành trong những vai trò đó, và tôi cần phải vượt thoát ra khỏi chúng.

Khi đoàn tàu rầm rập xuyên đêm, tôi tiếp tục cảm nhận sự tách biệt kỳ cục của mình với những người đồng hành trên chuyến tàu, với chính tôi, và với cuộc sống ngày hôm qua của tôi. Tôi dường như hiểu được điều gì đang diễn ra nhưng chưa từng có một trải nghiệm sâu sắc như vậy. Tôi đã ước gì mình có thể lột được những lớp vỏ bên ngoài, nhưng chúng không dễ dàng như khi ta lột một lớp băng keo. Trong quá trình này, chúng cũng không hoàn toàn thụ động mà liên tục đấu tranh để được giữ nguyên vẹn, như thể muốn nói rằng: Nếu bạn không tôn trọng tấm áo tăng của nhà Phật, tôi sẽ mặc chúng một cách kiêu hãnh hơn. Nếu bạn không thể chấp nhận rằng tôi là một con người biệt lập, tôi sẽ tự tách biệt bản thân mình, thậm chí chấp nhận rủi ro phải chịu khổ đau. À, con khỉ xảo quyệt đây mà, nó đang tận hưởng một khoảng thời gian tuyệt vời. Nhiệm vụ chính của nó là thuyết phục chúng ta rằng sâu trong mớ bòng bong của các thứ giả hợp được gắn vào nhau này có một cái tôi thực sự, một bản ngã chắc thật, cốt yếu không thể thay đổi, rằng chúng ta phải vững tin vào giả tưởng và những thói quen của nó.

Tôi thường xuyên tự nhắc nhở mình những điểm quan trọng, với kiểu lặp lại như đọc thần chú. Thần chú (mantra) có ý nghĩa là “bảo hộ tâm thức”, và đây chính là những gì tôi đang cố gắng làm, bảo vệ tâm khỏi đi lạc quá xa vào những mối liên kết với sự sợ hãi. Nhưng nỗ lực này bị thất bại bởi tôi đã không thể thực sự vượt qua cách phản ứng của mình với hoàn cảnh hiện tại, có nghĩa là tôi đang cầu nguyện cho họ – những người khốn khổ khác đang ở trên tàu. Lại một lần nữa, tôi rơi vào vùng giá băng co cứng. Tôi không muốn những con người xa lạ bất hạnh trong những bộ quần áo rách nát với mái tóc bện đầy rận này ngã vào người mình mỗi lần tàu rung lắc. Vâng, tôi nguyện trở thành một yogi hạnh phúc trong mọi tình huống. nhưng ngoại trừ những đứa trẻ khóc lóc này… và mùi hôi thối từ những chiếc toa-lét bị tràn… Bây giờ tôi là ai? Ai đã để cho những giác quan mắt, tai, mũi và xúc chạm đầy gai góc này giăng bủa như một tấm mạng nhện khiến tôi trở nên bé nhỏ, khó chịu và cô đơn?

Tại một điểm dừng, tôi đã có thể chuyển từ sàn tàu lên ngồi ở băng ghế gỗ và dựa lưng vào thành ghế. Tôi biết rằng nếu thực sự muốn được thoải mái hơn, tôi sẽ phải tìm được điểm cân bằng giữa trí óc và con tim. Tôi ngồi thẳng dậy và hạ thấp tầm nhìn của mắt. Trong vài phút, tôi chỉ ngồi yên và cố gắng hết sức để thư giãn thân và tâm mình.

Trước tiên, tôi hướng tâm mình nhẹ nhàng an trú trên hơi thở và theo dõi nó.

Rồi tôi đưa sự nhận biết của mình trở lại với cảm giác ở xung quanh lỗ mũi, nơi không khí đi vào cơ thể.

Nhận biết luồng khí mát lúc hít vào.
Nhận biết luồng khí ấm lúc thở ra.
Nhận biết trái tim đang đập.
Nhận biết máu đang lưu thông.
Nhận biết bụng đang giãn ra, co lại.
Nhận biết lồng ngực đang giãn ra, co lại.

Sau một vài phút, tôi thực hành thêm suy tư quán chiếu. Điều này có nghĩa là suy tư bằng trái tim chứ không phải bằng khối óc. Tôi vẫn nhận biết được những cảm giác nhưng thêm vào một phương diện của sự thay đổi. Cơ thể tôi đang chuyển động… thay đổi… hơi thở này đang đi vào và đi ra… thay đổi. Tôi đang hít vào luồng không khí mới, thay đổi, tôi đang thở ra luồng khí cũ, thay đổi.

Tôi là một phần của vũ trụ này. Luồng không khí này là một phần của vũ trụ này. Với mỗi hơi thở, vũ trụ này thay đổi. Với mỗi lần hít vào, vũ trụ thay đổi. Với mỗi lần thở ra, vũ trụ thay đổi.

Mỗi hơi hít vào tràn đầy buồng phổi. Mỗi hơi hít vào đưa oxy vào máu. Thay đổi. Cơ thể thay đổi.

Mỗi cảm giác đều là tạm thời. Mỗi hơi thở đều là tạm thời, mỗi nhịp lên xuống đều là tạm thời. Tất cả đều đang thay đổi, đang chuyển hóa.

Với mỗi hơi thở ra, một cái tôi cũ chết đi.
Với mỗi hơi thở vào, một cái tôi mới sinh ra.
Hình thành, đổi mới, chết đi, tái sinh, thay đổi.

Khi cơ thể tôi thay đổi, tất cả những người tôi biết cũng đều như thế. Thân thể của mọi người trong gia đình tôi, các bạn của tôi đều đang thay đổi.

Hành tinh này đang thay đổi.
Các mùa đang thay đổi.
Các chế độ chính trị đang thay đổi.
Các tu viện đang thay đổi.
Toàn thể vũ trụ đang thay đổi.
Vào. Ra. Phồng lên, xẹp xuống.

Tôi tiếp tục duy trì sự nhận biết về chuyển động và những cảm giác đồng thời đưa thêm vào bất kỳ điều gì xuất hiện trong đầu tôi: Con tàu này đang thay đổi. Các bộ phận của nó đang mòn dần đi từng phút giây. Nhà ga Gaya đang từ từ mục nát, người đàn ông đi ngang qua sảnh tàu mặc chiếc áo sơ mi kẻ sọc đang già đi, em bé trong lòng người mẹ mặc chiếc sari đỏ đang lớn lên, những chú tiểu tại tu viện của tôi đang học những bài học mới.

Sau khoảng mười đến mười lăm phút, tôi chỉ an trú trên cảm giác của mình. Sau vài phút nữa, tôi đưa tâm mình ra khỏi cảm giác và chỉ an trú trên chính sự nhận biết, đó là phẩm tính sống động có thể ghi nhận những cảm giác với một sự trong sáng nguyên sơ vượt ngoài khái niệm. Và tôi trụ trong trạng thái đó khoảng mười đến mười lăm phút nữa.

Khi chúng ta bám chấp vào những niềm tin và kỳ vọng của mình thì sự mê lầm sẽ khởi sinh che mờ tính sáng tỏ vốn có của tâm giác ngộ. Đồng thời, tâm phân biệt mê lầm này đơn giản là không có khả năng hiểu được cái tâm vượt trên những khái niệm. Chúng ta sử dụng ngôn ngữ để diễn tả sự tỉnh thức, sự nhận biết, tính không, sự sáng tỏ rỗng rang, sự giác ngộ, sự chứng ngộ, và tất cả các loại khái niệm vốn khó có thể diễn tả. Ngôn từ có thể chỉ ra con đường, và dĩ nhiên ta có thể trải nghiệm trạng thái tỉnh thức nội tại, nhưng chúng ta không thể diễn đạt được nó là như thế nào. Và những hình dung chúng ta có về sự tỉnh thức vẫn còn rất xa so với trải nghiệm thực tế. Điều này càng trở nên rõ ràng một khi chúng ta bắt đầu rèn luyện tâm mình.

Hầu hết những người mới tu đều nghĩ rằng thiền định đồng nghĩa với bình an. Nếu tự cảm thấy bình an thì họ kết luận rằng bản thân đang thực hành đúng. Ngay sau đó một ý nghĩ phiền nhiễu xuất hiện hoặc một cảm xúc nổ ra, họ liền xác định ngay đó là một vấn đề. Không ai thích sự phiền nhiễu cả. Chúng ta bắt đầu dành sự ưu ái cho cái nhìn nhị nguyên. Chúng ta muốn đại dương bình yên không có sóng. Khi những con sóng nổi lên, chúng ta than rằng mình không thể thiền định, hoặc cho rằng sự hiện diện của những con sóng này có nghĩa là bản thân đang hành thiền không đúng đắn. Nhưng dẫu sao thì những con sóng vẫn luôn luôn xuất hiện. Chính cách chúng ta hiểu về chúng mới tạo ra sự thay đổi. Chúng ta có thể nhìn nhận những con sóng này như những con quỷ đang đe dọa bản thân và cố gắng xua đuổi chúng đi. Chúng ta có thể áp dụng một số kỹ năng nào đó của tâm để làm dịu chúng xuống, hoặc giả vờ không chú ý đến chúng hay cố gắng phủ nhận sự hiện diện của chúng. Nhưng cố gắng thoát khỏi những con sóng chẳng mang lại cho ta tự do; và thực tế, nếu bạn xem xét cái tâm đang cố gắng thoát khỏi những con sóng này, bạn sẽ phát hiện ra rằng chính cái tâm đang mắc kẹt vào đó. Nó chỉ đang khiến việc bé xé ra to mà thôi. Chúng ta có thể nói một cách lý trí với chính mình rằng: Những con sóng này thực sự trống rỗng. Chúng ta có thể mượn những ý tưởng và khái niệm về tính không và sử dụng lập luận lô-gíc để khiến mình tin rằng con sóng này không thực sự là một con quỷ. Nhưng trái tim của chúng ta vẫn cảm nhận thấy mối nguy hiểm, và phản ứng lại để bảo vệ bản thân mình. Điều này mô tả giai đoạn đầu tiên khi thực hành luyện tâm.

Trong giai đoạn tiếp theo, chúng ta được hướng dẫn cách để cho tâm thức trụ trên khía cạnh không phân biệt và rỗng rang của tâm, khía cạnh mà tâm vượt thoát khỏi giới hạn của bản ngã. Những con sóng có thể vẫn đáng sợ, nhưng chúng ta bắt đầu thoáng nhìn thấy sự rộng mở vô tận của tầng nước ngay bên dưới chúng, và điều này giúp cho ta tự tin hơn khi để mặc chúng như vậy. Chúng ta vẫn chưa nhìn nhận chúng chỉ là những con sóng, nhưng cái thấy biết đã trở nên rộng lớn hơn nhiều so với chính những con sóng ấy. Những mối bận tâm cá nhân về sợ hãi và mất mát, về sự chối bỏ và tự buộc tội vẫn còn đó, nhưng chúng không choán hết mọi khoảng trống trong tâm ta. Tâm thức cứng nhắc của chúng ta đã thả lỏng hơn một chút. Rồi một khi tự nhận ra rằng con người thực của mình tồn tại trong một trải nghiệm khách quan bao la của thực tại, thì những câu chuyện tương tự thế này sẽ không còn ảnh hưởng đến chúng ta nhiều nữa. Chúng ta có thể bắt đầu nghĩ rằng: Ô, có một con sóng đang hình thành trên bề mặt tâm thức tôi.

Hoặc: Có một con quỷ đang ở trong đầu tôi. Được thôi, không vấn đề gì. Chúng ta có thể ghi nhận vấn đề mà không cần phản ứng với nó. Chúng ta nhìn thấy nó, nhưng không cảm nhận nó nhiều như trước đây nữa. Lúc này, cái hiểu về tính không không chỉ dừng lại ở cái đầu lý trí mà đã trở thành một trải nghiệm được cảm nhận bởi con tim. Chúng ta càng an trú trong sự nhận biết về một cái tâm bao la rỗng rang và càng khai mở trí tuệ về tính không bao nhiêu, thì chúng ta càng ít phải chịu tác động của sự nhiễu loạn hơn bấy nhiêu. Con sóng vẫn ở đó, nhưng bây giờ nó chỉ còn là một chuyển động nhỏ bé trong cái bao la của đại dương. Nhưng tại thời điểm này, chúng ta vẫn đang bị mắc kẹt trên bề mặt với những con sóng, và mất đi mối liên hệ với lớp nước đại dương sâu bên dưới.

Ở giai đoạn thứ ba, con sóng không còn xuất hiện như một vấn đề cần giải quyết nữa. Dù là con sóng lớn hay nhỏ thì chúng ta không bị mắc kẹt ở đó. Chúng ta đã có thể thoải mái nghỉ ngơi trong lòng đại dương.

Đại dương không trở nên an dịu và tĩnh lặng. Đó không phải là bản chất của đại dương. Nhưng bây giờ bản thân đã trở nên quá quen thuộc với sự rộng mở của cả đại dương, đến nỗi ngay cả những con sóng lớn nhất cũng không còn làm phiền chúng ta được nữa. Đây là cách chúng ta có thể trải nghiệm những suy nghĩ và cảm xúc của mình ngay bây giờ, thậm chí cả những điều mà bản thân đã mất cả đời để cố gắng thoát khỏi. Mỗi chuyển động của tâm và mỗi phản ứng cảm xúc vẫn chỉ là một con sóng nhỏ trên bề mặt rộng lớn của tâm tỉnh thức.

Mặc dù tâm luôn luôn tự do, nhưng nó vẫn còn bị giam cầm trong những mối ràng buộc do chính nó tạo ra. Việc tập trung vào một đối tượng của giác quan có thể bảo vệ tâm thức khỏi cảm giác bị choáng ngợp bởi những con sóng. Ví dụ, việc chú tâm vào một bông hoa, hoặc quan sát làn khói từ một nén nhang có thể bảo vệ tâm thức khỏi sự ám ảnh bởi mối bất hòa trong hôn nhân, hay một vụ làm ăn đau đầu. Kiểu tập trung như thế có thể tạo ra một sự nhẹ nhõm tạm thời. Tuy nhiên, nó vẫn không giúp chúng ta trải nghiệm được tự do. Khi kết nối được với cái thấy biết của chính mình thì chúng ta có thể dung chứa bất cứ thứ gì khởi sinh, đó có thể là những con sóng lớn khi người thân yêu mất đi, mối quan hệ chấm dứt và những con sóng nhỏ khi máy tính bị hỏng hay chuyến bay bị trễ. Không một con sóng nào giữ nguyên hình dáng của nó, tất cả những đỉnh sóng đều đổ xuống. Hãy để chúng đổ xuống. Hãy để chúng trôi đi. Hãy lớn hơn ý nghĩ, lớn hơn cảm xúc. Mọi thứ đều luôn luôn tuôn chảy. Bằng cách để mọi thứ như cách chúng hiện hữu, chúng ta chỉ đơn thuần cho phép chúng tự chuyển động. Chúng ta có thể nhận ra những cảm xúc ưa thích hoặc ham muốn, nhưng việc đuổi theo chúng sẽ chặn lại dòng chảy của sự đổi thay. Sự nhận biết chứa đựng sự vô thường, chứ không phải điều ngược lại. Nhưng chúng đều có một điểm chung, đó là sự giải thoát của chúng ta đến từ sự nhận ra (tính biết và tính vô thường).

Để mọi thứ như chúng là giúp chúng ta có thể nhận ra rằng chân tâm tự tính của chúng ta đã tự do thoát khỏi mọi vấn đề, mệt mỏi và khổ đau, và nó vốn luôn luôn là như vậy. Khi ngừng cố gắng khiến cho mặt biển dừng lặng, và chấp nhận rằng bản chất rất tự nhiên của đại dương là đổi thay, chúng ta sẽ bắt đầu trải nghiệm sự tự do bên trong này.

—🌼🌸🌼—

Bình luận


Bài viết khác của tác giả HELEN TWORKOV

  1. BẠN SẼ LÀM GÌ TRONG BARDO?
  2. CƠ THỂ LÀ CĂN NHÀ CỦA MỘT TÂM BÁM CHẤP
  3. NHẬN BIẾT CON SÓNG NHƯNG TRỤ LẠI NƠI ĐẠI DƯƠNG

Bài viết khác của tác giả YONGEY MINGYUR RINPOCHE

  1. BẠN SẼ LÀM GÌ TRONG BARDO?
  2. CƠ THỂ LÀ CĂN NHÀ CỦA MỘT TÂM BÁM CHẤP
  3. NHẬN BIẾT CON SÓNG NHƯNG TRỤ LẠI NƠI ĐẠI DƯƠNG

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP