JIGME RINPOCHE
Trích: Sống Hài Hoà Với Cảm Xúc; Dịch: Hoàng Lan; Hiệu Đính: Thanh Phạm, Bình Hồ, Hồng Lê; NXB Thế Giới
Thực tế, không khó để nhìn vượt thoát ra khỏi những chướng ngại của các nguyên nhân của cảm xúc. Hãy cố nhìn xem cái gì đang diễn ra trong chúng ta và trong mọi người. Thực tế, chúng ta ít khi nào làm vậy. Chúng ta thường hướng ra bên ngoài, đánh giá sự vật tuỳ theo lợi ích cá nhân hơn là xem chúng thật sự là gì. Nhưng nếu chúng ta có thể đặt mình vào vị trí của người khác, rằng họ cũng đang trải nghiệm những nguyên nhân của cảm xúc như chúng ta, chúng ta bắt đầu trở nên cởi mở hơn. Chúng ta bắt đầu hành động một cách quan tâm hơn tới người khác. Khi điều này diễn ra, trải nghiệm của toàn bộ đời sống của chúng ta sẽ có một ý nghĩa hoàn toàn mới mẻ. Chúng ta không còn tiếp sức cho những rắc rối nữa. Theo thời gian, những rắc rối này này sẽ giảm dần tới một điểm mà chúng không còn ý nghĩa gì với chúng ta nữa. Chẳng còn lý do gì để lo lắng. Cuộc sống trở nên đơn giản hơn. Khi chịu ít áp lực, tâm chúng ta cởi mở hơn. Chúng ta có thể hiểu rõ hơn va do đó, thư giãn hơn. Chúng ta thường xem các ngoại cảnh là trở ngại cho mình. Nhưng nếu chúng ta hiểu, chúng ta sẽ nhận thấy rằng chúng ta áp đặt những ý tưởng của mình lên trên những gì đang diễn ra. Thực tế là, khi đặt mình vào vị trí người khác giúp chúng ta có nhận biết hơn về chấp ngã của chính mình. Do đó, thật đáng để chúng ta luyện tập theo cách này, từng bước một.
Khi chúng ta cố gắng hiểu quan điểm của người khác, không có nghĩa là chúng ta không có ý kiến của riêng mình. Quan điểm, mà chúng ta đang nói đến, sâu hơn là những ý tưởng bề nổi. Mỗi người một ý là chuyện bình thường. Vấn đề là ở chỗ chúng ta đánh giá và chối bỏ quá nhanh. Chúng ta thường nghĩ rằng khi một người đúng thì người khác phải sai. Cảm xúc “sai” thường được hiểu là cảm xúc đối lập trong chúng ta, do đó, chúng ta chối bỏ người khác. Thực tế hoàn toàn không phải vậy. Chúng ta đúng. Nhưng người khác cũng có thể đúng. Cả hai cùng có thể đúng cùng một lúc. Những thực tại khác nhau có thể cùng tồn tại tuỳ theo quan điểm và hoàn cảnh của mỗi người. Nhưng chấp ngã của chúng ta muốn mọi người phải theo chúng ta. Thường chúng ta trở nên căng thẳng, tâm trở nên hẹp hòi một cách không cần thiết. Bằng cách cởi mở với mọi người, chúng ta sẽ nhận ra rằng có nhiều giải pháp hoặc cách hiểu cùng có giá trị. Những thực tại khác biệt có thể cùng tồn tại trong một tâm thức rộng mở.
Do đó, chúng ta nên cố gắng tránh xa khỏi những lý giải kiểu “đen/trắng” trong tất cả mọi hoàn cảnh và với tất cả mọi người. Chúng ta không muốn có những mâu thuẫn. Mặt khác, chúng ta không nhất thiết phải chấp nhận hoặc chối bỏ mâu thuẫn, hoặc những quan điểm khác. Chúng ta cũng không nhất thiết phải thay đổi quan điểm của mình. Không có gì để phải hy sinh hay từ bỏ quan điểm của chúng ta. Chúng ta chỉ đơn giản là nhìn nhận rằng thật là bình thường khi người khác có những quan điểm khác. Chúng ta cũng do đó mà sẵn lòng dành thời gian để tìm hiểu. Chúng ta cố gắng nhìn những điều kiện, hoàn cảnh mà người khác đang ở trong đó.
Điều này sẽ làm sáng tỏ những hoàn cảnh theo nhiều góc cạnh khác nhau. Thực tế là, những trao đổi này thường mang lại sự thoả mãn vì nó mở ra cho chúng ta những giải pháp phù hợp cho tất cả. Thói quen của chúng ta là suy nghĩ về những hoàn cảnh và sự kiện như là những gì cứng nhắc, vững chắc. Chỉ có cách này hoặc không cách nào cả. Một cách là đúng và cách kia là sai. Nếu chúng ta tìm hiểu kỹ hơn và quan tâm tới người khác, chúng ta sẽ thấy rõ hơn và sâu hơn. Theo cách này, một mâu thuẫn có thể là nguyên nhân của hạnh phúc cho chúng ta. Bằng cách nào? Mâu thuẫn giúp chúng ta thay đổi để tiếp nhận người khác, một cơ hội để tìm kiếm những giải pháp thoả mãn người khác, và đây chính là bài thực hành Tâm Bồ Đề của chúng ta. Theo đó, một cách hết sức tự nhiên, chúng ta rời xa tính vị kỷ của mình.