NỀ NẾP VĂN HÓA GIA ĐÌNH

STEPHEN R. COVEY

Trích: 7 Thói Quen Tạo Gia Đình Hạnh Phúc; NXB Trẻ.


Nội dung của cuốn sách đề cập đến 7 Thói quen để tạo gia đình hạnh phúc. Vậy “hạnh phúc” ở đây là gì? Theo tôi, hạnh phúc có thể được thể hiện trong 4 chữ: văn hóa gia đình. Khi nói đến “ văn hóa”, điều tôi muốn đề cập đến chính là tinh thần của một gia đình: ở đó, có sự quan tâm, chia sẻ và thấu hiểu giữa các thành viên, ở đó có bầu không khí thân thiện. Vâng, đấy chính là đặc trưng của mỗi gia đình – chiều sâu, sự thân thiết, sự chín chắn trưởng thành trong các mối dây liên hệ. Đó cũng là cảm xúc bắt nguồn từ các nguyên tắc ứng xử tiêu biểu cho các mối quan hệ gia đình. Và điều này, giống như phần nổi của một tảng băng trôi, là một phần của niềm tin chung và các giá trị ẩn giấu chưa được nhìn thấy, tức là phần chìm của tảng băng.

Khi nói về “nề nếp văn hóa gia đình tốt đẹp”, tôi nhận thấy mỗi người có một cách hiểu khác nhau về “tốt đẹp”. Đối với tôi, cụm chữ này hàm ý về một nề nếp văn hóa nuôi dưỡng tình cảm gia đình, trong đó các thành viên khi ở bên nhau cảm thấy rất thân thiết và gần gũi, họ có cùng niềm tin và chuẩn mực đạo đức, đối xử với nhau theo cách tốt nhất dựa trên những nguyên tắc chung của cuộc sống. Trong nề nếp văn hóa gia đình, cái “tôi” cá nhân trở thành cái “chúng ta”.

Gia đình chính là những gì mà chúng ta cùng nhau trải qua, cùng nhau chia sẻ. Phải thừa nhận rằng, sự chuyển đổi từ “tôi” sang “chúng ta” – từ cái riêng sang cái chung – là một trong những khía cạnh khó khăn và thử thách nhất của cuộc sống gia đình. Gia đình là những gì chúng ta cùng nhau trải qua, cùng nhau chia sẻ. Tuy nhiên, giống như hình ảnh “con đường ít người qua lại” được nhắc tới trong thơ của Robert Frost, đó chính là con đường tạo nên sự thay đổi. Cho dù văn hóa Mỹ vẫn nhấn mạnh đến tự do cá nhân, tính hiệu quả và có kiểm soát, nhưng không có con đường nào lại tràn ngập niềm vui và hài lòng cho bằng một cuộc sống gia đình sung túc, độc lập.

Khi bạn thấy vui trước niềm hạnh phúc của người khác, đó là lúc bạn đã chuyển từ “cái tôi” sang “chúng ta”. Lúc đó bạn cũng sẽ thay đổi cách giải quyết vấn đề và cách nắm bắt các cơ hội. Nhưng sự thay đổi này chỉ diễn ra khi gia đình thực sự là ưu tiên hàng đầu.

Văn hóa gia đình tốt đẹp là văn hóa của “cái chúng ta”. Đó là loại văn hóa giúp chúng ta hòa đồng với nhau, cùng nhau hướng tới một mục tiêu chung, cùng nhau cống hiến và làm nên sự đa dạng trong xã hội và giữa các gia đình. Văn hóa ấy sẽ giúp bạn chống đỡ được những tác động khiến bạn đi chệch hướng – bao gồm điều kiện bất thường bên ngoài chiếc phi cơ (như môi trường văn hóa, kinh tế khó khăn, hay những sự cố bất ngờ mà bạn không lường trước được), lẫn bên trong buồng lái (như những bất đồng, thiếu hụt trong giao tiếp, các chỉ trích, phàn nàn, so sánh, cạnh tranh).

Áp dụng cho gia đình của bạn
Phần lớn các câu chuyện trong cuốn sách này được chia sẻ từ rất nhiều người đã áp dụng 7 Thói quen cho chính gia đình họ. Bạn nên đọc những câu chuyện này để rút ra những nguyên tắc cơ bản, những ý tưởng ứng dụng thực tiễn – theo cách mới và riêng của bạn.

Tôi cũng mong muốn bạn đọc, nếu được, hãy áp dụng những nguyên tắc này cho gia đình bạn ngay từ đầu. Tôi có thể đoán chắc, nếu như bạn chia sẻ và khám phá cuốn sách này cùng với gia đình, những điều bạn học hỏi được sẽ trở nên sâu sắc hơn, có các liên hệ chặt chẽ hơn, bạn sẽ càng yêu thích cuốn sách hơn. Bên cạnh đó, khi chia sẻ cuốn sách này cùng với gia đình thì vợ/chồng bạn hay những đứa con đang ở tuổi vị thành niên sẽ không bị ngạc nhiên trước những suy nghĩ mới cùng những mong muốn thay đổi bất ngờ của bạn. Tôi biết, có một nữ độc giả coi đây như một cuốn sách “bí mật” để giúp bà ấy dò xét đánh giá chồng một cách nghiệt ngã – để rồi chỉ một năm sau đó, gia đình không có lối thoát nào hơn ngoài việc ly dị.

Cùng nhau học hỏi là một sức mạnh to lớn để giúp bạn xây dựng văn hóa “cái chúng ta”. Do đó, nếu được, hãy đọc cho nhau nghe, hãy cùng nhau bàn luận về các câu chuyện, về những ý tưởng nảy ra trong lúc đọc. Bạn có thể bắt đầu đơn giản bằng việc kể vài câu chuyện trong bữa ăn tối.

Hoặc bạn cũng có thể thảo luận kỹ càng hơn. Ở cuối mỗi chương, tôi đều đưa ra một vài gợi ý về cách thực hiện cho gia đình. Bạn có thể xem Biểu đồ 7 Thói quen và các định nghĩa ở trang 507. Hãy kiên nhẫn. Làm từ từ. Hãy tôn trọng khả năng nhận thức của mỗi thành viên trong gia đình. Đừng áp dụng ồ ạt tất cả những điều bạn học được. Hãy nhớ rằng, khi bạn làm việc với gia đình có những lúc “chậm” là “nhanh”, mà “nhanh” lại là “chậm”.

Tuy nhiên, một lần nữa, tôi xin tái khẳng định: bạn đang đóng vai trò chuyên gia cho gia đình mình. Bạn có thể đang ở trong tình huống mà bạn không muốn bất kỳ ai xen vào trong lúc này. Hoặc bạn đang gặp phải những vấn đề nhạy cảm khó có thể cùng nhau giải quyết. Hay bạn đang thử xem cuốn sách này có ý nghĩa với bạn hay không, để sau này đem áp dụng cho người khác. Cũng có thể bạn chỉ muốn áp dụng cuốn sách này với chồng hay con cái của bạn.

Điều đó rất đúng! Chính bạn là người biết rõ hoàn cảnh của mình nhất. Qua nhiều năm trải nghiệm 7 Thói quen trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, điều tôi rút ra được là khi mọi người phối hợp với nhau – cùng nhau đọc sách, thảo luận, trao đổi rồi học những điều mới, lúc đó sự gắn bó giữa các thành viên trở nên thực sự thú vị. Tâm hồn con người đều giống nhau ở một điểm, đó là chia sẻ cùng nhau: “Tôi không hoàn hảo. Bạn cũng không hoàn hảo. Chúng ta cùng nhau học tập và trưởng thành”. Khi chia sẻ những điều bạn học được một cách khiêm tốn, không nhằm mục đích “uốn nắn” người khác, lúc đó những lời đánh giá không hay của mọi người về bạn sẽ tan biến đi, và bạn có thể tiếp tục thay đổi một cách “an toàn”, thoải mái và chính đáng.

Cũng cần phải nói thêm với quý độc giả: Đừng thất vọng khi những nỗ lực ban đầu của bạn thất bại. Hãy nhớ, mỗi lần bạn thử nghiệm một điều mới mẻ, bạn đều phải đối mặt với những phản kháng:
“Vẽ chuyện, chúng ta đâu có vấn đề gì!”
“Thay đổi thì được lợi lộc gì kia chứ?”
“ Tại sao chúng ta không là một gia đình bình thường đi?” “ Anh đói lắm. Ăn đã nhé!”
“ Anh chỉ còn 10 phút nữa thôi. Anh phải ra ngoài.” “ Con đưa bạn đến nhé?”
“ Con thà xem ti vi còn hơn.”
Hãy cứ mỉm cười và hướng tới phía trước. Tôi cam đoan: những nỗ lực của bạn sẽ được đền đáp.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. PHẬT PHÁP VÀ GIA ĐÌNH
  2. 7 THÓI QUEN TẠO GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC
  3. VĂN HÓA GIA ĐÌNH

Bài viết khác của tác giả

  1. THÓI QUEN THỨ NĂM: HIỂU NGƯỜI TRƯỚC, HIỂU MÌNH SAU
  2. TÔN TRỌNG TIẾN TRÌNH TỰ NHIÊN CỦA SỰ PHÁT TRIỂN
  3. GIA ĐÌNH HÀI HÒA: KHI HIỂU RA, BẠN SẼ KHÔNG PHÁN XÉT NỮA.

Bài viết mới

  1. TRAO MỘT LỜI KHEN
  2. CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ CỨU CHỮA HAY GIẾT CHẾT TA
  3. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ