ĐỪNG SỐNG QUÁ HIỀN LÀNH

HAE MIN

Trích: Yêu Những Điều Không Hoàn Hảo; Người dịch: Nguyễn Việt Tú Anh; NXB Thế giới; Công ty VH-TT Nhã Nam, 2020

Khi còn nhỏ, bạn có thường được khen là hiền lành? Bạn có phải là đứa trẻ không bao giờ cãi lời cha mẹ hoặc thầy cô, gặp chuyện khó khăn cũng cố gắng chịu đựng mà không than phiền tiếng nào? Rồi bây giờ, khi đã trưởng thành, bạn có luôn chịu trách nhiệm và hết mình với công việc được giao cũng như luôn cố gắng để không làm ảnh hưởng đến người khác? Bạn có phải là người dù gặp phải kẻ gây khó dễ cho mình, dù bị đối xử bất công vẫn suy nghĩ rằng chỉ cần mình chịu đựng là được nên cứ thế im lặng cho qua mọi chuyện? Và bạn có phải là người không thể nói lên những điều khiến người khác khó chịu hay làm họ tổn thương? 

Càng những người “hiền lành” như vậy lại càng dễ mắc bệnh trầm cảm hay chứng rối loạn hoảng sợ, cũng như các bệnh về tâm lý khác nảy sinh giữa những mối quan hệ trong gia đình hoặc nơi làm việc. Điểm chung của những người hiền lành này là cách nói chuyện từ tốn, thái độ nhã nhặn và rất biết nhường nhịn người khác. Cho dù bản thân cũng có điều muốn làm hay có lối suy nghĩ khác đi chăng nữa, họ vẫn luôn sẵn sàng chiều theo ý đối phương. Không chỉ một hai lần tôi chứng kiến và cảm thấy đáng tiếc cho những người hiền lành như vậy, sao ông trời lại vô tâm ban cho họ cõi lòng nhiều khổ tâm đến thế. 

Thực ra hồi còn nhỏ tôi cũng là một đứa trẻ hướng nội và dễ bảo nên rất hay được khen ngoan. Tôi đã tưởng rằng làm một cậu con trai hiền lành không khiến cha mẹ phiền lòng, một học trò ngoan ngoãn luôn nghe lời thầy cô là việc tốt. Thế nhưng khi sang Mỹ học, lần đầu tiên tôi nhận ra rằng chỉ biết sống hiền lành thôi thì không ổn. Khi làm bài tập nhóm với những người thông minh và cá tính, tôi thường bị đùn đẩy cho phần mà ai cũng tránh. Tôi luôn cho qua, vì nghĩ rằng chuyện đó cũng không có gì là không tốt, nhưng những tình huống tương tự cứ lặp đi lặp lại khiến tôi căng thẳng vô cùng. Và chỉ một mình tôi khốn khổ bởi điều này. Khi tôi kể chuyện này cho một đàn anh thân thiết người Mỹ, anh đã khuyên tôi rằng: 

“Hãy trở thành một người hiền lành với chính bản thân mình trước khi hiền lành với người khác!” 

Khoảnh khắc đó, tôi cảm giác như mình bị ai đó đánh thật mạnh vào gáy. Trước đó tôi đã sống mà luôn lo lắng không biết người khác sẽ nghĩ gì về mình. Tôi chưa bao giờ thực sự nghĩ tới việc lo lắng, yêu thương chính bản thân mình cả. 

Sống hiền lành là như vậy đấy. Khi chúng ta gọi một người nào đó là hiền lành, nghĩa là chúng ta đang nói về một người không nhấn mạnh chủ kiến của mình và luôn nghe theo yêu cầu của người khác. Cho dù rõ ràng cũng có điều muốn nói, muốn làm nhưng họ hiếm khi thể hiện ra mà luôn thuận theo ý kiến, chủ trương của người khác. Người luôn nghe lời người khác như vậy dĩ nhiên là một người dễ chịu, một người tốt, một người hiền lành. Tóm lại, dường như chúng ta luôn gọi những người không thể hiện hoặc đè nén nhu cầu của bản thân vì người khác là người “hiền lành”. 

Tuy không thể khẳng định một trăm phần trăm nhưng khi trò chuyện với những người “hiền lành“ mắc bệnh tâm lý như trầm cảm ta có thể nhận thấy vài khuynh hướng chung trong mối quan hệ giữa họ với cha mẹ hoặc những người dưỡng dục họ. Ví dụ, trong số họ có nhiều người lớn lên dưới sự nuôi dưỡng của một ông bố gia trưởng hoặc một bà mẹ nghiêm khắc. Hay một ví dụ khác, có những người lớn lên với nhiều anh chị em, không được cha mẹ quan tâm nên luôn có xu hướng làm mọi thứ cha mẹ muốn để được công nhận. Một số trường hợp khác, vì mối quan hệ của cha mẹ không được tốt hay hoàn cảnh gia đình khó khăn nên người con nghĩ rằng ít nhất mình cũng phải biết nghe lời để cha mẹ bớt nhọc nhằn. 

Nhưng vấn đề là, khi ta sống mà quá cố gắng chiều theo yêu cầu của người khác, ta sẽ bỏ bê những cảm xúc và nguyện vọng của chính mình. Nếu không xem trọng mà lờ đi những gì mình đang cảm nhận thì khi trưởng thành ta sẽ không biết mình muốn làm gì, bản thân mình là ai. Hơn nữa khi bị đối xử bất công hay gặp những người làm ta khốn đốn, ta sẽ không thể giải tỏa nỗi oan ức hay phẫn nộ mà mình đang cảm nhận, những cảm xúc đáng lẽ phải bộc lộ với đối phương lại bị dồn nén bên trong ta và dần dần sẽ công kích chính bản thân ta. Và ta không khỏi tự hỏi “Tại sao mình cứ như một kẻ ngốc, không biết nói chuyện thẳng thắn cũng không biết nổi giận với người khác?” 

Đầu tiên, bạn cần ghi nhớ điều này. Những cảm xúc mà ta đang cảm nhận không phải là những thứ vụn vặt có thể làm lơ, ngược lại chúng vô cùng quan trọng và luôn cần được quan tâm tới. Hơn nữa, những cảm xúc đó sẽ không biến mất dễ dàng cho dù ta có đè nén hay lờ chúng đi. Rất nhiều vấn đề về tâm lý nảy sinh bắt nguồn từ thói quen tự đè nén cảm xúc khiến năng lượng của những cảm xúc bị đè nén không được giải phóng khỏi tâm trí một cách lành mạnh. Cảm xúc cũng giống như dòng nước, nếu không chảy thoát được sẽ ứ đọng lại một chỗ và bốc mùi khó chịu. 

Bây giờ vẫn chưa quá muộn. Từ bây giờ bạn hãy học cách lắng nghe tiếng nói của chính mình để biết mình muốn gì, trước khi hành động theo kỳ vọng của người khác. Nếu người khác có yêu cầu bạn làm cái này, cái kia nhưng bạn cảm thấy mình không muốn làm thì nhất định đừng làm để tránh cảm giác tự ti và thu mình lại sau này. Hãy luôn cố gắng thể hiện cảm xúc của mình cho đối phương hiểu. Đừng lo sợ rằng nói thật cảm xúc của mình sẽ khiến đối phương ghét mình hay khiến mối quan hệ giữa mình và họ sẽ trở nên bất tiện. Cũng rất có thể đối phương vì không biết được cảm nhận của bạn nên mới đưa ra những yêu cầu đó. 

Khi những người khác đều ăn mì tương đen nhưng bạn muốn ăn cơm rang, hãy đường hoàng nói “Tôi muốn ăn cơm rang.“ Trở thành người tốt đối xử tử tế với người khác là một việc tốt, nhưng trước hết ta có nghĩa vụ phải trân trọng chính mình.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. NẾU CẢM THẤY MỆT MỎI, HÃY NGHỈ MỘT LÁT RỒI ĐI TIẾP
  2. NGHỈ NGƠI – BƯỚC CHẬM LẠI GIỮA THẾ GIAN VỘI VÃ
  3. LẮNG NGHE LÀ MỘT BIỂU HIỆN CỦA TÌNH YÊU THƯƠNG

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP