SÁU ĐIỀU NHIỄM Ô

PATRUL RINPOCHE

Trích: Lời Vàng Của Thầy Tôi; Bản dịch Việt ngữ: Nhóm Longchenpa; NXB Tôn Giáo

Trong Tương Ưng Luận (Lý Lẽ Được Giải Thích Hợp Lý) có nói:

Kiêu mạn, thiếu niềm tin và không nỗ lực,

Bên ngoài thì xao lãng,

Bên trong thì căng thẳng và chán nản;

Đây là sáu điều nhiễm ô.

Hãy tránh sáu điều này: (1) kiêu hãnh tự tin rằng bản thân bạn giỏi giang hơn vị Thầy đang giảng Pháp, (2) không tin tưởng nơi vị Thầy và Giáo lý của Ngài, (3) không chuyên tâm nỗ lực thực hành Pháp, (4) xao lãng bởi những sự kiện bên ngoài, (5) bên trong tập trung năm giác quan một cách quá căng thẳng, và (6) chán nản vì nhiều lý do chẳng hạn như bài giảng quá dài.

Trong tất cả những cảm xúc tiêu cực thì kiêu mạn và ganh tị là những cảm xúc khó nhận diện nhất. Vì vậy, hãy khảo sát tâm bạn một cách tỉ mỉ. Nếu có bất kỳ cảm tưởng nào cho rằng những phẩm tính mà bạn có được có chút gì đó đặc biệt, cho dù là chỉ một chút, dù trên phương diện thế gian hay trên phương diện tâm linh thì điều ấy cũng sẽ khiến cho bạn mù quáng với những lỗi lầm của chính mình và không nhận thấy được những phẩm tính tốt đẹp của người khác. Vì thế, hãy từ bỏ sự kiêu mạn và luôn luôn hạ mình xuống một vị trí thấp kém.

Nếu bạn không có lòng tin thì lối vào Giáo Pháp đã bị khóa chặt. Trong bốn loại niềm tin, hãy hướng tới niềm tin bất thối chuyển (không thể thay đổi).

Mối quan tâm của bạn đối với Giáo Pháp là nền tảng của tất cả những gì bạn sẽ thành đạt. Vì thế, tùy theo mức độ quan tâm của bạn sâu dày, trung bình hay thấp kém, mà bạn sẽ trở thành một hành giả siêu việt, trung bình, hay kém cỏi. Và nếu bạn hoàn toàn không quan tâm tới Pháp thì sẽ chẳng có được chút kết quả nào. Như ngạn ngữ có nói:

Giáo Pháp không phải tài sản của riêng ai.

Giáo Pháp thuộc về tất cả những người có nỗ lực lớn lao nhất.

Để có được Giáo Pháp, chính bản thân Đức Phật đã phải trả giá bằng hàng trăm gian khó. Để có được một bài kệ chỉ có bốn dòng, Ngài đã khoét thịt mình làm thành những chiếc đèn cúng dường; đổ đầy dầu và đặt vào đó hàng ngàn tim đèn cháy đỏ. Ngài đã nhảy vào những hầm lửa, cắm hàng ngàn đinh sắt vào thân thể mình.

Cho dù phải đối diện với hỏa ngục nóng đỏ

hay những lưỡi dao sắc nhọn,

Hãy tìm cầu Giáo Pháp cho tới khi bạn chết!

Vì thế, hãy lắng nghe những giáo huấn đó với nỗ lực to lớn, hãy quên đi cái nóng, cái lạnh và tất cả mọi thử thách khác.

Thông thường, tâm thức ta thường có khuynh hướng mải mê chạy theo các đối tượng của sáu giác quan và khuynh hướng này chính là gốc rễ của tất cả những ảo giác hư huyễn trong vòng luân hồi và là nguồn gốc của mọi đau khổ. Đây là cách mà con thiêu thân chết cháy trong ngọn lửa vì nhãn thức của nó bị sắc tướng lôi cuốn; là cách con hươu bị thợ săn giết vì nhĩ thức bị âm thanh lôi cuốn; là cách những con ong bị những cây ăn thịt nuốt chửng vì bị mùi hương của cây ấy hấp dẫn; là cách những con cá cắn câu vì vị giác của chúng bị nhử bởi hương vị của mồi câu; là cách những con voi chết đuối trong đầm lầy vì chúng thích cảm giác thân thể ngập trong bùn. Cũng thế, bất kỳ khi nào bạn đang lắng nghe Pháp, đang giảng dạy, đang thiền định hay đang thực hành Pháp, thì điều quan trọng là bạn không được chạy theo những khuynh hướng huân tập trong quá khứ, không ấp ủ những cảm xúc về tương lai, và không để những tư tưởng hiện tại bị xao lãng bởi bất kỳ điều gì quanh bạn. Như Gyalse Rinpoche đã nói:

Những niềm vui và nỗi muộn phiền trong quá khứ

của bạn giống như những bức tranh vẽ trên nước

Chẳng còn lại dấu vết gì. Chớ chạy theo chúng!

Nhưng nếu chúng xuất hiện trong tâm, hãy quán chiếu

về sự thành công hay thất bại đến và đi như thế nào.

Ngoài Pháp ra, bạn còn có thể tin vào thứ gì khác,

hỡi những hành giả trì tụng mani?

Những kế hoạch và dự án trong tương lai của bạn

giống như lưới thả nơi sông cạn.

Sẽ không bao giờ đem lại được những gì bạn muốn.

Hãy hạn chế những khát khao và ước muốn của bạn!

Nhưng nếu chúng xuất hiện trong tâm,

hãy nghĩ rằng giờ chết của bạn thì bất định biết bao:

Hỡi những hành giả trì tụng mani,

bạn còn có thời giờ cho bất cứ việc gì khác ngoài Giáo Pháp?

Việc bạn làm hiện tại giống như một công việc trong giấc mơ,

Bởi mọi nỗ lực như thế đều vô nghĩa,

hãy quẳng chúng sang một bên.

Hãy dửng dưng không tham luyến ngay cả món tiền bạn kiếm được do mồ hôi nước mắt.

Mọi hoạt động đều không có thực chất,

Hỡi những hành giả trì tụng mani!

Giữa những thời công phu thiền định, theo cách này,

hãy học cách kiểm soát mọi niệm tưởng khởi lên từ tam độc;

Cho tới khi tất cả những niệm tưởng và tri giác hiển lộ

như Pháp Thân,

Điều này rất cần thiết, hãy nhớ lại bất cứ khi nào bạn cần nó.

Chớ thả lỏng theo những niệm tưởng mê lầm,

Hỡi những hành giả trì tụng mani!

Cũng có nói rằng:

Đừng dệt mộng tương lai, vì nếu làm như vậy;

Bạn cũng giống như cha của Mặt Trăng Danh Tiếng!

 

Điều này muốn nói tới câu chuyện của một người nghèo khổ đi ngang qua một đống lúa mạch lớn. Ông ta cho lúa mạch vào một bao lớn, treo nó lên xà nhà, rồi nằm bên dưới bao lúa ấy và bắt đầu mơ mộng hão huyền.

“Số lúa mạch này sắp làm ta giàu có thực sự,” ông ta nghĩ: “Khi giàu có, ta sẽ lấy vợ… Nhất định là cô ta sẽ sinh một đứa con trai… Ta nên gọi nó là gì nhỉ?”

Ngay lúc đó mặt trăng xuất hiện và ông ta quyết định đặt tên đứa con là Mặt Trăng Danh Tiếng. Tuy nhiên vào lúc đó có một con chuột đang gặm sợi dây đỡ cái túi. Bất thình lình sợi dây đứt bung, cái túi rớt lên người làm ông ta chết ngay.

Những giấc mơ về tương lai và quá khứ như thế sẽ chẳng bao giờ đem lại kết quả và chỉ là một sự xao lãng. Hãy từ bỏ hết thảy những giấc mơ như thế. Hãy tỉnh thức và lắng nghe với sự chú tâm và cẩn trọng!

Không nên tập trung tư tưởng một cách quá căng thẳng, nhặt nhạnh ra từng chữ, từng điểm một, như con gấu dremo bới tìm mạc mốt (một giống sóc) – mỗi lần bạn nắm bắt được một đề mục nào, bạn lại quên đi đề mục trước đó, và sẽ chẳng bao giờ hiểu được cái tổng thể. Tập trung quá nhiều cũng làm bạn buồn ngủ. Thay vào đó, hãy giữ một sự quân bình giữa sự căng thẳng và tâm trạng buông lơi.

 

Xưa kia, Ngài Ananda dạy Srona thiền định. Srona rất khó có thể hiểu được điều đó một cách đúng đắn. Đôi khi ông ta quá căng thẳng, đôi lúc lại quá buông lỏng. Srona đem vấn đề này hỏi Phật, Đức Phật bảo: “Khi còn là cư sĩ, ông là người đánh đàn vina rất giỏi phải không?”

“Vâng, con chơi rất hay.”

“Vậy âm thanh đàn vina của ông hay nhất khi lên dây thật căng hay thật chùng?”

“Âm thanh nghe hay nhất khi dây không căng quá mà cũng không chùng quá.”

Đức Phật nói: “Tâm ông cũng tương tự như thế.” Nhờ làm theo lời khuyên này Ngài Srona đã đạt được kết quả.

Ngài Machik Labdron nói:

Hãy tập trung vững chắc và thư giãn lơi lỏng

Đây là điểm trọng yếu đối với cái Thấy (kiến).

 

Đừng để tâm bạn quá căng thẳng hay quá tập trung hướng vào bên trong; hãy để các giác quan của bạn thoải mái tự nhiên, cân bằng giữa buông lỏng và căng thẳng!

Bạn không nên cảm thấy mệt mỏi khi lắng nghe Giáo lý. Đừng nên chán nản khi bạn cảm thấy đói hay khát trong khi đang lắng nghe một bài giảng quá dài, hoặc khi bạn phải chịu đựng những phiền toái gây nên bởi nắng, mưa, gió và v.v… Hãy hoan hỷ rằng giờ đây bạn có được những tự do và thuận lợi của đời người, rằng bạn đã gặp được một vị Thầy chân chính, và bạn có thể lắng nghe những giáo huấn sâu xa của Ngài.

Sự kiện bạn đang được nghe Giáo Pháp thâm diệu vào thời điểm này là kết quả của những công đức được tích lũy từ vô lượng kiếp. Giống như bạn đang được ăn một bữa ăn khi mà bạn chỉ có thể ăn được một bữa duy nhất trong hàng trăm bữa ăn trong suốt cả đời bạn. Vì vậy, để tiếp nhận những Giáo lý này, hãy khẩn thiết lắng nghe với lòng hoan hỷ; hãy phát nguyện chịu đựng cái nóng, cái lạnh và bất kỳ thử thách và khó khăn nào có thể xảy ra.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. CÁCH THỨC ĐÚNG ĐẮN ĐỂ LẮNG NGHE GIÁO PHÁP
  2. TƯ TƯỞNG GIÁC NGỘ
  3. LẼ VÔ THƯỜNG CỦA CUỘC ĐỜI

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP