LẮNG NGHE LÀ MỘT BIỂU HIỆN CỦA TÌNH YÊU THƯƠNG

HAE MIN

Trích: Yêu Những Điều Không Hoàn Hảo; Nguyễn Việt Tú Anh dịch; NXB. Thế giới

Trong cuộc sống chắn hẳn có những lúc bạn gặp khó khăn và muốn được chia sẻ cùng ai đó? Những lúc như thế bạn thường tìm đến ai? Những người có năng lực và giỏi phán đoán hơn bạn hay những người biết lắng nghe câu chuyện của bạn? Tôi thường chọn tìm đến những người bạn ở vế thứ hai hơn. Dĩ nhiên khi trò chuyện với người có năng lực và giỏi phán đoán, họ sẽ giúp tôi chỉ ra vấn đề của mình một cách khách quan nhất. Nhưng khi thực sự gặp chuyện khó khăn, tôi vẫn cảm thấy thiêu thiếu 2% gì đó khi chỉ ngồi nghe những lời khuyên lý tính. Có thể vì khi gặp khó khăn, thay vì nghe những lời khuyên đúng đắn, tôi chỉ muốn có ai đó lắng nghe và hiểu cho tâm trạng của mình mà thôi.

Đây là chuyện xảy ra hồi tôi đang dạy học tại một trường đại học ở Mỹ. Tuy cảm thấy mình sống có ích và hạnh phúc khi dạy dỗ các sinh viên ở đây, nhưng cũng nhiều lúc tôi cảm thấy “Chuyện dạy học thật chẳng dễ dàng!”. Bên cạnh sự khác biệt về ngôn ngữ và văn hóa, trong số các sinh viên ở đây đôi khi có vài bạn phản bác ý kiến của giáo sư một cách quá thẳng thắn, hoặc có vài bạn khác tạo cho tôi cảm giác họ không thực sự tập trung vào giờ học của tôi.

Khi nhìn số ít sinh viên ấy, từ lúc nào không hay trong thâm tâm tôi bắt đầu dần làm ngơ họ. Những lúc như vậy tôi cảm thấy rất khó chịu. Vì không có nỗi khổ tâm nào bằng việc người làm giáo sư cảm thấy ghét bỏ sinh viên chính mình dạy dỗ. Mỗi khi cảm giác đó xuất hiện, tôi lại cảm thấy khổ sở khó chịu và muốn tìm tới một giáo sư tiền bối để tâm sự về vấn đề này. Tôi vừa muốn hỏi chỉ có mình tôi gặp hoàn cảnh này hay những tiền bối khác cũng từng gặp chuyện tương tự, và tôi cũng mong có ai đó sẽ vỗ về tâm trí đang rối bời của tôi.

Nhưng những lúc như thế, thay vì tìm đến vị tiền bối chuyên ngành triết học rất thông thái và giỏi nói chuyện mà tôi thân thiết hơn, tôi lại tìm đến vị giáo sư trước kia từng là tu sĩ Công giáo, người thường im lặng lắng nghe những lời tôi nói một cách bao dung. Khi ngẫm xem tại sao mình lại lựa chọn như thế, tôi nhận ra rằng việc có ai đó lắng nghe mình không đơn thuần chỉ là bản thân mình được lắng nghe. Tôi có thể cảm nhận được vị giáo sư ấy chấp nhận tôi với chính những gì tôi có và đem đến cho tôi nguồn năng lượng ấm áp thông qua từng biểu cảm khuôn mặt cùng giọng nói. Khi anh nhìn tôi với ánh mắt tập trung, không ngắt lời giữa chừng hay đổi chủ đề sang chuyện khác và để cho tôi nói hết những gì muốn nói, tôi cảm thấy lòng mình như được rộng mở. Những cảm xúc nặng nề mà tôi đã chịu dựng một mình cũng như tìm thấy lối thoát đáng tin cậy trong tâm hồn và dần dần lắng xuống, tâm trạng tôi nhẹ nhõm hẳn.

Chỉ cần có ai đó, như một tấm gương soi tỏ, thấu hiểu những gì đang khiến ta mệt mỏi là đủ để đem tới cho ta nguồn an ủi to lớn rồi. Không những thế, những đau khổ ta đang chịu đựng cũng bỗng trở nên ý nghĩa hơn. Nếu người đang lắng nghe ta nói rằng họ đã từng gặp chuyện mà ta tưởng chỉ riêng mình gặp phải, ta sẽ cảm thấy rằng đó là chuyện có thể xảy đến với bất kỳ ai và nhờ thế dễ dàng tiếp nhận hoàn cảnh hiện tại hơn. Lắng nghe chính là xuất phát điểm của sự đồng cảm và cũng là nền tảng của sự chữa lành.

Là một nhà sư đồng thời là một học giả, đã không ít lần tôi giảng Pháp môn và những chủ đề khác trước nhiều người. Nhiều lúc tôi gặp những thính giả vui vẻ cười đáp lại chuyện đùa nhạt nhẽo của mình hoặc có những phản ứng khiến tôi hứng thú trong suốt buổi giảng, ngược lại cũng đôi khi tôi gặp những thính giả cứng nhắc, khiến bầu không khí chùng xuống. Dù nói cùng một nội dung, nếu không có phản ứng từ người nghe, người nói sẽ cảm thấy mất sức hơn bình thường gấp hai ba lần. Nhờ có những người chăm chú lắng nghe ta nói như nghe tiếng nước bình đạm chảy mà câu chuyện của ta sẽ trở nên thông suốt và bầu không khí cũng vui vẻ hơn. Ngược lại nếu đối phương chỉ như một bức tường im lìm không phản ứng gì, lời ta nói sẽ trở nên vô nghĩa, và chính bản thân ta bắt đầu thu mình lại. Bởi vậy, chân thành lắng nghe người khác chính là cách bộc lộ sự quan tâm, nhường nhịn và tình yêu thương cụ thể, năng động nhất.

Đã từng có lúc tội thắc mắc không hiểu tại sao người ta sử dụng các mạng xã hội như Twitter, Facebook, Kakao Story… bất kể ngày đêm như thế. Tôi đã không thể hiểu được lý do tại sao dù không ai bắt ép nhưng mọi người vẫn chia sẻ hình ảnh, suy nghĩ, những việc mình làm trong ngày với cả thế gian. Có lẽ vì chúng ta vẫn hằng mong sẽ có ai đó trên mạng lắng nghe câu chuyện của mình. Phải như vậy ta mới cảm thấy hành động của mình có ý nghĩa và sự tồn tại của mình có giá trị. Cảm giác mệt mỏi vì phải sống từng ngày từng ngày không chút ý nghĩa, như phải đứng trên một sân khấu không khán giả không ai quan tâm, cũng sẽ được xóa nhòa.

Hãy nhìn xung quanh xem có người thân hay bạn bè nào của bạn đang gặp khó khăn hay không. Cho dù bạn không biết cách giải quyết những vấn đề của họ đi chăng nữa, họ cũng sẽ rất biết ơn nếu bạn thật lòng lắng nghe câu chuyện của họ đấy.

—???—

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. NẾU CẢM THẤY MỆT MỎI, HÃY NGHỈ MỘT LÁT RỒI ĐI TIẾP
  2. NGHỈ NGƠI – BƯỚC CHẬM LẠI GIỮA THẾ GIAN VỘI VÃ
  3. CUỘC SỐNG – BƯỚC CHẬM LẠI GIỮA THẾ GIAN VỘI VÃ

Bài viết mới

  1. THẦY VÀ ĐỆ TỬ
  2. QUAN SÁT TÂM, ĐIỀU PHỤC TÂM
  3. ÁP DỤNG QUY LUẬT NỖ LỰC TỐI THIỂU