RÈN LUYỆN ĐỂ CÓ ĐƯỢC HẠNH PHÚC

MARCI SHIMOFF

Trích “Khi Mọi Điểm Tựa Điều Mất”; Người dịch: Kim Vân; Nhà Xuất Bản Tổng Hợp TP. HCM, tái bản 2019.

Marci Shimoff là một trong những chuyên gia thúc đẩy tinh thần và là một diễn giả chuyên nghiệp, bà đã truyền đến mọi người thông điệp về một cuộc sống diệu kỳ đầy sắc màu. Trong hơn hai mươi năm, bà đã được nhiều người công nhận và tôn vinh vì sự sẻ chia những phương pháp hiệu quả nhằm giúp mọi người có được sự thành công và thỏa mãn những khát vọng, đam mê.Là nhà quản lý và đồng sáng lập tổ chức The Esteem Group, Marci đã thực hiện nhiều buổi nói chuyện chuyên đề và diễn thuyết về kỹ năng trình bày, kỹ năng thúc đẩy bản thân cho các doanh nghiệp, các hiệp hội phụ nữ cũng như các tổ chức chuyên nghiệp hay phi lợi nhuận. Marci là thành viên sáng lập và đang làm việc trong ban chấp hành của tổ chức Transformational Leadership Council, một tổ chức gồm 100 nhà lãnh đạo tài năng giúp cho hơn 10 triệu người phát huy những sở trường của mình. Marci đã dành cả đời mình để thỏa mãn khát vọng được giúp đỡ mọi người có một cuộc sống tràn đầy niềm vui và hạnh phúc.

************************

Vạn vật không thay đổi; chỉ có con người đổi thay.
_Henry David Thoreau

Hãy nghĩ đến những người mà bạn chắc rằng họ đang nắm giữ niềm hạnh phúc đích thực. Họ có thể tác động đến xung quanh giống như mặt trời chiếu nhữngtia nắng ấm áp và mang nguồn năng lượng bất tận đến vạn vật trong tầm ảnhhưởng. Họ rất lạc quan và tin yêu cuộc sống – họ không những nhìn thấy chiếc cốc đầy một nửa mà còn đi tìm bình nước và đổ đầy chiếc cốc – họ thuộc tuýp người luôn hoàn thành sớm mọi việc trong khi những người khác đang tất bật với chúng. Mặc dù không phải lúc nào họ cũng là người dẫn đầu trong các lĩnh vực nhưng điều đặc biệt là họ duy trì được một trạng thái tinh thần tĩnh lặng, bình an và hài lòng tuyệt đối – mặc cho những rối ren của cuộc sống đời thường. Bạn sẽ cảm thấy thích thú khi trò chuyện cùng những người này bởi họbiết cách vực dậy tinh thần bạn vào những thời khắc tệ hại nhất.

Tôi may mắn sớm được gần gũi với một người như vậy. Tôi muốn nói đến cha tôi – ông Marc. Người thật sự đã đạt đến giới hạn cao nhất trong niềm hạnh phúc đích thực. Bất kể ông làm gì, đi đâu, xung quanh ông cũng đều hiện hữu một vầng hào quang – chính là sự quý mến và tôn trọng của mọi người. Ông đã lớn lên trong sự nghèo khó tột cùng, phải tự mình bươn chải kiếm tiền ăn học và đã phải chịu mất mát quá nhiều. Tuy vậy, cha tôi vẫn không chùn bước và trái tim ông vẫn ấm nóng một niềm tin vào cuộc sống.

Ông từng tham gia phục vụ trong quân đội trong suốt bốn năm Thế chiến thứ 2 với vai trò là một nha sĩ ở South Pacific. Mặc dù không thích cảm giác bị chôn chân ở giữa vùng chiến sự nhưng ông vẫn giữ được ngọn lửa hạnh phúc và nhiệt huyết của mình. Ông thể hiện tình cảm với mẹ tôi bằng cách thường xuyênviết thư cho bà. Tổng cộng ông đã viết cho mẹ tôi 858 lá thư – những lá thư ấy vẫn còn được cha mẹ tôi giữ nguyên vẹn đến ngày hôm nay. Suốt những năm tháng sống trong quân đội, cha tôi đã dành dụm được một số tiền với hy vọng khi giải ngũ, ông sẽ mở một phòng nha đầy đủ tiện nghi cho riêng mình. Ông rất đam mê và yêu thích công việc mình đã chọn cho đến hết cuộc đời.

Trong cuộc sống, nhiều lúc cha tôi phải đối mặt với rất nhiều vấn đề như tiền bạc eo hẹp, con cái không nghe lời hoặc ngay cả khi sức khỏe của ông sa sút nghiêm trọng, nhưng tôi chưa bao giờ thấy ông mất đi niềm tin yêu cuộc sống.

Mỗi sáng thức dậy, cha tôi đều hân hoan đón chào một ngày mới với niềm tin rằng mình sẽ có thêm những trải nghiệm thú vị. Tôi còn nhớ khi mình mười chín tuổi, tôi đã hỏi xin ông lời khuyên dành cho một đứa con đang chập chững bước vào đời. Câu trả lời của ông rất ngắn gọn: “Con hãy sống hạnh phúc”.

Tôi hỏi lại:

– Vâng, thưa cha. Nhưng bằng cách nào?

Ông không trả lời tôi. Hạnh phúc đối với ông là một cảm giác quá đỗi bình thường, tự nhiên đến nỗi ông không hiểu sao mọi người lại không cảm thấy như vậy và vì sao ai ai cũng cố gắng để theo đuổi nó. Cha tôi qua đời ở tuổi 91 một cách thanh thản và bình yên.

Điều Thomas Jefferson thật sự mong muốn

Khi được hỏi về hạnh phúc, đa phần mọi người đều dùng câu nói của Thomas Jefferson trong bản Tuyên ngôn độc lập: “Đương nhiên là tôi muốn mình hạnh phúc” để trả lời tôi. Theo suy nghĩ của họ thì “suy cho cùng, mọi người đều có quyền được tự do và theo đuổi hạnh phúc cho riêng mình”.

Chúng ta vẫn thường quen với suy nghĩ: hạnh phúc là một điều gì đó mà con người cần theo đuổi và kiếm tìm. Vậy là trong suốt cuộc đời mình, con người luôn săn tìm hạnh phúc và vồ vập ôm lấy mọi thứvề mình – những thứ mà ta nghĩ sẽ mang lại cho ta hạnh phúc.

Và rồi một ngày, tôi hiểu ra ý nghĩa sâu xa trong câu nói của Thomas Jefferson.

Hôm ấy, tôi cùng hai người bạn Steward và Joan Emery đang trên chuyến bay đi đến một buổi hội thảo. Chúng tôi đưa ra và cùng bàn luận những quan điểm về hai từ “hạnh phúc”. Đột nhiên, Steward quay sang hỏi tôi bằng một giọng Úc đặc sệt: “Marci, cô có hiểu ẩn ý sâu xa của Thomas Jefferson khi ông đề cập đến việc theo đuổi và mưu cầu hạnh phúc không?”. Rồi sau đó ông giải thích rằng vào thời của Jefferson, “theo đuổi” không có nghĩa là tìm kiếm rồi tóm lấy cho bằng được mà là “rèn luyện liên tục và liên tục cho đến khi một hành động nào đó trở thành thói quen”.

Steward đưa ra một cách hiểu thật khác biệt và quả thật ông đã thônghiểu ẩn ý của Thomas Jefferson. Chúng ta không phải là người săn đuổi hạnh phúc, mà là rèn luyện để có được hạnh phúc.

Vì vậy, chúng ta hãy ngưng việc theo đuổi một điều không có kết quảvà tốt hơn là nên bắt đầu rèn luyện để có được hạnh phúc bằng cách hình thành và trau dồi những thói quen.

 

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. SỨC MẠNH CỦA NIỀM HẠNH PHÚC
  2. KHÁM PHÁ HẠNH PHÚC BÊN TRONG
  3. NHIỆT KẾ CỦA HẠNH PHÚC

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP