CÁCH THỨC ĐÚNG ĐẮN ĐỂ LẮNG NGHE GIÁO PHÁP

PATRUL RINPOCHE

Trích: Lời Vàng Của Thầy Tôi; Nguyên tác: O-rgyan-‘jigs-med-chó-kyi-dban-po; Bản dịch Anh ngữ: The Words of My Perfect Teacher; Dịch giả Anh ngữ: Padmakara Translation Group; Nhà xuất bản: Shambhala, Boston, Hoa Kỳ (1994, 1998); Chuyển dịch Việt ngữ: Nhóm Longchenpa – Thanh Liên và Tuệ Pháp.


Cách thức đúng đắn để lắng nghe giáo pháp gồm có hai khía cạnh: thái độ (hay động lực) đúng đắn và hành vi đúng đắn.
1. Thái Độ
Thái độ hay động lực đúng đắn là thái độ kết hợp (1) Bồ Đề Tâm (bodhicitta), tức tâm giác ngộ bao la, cùng với (2) phương tiện thiện xảo vô hạn của Mật Thừa (Secret Mantrayāna).
1.1 ĐỘNG LỰC BAO LA CỦA BỒ ĐỀ TÂM
Suốt từ vô thủy vô chung, không có một chúng sinh nào trong biển luân hồi đau khổ mênh mông này chưa từng là cha hay mẹ của chúng ta [trong một kiếp nào đó]. Khi là cha là mẹ của chúng ta, ý tưởng duy nhất mà họ canh cánh bên lòng là nuôi nấng ta với lòng nhân từ to lớn nhất mà họ có thể có được, bảo vệ chúng ta với tình yêu thương vĩ đại và ban phát cho ta những gì tốt lành nhất trong số thực phẩm và áo quần của họ. Tất cả những chúng sinh này, là những người đã quá tử tế với chúng ta.

Những chúng sinh ấy đều muốn được hạnh phúc, tuy nhiên họ không biết làm thế nào để thực hiện những điều mang lại hạnh phúc, hay thực hiện mười hành vi thiện lành (thập thiện). Không ai muốn đau khổ, nhưng họ không biết cách từ bỏ mười hành vi xấu ác (thập ác), là gốc rễ của mọi đau khổ. Vì thế ước muốn sâu xa nhất trong lòng của họ và những điều họ thực sự làm bên ngoài thì thật là trái nghịch với nhau. Những chúng sinh khốn khổ, lạc loài và mê lầm này giống như những người mù bị bỏ rơi giữa cánh đồng hoang!

Hãy tự nhủ: “Chính vì hạnh phúc của họ mà tôi sẽ lắng nghe Giáo Pháp thâm diệu và đưa Giáo Pháp ấy vào con đường thực hành. Tôi sẽ dẫn dắt tất cả chúng sinh này, là cha hay mẹ của tôi, đang bị hành hạ bởi những nỗi khổ trong sáu cõi luân hồi. Tôi sẽ đưa họ tới Phật Quả toàn giác, giải thoát họ khỏi tất cả những hiện tượng nghiệp báo, khỏi những tập khí và những đau khổ mà họ đang gánh chịu trong mỗi một cõi trong sáu cõi.” Điều quan trọng là phải có thái độ [hay động lực] này mỗi khi bạn lắng nghe giáo pháp hay thực hành giáo pháp.

Bất cứ khi nào bạn làm điều gì tốt lành, dù quan trọng hay không quan trọng, bạn bắt buộc phải vun bồi cho việc bạn làm bằng ba phương pháp siêu việt sau đây. Trước khi bắt đầu, (1) hãy khơi dậy Bồ Đề Tâm như một phương tiện thiện xảo để đảm bảo rằng hành vi ấy sẽ trở thành suối nguồn của những điều thiện lành trong tương lai. Trong lúc thực hiện việc đang làm, (2) nên tránh vướng mắc vào bất kỳ hình thức vọng tưởng nào để công đức không bị những yếu tố liên hệ phá hủy. Khi kết thúc,(3) hãy niêm phong việc làm ấy một cách đúng đắn bằng cách hồi hướng công đức, vì hồi hướng công đức chắc chắn sẽ giúp cho việc ta làm còn tiếp tục phát triển lớn lao hơn nữa.

Cách bạn lắng nghe Giáo Pháp rất quan trọng, nhưng còn quan trọng hơn nữa chính là động lực thúc đẩy bạn lắng nghe như vậy.
“Điều gì tạo nên một hành vi tốt hoặc xấu?
Không phải vẻ bề ngoài, cũng không phải lớn hay nhỏ,
Mà bởi động lực xấu hay tốt đằng sau. “

Cho dù bạn đã được nghe nhiều Giáo Pháp tới đâu chăng nữa, nhưng nếu những mối quan tâm tầm thường là động lực thúc đẩy bạn – chẳng hạn như lòng tham muốn trở nên vĩ đại, muốn tiếng tăm – thì đó không phải là con đường của Giáo Pháp chân chính. Vì thế, trước tiên, điều hết sức quan trọng là bạn phải chuyển nhìn vào bên trong tâm bạn và thay đổi động lực hay tác ý của bạn. Nếu bạn có thể chỉnh sửa thái độ của bạn thì những hành động tốt lành của bạn sẽ luôn thấm nhuần phương tiện thiện xảo, và bạn sẽ bước đi trên con đường của những bậc vĩ đại.

Nếu bạn không thể làm được như vậy thì tuy rằng bạn có thể nghĩ rằng mình đang tu học và thực hành Giáo Pháp, nhưng đó sẽ chẳng khác gì hơn là một cái vỏ bề ngoài của cái chân thật bên trong. Do đó, bất kỳ khi nào bạn lắng nghe Giáo Pháp và hành trì Giáo Pháp, cho dù là thiền định về một Bổn Tôn, lễ lạy, đi nhiễu, hay trì tụng một câu minh chú (mantra) – cho dù chỉ một chữ mani duy nhất – thì điều cốt yếu là luôn luôn phải phát khởi Bồ Đề Tâm.

1.2 THIỆN XẢO BAO LA TRONG PHƯƠNG TIỆN: ĐỘNG LỰC TU TẬP CỦA CON ĐƯỜNG MẬT
THỪA
Quyển Tam Pháp Tuệ Đăng Mật Điển (Ngọn Đuốc của Ba Pháp Tu) có nói về Mật Thừa như sau:
“Cùng mục tiêu nhưng tự tại thoát khỏi mọi mê lầm,
Phong phú trong phương tiện và chẳng có gì khó khăn,
Dành cho những người có căn cơ nhạy bén.
Mật Thừa là tối thượng. “

Con đường đi đến Mật Thừa có nhiều ngã. Mật Thừa bao gồm nhiều phương pháp tích lũy công đức và trí huệ, cùng với nhiều phương tiện thiện xảo giúp cho tiềm năng trong chúng ta hiển lộ mà ta không cần phải trải qua những gian khổ lớn lao. Nền tảng của các pháp tu này là cách thức chúng ta dẫn dắt soi sáng cho những nguyện ước của mình:

“Tất cả tùy thuộc vào hoàn cảnh
Và hoàn toàn tùy thuộc vào nguyện lực của ta. “

Không được coi nơi giảng Pháp, vị Thầy, Giáo Pháp và v..v… như là những gì bình thường và bất tịnh. Khi bạn lắng nghe Pháp, hãy giữ cho năm yếu tố toàn hảo (five perfections) thật rõ ràng sáng tỏ trong tâm: Nơi chốn toàn hảo là thành trì của pháp giới bao la viên mãn, được gọi là Akanistha, có nghĩa là “Vô Song.” Vị Thầy toàn hảo là đức Phật Phổ Hiền (Samantabhadra), Pháp Thân. Tăng đoàn toàn hảo bao gồm các vị Bồ Tát nam và nữ và những vị Bổn Tôn của dòng tâm truyền (biệt truyền) của các Đấng Chiến Thắng và của dòng truyền qua biểu tượng của các bậc Trì Minh Vương (Vidyadhara).

Hoặc bạn có thể nghĩ tưởng rằng nơi giảng Pháp là Cung điện Liên Hoa Quang của Núi Huy Hoàng Màu Đồng Đỏ, vị Thầy giảng Pháp là Đức Liên Hoa Sanh xứ Oddiyāna, và chúng ta, thính chúng, là Tám Trì Minh Vương (Eight Vidyādharas), Hai Mươi Lăm Đệ Tử (Twenty-five Disciples), và các vị Không Hành nam và Không Hành nữ (dākas và dākinis).

Hoặc bạn nghĩ tưởng rằng nơi chốn toàn hảo này là Cõi Phật Phương Đông, cõi Hiển Lạc, ở đó có vị Thầy toàn hảo là đức Kim Cương Tát Đỏa (Vajrasattva), là một Báo Thân toàn hảo, đang giảng dạy cho tập hội gồm những bậc hiền thánh tăng thuộc Kim Cương Phật Bộ và chư Bồ Tát nam và nữ. Tương tự, nơi chốn toàn hảo để giảng Pháp có thể là Cõi Phật Phương Tây, cõi Cực Lạc, vị Thầy toàn hảo là đức Phật A Di Đà, và tập hội các Bồ Tát nam và nữ và các Bổn Tôn thuộc Liên Hoa Phật Bộ. Trong mọi trường hợp, Pháp là Giáo Pháp của Đại Thừa và thời gian là bánh xe vĩnh cửu thường chuyển (the ever-revolving wheel of eternity).

Những quán chiếu này là để giúp cho chúng ta có thể thấu suốt được thực trạng của tất cả sự vật. Đây không phải là chúng ta đang tạm thời tạo tác điều gì không thực sự hiện hữu. Thầy của ta là hiện thân của tinh tuý của tất cả chư Phật khắp ba thời. Ngài là sự hợp nhất của Tam Bảo: thân Ngài là Tăng đoàn, khẩu Ngài là Pháp, ý Ngài là Phật. Ngài là sự hợp nhất của Ba Nguồn Gia Trì: thân của

Ngài là Thầy (lama), khẩu của ngài là vị Hộ Phật (deity, hay Bổn Tôn – yidam), ý của Ngài là Nữ Không- Hành hay Thiên Nữ Diệu Không (dākinī). Ngài là sự hợp nhất của ba Thân (kāyas): thân Ngài là Hóa Thân, khẩu Ngài là Báo Thân, ý Ngài là Pháp Thân. Ngài là hiện thân của tất cả chư Phật trong quá khứ, là suối nguồn của tất cả chư Phật trong tương lai và là đại diện cho tất cả chư Phật trong hiện tại. Bởi Ngài, Thầy của ta, đã chấp nhận những chúng sinh suy đồi như chúng ta làm đệ tử, là những kẻ mà không vị nào trong hàng ngàn vị Phật trong thời Hiền Kiếp10 có thể cứu giúp, nên lòng bi mẫn và quảng đại của Thầy ta còn trội vượt hơn tất cả muôn chư Phật.

“Thầy là Phật, Thầy là Pháp, Thầy cũng là Tăng Đoàn.
Thầy là bậc đại thành tựu giả.
Thầy là đấng Kim Cương Trì Quang Vinh. “

Chúng ta, tập hội những người lắng nghe giáo lý, hãy biết vận dụng nền tảng tu tập là Phật tánh của riêng ta, vận dụng lực hỗ trợ là đời người quý báu, vận dụng hoàn cảnh là có được một vị Thầy tâm linh và vận dụng phương pháp là tuân theo lời chỉ dạy của Ngài, để nương vào đó, ta có thể trở thành những vị Phật trong tương lai. Như Mật điển Hô Kim Cương (Hevajra) có nói:
“Tất cả chúng sinh đều là Phật,
Nhưng bị những ô nhiễm giả hợp che lấp.
Khi ô nhiễm được tịnh hóa, Phật quả sẽ hiển lộ. “

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. SỰ THỰC HÀNH CHÍNH YẾU LÀ TU HÀNH BỒ ĐỀ TÂM
  2. BỒ ĐỀ TÂM VÀ CHẤP THỦ
  3. BỒ ĐỀ TÂM ĐỒNG VỚI CÔNG ĐỨC CỦA TẤT CẢ PHẬT PHÁP

Bài viết khác của tác giả

  1. SÁU ĐIỀU NHIỄM Ô
  2. TƯ TƯỞNG GIÁC NGỘ
  3. LẼ VÔ THƯỜNG CỦA CUỘC ĐỜI

Bài viết mới

  1. HÀO PHÓNG – VẼ LẠI NHỮNG LẰN RANH
  2. NHỮNG KẺ ĐỊCH THÂN CẬN
  3. KHẢ NĂNG TRUYỀN CẢM HỨNG