VICKI MACKENZIE
Trích từ: Ẩn Tu Nơi Núi Tuyết; Dịch Việt: Pháp Minh – Trịnh Đức Vinh
“Có tư tưởng, và sau đó có sự nhận biết tư tưởng đó. Và sự khác nhau giữa việc có nhận biết về tư tưởng và chỉ suy nghĩ thôi là rất lớn. Nó rất mênh mông… Thông thường chúng ta được nhận dạng bằng những tư tưởng và cảm xúc của mình, nghĩ rằng chúng ta chính là chúng. Chúng ta là niềm hạnh phúc, là cơn giận dữ, là nỗi lo sợ. Chúng ta phải học lại, biết tư tưởng và cảm xúc của chúng ta chỉ là những tư tưởng và cảm xúc. Chúng chỉ là những trạng thái của tâm. Chúng không cứng rắn, cố định, chúng trong suốt”, cô nói trước khi đưa ra kết luận cuối cùng. “Mỗi người cần biết và sau đó không đồng hóa với chủ thể của sự nhận biết đó. Mỗi người cần phải biết rằng chủ thể của sự nhận biết không là ai cả.”
Sự im lặng bao trùm trong khi những thính giả đang “suy ngẫm về thông điệp trên. Tenzin Palmo đã đi vào lĩnh vực cơ bản của triết học. Một giọng nói từ phía thính giả vang lên: “Chủ thể của sự nhận biết cũng không là ai cả,” giọng nói lặp lại chậm rãi, suy nghĩ về câu nói đó. “Điều đó quá khó”.
“Đúng! Nhưng đó chính là tuệ giác vĩ đại của đức Phật.” Tenzin Palmo đáp lại với giọng nói khẽ nhưng đầy tôn kính.
“Bạn nghĩ bạn có nó khi bạn hiểu rằng bạn không phải là tư tưởng hay cảm giác – nhưng đi xa hơn và hiểu bạn không phải là người biết (chủ thể của sự nhận thức)… sẽ đưa bạn tới câu hỏi: “Tôi là ai?”, người vừa hỏi nói tiếp.
“Và đó chính là hiểu biết vĩ đại của đức Phật – nhận ra rằng khi chúng ta càng đi sâu hơn, thì nhận thức của chúng ta càng cởi mở và trống rỗng hơn.
Thay cho việc tìm kiếm một thực thể thật sự, nhỏ bé bên trong nào đó – những thực thể là “cái tôi”, chúng ta quay trở lại với cái tâm rộng rãi mênh mông này, điều vẫn liên hệ hỗ tương chặt chẽ với tất cả mọi chúng sinh.
Trong không gian này bạn phải hỏi, cái “Tôi” ở đâu, và “người khác” ở đâu.
Chừng nào chúng ta còn trong hiện trạng của nhị nguyên, chừng đó còn có “Tôi” và “người khác”. Đó là sai lầm cơ bản của chúng ta – và là nguồn gốc của mọi vấn đề.” Tenzin Palmo nói dứt khoát. “Bởi vì điều đó, chúng ta có sự tồn tại rất tách biệt. Đó là sự vô minh cơ bản của chúng ta.”
Đó là tinh hoa của đạo Phật – Tính Không (triết lý vĩnh cửu) – phương thuốc cho mọi đau khổ, phiền não của loài người.
Những thắc mắc từ phía thính giả vẫn tiếp tục: “Sự nhị nguyên này – bản chất của việc tồn tại riêng rẽ là nguyên nhân gây ra những đau khổ cơ bản của chúng ta – sự cô đơn sâu xa mà con người cảm thấy trong cốt tủy sự sống của họ?”
Tenzin Palmo trả lời quả quyết: “Dĩ nhiên. Nó tạo ra mọi thứ. Vô minh theo quan điểm của đạo Phật, không phải là sự vô minh về điều gì hay ở mức độ trí thức – mà là vô minh về bản chất của sự không nhận thức. Chúng ta tạo nên bản chất của một cái “Tôi” và tất cả những thứ khác là “Không phải tôi”. Và từ đó nảy ra sự ác cảm với tất cả những gì Tôi không muốn. Đó là cội nguồn của lòng tham, sự ác cảm và tất cả những tính cách tiêu cực mà chúng ta có. Tất cả chúng đều đến từ sự hiểu biết nhị nguyên sai lầm này.”
“Một khi chúng ta nhận ra bản chất của sự tồn tại vượt xa hơn tư tưởng và cảm xúc, thì nó sẽ trở nên vĩ đại khó tin và liên hệ hỗ tương với tất cả mọi chúng sinh khác, và sau đó bản chất của sự cô đơn, phóng thể, sợ hãi và hy vọng sẽ bị xua tan. Đó là một sự giải thoát vĩ đại”, cô nói. Và những thính giả đã bị thuyết phục.
Đó là sự thực huyền bí mà các vị thánh của mọi truyền thống tôn giáo đã khám phá ra – niềm vui của sự hòa hợp đến khi bản ngã được buông bỏ.
Cô dừng lại lần nữa trong khi tất cả mọi người ngẫm nghĩ xem toàn thể vấn
đề có ý nghĩa như thế nào trong tuyên bố này.
“Lý do chúng ta không Giác ngộ là bởi vì chúng ta lười biếng” Cô nói tiếp, nhắc đến điều cô nhận thấy là một “thất bại” lớn lao nhất của cá nhân mình. [Cô nói sự lười biếng là trở ngại lớn nhất của mình].“Không có lý do nào khác. Chúng ta không thể mang
bản thân mình quay trở về với hiện tại bởi vì chúng ta quá say mê với những trò chơi đang diễn ra trong tâm trí. Nếu như một người suy nghĩ chân thành về Buông Xả, thì đó không phải là sự từ bỏ những thứ bên ngoài như tiền bạc, nhà cửa hay gia đình. Buông Xả thực sự chính là việc từ bỏ những tư tưởng đáng yêu của chúng ta, tất cả niềm vui sướng trong ký ức, những hy vọng, mộng tưởng và sự lý luận trong tâm trí. Từ bỏ những điều đó và sống chân thực với hiện tại, đó chính là Buông Xả.”
Những lời nói của cô trở nên sôi nổi hơn: “Vấn đề là chúng ta nói mình muốn Giác ngộ, nhưng chúng ta không thực lòng. Chỉ có một số ít trong chúng ta muốn Giác ngộ. Bản ngã suy nghĩ Giác ngộ sẽ thật tốt đẹp, tươi mát và dễ chịu ra sao. Nhưng hãy thực sự từ bỏ mọi thứ và đi đến với nó! Chúng ta có thể làm điều đó ngay bây giờ, nhưng chúng ta không làm. Và lý do là chúng ta quá lười biếng. Chúng ta dừng lại vì sợ hãi và thờ ơ– sự trì trệ vĩ đại của tâm thức. Thực hành là ở đây. Bất kỳ ai đi trên con đường của đạo Phật đều biết những điều này. Vậy thì tại sao chúng ta lại không Giác ngộ?
Chúng ta không thể đổ lỗi cho ai ngoại trừ bản thân mình. Lý do tại sao chúng ta vẫn còn ở trong Luân hồi sinh tử là vì chúng ta luôn tìm nguyên nhân để bào chữa. Thay vì vậy, chúng ta nên tự thức tỉnh mình. Toàn bộ con đường đạo Phật là về việc thức tỉnh. Nhưng lòng tham muốn được ngủ tiếp quá mạnh. Mặc dù đa số chúng ta nói mình sẽ thức tỉnh để giúp đỡ mọi chúng sinh, nhưng chúng ta không thực sự muốn làm điều đó. Chúng ta chỉ thích mơ mộng.”
Điều đó thật chân thành, làm cho tất cả trở nên có sức thuyết phục hơn, bởi vì tất cả mọi người có mặt đều nhận thấy cô đang nói ra từ kinh nghiệm của mình.